Bản tin Chăn nuôi Việt Nam từ ngày 28/4-4/5/2021

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Bản tin Chăn nuôi Việt Nam từ ngày 28/4-4/5/2021
Ngày đăng bài - 5/12/2021 12:00:00 AM
Bản tin Chăn nuôi Việt Nam từ ngày 28/4-4/5/2021

Những điểm chính

+ Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng giá bán.

+ Giá thịt lợn hơi giảm.

 

I. TIN TỨC BỘ/NGÀNH

 

Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi

 

Theo Thông tư số 24/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 17/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Theo đó, giảm 50% mức phí: Thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Thông tư quy định miễn thu phí đối với các đối tượng là: Cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nội dung thu phí quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24.

 

Từ ngày 1/1/2022 trở đi, áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí ban hành tại Thông tư số 24/2021/TT-BTC.

 

II. CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

 

1. Thị trường chăn nuôi trong nước

 

Khái quát tình hình các sản phẩm chăn nuôi tháng 4.2021

 

Giá lợn nạc giao tháng 5/2021 thị trường Chicago, Mỹ biến động tăng trong tháng qua với mức tăng 5,95 UScent/lb (tương đương 3.023 VNĐ/kg) lên mức 107,45 UScent/lb (tương đương 54.593 VNĐ/kg). Giá thịt lợn tăng do nguồn cung thịt lợn hạn hẹp và nhu cầu tăng mạnh.

 

Tại thị trường trong nước, trong tháng 4/2021, giá lợn hơi biến động giảm tại các khu vực. Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Hai tỉnh Lào Cai và Phú Thọ được ghi nhận mức giao dịch thấp nhất khu vực ở mốc 71.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Hai tỉnh Tuyên Quang và Nam Định lần lượt giảm 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg so với tháng trước, hiện đang thu mua chung ngưỡng 72.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Bắc được ghi nhận trong khoảng 71.000 – 73.000 đồng/kg.

 


Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên giảm 2.000 đồng/kg, giá thu mua lợn hơi trong khoảng 70.000 – 74.000 đồng/kg. Giá giao dịch thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 70.000 đồng/kg. Tại Quảng Trị và Bình Định, hiện giao dịch lợn hơi cùng ở mức 71.000 đồng/kg.

 

Giá lợn hơi khu vực phía Nam cũng có biến động giảm so với tháng trước, dao động trong khoảng 72.000 – 74.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại tỉnh Kiên Giang giảm 1.000 đồng/kg, hiện thu mua với giá 74.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bạc Liêu và Trà Vinh, sau khi giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi lần lượt giao dịch tại mốc 73.000 đồng/kg và 74.000 đồng/kg.

 

Đối với các sản phẩm gia cầm bán tại trại, giá gà thịt lông màu đều tăng nhẹ ở các địa phương, trong khi đó giá gà công nghiệp giảm nhẹ ở miền Bắc, giá trưng giữ ổn định trong tháng qua. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc tăng 3.000 đồng/kg lên mức 36.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Trung tăng 4.000 đồng/kg lên mức 36.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ tăng 9.000 đồng/kg lên 36.000 – 37.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg xuống 21.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giữ mức 27.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Đông và miền Tây Nam Bộ tăng 1.000 đồng/kg lên 29.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc và miền Trung giữ ở mức 1.200 – 1.600 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ giảm 200 – 250 đồng/quả, hiện ở mức 950 – 1.100 đồng/quả.

 

2. Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng

Một doanh nghiệp thông báo tăng giá TACN

 

Các doanh nghiệp như C.P, Cargill, Guyomarc’h-VCN, Vina , BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam… đã có thông báo chính thức gửi đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi.  Theo đánh giá, tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-7 đợt, tùy doanh nghiệp.

 

Cụ thể, Vina miền Bắc (nhà máy Hải Dương và Hà Nam) trong thông báo ngày 05 tháng 5 do chủ tịch HĐQT VinaFeed miền Bắc ông Phạm Đức Luận kí, ghi rõ:

 

Để phù hợp với tình hình giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và để đảm bảo tốt nhất tới thị trường, Công ty Vina Miền Bắc tăng giá đối với tất cả các sản phẩm của thương hiệu VINA, thực hiện đối với cả 02 nhà máy Vina Hải Dương và Hà Nam: Cụ thể, sản phẩm 100S tăng giá 3.000 đồng/kg; các sản phẩm còn lại (bao gồm cả cám cá) tăng giá 300 đồng/kg. Việc điều chỉnh giá này thực hiện từ ngày 10/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.

 

Còn Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN cho biết, cũng cho do nguyên liệu ngày càng tăng cao nên công ty buộc phải tăng giá bán đối với sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm thương hiệu PRESENCE, COFNA, EVIALIS như sau:

 


1. Các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà: tăng 400 đồng/kg;
2. Các loại thức ăn hỗn hợp cho heo con: tăng 400 đồng/kg.
3. Các loại thức ăn hỗn hợp cho heo nái và heo thịt: tăng 350 đồng/kg.
4. Các loại thức ăn khác: tăng 300 đồng/kg.

 

Trong thông báo, đại diện doanh nghiệp này còn bày tỏ: “Công ty luôn ý thức được là trong bối cảnh giá nguyên liệu ngày càng tăng cao nhưng giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định sẽ sẽ có nhiều khó khăn đối với Quý khách hàng và Công ty. Nhưng trước mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững của cả hai bên, Công ty mong mỏi sự cộng tác chặt chẽ của Quý khách hàng để có thể vượt qua thời điểm khó khăn này. Khi giá nguyên liệu giảm xuống, Công ty sẽ xem xét điều chỉnh lại giá bán của các sản phẩm trên. Giá này sẽ áp dụng kể từ ngày 07/05/2021 đối với cả nhà máy Bình Dương, Đồng Tháp và tất cả các kho trung chuyển”.

 

Công ty Cổ phần ABC Việt Nam cũng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm TACN cao cấp ABC, Hoàng Phát do Công ty sản xuất như sau: Mã sản xuất Baby 01 tăng 4.000 đồng/kg; hỗn hợp ăn tập ăn: tăng 1.000 đồng/kg; mã các sản phẩm H56A, H56S, A2A, GT1 tăng 6000 đồng/kg; các loại còn lại tăng 330 đồng/kg và thời gian áp dụng từ 6h00 ngày 03/05/2021.

 

Công ty TNHH Cargill Việt Nam ngày 28/4/2021 đã thông báo đến khách hàng thủy sản miền Nam và miền Bắc việc tăng giá 250 đồng/kg cho sản phẩm cá Tra; tăng 300 đồng/kg cho sản phẩm cá tra giống, cá lóc, cá Thát lát, Ếch; tăng 400 đồng/kg cho sản phẩm cá vảy; tăng 500 đồng/kg cho sản phẩm cá chép (sản phẩm 7924). Thời gian áp dụng từ ngày 05/05/2021.

 

C.P Việt Nam cũng thông báo tăng giá sản phẩm thức ăn từ ngày 05/05/2021, cụ thể:

 

Tăng 400 đồng/kg thức ăn cho cá nhãn hiệu CP 994#; tăng 500 đồng/kg (áp dụng cho thức ăn cá rô đồng nhãn hiệu CP 992#, cá Tra, Ba Sa nhãn hiệu Big Feed 8933, Ếch nhãn hiệu CP 996# và Star Feed 596#, cá Thát Lát Turbo 891#, cá Lóc CP 998#, Star Feed 598#, cá Chép CP 991, cá Trê vàng Star feed 595Y.

 

Tăng 600 đồng/kg áp dụng cho các Rô phi, Điêu hồng CP 995#, Star Feed 595#)

 

Tăng 700 đồng/kg áp dụng cho cá giống Higarde 9991, CP 9901.

 

2. Thị trường chăn nuôi thế giới

 

72 nhà lập pháp Mỹ kiến nghị gỡ bỏ thuế xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam

 

Một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng ở Hạ viện Mỹ đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden tìm cách gỡ bỏ thuế quan của Việt Nam đối với thịt heo nhập khẩu từ Mỹ.

 

Theo Bloomberg, vào ngày 5/5, 72 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã đệ trình một bức thư lên Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

 

Trong thư, 72 nhà lập pháp cho biết các nhà sản xuất thịt heo Mỹ không thể tiếp cận đáng kể thị trường Việt Nam. Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề trong dịch tả heo châu Phi (ASF) và buộc phải tăng nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài.

 

Tuy nhiên, “các hàng rào thuế quan và phi thuế quan lại khiến thịt heo của Mỹ khó cạnh tranh ở thị trường Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng thịt heo chất lượng từ bên ngoài”, các hạ nghị sĩ nhấn mạnh.

 

“Hệ quả là, đối thủ của chúng ta ở Liên minh châu Âu (EU) và ở các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể thuận lợi tận dụng cơ hội to lớn này thông qua các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam”, bức thư có đoạn.

 

Do ảnh hưởng của dịch ASF mà trong hai năm qua, Viêt Nam đã tiêu hủy hơn 2 triệu con heo trong nước và bắt đầu nhập khẩu thịt heo.

 

Trong bức thư, các hạ nghị sĩ Mỹ cho biết, “vài năm qua đặc biệt khó khăn đối với các công ty sản xuất thịt heo của Mỹ vì các thị trường tiêu thụ lần lượt áp dụng lệnh trừng phạt thương mại với những doanh nghiệp này”. Tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra cũng giáng đòn đau vào ngành chế biến thịt heo tại Mỹ.

 

Năm ngoái, Việt Nam đã tạm thời giảm thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ Mỹ từ 15% xuống 10%. Trong nửa cuối năm 2020, xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Việt Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, các hạ nghị sĩ thông tin thêm. Việc tạm thời hạ thuế nhập khẩu này hết hạn vào cuối năm ngoái.

 

Về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 4 năm 2021 ước đạt 36 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 125 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 34 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 4 năm 2021 đạt 343,8 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,38 tỷ USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 395,4 triệu USD, tăng 6,3%.

 

 

III. HOẠT ĐỘNG HỘI

 

Ông Nguyễn Tất Thắng - Tổng Thư kí Hội Chăn nuôi phát biểu trên báo chí:

 

Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Namm ông  Nguyễn Tất Thắng cho biết thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá từ giữa năm 2020. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 5-6 lần điều chỉnh với mức tăng 30%-50%, thậm chí có nguyên liệu tăng lên 100% như vitamin, acid amin, chất khoáng...

 

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 60%-70% chi phí sản xuất nên khi thức ăn tăng giá sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Nguồn cung giảm đi do nhiều người chăn nuôi không dám tái đàn, cộng với giá thành sản xuất tăng lên sẽ đẩy giá bán thành phẩm (thịt heo, gà, vịt…) lên cao.

 

“Năm vừa qua, giá thịt heo tăng rất cao, trong đó có một phần nguyên nhân từ tăng giá thức ăn chăn nuôi. Với tình trạng như hiện nay, khả năng giá các sản phẩm chăn nuôi ra ngoài thị trường sẽ tăng lên, người tiêu dùng bị ảnh hưởng” - ông Thắng nói.

 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ ra nghịch lý khi ngành chăn nuôi của Việt Nam chiếm tỉ trọng 38%-40% tổng giá trị sản phẩm sản lượng nông nghiệp, song lại không có đất để trồng các loại cây phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

“Mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 7 triệu tấn ngô, 3-4 triệu tấn sắn, hơn 1 triệu tấn đậu tương… Đây là những nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại được ưu tiên dùng cho nhiều nguồn khác nhau như làm thực phẩm cho con người, làm nguyên liệu cho công nghệ sinh học, thực phẩm và phục vụ xuất khẩu. Do vậy, nguyên liệu dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn thiếu, buộc phải nhập khẩu” - ông Thắng cho biết.

 

Vậy giải pháp ứng phó như thế nào? Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy vừa giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm tăng lên.

 

Về lâu dài cần có chiến lược giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi; dành một tỉ lệ thích đáng đất nông nghiệp cho trồng trọt, sản xuất các nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

 

“Mặt khác, Việt Nam là nước nông nghiệp. Trong quá trình chế biến nông lâm thủy sản có hàng chục triệu tấn phụ phẩm, chủng loại phong phú như bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm lò mổ, mỡ cá tra, vỏ đầu tôm... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các chủ thể đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để sử dụng các phụ phẩm này chế biến thành thức ăn cho chăn nuôi, như vậy cũng giảm bớt sức ép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu” - ông Thắng nói.

 

Link bài: https://plo.vn/kinh-te/ly-do-khien-nhieu-loai-thit-tang-gia-983269.html

 

IV. TIN TỨC CHĂN NUÔI ĐỊA PHƯƠNG

 

Cần Thơ: Giá dê thịt tăng cao, người nuôi có lời

 

Tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… dê hơi loại 1 (dê đực, khoảng 35-38 kg/con) có giá 145.000-150.000 đồng/kg, dê hơi loại 2 có giá khoảng 135.000-140.000 đồng/kg. Giá dê thịt tăng do nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, trong khi lượng dê tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương có phần giảm.

 

Theo hộ chăn nuôi dê, giá dê hơi ở mức cao như hiện nay, xuất bán mỗi con dê sau 4-5 tháng nuôi, người nuôi dê có thể lời từ 2,5-3 triệu đồng. Do chăn nuôi dê có lời cao và có thể tận dụng lá cây, cỏ trong tự nhiên để làm thức ăn, tiết kiệm chi phí tiền thức ăn (trong khi nhiều loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi tăng cao), nên người dân đang phát triển nuôi dê. Theo đó, giá dê giống đã tăng mạnh từ 20.000-30.000 đồng/kg so với trước, lên ở mức 190.000-200.000 đồng/kg (dê con trên dưới 15kg/con). Giá dê giống tăng nhưng người dân tại nhiều địa phương vẫn không dễ tìm mua dê giống.

 

 

Lào Cai: Tiêu hủy 375 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

 

Hộ chăn nuôi lợn chủ động khử trùng khu vực chăn nuôi.

 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến hết ngày 28/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 82 hộ thuộc 21 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn trên địa bàn 4 huyện, thành phố.

 

Cụ thể, từ ngày 25/2 – 28/4, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã xảy tại các xã, thị trấn: Tả Phời (thành phố Lào Cai); thị trấn Khánh Yên, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Nậm Xây (Văn Bàn); xã Việt Tiến, Bảo Hà, Xuân Thượng (Bảo Yên); xã Tung Chung Phố (Mường Khương). Bệnh dịch làm 375 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy (61 con lợn nái, lợn đực; 314 con lợn thịt, lợn con) với khối lượng 12.812 kg.

 

Nguyên nhân dịch bệnh tái phát là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly, an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình.

 

V. HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

 

    Trứng gà sạch Hòa Phát “phủ sóng” ở hàng loạt siêu thị

 

 

Với mục tiêu “phủ sóng”, gia tăng thị phần bán hàng trên cả nước, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đang đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường, bằng cách đa dạng hóa kênh bán hàng, từ trường học, KCN, bếp ăn, nhà hàng khách sạn, siêu thị…. Sản lượng trứng gà của Hòa Phát bán ra trong dịp lễ tăng 40% so với những ngày bình thường.

 

Cụ thể, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhu cầu thị trường tăng cao khiến sản lượng trứng gà Hòa Phát trong thời gian này bán ra đạt gần 1 triệu quả trứng/ngày.

 

Công ty Gia cầm Hòa Phát được cấp đầy đủ giấy chứng nhận VietGapHP, ISO 9001:2015, HACCP đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho các sản phẩm trứng gà Hòa Phát cung cấp ra thị trường. Tất cả các khay trứng đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc, giúp khách hàng có thể kiểm tra các thông tin và an tâm khi sử dụng sản phẩm trứng gà Hòa Phát.

 

Với ưu thế về chất lượng và số lượng, bên cạnh bán buôn trứng cho các đại lý lớn của Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đã cung cấp trứng gà sạch vào các hệ thống siêu thị của Hà Nội và các cửa hàng Foodshop, hệ thống nhà hàng, khách sạn, trường học chất lượng cao, các khu công nghiệp….

 

Hiện nay trứng gà Hoà Phát đang cung cấp đến 70% nhu cầu trứng gà của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ngoài Công ty Samsung, trứng gà Hoà Phát còn được cung cấp cho cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

 

Trứng gà Hòa Phát HPE và trứng gà so Hòa Phát hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị ở miền Bắc như: chuỗi 58 siêu thị của Tập đoàn BRG ở nội, ngoại thành Hà Nội, bao gồm Hệ thống Hapromart, Haprofood, Seikamart, Fujimart, Intimex, BRG InterShop; siêu thị UNO Mart và một số siêu thị tại Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương.

 

Dự kiến trung tuần tháng 5, Công ty sẽ tiến hành nhập lô gà giống 7.500 con từ Úc của hãng Hyline International để phục vụ cho nhu cầu gà giống bố mẹ của Công ty. Đây là lô gà giống bố mẹ thứ 8 mà Công ty Gia cầm Hòa Phát nhập về từ năm 2018 đến nay và là lô đầu tiên trong năm 2021.

 

Wisium mua lại Golden Farm, mở rộng năng lực cung cấp Premix tại Việt Nam

Ngày 29/04/2021, tại TP Hồ Chí Minh, ADM – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về dinh dưỡng vật nuôi, thông báo rằng đang mở rộng năng lực cung cấp Premix của thương hiệu Wisium tại Việt Nam, với việc mua lại Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Golden Farm.

 

Ông Gerald Wilflingseder, Chủ tịch ADM Dinh dưỡng Vật nuôi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Là nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường về Premix và các sản phẩm phụ gia dinh dưỡng chuyên biệt, Wisium mang tới khách hàng các giải pháp toàn diện, những giá trị gia tăng phù hợp theo nhu cầu của từng khách hàng dựa vào kinh nghiệm chuyên sâu, nguồn lực và sự sáng tạo của mình. Chúng tôi rất vui mừng mở rộng năng lực của mình tại Việt Nam và mong muốn được hợp tác với quý khách hàng trên toàn quốc nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu của họ và hơn thế nữa.”

 

Với việc mua lại Golden Farm, giờ đây Wisium sẽ mang đến quý khách hàng tại Việt Nam các sản phẩm premix tiên tiến được sản xuất tại nhà máy premix hiện đại tại Long Khánh – Đồng Nai, chất lượng được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế cùng với một loạt các sản phẩm sáng tạo và dịch vụ chuyên biệt tới khách hàng trên khắp Việt Nam.

 

Ông François Fernandez, Phó Chủ tịch Wisium toàn cầu cho biết: “Hai năm trước, chúng tôi ra mắt các dòng sản phẩm phụ gia dinh dưỡng chuyên biệt và dịch vụ của Wisium tại thị trường Việt Nam. Và đây là bước đi chiến lược tiếp theo để mở rộng phạm vi các sản phẩm premix giá trị gia tăng và dịch vụ của chúng tôi trên toàn quốc. Chúng tôi đã và đang mở rộng năng lực của Wisium trên phạm vi toàn cầu và rất phấn khởi khi được tiếp tục đầu tư trên khắp Đông Nam Á để mở rộng và củng cố vị thế của Wisium với tư cách là nhà cung cấp hàng đầu về Premix và các giải pháp về dinh dưỡng vật nuôi”.

 

HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM (AHAV)

Lưu ý: Thông tin sử dụng trong bản tin được thu thập từ những nguồn mà chúng tôi cho là đáng tin cậy. Thông tin trong bản tin chỉ mang tính tham khảo, các ước tính, dự báo có giá trị đến ngày ra báo cáo và có thể thay đổi bởi những biến động thị trường. Rất mong nhận được sự phản hồi, trao đổi thông tin và đóng góp ý kiến của độc giả để Bản tin ngày càng chất lượng hơn.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập