Chị Đỗ Thị Kim Phượng chăm sóc đàn heo trên tầng hai khu chăn nuôi.
Lũ tới đâu chuồng cao tới đó
Đầu đông nhưng lúc nào chị Đỗ Thị Kim Phượng cũng tất bật. Xách thùng cám từ dưới bếp, thoắt cái chị đã lên tầng hai. Cả đàn 310 con heo lẫn bò chờ chực chị đổ cám vào máng. Thấy chị, đàn heo trắng tròn kêu eng éc, tranh nhau đón rau, cám. Mỗi năm, chị Phượng nuôi hơn 1.500 con heo, bò. Sau khi trừ các chi phí, vợ chồng chị kiếm được từ 700 đến 800 triệu đồng.
Chị còn nhớ, cơn lũ lịch sử năm 1999 vùng trũng Nghĩa Hành trắng đồng. Không kịp trở tay, cả gia tài đàn heo gần 70 con trôi cùng nước lũ. Đợt đó, chị Phượng mất trắng 300 triệu đồng. Không thể khoanh tay đứng nhìn, sau nhiều đêm tính toán, vợ chồng chị quyết định xây nhà lầu chăn nuôi. Từ 200 triệu đồng vốn vay, chị đầu tư khu trại chăn nuôi hơn 500 m2. Một trệt, một lầu với chiều cao hơn 5 m, được ngăn thành 15 ô để nuôi heo. Phía bên dưới, bò cũng được thả đàn tám con. Cứ mưa lớn, đàn bò lại được đưa lên khu nhà lầu của heo trú tạm.
Năm 2013, thêm trận lũ cuồng đổ về vùng trũng xóm Cây Cao nhà chị. Gọi là xóm Cây Cao nhưng nước lũ cao hơn cây. Nước trên đầu người, hơn lũ lịch sử trước đó. Nhờ di chuyển kịp đàn nên thiệt hại không đáng kể. Thấy hiệu quả chăn nuôi từ nhà lầu, chị quyết định nâng nền và xây thêm tầng lầu để phát triển đàn. Đầu tư hơn 500 triệu đồng, hai khu chăn nuôi 1.000 m2, với 48 chuồng, chiều cao 10 m, sàn bê-tông kiên cố. Chuồng cao, đàn chăn nuôi cũng tăng dần. Từ trăm con, chị phát triển đàn 300 - 350 con heo, bò.
“Mình cứ tiến lên nhiều tầng. Nước lên thì năm sau mình xây cao hơn lũ. Giờ thì mưa lũ vợ chồng tui cũng ăn no ngủ kỹ. Chẳng lo gì cả. Cứ rục rịch bão, hàng xóm chung quanh lại sang gởi nhờ con heo, con bò nữa đấy”, chị Phượng cười tươi chia sẻ.
Xóm Cây Cao có những ngôi nhà cao tầng không sơn phết, chỉ để nguyên mầu tường bê-tông xám. Hỏi ra mới biết những ngôi nhà lầu ấy không phải cho người ở mà để cho… heo, bò. Chuyện lạ với nhiều người, nhưng với nông dân vùng rốn lũ Nghĩa Hành thì chẳng có gì lạ.
Chăn nuôi hơn chục con heo, ông Nguyễn Văn Chính thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành từng nhiều lần thiệt hại sau các trận lũ. Không trông chờ sự hỗ trợ của địa phương, ông đầu tư 30 triệu đồng xây chuồng cao tầng để chăn nuôi. “Có tiền nhiều thì mình xây lớn, ít tiền thì mình xây nhỏ thôi. Chỉ cần đầu tư một lần là mình nuôi nhiều năm. Lại còn không lo chạy lũ hay mưa bão nữa. Sau này có tiền thì mình lại xây thêm”, ông Chính chia sẻ.
Hướng đến phương thức bền vững
Thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, nông dân vùng rốn lũ Quảng Ngãi luôn trăn trở tìm cách bảo vệ người lẫn tài sản của mình. Qua bao năm đúc rút kinh nghiệm thực tế, việc xây chuồng trại cao tầng bước đầu đã giúp người dân Nghĩa Hành giữ được đàn gia súc gia cầm trong mùa lũ dữ.
Không đánh bạc với trời, hơn 70 hộ dân vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành xây dựng chuồng cao tầng cho gia súc. Với mức vốn đầu tư từ 40 đến 250 triệu đồng, các chuồng trại được xây dựng quy mô từ hai đến ba tầng, chiều cao 4 đến 12 m. Bên cạnh đó, hệ thống nước, vệ sinh tự động, hầm biogas cũng giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Nhà cao tầng không chỉ giúp nông dân chăn nuôi quanh năm, mà còn tăng đàn phát triển kinh tế hộ gia đình. Tùy quy mô, thu nhập từ chăn nuôi trong nhà tránh lũ đạt từ 50 đến 700 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trước đây.
Ông Lê Văn Danh, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành bộc bạch: “Lợi nhiều chứ. Thí dụ những năm trước cứ đến mùa mưa mình lo bán bớt heo, bò, gà vì sợ lũ về không chạy kịp. Giờ chuồng cao mình vẫn nuôi bình thường, thậm chí nhiều hơn vì qua mùa mưa cũng là cận Tết rồi. Sinh lời nhiều hơn trước từ 30 - 40%”.
Không chỉ giải quyết bài toán kinh tế, hệ thống chuồng trại cao tầng còn giúp người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; nhất là nạn dịch bệnh sau lũ. Chuồng xây cao, khô thoáng rộng rãi, heo, bò hạn chế tiếp xúc nguồn lây dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm... Đặc biệt, tránh được nạn dịch bệnh trên đàn chăn nuôi sau mùa lũ. “Sợ nhất là rác thải, xác động vật ô nhiễm môi trường sau lũ. Đàn chăn nuôi trên cao mình tách ra được các nguồn lây nên đỡ nhiều. Mấy năm nay đàn bò của mình không còn bệnh gì nữa”, ông Nguyễn Văn Chính cho hay.
Ông Võ Công Thành, Chủ tịch UBND xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành cho biết: “Sản xuất nông nghiệp chăn nuôi là nguồn thu chính của bà con nông dân ở đây. Do vậy nhà cao tầng tránh lũ cho đàn chăn nuôi mang lại hiệu quả rất lớn. Chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình này”. Khi việc sống chung lũ dữ đã thành quen, thì chuyện nông dân ở nơi này xây nhà lầu cho heo, bò trở thành tất yếu. Phương cách ấy giúp nhà nông, chính quyền địa phương kiến thiết cuộc sống kể cả ở những nơi khắc nghiệt nhất.
Bài và ảnh: Đông Huyền
Nguồn: Báo Nhân Dân