Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi trong dịp Lễ, Tết

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi trong dịp Lễ, Tết
Ngày đăng bài - 2/2/2018 12:00:00 AM
Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi trong dịp Lễ, Tết

Dịp tết Nguyên Đán và mùa lễ hội, người chăn nuôi thường bị cuốn hút vào việc chuẩn bị Tết, lễ hội nên sao nhãng việc chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi nên đàn gia súc gia cầm rất dễ bị nhiễm bệnh.

 

Trước, trong và sau tết Nguyên Đán thời tiết khắc nghiệt, có nhiều đợt rét đậm, rét hại, mưa rét kéo dài. Bên cạnh đó, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong dịp này cũng là những cảnh bảo mang mầm bệnh từ vùng này sang vùng khác. Người chăn nuôi thường bị cuốn hút vào việc chuẩn bị tết, mùa lễ hội nên sao nhãng việc chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi nên đàn gia súc gia cầm rất dễ bị nhiễm bệnh.

 

Đối với trâu bò một số bệnh hay gặp tại thời điểm này như: bệnh viêm phổi, Hội chứng tiêu chảy hoặc có thể xảy ra các bệnh truyền nhiễm như Tụ huyêt trùng, Lở mồm long móng, cảm lạnh. Đàn bò sữa ngoài các bệnh trên có thể mắc các bệnh về sinh sản như viêm vú, viêm tử cung âm đạo, bệnh chậm sinh. Trên đàn lợn một sô bệnh thường gặp như tai xanh, lở mồm long móng và hay gặp nhất là 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu).

 

Ở lợn con, lợn mới xuất chuồng hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli. Trên đàn gia cầm có thể xảy ra một số bệnh như Tụ huyết trùng, Gumboro, Newcastle, bệnh Cúm, Hội chứng tiêu chày.

 

Ở chó mèo hay xảy ra các bệnh như care, tiêu chảy, viêm ruột, đặc biệt có rất dễ xảy ra bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người và gia súc khác. Ở thời điểm này khi bệnh xảy ra nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao nguyên nhân do mầm bệnh (vi khuẩn, virut) phát tán nhanh.

 

Để chủ động bảo vệ sức khỏe đàn gia súc gia cầm trong dịp tết Nguyên Đán và mùa lễ hội người chăn nuôi và cán bộ kỹ thuật tại cơ sở cần áp dụng một số biện pháp như sau:

 

1. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

 

Là biện pháp đặt nên hàng đầu để nâng cao sức đề kháng cho con vật, chế độ ăn phải đảm bào đủ cả chất và lượng. Thông thường con vật bị đói, ăn uống không đủ chất lượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh, sức đề kháng yếu.

 

Với trâu bò, nhất là bò sữa cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh để cho con vật ăn đầy đủ. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với Ure để dự trữ thức ăn mùa đông cho bò, mặt khác khi trâu bò được ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng ăn tốt hơn. Để chủ động thức ăn mùa đông sắp tới, ngay từ bây giờ người chăn nuôi cần chú ý chăm bón diện tích trồng cỏ, thu mua các loại cỏ thân cây ngô, cây họ đậu, rơm tươi, rơm khô sau thu hoạch để ủ dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng phương pháp ủ chua và ủ rơm với Ure. Bên cạnh chế độ ăn, cần đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho con vật uống nước sạch, nếu trong ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm.

 

Trong thức ăn hàng ngày nên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung trực tiếp vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp. Khi sử dụng thức ăn trực tiếp chú ý kiểm tra phát hiện thức ăn có nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho con vật ăn. Với thức ăn ủ chua, ủ rơm với Ure phải đảm bảo có mùi vị đặc trưng, không cho con vật ăn thức ăn ủ bị hỏng mốc, có mùi vị khác thường.

 

2. Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin

 

Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi trong dịp Lễ, TếtCán bộ kỹ thuật tiêm phòng cho gia súc gia cầm

 

Đây là biện pháp bắt buộc để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, một số vác xin cần tiêm ngay tại thời điểm này và đảm bảo tiêm phòng định kỳ như với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đàn lợn đảm bảo tiêm phòng các bệnh tai xanh, lở mồm long móng và bốn bệnh đỏ (tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn). Lợn nái tiêm thêm vác xin leptospira, suyễn lơn, lợn con tiêm vác xin Ecoli. Với đàn gia cầm đảm bảo tiêm đầy đủ vác xin Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, đàn chó mèo tiêm phòng vác xin Dại, Care …

 

3. Tăng cường kiểm tra, nâng cấp và vệ sinh chuồng trại

 

Đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Trong những ngày này cần chú ý gia cố, cố định chuồng nuôi cho thêm chắc chắn để tránh gió, bão làm đổ, gây tốc mái chuồng. Che chắn chuồng nuôi nhằm tránh mưa tạt, gió lùa, dột ướt. Với những nơi chuồng nuôi có khả năng bị ngập úng kéo dài cần chủ động tìm nơi cao ráo để đưa gia súc gia cầm lên cao. Có thể dùng các vật liệu trong gia đình (gạch, tre, gỗ …) đề nâng cao nền chuồng, tránh ngập úng, đọng nước.

 

Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi trong dịp Lễ, TếtChe chắn chuồng trại cho gà

 

Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Vệ sinh cơ giới là quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng, lưu ý khi khâu này cần được làm thường xuyên hàng ngày. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Vikol, Halamit, Biocid, Haniodil. Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và  khu vực xung quanh. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống bioga để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.    

 

Hiện nay có một số sản phẩm khử mùi hôi trong chuồng có tác dụng rất tốt để xử lý chuồng trại như sản phẩm FarmCleam, sử dụng 50g/10m2, nếu là hố ủ thì sử dụng 50g/m3, cách sử dụng là trực tiếp rắc trên nền chuồng hoặc trực tiếp vào hố ủ. 

 

Những ngày này, cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Tốt nhất chủ động che chắn chuồng trại cho con vật vào ban đêm vì thời điểm giao mùa này sáng sớm thời tiết thường trở lạnh hoặc có gió mùa đông bắc. Khi có mưa phùn hoặc mưa bão kéo dài, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với con vật non, mới sinh. Với bê nghé non những ngày thời tiết lạnh, có mưa thì cho đi chăn thả muộn, cho vế sớm, trong chuồng nuôi nơi con vật nằm nên có chất độn chuồng bằng rơm khô, cỏ khô để con vật không bị nhiễm lạnh.

 

4. Tổng tẩy uế môi trường

 

Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm làm trong sạch môi trường và ngăn chặn mầm bệnh. Hàng năm các chính quyền địa phương thường phát động khoảng 5 đến 6 đợt tổng tẩy uế môi trường trong đó tập trung vào các nơi công cộng các chợ, nơi có bán động vật, sản phẩm động vật, nơi có ổ dịch cụ. Tuy nhiên đợt cuối năm và dịp này cần tuyên truyền tốt hơn để người dân làm trên diện tích rộng hơn từ các hộ đến đường làng ngõ xóm, nơi công cộng. Để nâng cao hiệu quả của các loại thuốc sát trùng cần làm tốt khâu vệ sinh cơ giới, những nơi chứa chất thải nên dùng vôi bột để xử lý vừa ngăn chặn mầm bệnh vừa hạn chế người qua lại.

 

5. Thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho con vật

 

Thời gian thời tiết khí hậu có bất lợi con vật rất dễ có biểu hiện không bình thường nên cần thường xuyên để ý, kiểm ra thăm khám cho con vật. Khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm, biểu hiện mệt mỏi ..) cần tách con vật nuôi nhốt riêng để theo dõi. Biện pháp làm ngay là giữ ấm cho con vật, cho con vật ăn uống tốt, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng, sau một vài ngày nếu con vậ tiến triển tốt trở lại bình thường cho nhập đàn trở lại. Trường hợp thấy con vật có các biểu hiện triệu chứng nặng lên, tiến triển không tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực kịp thời. 

 

6. Vận chuyển vật nuôi

 

Thời điểm trước trong, sau tết Nguyên Đán và mùa lễ hội lượng sản phẩm động vật sử dụng thường tăng khoảng trên 30 % so với các tháng trong năm do vậy việc vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật là rất lớn. Khi có nhu cầu vận chuyển con vật trong thời điểm này cần chú ý theo dõi thông tin về thời tiết để tránh và hạn chế thấp nhât vận chuyển con vật vào những ngày có mưa, gió mùa Đông Bắc. Chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển cho con vật, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện nay theo quy định lủa Luật Thú y (có hiệu lực từ 1/7/2016) thì không phải làm kiểm dịch nội tỉnh nhưng cũng cần chú ý việc xác định nguồn gốc động vật. Khi mới nhập đàn trong thời điểm này với trâu bò ngoài việc tiêm phòng các vác xin thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu để phòng một số bệnh như tiên mao trùng, lê dạng trung, biên trùng. Khi vận chuyển đảm bảo phương tiện vận chuyển tốt, có che chắn và vật dụng đệm nót tốt đồng thời đảm bảo dinh dưỡng để tăng sức khỏe cho con vật. 

 

7. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

 

Với chính quyền địa phương nên tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để huy động cả cộng đồng người dân vào cuộc thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật. Tổ chức tốt các kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tại địa phương đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sự đồng thuận cao trong người dân. Với lực lượng cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ chuyên môn cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, hàng ngày đi kiểm tra xử lý kịp thời gia súc gia cầm chết ở các bãi rác thải, nơi công cộng. Tích cực hướng dẫn người dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nêu trên có như vậy sức khỏe đàn gia súc gia cầm sẽ được đảm bảo trong dịp tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội./. 

 

Nguyễn Ngọc Sơn
Chi cục trưởng – Chi cục Thú y Hà Nội
Nguồn: nhachannuoi.vn

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập