Phú Thọ: Cần tìm đầu ra cho gà thả đồi

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Phú Thọ: Cần tìm đầu ra cho gà thả đồi
Ngày đăng bài - 11/27/2017 12:00:00 AM
Phú Thọ: Cần tìm đầu ra cho gà thả đồi

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Phong trào phát triển chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Tam Nông (Phú Thọ) những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ, điều này đã giúp hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong thành công đó không thể không kể đến sự đóng góp của phong trào chăn nuôi gia cầm, cũng như của các trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn trên địa bàn. Để tìm hiểu thêm về điều này, qua sự giới thiệu của bạn bè một ngày cuối tháng 8/2017, chúng tôi đã tìm đến trang trại chăn nuôi gà của anh Phùng Văn Minh tại Khu 4, xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

 

Phú Thọ: Cần tìm đầu ra cho gà thả đồiNgười chăn nuôi gà đồi ở Phú Thọ đang rất cần đầu ra ổn định để yên tâm chăn nuôi

 

Trái với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, trại gà của anh Minh không phải là những dãy chuồng nuôi với tường xây kín, cửa kính, quạt thông gió quay ù ù; mà thay vào đó là 9 dãy chuồng nuôi nho nhỏ từ 150 – 200m2 được quây riêng trong từng khu rộng hàng nghìn m2 trên đồi. Hàng vạn con gà thịt ở các lứa tuổi khác nhau, con thì tha thẩn kiếm mồi, con thì nằm rỉa lông, rỉa cánh dưới tán cây, một vài chú trống choai thì cất tiếng gáy te te trên những cành cây Sơn ta.

 

Trong căn nhà nho nhỏ, sau tuần trà, anh Minh thong thả kể cho chúng tôi nghe về quá trình xây dựng trang trại chăn nuôi gà của mình. Anh Minh kể, trước đây anh là một kỹ sư xây dựng với hàng chục năm công tác, đã từng làm làm việc cả trong nước và ngoài nước. Khi còn thanh niên, những chuyến công tác dài ngày là những trải nghiệm rất thú vị, thế nhưng khi đã có gia đình riêng thì đây lại là những rào cản nhất định. Chính vì vậy, một công việc ít dịch chuyển hơn sẽ là ưu tiên của anh. Ý nghĩ đó cộng với niềm đam mê về chăn nuôi có sẵn trong người đã giúp anh có thêm động lực để trở về quê nhà mở trang trại rộng gần 4ha chăn nuôi gần 12.000 gà thả vườn vào năm 2015.

 

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh đã dành rất nhiều thời gian để đi thăm quan học hỏi các trang trại chăn nuôi gà thành công ở Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ (Hà Nội), các trang trại ở Phù Ninh, Thanh Thủy…; Từng bước những câu hỏi như: nuôi giống gà gì, nuôi như thế nào, phòng và điều trị bệnh ra sao, xuất bán gà ở lứa tuổi nào, bán đi đâu… đã có câu trả lời cụ thể. Chính nhờ tính ham học hỏi, mạnh dạn đầu tư, rồi lại nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, cũng như việc tuân thủ các quy trình chăn nuôi, quy trình phòng bệnh cho đàn gà nên ngay từ những lứa nuôi đầu tiên anh đã có lợi nhuận. Anh chia sẻ, thời gian đầu do giá thị trường tốt nên mỗi con gà sau khoảng 130 ngày nuôi sẽ cho anh lợi nhuận bình quân từ 20.000 – 30.000 đồng/con; Mức lợi nhuận này so với các trang trại chăn nuôi khác chưa phải là cao, vì vậy câu hỏi đặt ra cho anh là làm sao để hạ được giá thành sản xuất và nâng cao được giá bán sản phẩm. Bằng kiến thức học được, cộng với kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình chăn nuôi anh đã điều chỉnh lại quy trình chăn nuôi của mình, bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nền chuồng (dùng đệm lót sinh học), dùng thảo dược (dùng tỏi nghiền), acid hữu cơ… để phòng và trị bệnh thay cho một số loại kháng sinh, sử dụng ngô mảnh đã qua ngâm ủ để cho gà ăn ở 35 – 45 ngày nuôi cuối… điều này đã phần nào giúp anh giảm được chi phí sản xuất. Đồng thời nhờ có các kênh thông tin, nên nhiều thương lái lớn biết sản phẩm chăn nuôi của anh có chất lượng tốt đã trực tiếp đến trại thu mua, do vậy lợi nhuận thu về nhờ đó cũng cao hơn (bình quân 35.000 – 40.000 đồng/con).

 

Anh Minh cho chúng tôi biết thêm, mặc dù lợi nhuận cũng đã chấp nhận được, nhưng từ năm 2016 đến giờ anh luôn có nhận thức phải xây dựng được chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ, truy xuất được nguồn gốc, để ổn định hơn nữa đầu ra cho sản phẩm, nhằm tránh tình trạng “được mùa – mất giá”; Nghĩ được rồi nhưng thực hiện thì quả thực rất khó khăn, và điều lo lắng của anh cũng đã xảy đến, do ảnh hưởng của thị trường nên lứa gà anh vừa xuất chỉ còn cho anh lợi nhuận từ 4.000 – 5.000 đồng/con.

 

Để tránh phải tiếp tục bấp bênh như vậy, anh Minh mong muốn các cơ quan, các ban ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ cũng như có những biện pháp hỗ trợ, để những chủ trang trại chăn nuôi như anh có thể yên tâm sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa vào chăn nuôi. Thiết nghĩ, đây là mong muốn hết sức chính đáng của anh Minh nói riêng, của người chăn nuôi trên cả nước nói chung rất cần các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.

 

Đỗ Danh Lãnh

Anh Nguyễn Văn Kiểm (Chủ trang trại chăn nuôi Kiểm Hiền, thôn 7 Trung Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ): “Đối với người chăn nuôi, việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng rất khó kể cả với các gói tín dụng cho nông nghiệp vì không có tài sản để thế chấp hoặc có vay được thì phải vay với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, thị trường đầu ra luôn bấp bênh khiến người chăn nuôi càng thêm khó. Đa phần người chăn nuôi chạy theo phong trào (vào đàn cùng 1 thời điểm), không có thông tin về thị trường, chưa có liên kết tiêu thụ trong sản xuất nên dẫn đến nguồn cung vượt cầu”.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • Huali
Video
Thống kê truy cập