Ngăn chặn hành vi lợi dụng “mác” thịt lợn sạch

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Ngăn chặn hành vi lợi dụng “mác” thịt lợn sạch
Ngày đăng bài - 10/27/2017 12:00:00 AM
Ngăn chặn hành vi lợi dụng “mác” thịt lợn sạch

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều mô hình liên kết chăn nuôi lợn khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch. Để hoạt động này ngày càng phát triển, cần siết chặt quản lý về chất lượng.

 

Ngăn chặn hành vi lợi dụng “mác” thịt lợn sạchĐiểm bán thịt lợn sạch tại đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm
 

Thuận tiện, tin tưởng thịt sạch

 

Hai năm nay, từ 8 giờ đến 19 giờ hằng ngày, tại cửa hàng bán thịt lợn sạch của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) ở chợ Hà Vị luôn đông khách. Thịt lợn được bày bán tại đây mang thương hiệu sạch, bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Cùng đó, 8 điểm bán thịt lợn sạch của HTX trên địa bàn TP cũng hoạt động khá hiệu quả. Bình quân mỗi điểm bán từ 80 đến 100 kg thịt/ngày. Trước đó, năm 2016, đơn vị đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, quy mô 3-4 nghìn con/năm.

 

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX cho biết: “Sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Toàn bộ từ khâu chọn con giống, chăm sóc, giết mổ đến bảo quản thực hiện theo quy trình khép kín, an toàn sinh học”. Theo chị Nguyễn Thị Nhung, đường Cao Kỳ Vân, phường Trần Nguyễn Hãn (TP Bắc Giang), gia đình thường xuyên mua thịt lợn sạch tại chợ Hà Vị, sản phẩm khi chế biến mùi vị thơm ngon hơn.

 

Tương tự, 5 tháng qua, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Hải Thịnh, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) mở 5 cửa hàng bán thịt lợn sạch tại các huyện Việt Yên, Tân Yên và Hiệp Hòa. Theo anh Lê Văn Hưng, chủ chuỗi cửa hàng, con giống được nhập từ trang trại có uy tín; đơn vị tự cung cấp thức ăn đã được công nhận về chất lượng; sau 6 tháng nuôi, lợn được xuất chuồng, thời gian chăm sóc lâu hơn so với thông thường từ 1-2 tháng.

 

Cùng đó, cơ sở lắp đặt hệ thống giết mổ một chiều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Sau giết mổ, thịt lợn được bảo quản, vận chuyển bằng xe lạnh mang đến quầy hàng, bình quân mỗi điểm tiêu thụ từ 70 đến 130 kg thịt/ngày. Với cách làm này, sản phẩm thịt lợn của đơn vị được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP hơn một năm qua. Cơ sở còn liên kết với 10 hộ dân cung cấp thức ăn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.

 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có HTX Thao Thanh (TP Bắc Giang), HTX Dịch vụ nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng), HTX Chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên, HTX Chăn nuôi Trường Thành, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa)… cũng hình thành chuỗi cửa hàng cung cấp thịt lợn sạch cho người tiêu dùng.

 

Siết chặt quản lý chất lượng

 

Chuỗi cửa hàng bán thịt lợn sạch giúp người dân có thêm kênh mua thực phẩm an toàn tại các huyện, TP. Đây là mô hình liên kết sản xuất, tiêu dùng mới giúp gắn kết giữa người mua và nhà sản xuất bởi chất lượng sản phẩm. Cách làm này đúng với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp được UBND tỉnh và các ngành quan tâm chỉ đạo hỗ trợ.

 

Tuy nhiên, khảo sát thực tế vẫn có người dân phản ánh một số cửa hàng lợi dụng thị hiếu khách hàng thu mua vật nuôi kém chất lượng về giết mổ trà trộn vào sản phẩm uy tín bán ra thị trường. Tại các địa phương, nhiều cá nhân tự treo biển quảng cáo bán thịt lợn sạch trong khi sản phẩm chưa được bất kỳ tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công nhận. Ví như, điểm bán hàng của bà Nguyễn Thị T tại Cụm công nghiệp Tân Xuyên, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), đoạn trước Công ty TNHH một thành viên Anh Đào ngày nào cũng giết mổ từ 1 – 2 con lợn khoảng 100 kg/con bày bán với giá cao hơn thị trường từ 3 – 5 nghìn đồng/kg. Khi giao dịch, người bán luôn giải thích nguồn gốc lợn tự nuôi hoặc bắt ở đầu mối chỉ cho ăn bằng cám ngô, gạo, sắn.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, các cơ quan chức năng nói chung, trong đó có Liên minh HTX tỉnh chưa phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nào về lĩnh vực này. Theo ông Tuấn, các chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch đi vào hoạt động phải có cơ quan chức năng kiểm định, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATTP, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP; đồng thời hạ tầng, thiết bị tại cơ sở bày bán phải bảo đảm đủ điều kiện bán hàng.

 

Để ngăn chặn hành vi lợi dụng, trà trộn thịt không bảo đảm chất lượng bán kiếm lời, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân, Liên minh HTX cùng các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công thương tập trung hướng dẫn các hộ quy trình kỹ thuật chăn theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, VietGAHP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra đột xuất các đơn vị, HTX, cửa hàng để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng đó, người tiêu dùng mạnh dạn lên tiếng khi phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh của các chuỗi cửa hàng, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe bản thân và cộng đồng.

 

Hoàng Phương
Nguồn: Báo Bắc Giang

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • Huali
Video
Thống kê truy cập