Thận trọng khi tái đàn!

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Thận trọng khi tái đàn!
Ngày đăng bài - 8/14/2017 12:00:00 AM
Thận trọng khi tái đàn!

Cuộc khủng hoảng thịt lợn vừa qua đã để lại nhiều bài học đắt giá. Trong đó có hậu quả của việc ồ ạt tăng đàn vì tin tưởng vào việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống qua biên giới phía Bắc. Thời gian tới, người chăn nuôi cần làm gì để tránh rơi vào “vết xe đổ” và hướng tới ngành chăn nuôi bền vững?

 

Tạp chí Agribiz Magazine đã có cuộc phỏng vấn với TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí KHKT Chăn nuôi để làm sáng tỏ hơn vấn đề này!

 

PV: Thưa ông, nền tảng của sự phục hồi giá lợn hơi thời gian gần đây là từ đâu? Trung Quốc bắt đầu thu mua lại mặc dù vẫn qua đường tiểu ngạch? Hay do trữ lượng heo trên thị trường đã giảm, đàn heo giống giảm? Hay chỉ là một cơn sốt giá nhẹ do thương lái và thị trường tự diễn biến?

 

TS Đoàn Xuân Trúc: Sau hơn 8 tháng lợn hơi giảm giá liên tục, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, đẩy ngành chăn nuôi lợn vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có và người chăn nuôi lợn thua lỗ quá nặng, nhiều người phải bỏ nghề. Giá lợn hơi quá thấp cũng kéo theo giá bán gia cầm  và gia trứng gà giảm dưới giá thành khá xa. Từ giũa tháng 7-2017, giá lợn hơi bắt đầu tăng, cuối tháng 7-2017 đã có ngày tăng lên 42.000 - 47.000 đồng, sau đó giảm dần và thời điểm ngày 10-12 tháng 8 giá tuy có thay đổi ở tùy từng địa phương, dao động 30.000-36.000 đồng, thấp hơn một chút so với giá thành (giá thành sản xuất khoảng 32.000-37.000 đ tùy quy mô, phương thức nuôi và chuỗi liên kết chăn nuôi).

 

Như vậy giá lợn hơi hơn 20 ngày qua đã gần như quay về với giá thực của thị trường, đây cũng là chuyện bình thường. Song, cách tăng giá như thời gian gần đây có vẻ không bình thường do giá tăng quá nhanh rồi lại chững lại và tăng giảm nhẹ theo từng vùng. Có thể nêu ra đây một số nguyên nhân tạo nên biến động giá lợn hơi gần đây:

 

Thứ nhất, sau hơn 8 tháng khủng hoảng giá thấp, tổng đàn lợn đã giảm đáng kể, từ hơn 29 triệu con hồi đầu năm 2017, đến đầu tháng 7 chỉ còn hơn 27 triệu con, giảm khoảng 1,4-1,5 triệu con, đây là mức giảm chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt đàn lợn nái đã giảm trên 400 ngàn con, còn khoảng 3,8 triệu con, nguyên nhân do giá lợn giống thấp, tái đàn dè dặt, nuôi lợn nái cũng lỗ nặng; hộ nuôi thải loại các con nái kém chất lương và có xu hướng giảm đàn nái.

 

Sự giảm đàn lợn đã dẫn đến thiếu cung cục bộ ở một số nơi và đẩy giá lợn tăng lên.

 

Thứ hai, tuy Trung Quốc chưa mở cửa đường biên nhưng do một số tỉnh phía Nam bị mưa, lụt nhiều, cung về lợn thiếu, giá lợn hơi tại các nơi này có lúc tăng lên 45.000-50.000 đ/kg hơi nên các thương lái sang Việt Nam thu mua và vận chuyển "chui" qua một số lối mòn, lối mở ở biên giới, tạo yếu tố tâm lý đẩy giá lợn hơi trong nước tăng lên. Nhưng số lượng xuất đi không nhiều và không thường xuyên nên đây không phải là nguyên nhân chính.

 

Thứ ba, sau thời gian quá dài bán giá rất thấp, nay do nguồn cung đã giảm lại xuất hiện tăng cầu nên các chủ trang trại và doanh nghiệp đã chủ động đàm phán giá bán với các thương lái và chỉ đưa ra thị trường một số lượng hạn chế, nhỏ giọt; tạo khan hiếm lợn thịt ở một số vùng, hy vọng đẩy giá lên để góp phần bù dần khoản lỗ quá lớn suốt thời gian dài. Đây là điều bình thường trong thương trường.

 

Có một số Công ty FDI nuôi nhiều lợn như C.P, Japfa Comffeed hay Công ty Việt chăn nuôi lớn như Dabaco, Hòa Phát… Thời gian qua bị lỗ nhiều nhưng do tiềm năng về tài chính lớn dù vẫn còn nhiều lợn trong chuồng nhưng cũng không bán ồ ạt với hy vọng giá sẽ nhích lên khi nguồn cung giảm nhưng cầu lại tăng lên. Chưa thể cho rằng họ đầu cơ chờ tăng giá cao mới bán. Các doanh nghiệp và trang trại nuôi lợn ở phía Nam lâu nay thường tham khảo giá bán niêm yết của Công ty C.P vì họ bán ra số lượng lớn hàng ngày. Thực tế, hiện nay không có đơn vị nào có quy mô trên 10% đàn lợn cả nước. Cao nhất là C.P cũng chỉ chiếm  5-8%, Công ty Japfa Comfeed mỗi tháng cũng chỉ xuất nhiều nhất khoảng 65.000 lợn thịt. Không có cơ sở cho rằng Công ty có vốn đầu tư nước ngoài A hay B đang khống chế giá bán thịt lợn trong nước.

 

PV:  Sự việc tăng giá này có ý nghĩa như thế nào đến ngành chăn nuôi lợn nói riêng, và ngành chăn nuôi nói chung? 

 

TS Đoàn Xuân Trúc: Do cuộc khủng hoảng cung vượt cầu và giá xuống quá thấp, kéo dài nên ngành chăn nuôi lợn đã và đang chịu thiệt hại rất nặng nề. Sản xuất thua lỗ quá lớn, nhiều hộ, trang trại mất hết vốn, không thể trả nợ vốn vay, không thể tiếp tục tái đàn, đã khá nhiều hộ đóng cửa chuông, bỏ nghề…Nay giá đã tăng lên, tuy hiện tại chưa có lãi nhưng đã tạo tâm lý phấn khởi cho không những người chăn nuôi lợn mà cả ngành chăn nuôi nói chung. Trên 70% lượng thịt sản xuất và tiêu dùng trong nước vẫn là thịt lợn. Niềm tin vào chủ trương và các giải pháp để tổ chức lại sản xuất và thị trường nhằm phục hồi ngành chăn nuôi lợn đang tăng lên. Và cũng nhờ đó, giá các sản phẩm như thịt gia cầm, trứng  gia cầm đang tăng dần, người nuôi gà đang dần thoát khỏi ảnh hưởng của giá lợn giảm, chịu thua lỗ mấy tháng qua. Thịt gia cầm đang chiểm 18-20% tổng tiêu thụ thịt của người Việt hiện nay.

 

PV: Sự phục hồi giá này có ổn định không? Liệu từ đây đến cuối năm sẽ vẫn giữ mức này? 

 

TS Đoàn Xuân Trúc: Từ thực tế đàn lợn đang có và sẽ bổ sung do tái đàn từ nay đến cuối năm, đồng thời căn cứ dự báo cung, cầu thời gian tới, cá nhân tôi cho rằng việc phục hồi giá vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian dài tới đây và hy vọng sẽ có thời điểm giá tăng hơn, chí ít cũng ngang và nhích hơn so với giá thành sản xuất.

Tuy vậy, người chăn nuôi lợn cũng không nên hy vọng hoặc chờ đợi một sự tăng giá cao, như năm 2016 với đỉnh điểm trên 50.000 đ/kg hơi bởi vì sản xuất lợn đã đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước,  xuất khẩu thì chưa mở được thị trường. Mặt khác, giá lợn hơi cao quá sẽ tác động giảm cầu vì người tiêu dung sẽ chuyển dần sang sử dụng thực phẩm khác thay thế.

 

Chúng ta đang tích cực thảo luận với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tiến tới xuất khẩu chính ngạch thịt lợn (chủ yếu lợn mảnh cấp đông) sang thị trường rất lớn này. Nhưng cần có thời gian và khá nhiều quy định, cam kết mà hai nước cần thống nhất và thực hiện. Đáng lưu ý là trong khi chưa xuất khẩu thịt lợn chính ngạch thì Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lý chặt đường biên, không mở cửa cho xuất khẩu tiểu ngạch ồ ạt như vừa qua vì nguyên nhân quản lý dịch bệnh và chất lượng thịt lợn.

 

Mấy năm vừa qua, tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc vẫn khá cao: 26-27 triệu tấn thịt xẻ/năm, nhu cầu nhập khẩu trên 2 triệu tấn thịt lơn/năm, chủ yếu nhập thịt đông lạnh từ Mỹ, Canada, một số nước châu Âu. Vài năm trước đây, khi thực hiện Luật Môi trường, nhiều trang trại nuôi lợn phải dẹp bỏ để tránh gây ô nhiễm môi trường. Cộng với ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nên thiếu nguồn cung, gia thịt lợn hơi tăng cao (có thời gian dài trên 60.000 – 65.000 đ/kg lợn hơi). Từ năm 2016, do nuôi lợn có lãi khá cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm nên ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc bắt đàu phục hồi và tăng mạnh. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đang có một số chính sách trong đó có hỗ trợ tài chính để khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn nhằm hạn chế nhập khẩu thịt lơn đông lạnh, tăng nguồn cung thịt lợn tươi nên nhiều công ty đã bổ sung nghề chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp, quy mô lớn gắn với giết mổ, chế biến. Phòng Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Bắc kinh cho biết: Tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của các công ty đại chúng trong ngành nông nghiệp ở Trung Quốc dã tăng gấp 10 lần trong năm 2016, lên 49 tỷ nhân dân tệ, tương đương 7,2 tỷ USD, trong đó có 6,1 tỷ USD được đầu tư vào chăn nuôi lợn. Hiện nay, Trung Quốc đã chiếm trên 50% đàn lợn thế giới. Do đàn lợn từ năm 2016 tăng cao, giá lợn hơi ở Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm trên 30% so với giá đỉnh của năm 2016, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng giảm khá lớn.

 

Trung Quốc cũng đang tuyên truyền và khuyến khích người dân các hình thức tiêu thụ thực phẩm đa dạng khác nhằm thay thế một phần tiêu thụ thịt lợn.

 

Trong tương lai, nhu cầu nhập thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm và không loại trừ có thời điểm lợn thịt từ Trung Quốc sẽ xuất ngược sang Việt Nam nếu giá lợn thịt bên Việt Nam cao hơn.

 

PV: Hiện giá đã phục hồi nhẹ, nhưng dân vẫn chưa tăng đàn, ông và Hội Chăn nuôi Việt Nam nghĩ gì về điều này? Ngành chăn nuôi lợn nên tổ chức lại thế nào?

 

TS Đoàn Xuân Trúc: Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các tỉnh để hướng dẫn các hộ thận trọng khi tái đàn. Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng nhiều lần khuyến cáo người chăn nuôi cần hết sức thận trọng và lắng nghe  khi tăng đàn. Cuộc khủng hoảng thịt lợn vừa qua đã để lại nhiều bài học đắt giá. Trong đó có hậu quả của việc ồ ạt tăng dàn vì tin tưởng vào việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống qua biên giới phía Bắc, lợi nhuận khá cao mặc dù cơ quan quản lý và các hội/hiệp hội liên tục cảnh báo trước bài học của một số rau quả xuất khẩu tiểu ngạch và tính thất thường của chính sách biên mậu.

 

Người chăn nuôi giờ đã tỉnh ra và thận trọng hơn nhiều. Thực tế, rất nhiều hộ, trang trại đã thua lỗ quá lớn, giờ cũng không còn khả năng tài chính để tái đàn.

 

Bên cạnh việc thận trọng khi tái đàn, trước hết cần hết sức chú trọng công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn hiện có và tăng cường vệ sinh để chống ô nhiễm môi trường, khắc phục ngay những sơ hở ở các lĩnh vực này do thời gian dài chậm tiêu thụ đàn lợn đã quá tuổi xuất chuồng. Chọn lọc lại đàn lợn nái đảm bảo cung cấp con giống chất lượng cao. Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học, theo VIETGAP và ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi như: sử dụng các lợi khuẩn và men vi sinh khác trong chăn nuôi để thay thế kháng sinh, tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa thức ăn, tăng khả năng sinh sản, sinh trưởng và tăng sức đề kháng bênh, tạo sản phẩm thịt lợn chất lượng cao, giá thành hợp lý và hạn chế ô nhiễm môi trường. Những nông hộ và trại có điều kiện nên áp dụng chăn nuôi hữu cơ để tạo sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu của các đối tượng thu nhập cao và khách du lịch… Hộ nuôi hoặc trại nuôi quy mô nhỏ cần tham gia vào các chuỗi liên kết qua đó để ổn định đầu vào, giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản xuất; dựa vào các doanh nghiệp dể phát triển thị trường và tiếp cận thông tin.

 

Trung Quốc về lâu dài vẫn là thị trường hấp dẫn để xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam, nhưng phải là xuất khẩu chính ngạch thịt lợn mảnh các sản phẩm thịt lợn đông lạnh hoặc/và thịt mát chứ không xuất khẩu lợn sống dù là lợn có nguồn gốc từ vùng an toàn dịch bệnh. Muốn vậy, ngay từ bây giờ cần tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp theo tiêu chuẩn VIETGAP và liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín để giảm giá thành thịt lợn, đảm bảo truy suất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với tiêu thụ, phát triển thị trường.

 

Mục tiêu của phát triển chăn nuôi lợn ở Việt Nam phải là phát triển bền vững, ít ô nhiễm và gia tăng giá trị, qua đó tăng thu nhập cho người chăn nuôi và tham gia chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

 

Theo Tạp chí Agribiz Magazine

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập