Ngành chăn nuôi trước cơ hội và thách thức

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Ngành chăn nuôi trước cơ hội và thách thức
Ngày đăng bài - 4/4/2018 12:00:00 AM
Ngành chăn nuôi trước cơ hội và thách thức

Tình trạng giải cứu lợn thời gian qua đã cho thấy sự bấp bênh của sản xuất hàng hóa không gắn với thị trường, nhất là vùng chuyên canh. Điều này đang trở thành thách thức cho ngành chăn nuôi khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019... Song, nếu biết tận dụng, đây cũng là cơ hội lớn cho ngành này...

 

 

Chăn nuôi là sinh kế cho 6-7 triệu hộ dân, thậm chí, một bộ phận không nhỏ người dân đã làm giàu từ đây. Tại Hà Nội, chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm hơn 55% tổng giá trị của ngành Nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù 3 tháng đầu năm, chăn nuôi trên địa bàn cả nước vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, nhưng thực tế sau “cơn bão” giảm giá lợn hơi thời gian qua đã lộ rõ “điểm yếu” của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và nhất là khu vực nông hộ bị “hụt hơi” do thua lỗ nặng. Do vậy, thời gian tới, các cơ chế, chính sách, tác động của CPTPP đối với người chăn nuôi Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn.

 

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT Hoàng Thanh Vân: “Khi CPTPP có hiệu lực, với thuế suất 0% thì các sản phẩm của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như: Canada, Australia, Nhật Bản… sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Vấn đề này, một mặt sẽ tác động bất lợi cho ngành chăn nuôi trong nước vốn đang khủng hoảng; một mặt sẽ tạo cơ hội cho ngành tái cơ cấu mạnh mẽ để thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới. Hiện, chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao so với các nước phát triển; nhiều nước sản xuất thịt lợn hơi chỉ khoảng 27.000-30.000 đồng/kg và đồng bộ từ chăn nuôi đến giết mổ. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá thành sản xuất vẫn phổ biến ở mức trên 32.000 đồng/kg. Giá cao, sản xuất không gắn với giết mổ, khâu chế biến còn yếu và chưa làm chủ thị trường... đang là những thách thức lớn khi CPTPP sắp có hiệu lực”. Còn theo nhận định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, so với 5 năm trước đây, thói quen tiêu dùng của nhiều gia đình đã thay đổi. Đơn cử, việc sử dụng thịt bò đông lạnh và các sản phẩm thịt đã qua chế biến nhập khẩu trong bữa cơm gia đình Việt ngày càng tăng...

 

Tuy nhiên, CPTPP cũng mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội, khi mà các sản phẩm đặc sản là thế mạnh của Việt Nam như: Thịt lợn đen, lợn Móng Cái, gà ri, gà Mía lai ri… sẽ dễ dàng được xuất khẩu nếu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. “Trước đây, khi xuất khẩu một sản phẩm chăn nuôi phải mất từ 6 đến 12 năm để doanh nghiệp lo các thủ tục và tiếp cận với cơ chế chính sách của nước nhập khẩu; nay sẽ rút ngắn được thời gian bởi các nước trong khối đã thống nhất về mặt thể chế. Đây là những thuận lợi lớn để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi Việt Nam” - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân khẳng định.

 

Hiện một số doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho rằng, CPTPP không đáng ngại như nhiều người lo lắng. Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) nêu hạn chế lớn nhất của hợp tác xã hiện nay là thị trường cho sản phẩm chăn nuôi. Nếu tìm kiếm được thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng, “đầu ra” ổn định, thì khâu tổ chức sản xuất các loại sản phẩm chăn nuôi theo hướng đặc sản, hữu cơ của hợp tác xã sẽ rất thuận lợi. 

 

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định: “Chúng ta cần nhìn nhận, nắm bắt được cả thách thức và cơ hội của CPTPP để có định hướng đúng cho ngành chăn nuôi”. Với thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại vật nuôi cùng nguồn nhân lực dồi dào, người chăn nuôi cần nỗ lực khắc phục khó khăn, ứng dụng khoa học, tận dụng cơ hội, đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập.


Bạch Thanh - Minh Bắc

(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập