Ảnh hưởng của việc bổ sung các enzyme phân giải xơ đến khả năng sinh khí in vitro của một số loại th

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Ảnh hưởng của việc bổ sung các enzyme phân giải xơ đến khả năng sinh khí in vitro của một số loại thức ăn giàu cellulose làm thức ăn cho gia súc nhai lại
Ngày đăng bài - 3/27/2021 12:00:00 AM
Ảnh hưởng của việc bổ sung các enzyme phân giải xơ đến khả năng sinh khí in vitro của một số loại thức ăn giàu cellulose làm thức ăn cho gia súc nhai lại

Tóm tắt

 

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác động của hai chế phẩm enzyme phân giải xơ BestFRumen và BestFRumenk được tạo ra từ quá trình lên men chủng nấm sợi hữu ích A.oryzaevà vi khuẩn Lactobacillus, Bacillus và Saccharomyces có chứa enzyme xelulaza, amylaza, xylanaza và ß-glucanaza ở các mức 9, 11, 13‰/kg DM với BestRumen và 11, 13, 15‰/kg DM với BestFRumenk đến quá trình lên men in vitro gas production của rơm lúa, cỏ khô Pangola, cỏ Voi và thân cây ngô sau thu bắp.

Ảnh minh họa

Các mẫu được ủ trong 96 giờ ở 390C. Sử dụng mô hình toán sinh học để ước tính các thông số mô tả đặc điểm sinh khí như lượng khí tích lũy (B), tốc độ sinh khí (c), pha dừng (L). Tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ (OMD) và axít béo bay hơi tổng số (VFA) được tính toán trên cơ sở khí tích lũy ở 24 giờ ủ. Các kết quả cho thấy việc bổ sung chế phẩm đã cải thiện lượng khí tích lũy và các thông số đặc điểm sinh khí, ME và VFA và có tương quan tuyến tính với chế phẩm enzyme và mức (P<0,05). Bổ sung BestFRumen mức 9, 11‰/kg DM và BestFRumenk mức 11, 13‰/kg DM đạt các giá trị B, c, OMD và VFA cao hơn đáng kể so với mức bổ sung khác (P<0,05).

 

Cần nghiên cứu tiếp về khả năng phân giải in sacco thức ăn và thay đổi vi sinh vật dạ cỏ gia súc nhai lại để xác định liều lượng bổ sung tối ưu.


Từ khóa: Enzyme phân giải xơ,in vitro gasproduction, rơm lúa, cỏ khô Pangola, cỏ Voi và thân cây ngô sau thu bắp

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Trong những năm qua, khả năng tiêu hóa thành tế bào thực vật thức ăn thô nuôi gia súc nhai lại đã có những cải thiện đáng kể thông qua những tiến bộ áp dụng vào chương trình lai tạo cây thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa thức ăn thô xanh vẫn còn làm hạn chế năng lượng tiêu hóa ăn vào của bò sữa và bò thịt (Beauchemin và ctv, 2003), vì chỉ dưới 50% các thành phần của thành tế bào thực vật trong thức ăn được gia súc tiêu hóa và sử dụng dễ dàng (Hat Field và ctv, 1999).

 


Việc sử dụng phụ gia là các chế phẩm enzyme phân giải xơ bổ sung vào khẩu phần ăn của gia súc nhai lại ngày càng thu hút sự chú ý do làm tăng khả năng tiêu hóa thức ăn thô, cải thiện năng suất và giảm bài tiết chất dinh dưỡng (Beauchemin và ctv, 2003). Tuy nhiên, hiệu quả của enzyme phân giải xơ là rất khác nhau (Colombatto và ctv, 2003). Các phản ứng không nhất quán được cho là do sự khác biệt trong công thức sản phẩm và tỷ lệ liều lượng, là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt tính của enzym được cung cấp (Beauchemin và ctv, 2003). 

 

Các yếu tố khác, như thành phần thức ăn thô và phương pháp cung cấp enzyme phân giải xơ cho vật nuôi, cũng góp phần vào các phản ứng không nhất quán (Beauchemin và ctv, 2003). Việc xác định các hoạt động enzym chính cần thiết để có hiệu quả nhất quán trên động vật nhai lại là một thách thức vì các cơ chế của enzyme phân giải xơ tác động giúp cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn của vi sinh vật vẫn chưa được hiểu rõ (Beauchemin và ctv, 2004).

 

Các hoạt động chính cần thiết giúp cải thiện quá trình phân giải xơ của thức ăn ở gia súc nhai lại có thể khác với những hoạt động cần thiết trong các ứng dụng thường được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp (ví dụ, ngành dệt may và thực phẩm). Đối với gia súc nhai lại, các enzym phải hoạt động hiệp đồng cùng với các hoạt động enzym nội sinh của vi khuẩn dạ cỏ (Morgavi và ctv, 2000).

 

 Ngoài ra, để các enzym cải thiện quá trình phân giải thức ăn thô xanh thì các hoạt tính của enzymđược bổ sung phải đặc hiệu đối với các mục tiêu của thành phần hóa học thức ăn thô, dothành phần cụ thể của các enzym tương ứng với từng cơ chất của chúng (White và ctv, 1993). Do đó, các hoạt động chính của enzym có thể khác nhau giữa các loại thức ăn gia súc.

 

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của các mức bổ sung enzyme phân giải xơ đến khả năng sinh khí in vitro gas production của một số thức ăn thô giàu xơ phổ biến dùng nuôi động vật nhai lại.

 


KẾT LUẬN

 

Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn trong nghiên cứu này có sự biến động do vậy lượng khí sinh ra, các thông số về đặc điểm sinh khí trong quá trình lên men in vitro, giá trị tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ và hàm lượng axit béo bay hơi tổng số có sự khác nhau tùy loại thức ăn.

 

Việc bổ sung chế phẩm emzyme phân giải xơ đã làm tăng lượng khí sản sinh, tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ và hàm lượng axit béo bay hơi Bổ sung chế phẩm BestFRumen mức 9 và 11‰; BestFRumen mức 11 và 13‰ cho kết quả về lượng khí sản sinh, tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ và hàm lượng axít béo bay hơi cao hơn so với so với các mức bổ sung khác (P<0,05).

 

Cần nghiên cứu tiếp về khả năng phân giải insacco thức ăn và thay đổi vi sinh vật dạ cỏ gia súc nhai lại để xác định liều lượng bổ sung tối ưu.


Phạm Ngọc Thạch3, Phạm Kim Cương1*, Mai Văn Sánh2, Lê Văn Hùng1, Chu Mạnh Thắng1 và Nguyễn Thiện Trường Giang1


1 Viện Chăn nuôi
2 Hiệp Hội gia súc lớn Việt Nam
3 Doanh nghiệp TKT (Nghiên cứu sinh Viện Chăn nuôi)
*Tác giả liên hệ: TS. Phạm Kim Cương, Bộ môn Dinh dưỡng và Thức ăn, Viện Chăn nuôi. ĐT: 0983356175; Email: phamkimcuong63@gmail.com

Nguồn: 

Nguồn: Tạp chí KTKT Chăn nuôi số tháng 9.2020 – Hội Chăn nuôi Việt Nam – ISSN 1859 – 476X Link truy cập toàn file: http://nhachannuoi.vn/wp-content/uploads/2020/10/FILE_20201021_113615_TAPCHICHANNUOI259-da-nen.pdf

 

Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà 73, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.


Điện thoại: 024.36290621


Fax: 024.38691511


E – mail: tapchichannuoi@hoichannuoi.vn


 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập