Nguyễn Văn Lưu1 *, Nguyễn Thị Chinh1 , Dương Thị Toan1 , Trần Thị Tâm1 và Nguyễn Thị Hà My1
1 Trường Đại học Nông Lâm Bác Giang *Tác giả liên hệ: TS. Nguyễn Văn Lưu, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang; Điện thoại: 0912910426; Email: luubafu@.edu.vn
Ngày nhận bài báo: 05/04/2021 - Ngày nhận bài phản biện: 10/05/2021
Ngày bài báo được chấp nhận đăng: 28/05/2021
TÓM TẮT
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thỏ mắc bệnh cầu trùng với tỷ lệ 49,17%. Các lứa tuổi thỏ đều mắc cầu trùng. Trong đó, thỏ mắc cầu trùng với tỷ lệ và cường độ cao chủ yếu xảy ra ở thỏ từ 1-2 tháng tuổi (62,5%) và 2-3 tháng tuổi (57,5%), tỷ lệ và cường độ nhiễm thấp nhất ở thỏ <1 tháng tuổi (30,83%). Trạng thái phân lỏng thỏ có tỷ lệ mắc cầu trùng cao.
Thỏ mắc cầu trùng có bệnh tích tại hồi tràng, manh tràng, kết tràng như niêm mạc sưng tấy, đôi chỗ xuất huyết, có nhiều điểm chấm trắng. Thuốc N-Septorim liệu trình 5 ngày liên tục cho hiệu quả điều trị cao ở thỏ (87,39%), còn thuốc Vicox-Toltra cho hiệu quả điều trị thấp, chỉ đạt 62,39%.
Từ khóa: Bệnh cầu trùng, thỏ, noãn nang, N-Septorim, Vicox-Toltra.
ABSTRACT
Traffic diseases in Viet Yen Bac Giang and test of different medicine treatments The study results showed that rabbits contracted coccidiosis with the rate of 49.17%. In which, rabbits infected with coccidiosis with high rate and intensity mainly occurred in rabbits in 1-2 months old (62.5%) and 2-3 months old (57.5%), rate and intensity infection was lowest in rabbits < 1 month old (30.83%). Rabbit has a high incidence of coccidiosis in loose stools. Rabbits infected with coccidiosis have lesions in the ileum, cecum, colon such as swollen mucosa, bleeding at times, with many white spots. The drug N-Septorim for 5 consecutive days has a high therapeutic effect of 87.39%, while the Vicox-Toltra drug has a low therapeutic effect of 62.39%. Keywords: Coccidiosis, rabbits, oocyst, N-Septorim, Vicox-Toltra.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chăn nuôi thỏ là một nghề còn khá mới mẻ và là một trong những nghề góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho nông dân trong tỉnh, chính vì vậy nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu bằng nghề này. Chăn nuôi thỏ vốn đầu tư ban đầu thấp, chuồng trại có thể tận dụng các vật liệu sẵn có, rẻ tiền, tận dụng được lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Thỏ rất dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm chủ yếu là rau, cỏ, lá cây. Tuy nhiên, thỏ có sức đề kháng kém dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển dịch do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết, có khi chết hàng loạt, một trong các bệnh thường gặp trong chăn nuôi thỏ là bệnh cầu trùng, đây là bệnh rất phổ biến trên đàn thỏ nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi nông hộ gây thiệt hại trong chăn nuôi thỏ. Bệnh gây rối loạn tiêu hóa, các tế bào thượng bì của ruột bị tổn thương, không hấp thu được dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, giảm hiệu quả của việc chuyển hóa thức ăn và giảm tăng khối lượng, làm thỏ còi cọc, chậm lớn, suy yếu và tiêu tốn thức ăn cao...
Bắc Giang là tỉnh có nghề chăn nuôi thỏ phát triển nhanh trong những năm gần đây và bệnh cầu trùng thỏ cũng đã gây thiệt hại đáng kể trên đàn thỏ nuôi tại đây. Vì vậy, việc xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm cầu trùng thỏ tại các trại chăn nuôi là hết sức cần thiết để phục vụ cho công tác chẩn đoán, đồng thời qua nghiên cứu này làm cơ sở cho việc sử dụng các loại thuốc trong phòng trị bệnh cầu trùng thỏ nuôi tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và khu vực các tỉnh phụ cận nói chung.
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi đã thực hiện đề tài khảo sát “Tình hình mắc bệnh cầu trùng ở thỏ tại Việt Yên Bắc Giang và thử nghiệm 2 loại thuốc điều trị“ để giúp người chăn nuôi thỏ giảm bớt ảnh hưởng của bệnh cầu trùng.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Vật liệu Đối tượng nghiên cứu:
Giống thỏ Newzealand White từ 01 đến 12 tuần tuổi.
Địa điểm lấy mẫu: Trại chăn nuôi thỏ Thúy Thắng xã Thượng Lan - huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang. Xét nghiệm mẫu: Phòng thí nghiệm Khoa Chăn Nuôi - Thú Y, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Thời gian lấy mẫu: Lấy mẫu phân mới thải ra vào sáng sớm.
2.2. Phương pháp
2.2.1. Phương pháp lấy mẫu - Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu chùm nhiều bậc: Để xác định tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng thỏ nuôi tại trại Thúy Thắng, Thượng Lan, Việt Yên, Bắc Giang, tiến hành bố trí lấy mẫu: + Bố trí lấy mẫu theo lứa tuổi: Thỏ được chia thành 4 lứa tuổi như sau: <1 tháng tuổi, 1-2 tháng tuổi, 2-3 tháng tuổi, >3 tháng tuổi để đánh giá tỷ lệ và cường độ mắc cầu trùng.
+ Bố trí lấy mẫu theo trạng thái phân: Thỏ có trạng thái phân khác nhau phân bình thường, phân sệt và phân lỏng để đánh giá tỷ lệ và cường độ mắc cầu trùng.
- Phương pháp lấy mẫu phân: Lấy mẫu phân vừa thải ra của thỏ ở các lứa tuổi (từ sơ sinh đến trên 12 tuần tuổi), lấy mẫu phân của thỏ trước, trong và sau khi thử nghiệm phác đồ điều trị, mẫu phân đảm bảo 10-20 g/mẫu. Mẫu phân được để riêng các mẫu phân vào một túi nilon nhỏ, bên ngoài mỗi túi ghi rõ: Tuổi thỏ, tình trạng vệ sinh, trạng thái phân, ngày tháng lấy mẫu và các biểu hiện lâm sàng khác của thỏ. Các mẫu được xét nghiệm ngay trong ngày.
- Mẫu bệnh phẩm: Lấy các đoạn ruột non, ruột già, gan… có biểu hiện bệnh tích điển hình của thỏ bị bệnh cầu trùng.
2.2.2. Xét nghiệm mẫu
Mẫu được kiểm tra bằng phương pháp phù nổi (Fulleborn) là lợi dụng dung dịch muối ăn (NaCl) bão hòa có tỷ trọng d=1,18-1,20, lớn hơn tỷ trọng của Oocyst cầu trùng (d=1,01- 1,02) làm cho Oocyst nổi lên bề mặt dung dịch.
2.2.3. Xác định tỷ lệ và cường độ mắc bệnh
Các mẫu phân được xét nghiệm, nếu có noãn nang thì quan sát trên 03 vi trường khác nhau, sau đó lấy trung bình và quy ước theo phương pháp của Trịnh Văn Thịnh (1987) như sau:
- Số lượng Oocyst/vi trường ≤Quy định cường độ nhẹ (+)
- Số lượng Oocyst/vi trường 4-6: Quy định cường độ trung bình (++)
- Số lượng Oocyst/vi trường 7-9: Quy định cường độ nặng (+++)
- Số lượng Oocyst/vi trường ≥10: Quy định cường độ rất nặng (++++)
2.2.4. Phương pháp xác định bệnh tích đại thể của thỏ bị bệnh cầu trùng
Mổ khám 8 thỏ mắc bệnh cầu trùng ở cường độ rất nặng, quan sát bệnh tích đại thể ở các cơ quan, tổ chức thỏ bệnh.
2.2.5. Xác định hiệu quả trị bệnh cầu trùng thỏ
Thí nghiệm được chia thành 2 lô đảm bảo đồng đều về điều kiện chuồng trại, nuôi dưỡng, chăm sóc,... Thử nghiệm thuốc: N-Septorim 1ml/con và Vicox-Toltra 1ml/con để điều trị cho thỏ bị bệnh cầu trùng. Dùng thuốc liên tục 5 ngày, nghỉ 2 ngày, sau lại dùng tiếp 5 ngày. Xác định hiệu lực của thuốc điều trị cầu trùng: Sau khi cho thỏ sử dụng thuốc 10 ngày xét nghiệm phân. Nếu không thấy Oocyst trong phân thì xác định thuốc có tác dụng triệt để với cầu trùng, nếu thấy 3 Oocyst trên vi trường thì xác định thuốc có hiệu lực với cầu trùng nhưng chưa triệt để, nếu số lượng Oocyst trên vi trường không giảm so với trước khi dùng thuốc thì xác định thuốc không có hiệu lực với cầu trùng.
2.3. Xử lý số liệu
Số liệu được xử lý theo phương pháp thống kê sinh học bằng phần mềm Microsoft Excel 2010.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng theo tuổi thỏ
Qua kiểm tra 480 mẫu phân thỏ thu thập ở trại thỏ tại huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang. Bảng 1 cho thấy thỏ ở các lứa tuổi đều bị mắc cầu trùng, ở các độ tuổi khác nhau thỏ Newzealand có tỷ lệ và cường độ mắc cầu trùng khác nhau. Trong đó, thỏ 1-2 tháng tuổi mắc bệnh cao nhất 62,50%, thỏ 2-3 tháng tuổi là 57,50%, thỏ>3 tháng tuổi là 45,83% và thấp nhất ở thỏ ≤1 tháng tuổi tuổi là 30,83%.
Kết quả này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Hoàng Văn Dư (2010), tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng cao nhất ở 2 tháng tuổi 86,67%, thỏ 3 tháng tuổi là 80,77%, thỏ 4 tháng tuổi có tỷ lệ mắc bệnh 68,0% và thấp nhất là thỏ <1 tháng tuổi với tỷ lệ mắc 40,0%. Lương Thị Minh Huế (2015) cho biết, tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng ở thỏ 1-2 tháng tuổi cao nhất (98,33%), thỏ 3-4 tháng tuổi 95,19%, thỏ 5-6 tháng tuổi 76,98% và thấp nhất là thỏ > 6 tháng tuổi tuổi 49,60%. Almeida và ctv (2006) cho biết ở Brazil tỷ lệ nhiễm bệnh cầu trùng thỏ là 81,82%.
Bảng 1. Tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng thỏ theo tuổi
3.2. Tỷ lệ và cường độ mắc bệnh cầu trùng theo trạng thái phân
Kết quả khảo sát tỷ lệ và cường độ mắc cầu trùng theo trạng thái phân trình bày ở bảng 2 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cầu trùng ở trạng thái phân lỏng cao nhất (75,82%). Tỷ lệ mắc bệnh cầu trùng có phân sệt là 52,83% và phân bình thường là 36,09%. Như vậy, thỏ ở trạng thái phân lỏng có tỷ lệ mắc cầu trùng cao. Theo Trương Thị Tính (2011), phân lỏng có tỷ lệ mắc 97,68% và phân thường 52,24%; Lương Thị Minh Huế (2015) cho biết phân lỏng có tỷ lệ mắc 96,50% và phân thường có tỷ lệ mắc 63,18%.
Bảng 2
3.3. Một số bệnh tích của thỏ mắc bệnh cầu trùng
Kết quả bảng 3 cho thấy, thỏ bị cầu trùng có bệnh tích ở hồi tràng chiếm 75,0%, không tràng là 62,5%, tá tràng 50,0%, manh tràng chiếm 87,5%, kết tràng chiếm 75,5%, có bệnh tích ở gan, mật chiếm 25,0%. Kolapxki và ctv (1980) cho biết bệnh tích thấy rõ ở ruột và gan thì không đồng đều, chúng phụ thuộc vào loài cầu trùng gây bệnh, số lượng và nơi khu trú, tuổi thỏ đồng thời phụ thuộc cả vào khoảng thời gian của bệnh và thể bệnh.
Bảng 3
3.4. Hiệu quả điều trị cầu trùng thỏ
Kết quả bảng 4 cho ta thấy, lô thí nghiệm 1 sau 10 ngày điều trị có tỷ lệ sạch noãn nang là 87,39%; lô thí nghiệm 2 đạt 62,39%. Qua thời gian điều trị cho thấy thuốc an toàn, không có phản ứng phụ xẩy ra. Sử dụng thuốc N-Septorim có hiệu quả điều trị cao hơn với bệnh cầu trùng thỏ.
4. KẾT LUẬN
Tại Việt Yên (Bắc Giang) 49,17% thỏ mắc bệnh cầu trùng. Các lứa tuổi đều mắc cầu trùng, nhưng mắc với tỷ lệ và cường độ cao chủ yếu xảy ra ở giai đoạn 1-2 tháng tuổi (62,5%) và 2-3 tháng tuổi (57,5%), tỷ lệ và cường độ nhiễm thấp nhất ở thỏ <1 tháng tuổi (30,83%). Trạng thái phân lỏng là thỏ có tỷ lệ mắc cầu trùng cao. Thỏ mắc cầu trùng có bệnh tích tại hồi tràng, manh tràng, kết tràng như niêm mạc sưng tấy, đôi chỗ xuất huyết, có nhiều điểm chấm trắng. Thuốc N-Septorim cho hiệu quả điều trị 87,39%, thuốc Vicox-Toltra cho hiệu quả điều trị 62,39%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Almeida A.J., Mayen F.L. and Oliveira F.C. (2006). Species from genus Eimeria observed in domestic rabbit (Oryctolagus cuniculus) feces raised at the Municipality of Campos dos Goytacazes in the State of Rio de Janerio, Brazil. Rev. Bra. Parasitol. Vet., 15(4):163-66.
2. Hoàng Văn Dư, Nguyễn Quang Tuyên và Nguyễn Quốc Doanh (2010). Tình hình nhiễm cầu trùng trên đàn thỏ nuôi tại một số huyện tỉnh Bắc Giang, Tạp chí KHKT Thú y, Hội thú y Việt Nam, XVII(5): 24.
3. Lương Thi Minh Huế (2015). Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ bệnh cầu trùng do Eimeria SPP gây ra ở thỏ nuôi tại Thái Nguyên và biện pháp phòng trị, Luận văn thạc sĩ thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
4. Kolapxki N.A. and Paskin P.I. (1980). Bệnh cầu trùng ở gia súc, gia cầm (bản dịch từ tiếng Nga của Nguyễn Đình Chí và Trần Xuân Thọ), NXB Nông nghiệp, Hà Nội, trang: 59-67. 5. Lê Văn Năm (2006). Bệnh cầu trùng ở gia súc, gia cầm, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, trang: 7-12 và 65-76. 6. Lương Thị Tính (2011). Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh cầu trùng đường tiêu hóa thỏ ở Thành Phố Hải Phòng và biện pháp phòng trị, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 7.2021