Chăn nuôi trâu và những nghiên cứu về con trâu trên thế giới

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Chăn nuôi trâu và những nghiên cứu về con trâu trên thế giới
Ngày đăng bài - 2/17/2021 12:00:00 AM
Chăn nuôi trâu và những nghiên cứu về con trâu trên thế giới

Trên thế giới

 

Chăn nuôi trâu trên thế giới ngày càng được phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tốc độ tăng đàn bình quân của đàn trâu giai đoạn 2004-2016 là 1,06% với quần thể trâu năm 2004 là 174 triệu con, đến năm 2018 là 206,6 triệu con. Số lượng trâu được phân bố trên 50 quốc gia, tập trung chủ yếu ở châu Á (97,07%), châu Phi (2,12%), châu Âu (0,18%) và châu Mỹ (0,62%). Năm 2016, quốc gia có số lượng trâu lớn nhất là Ấn Độ, chiếm 58,91% tổng số lượng trâu thế giới (113,72 triệu con), tiếp đó là Pakistan 16,72% (32,21 triệu con) và Trung Quốc 12,66% (23,70 triệu con), còn lại là ở các nước Nê Pan, Ai Cập, Philippin, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

 

Chăn nuôi trâu ở Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới

 

 Quần thể trâu Việt Nam chiếm 1,41% (2,42 triệu con), đứng thứ 8 trên thế giới (FAO, 2018). Trên thế giới, con trâu cũng rất được con người quan tâm nghiên cứu với nhiều công trình về các lĩnh vực khác nhau nhằm đánh giá đúng bản chất của chúng để bảo tồn, khai thác hữu hiệu.

 

3.1.1. Chọn lọc nhân thuần

 

Các nước phát triển và nổi tiếng trong chăn nuôi trâu nhất trên thế giới làm bài bản công tác giống, đặc biệt là vấn đề chọn lọc nhân thuần và lai tạo giống. Trong đó công tác chọn lọc nhân thuần là bước đầu tiên quan trọng để tạo ra nguồn gen thuần và đặc trưng theo từng nhóm trâu của mỗi nước. Có một số nước có nguồn gen tốt nên họ chỉ cần chọn lọc nhân thuần đã tạo ra được những giống trâu tốt như Italia, Ấn Độ, Pakistan. Tại Ấn Độ, đã rất thành công tạo được những giống trâu sông nổi tiếng trên toàn thế giới như giống trâu Murrah, Nili-Ravi. Tại Ý, họ không làm công tác lai tạo trâu mà chỉ có chọn lọc nhân thuần để cải tiến di truyền nâng cao năng suất đàn trâu sữa của họ. Công tác chọn lọc bắt đầu từ những năm 1980, kiểm tra quađời sau vào năm 1986. Kiểm tra chất lượng giống dựa vào các chỉ tiêu năng suất pho mát, sản lượng sữa, tỷ lệ mỡ sữa, protein sữa, sản lượng bơ và protein sữa. Những trâu đực giống và trâu cái đã được kiểm tra có tiềm năng đặc biệt tốt được công bố trên catalo.

 

Tại Bungari, công tác chọn lọc nhân thuần được tiến hành thường xuyên qua rất nhiều năm và nhiều thế hệ. Các bước tiến hành theo một trình tự nhất định từ khâu ghi chép theo dõi đến chọn mẹ, con và kiểm tra qua đời sau mới đưa vào sử dụng.

 

Tại một số nước do năng suất quần thể trâu của địa phương không đáp ứng nhu cầu, chiến lược phát triển trong nước, nên họ sẽ nhập các giống trâu có năng suất cao như Murrah, NiliRavi, trâu Địa Trung Hải về lai tạo. Tuy nhiên, trước khi lai tạo họ làm tốt công tác chọn lọc các quần thể trâu bản địa trong nước.

 

Tại Trung Quốc, họ chú trọng công tác chọn lọc nhân thuần đàn trâu bản địa. Cùng một giống trâu đầm lầy, nhưng họ có 14 nhóm phân loại khác nhau. Họ tiến hành chọn lọc nhân thuần từng quần thể trâu bản địa sau đó nhập các giống trâu sông như Murrah, Nili-Ravi để lai tạo trâu lai kiêm dụng sữa thịt. Bước đầu họ đã thành công trong việc, chọn lọc tạo giống trâu sông mới Binlang Vân Nam lấy sữa.

 

 Tại Philipines có quần thể trâu đầm lầy lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tên gọi là Carabao. Theo truyền thống thì Carabao cũng chỉ sử dụng cho cày kéo là chính, tuy nhiên quá trình cơ giới hoá đã chuyển dần mục đích sử dụng sang lấy thịt và sữa từ năm 1970. Philippines thực hiện chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương và nhập trâu sông để tạo con lai lấy sữa, thịt. Họ đã xây dựng hệ thống hạt nhân mở để chọn lọc nâng cao chất lượng đàn hạt nhân dựa vào hai chỉ tiêu chính tầm vóc và sinh sản. Họ đã thành lập Ngân hàng gen với các dạng tinh đông lạnh, phôi được tạo ra từ những cá thể đặc biệt hoặc ở các nhóm giống tốt khác nhau phục vụ cho công tác cải tiến di truyền nâng cao chất lượng đàn giống và khả năng sản xuất của đàn trâu địa phương.

 

Như vậy, dù phát triển theo hướng nào đi chăng nữa thì bước đầu tiên vẫn là phải chọn lọc, nhân thuần quần thể trâu bản địa, rồi tùy mục tiêu và hướng phát triển của từng nước sẽ có những bước đi tiếp theo phù hợp với thị trường và thói quen tiêu dùng của nước đó.

 

3.1.2. Đánh giá di truyền phân tử

 

Việc đánh giá các vốn gen sẽ đóng góp một phần vào công tác bảo tồn các giống địa phương, đặc biệt việc sử dụng các phương pháp sinh học phân tử đánh giá sự đa dạng di truyền là rất quan trọng (Romanov và ctv, 2001). Hiện nay, có nhiều loại chỉ thị phân tử được sử dụng trong công tác đánh giá các đặc điểm và mối quan hệ di truyền của các giống vật nuôi, trong đó các microsatellite là một trong những loại chỉ thị được sử dụng rộng rãi nhất. Thuật ngữ microsatellite được Litt và Luty (1989) giới thiệu nhằm chỉ các trình tự ADN lặp lại một cách liên tiếp, có độ dài chỉ vài cặp bazơ (2-6bp), có tính đa hình cao và có thể được nhân lên bằng phản ứng PCR.

 

Các microsatellite được dùng như một chỉ thị (marker) di truyền để nghiên cứu di truyền quần thể, quan hệ tiến hoá, lập bản đồ gen...

Tuy nhiên, có rất nhiều chứng cứ cho rằng trình tự microsatellite cũng đóng vai trò là yếu tố mang mã hoặc nhân tố điều hòa. Nhân tố điều hoà microsatellite được tìm thấy ở khắp nơi trong phần trước của vùng bắt đầu phiên mã của trình tự mã hoá. Vùng điều khiển có chứa microsatellite hoạt động như một nhân tố thúc đẩy quá trình phiên mã và những đột biến mất đoạn microsatellite đã làm giảm chức năng của gen.

 

 Microsatellite cũng được thể hiện ra các protein bám mà các protein này có chức năng bám dính vào các trình tự khởi động của gen, khi trình tự này được giải phóng thì gen có thể được khởi động và sao mã. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng thúc đẩy của microsatellite và protein bám dính của nó là một chức năng của các đoạn lặp lại trong một vùng microsatellite đặc biệt nào đó. Như một trình tự mang mã, microsatellite đã được tìm thấy biểu hiện ở rất nhiều protein và sự khác nhau ở số lần lặp lại của một đoạn amino-acide giống nhau liên quan đến chức năng tác động. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng chiều dài khác nhau microsatellite đến hình thái và sự phát triển ở mức độ cơ quan được tổng kết lại như một yếu tố chức năng của hệ gen.

 

Những tính chất đặc biệt của microsatellite như sự đột biến điểm dẫn đến những giả thuyết cho rằng microsatellite có thể là một nguồn chủ yếu tạo nên sự đa dạng về di truyền số lượng và quá trình tiến hoá thích nghi (Kashi và ctv, 1997).

 

Nó cho phép một quần thể có thể khôi phục lại nguồn đa dạng di truyền đã bị mất trong quá trình chọn lọc hoặc trôi dạt, nó hoạt động như một “núm điều chỉnh” mà qua đó những gen đặc biệt có thể điều chỉnh nhanh chóng các phản ứng thay đổi ít hay nhiều trong quá trình đòi hỏi của tiến hoá (King và ctv, 1992).

 

3.1.3. Nghiên cứu về dinh dưỡng cho trâu

Kearl (1982) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn dinh dưỡng cho chăn nuôi trâu như nhu cầu về duy trì và sản xuất như sinh trưởng, tiết sữa, vận động, nhu cầu các chất như vật chất khô, protein thô, năng lượng, canxi, photpho…áp dụng cho trâu đực giống, trâu cái sinh sản và nuôi con, nghé qua các giai đoạn tuổi. Đây là một công trình nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh được nhiều tác giả trên thế giới tham khảo trong đó có tại các nước nuôi và nghiên cứu trâu đầm lầy.

 

3.1.4. Công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu

Lĩnh vực thụ tinh nhân tạo (TTNT) đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 1940 với thành công được ghi nhận là con nghé đầu tiên ra đời vào năm 1943 tại Ấn Độ (Ranjian và Pathak, 1993). Thời gian đầu, tinh dịch được lấy ra, pha loãng để tăng liều phối. Sau này khi khoa học công nghệ phát triển, tinh dịch được pha loãng, đông lạnh, bảo quản và TTNT cho trâu cái. Việc nghiên cứu đông lạnh, bảo quản, giải đông và phối giống cho trâu cái đã thành công ở Pakistan, Ấn Độ, Bungari (1972, trích Alexiev, 2008 ). Hiện nay, TTNT trâu đã

phát triển ở nhiều nước nhưng tỷ lệ thành công còn thấp hơn so với phối giống trực tiếp.

 

Theo Agarwal và Shankar (2007) phối giống trực tiếp, tỷ lệ có chửa khoảng 60%, trong khi đó TTNT đạt 50%. Hàng năm đã có hàng trăm ngàn nghé con sinh ra từ kỹ thuật TTNT.

 

 Để nâng cao hiệu quả sinh sản, các đề xuất về chương trình sử dụng hormone sinh dục để cải thiện tình trạng động dục và gâ động dục đồng loạt đã được nghiên cứu và phát triển. Đã có nhiều nghiên cứu gây động dục đồng loạt thành công trên trâu để sử dụng trong phối giống nhân tạo với chương trình hoặc chỉ sử dụng đơn lẻ PGF2α (Brito và ctv, 2002; Battista và ctv, 1984) hoặc kết hợp với GnRH (Gupta và ctv, 2008). Thí nghiệm của Chohanl (1998) khi sử dụng đơn lẻ PGF2α cho thấy, tỷ lệ đậu thai của trâu không có sự khác nhau giữa 2 phương pháp tiêm (tiêm bắp hay dưới niêm mạc âm đạo) và liều lượng tiêm cloprostenol (125 và 500µg), nhưng có sự khác nhau về mùa vụ, mùa động dục nhiều (tháng 9 đến tháng 2 năm sau) tỷ lệ đậu thai đạt 48-53%, trong khi mùa động dục ít (tháng 3 đến tháng 8) tỷ lệ đậu thai chỉ đạt 23-25,6%.

 

Theo Sharma và ctv (1994) có đến 95% trâu cái Murrah đáp ứng với PGF2α trong một thí nghiệm gây động dục đồng loạt. Tuy nhiên, chỉ có sự phát triển của các nang trứng mới thực sự cần thiết để đạt được sự rụng trứng đồng loạt và tăng tỷ lệ đậu thai. Vì vậy, các nghiên cứu đã hướng sự chú ý đến việc sử dụng kết hợp các loại hormone GnRH, FSH, LH, hCG, prostaglandin, progesterone và estradiol. Hiện nay, người ta đang dùng dụng cụ đặt âm đạo như PRID hay CIDR (chứa progesteron) và mới đây nhất là vòng tẩm PROB của Sử Thanh Long đảm bảo an toàn với gia súc và người sử dụng hơn so với việc sử dụng prostaglandin, đồng thời cho hiệu quả đáng kể so với việc sử dụng hooc môn.

 

3.1.5. Nghiên cứu về khả năng sinh trưởng của trâu

 

Khả năng sinh trưởng được thể hiện qua khối lượng và có mối quan hệ giữa khối lượng (KL) sơ sinh với KL của bố mẹ, mức tăng khối lượng hàng ngày (TKL) trong các giai đoạn sinh trưởng đã được các nhà khoa học nghiên cứu công bố. Agabayli (1977) cho biết giữa KL trâu trưởng thành với KL sơ sinh có mối tương quan thuận (r=0,46-0,60). Trâu đầm lầy nhẹ cân, con đực trưởng thành khoảng 325- 450kg, trong khi trâu sông nặng 450-1.000kg.

 

Khả năng sinh trưởng và chất lượng thịt trâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố giống, tuổi, thức ăn, chăm sóc quản lý va điều kiện môi trường (Borghese, 2005). Trâu đầm lầy Kundi, Thái Lan tuổi 1-1,5 năm có TKL 0,799 kg/con/ ngày với lượng thức ăn tiêu tốn 6,425 kg vật chất khô/kg TKL (Baloch và ctv, 1983). Trâu đầm lầy Địa Trung Hải được vỗ béo bằng cỏ, cám lúa mì và các chất khoáng bổ sung trong 140 ngày khi bắt đầu thí nghiệm là 213kg, kết thúc 333kg, đạt mức TKL 0,87 5kg/con/ngày (Smith và ctv, 1993). Trong đó trâu đầm lầy nước ta giai đoạn 1,5-2 năm vào mùa mưa với khẩu phần 6,08-6,50kg vật chất khô đạt TKL 0,677 0,833 kg/con/ngày, mùa khô khẩu phần 5,31-5,72kg vật chất khô đạt TKL 0,253- 0,337 kg/con/ngày (Đào Lan Nhi và ctv, 1999). Thức ăn trong điều kiện không đủ cho trâu giai đoạn chửa, bào thai không đạt tiêu chuẩn vì tháng thứ 2, thai phát triển 72%, đến tháng 10 có thể chỉ đạt 65% so với khối lượng bình thường (Agabayli, 1977).

 

3.1.6. Nghiên cứu về sản phẩm sữa và thịt trâu

 

Sữa trâu có giá trị dinh dưỡng tốt hơn sữa bò, đặc biệt hàm lượng mỡ sữa lên đến 5,5- 6,0%, protein sữa 4,0-5,0%. Thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không khác nhiều thịt bò, thịt trâu có hàm lượng nước là 76,6%, protein 19%, tro 1%. Thịt trâu có màu đỏ hơn thịt bò vì nhiều sắc chất hơn, nhưng mỡ thì trắng và có ít trong thịt với tỷ lệ mỡ giắt chỉ 2-3% trong khi ở thịt bò là 3-4% (D’Ambrosio, 2008). Thịt trâu do ít mỡ cho nên lượng calo chỉ bằng 70% so với thịt bò, hàm lượng cholesterol cũng thấp hơn (82g/87g tính theo 100g), nhưng sắt giàu hơn 15-20%, vitamin B12 cao hơn 8-14% so với thịt bò. Mỡ trâu còn có CLA (Conjugated Linoleic Acid), một loại mỡ trans tự nhiên tạo ra từ các loại vi khuẩn sống trong dạ cỏ, mỡ này không độc như mỡ trans nhân tạo mà còn ngăn ngừa được ung thư, hạ thấp cholesterol xấu (LDL) và mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh đái tháo đường (Han, 2012).

 

PGS TS Nguyễn Văn Đức

Trưởng Ban Khoa học Công nghệ - Hội Chăn nuôi Việt Nam

Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 1.2021

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập