BẢN TIN CHĂN NUÔI VIỆT NAM TUẦN TỪ NGÀY 4-11/4/2021

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
BẢN TIN CHĂN NUÔI VIỆT NAM TUẦN TỪ NGÀY 4-11/4/2021
Ngày đăng bài - 4/17/2021 12:00:00 AM
BẢN TIN CHĂN NUÔI VIỆT NAM TUẦN TỪ NGÀY 4-11/4/2021

06:00, ngày 12/4/2021

 

Những điểm chính

+ Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò vẫn có chiều hướng lan rộng

+ Giá cả một số sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định

+ Tháng 9/2021 diễn ra Hội nghị Chăn nuôi Thú y toàn quốc tại Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

 

I. TIN HOẠT ĐỘNG BỘ, NGÀNH

 

Ông Lê Minh Hoan được bầu làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

 

Sáng 8/4/2021, Quốc hội đã phê chuẩn về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đối với ông Lê Minh Hoan.

 

Theo đó, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Ông Lê Minh Hoan sinh ngày 19 tháng 1 năm 1961; Quê quán: xã Mỹ Trà, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trình độ chuyên môn: Kiến trúc sư, thạc sỹ Kinh tế;

 

Ông là đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và XIV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

 

Năm 1984 - 1994: Ông Lê Minh Hoan công tác tại thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh): Chuyên viên, Phó Trưởng phòng Giao thông - Xây dựng; Phó Trưởng phòng; Trưởng phòng Quản lý đô thị; Trưởng phòng Xây dựng và Quản lý đô thị;

 

Từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2003: Ông Lê Minh Hoan làm Phó Giám đốc, Quyền Giám đốc, Giám đốc Sở Xây dựng;

 

Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2014: Ông Lê Minh Hoan giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh (tháng 8/2008), Phó Bí thư Tỉnh ủy (tháng 10/2010), Chủ tịch UBND tỉnh (tháng 11/2010), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Tháp (khóa XIII và XIV, từ năm 2011 đến nay);

 

Từ tháng 5/2014 đến tháng 9/2020: Ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2016), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

 

Ngày 21/9/2020: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1433/QĐ-TTg về việc điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

 

Ngày 30/1/2021: Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Lê Minh Hoan tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

 

Công bố lưu hành các giống cỏ chăn nuôi lâu năm trồng bằng hạt

 

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã chấp nhận Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) tự công bố lưu hành các giống cỏ chăn nuôi gồm: Mombasa Guinea (cỏ sả lá lớn), Ruzi, Paspalum và Mulato II theo quy định của Luật Trồng trọt.

 

Đây sẽ là cơ sở giúp quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng hạt giống cỏ... Đồng thời, giúp các tổ chức chăn nuôi truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn hữu cơ đối với các sản phẩm thịt, sữa ...

 

Mặc dù giống cỏ đã được nhập và gieo trồng ở Việt Nam trong nhiều năm nhưng đến nay, Vietseed là doanh nghiệp đầu tiên đã xây dựng và công bố bộ tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm, quản lý chất lượng hạt giống và tiến hành các thủ tục công bố lưu hành theo quy định.

 

Sau hơn 2 năm phối hợp với nhiều đơn vị như Viện Nghiên cứu Ngô, Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, Trang trại TH Milk (Nghĩa Đàn), Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố và nhiều doanh nghiệp khác, Vietseed đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất tại các vùng sinh thái trên cả nước.

 

Qua khảo nghiệm cho thấy, các giống cỏ đều có khả năng cho năng suất tươi đạt trên 150 tấn/ha/năm sau 5-7 lần cắt. Các thông số về năng suất, khả năng đẻ nhánh, tái sinh, tỷ lệ vật chất khô, Protein, NDF, ADF, khả năng chống chịu, quy trình kỹ thuật canh tác và khuyến cáo gieo trồng, sử dụng của mỗi giống... đều được công bố công khai.

 

Được biết ngoài các giống cỏ trên, Vietseed còn tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển các giống cỏ, ngô sinh khối và cao lương mới… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gieo trồng cây thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi của nước ta.

 

II. CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

 

Giá cả thị trường

 

Nguồn: channuoivietnam.com

 

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, tại thị trường trong nước, nhìn chung trong Quý I/2021, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc giảm 9.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 6.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Đông và miền Tây Nam Bộ giảm 5.000 – 7.000 đồng/kg xuống còn 19.000 – 20.000 đồng/kg.

 

 Giá gà có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng quán, lễ hội ngừng hoạt động trong thời gian khá dài. Giá trứng gà miền Bắc giảm 100 – 200 đồng/quả, giá trứng gà miền Trung giảm 100 – 300 đồng/quả, giá trứng gà miền Đông và miền Tây Nam Bộ giảm 150 – 350 đồng/quả. Giá trứng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hạn chế thu mua và lượng tiêu thụ trứng trong dân giảm.

 

Trong khi đó, nguồn cung trứng gia cầm từ các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên toàn quốc lại ở mức cao. Đối với thịt lợn, trong tháng qua tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 74.000 - 76.000 đồng/kg, giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, giá lợn hơi được ghi nhận ở mốc 74.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại Hưng Yên ở mức 76.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước, và dao động trong khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Tại Thừa Thiên Huế giảm còn 71.000 đồng/kg. Tại Bình Thuận, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 73.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước, ở mức 72.000 - 77.000 đồng/kg. Đồng Nai hiện là địa phương ghi nhận giá giao dịch thấp nhất khu vực là 72.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Vũng Tàu và Bến Tre lần lượt là 74.000 đồng/kg và 75.000 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, giá lợn hơi ở mức cao nhất là 77.000 đồng/kg.

 

Đối với các sản phẩm gia cầm tháng qua, giá gà thịt lông màu bán tại trại giữ ổn định ở khu vực miền Bác, miền Trung và giảm ở khu vực miền Nam, trong khi giá gà 10 công nghiệp giảm đều tại cả ba miền. Cụ thể, gà thịt lông màu dài ngày miền Bắc ổn định ở mức 60.000 – 75.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu dài ngày miền Trung giữ mức 47.000 – 55.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ giảm 5.000 đồng/kg xuống còn 31.000 – 32.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc giảm 4.000 đồng/kg xuống 22.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 3.000 đồng/kg xuống mức 20.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Đông và miền Tây Nam Bộ giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc và miền Trung giữ ở mức 1.200 – 1.700 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ tăng 50 đồng/quả, hiện ở mức 1.250 – 1.350 đồng/quả.

 

 

Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

 

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 3 năm 2021 ước đạt 37 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 89 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 3 năm 2021 đạt 349 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2021 đạt 913 USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 287 triệu USD, tăng 1%; giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi khác ước đạt 626 triệu USD, tăng 21,2%.

 

 

 

Ngày 16 tháng 3 năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cấp Mã giao dịch cho phép 02 công ty của Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 09 Công ty/Nhà máy của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc. Chi tiết tại: https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/them-02- cong-ty-cua-viet-nam-đuoc-phep-xuat-khau-san-pham-sua-sang-thi-truong-trungquoc-21766-22.html

 

Tình hình chăn nuôi thế giới

 

 

Khan hiếm thịt lợn, Philippines tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu

 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh chính phủ loay hoay tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước. Philippines hiện là nhà nhập khẩu thịt lợn lớn thứ bảy thế giới do nguồn cung thịt lợn trong nước sụt giảm mạnh vì dịch tả lợn châu Phi càn quét hơn hai năm vừa qua.

 

Theo ngành chăn nuôi Philippines, nước này có kế hoạch nhập khẩu khoảng 400.000 tấn thịt lợn trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với con số 162.000 tấn dự kiến ​​trước đó.

 

Tình trạng khan hiếm thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát đang đẩy giá thịt trong nước ngày một cao hơn, khiến lạm phát tăng vọt và ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp.

 

Ông Duterte tuyên bố: “Cần phải tạm thời giảm ngay mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các mặt hàng thịt lợn tươi sống, thịt mát hoặc đông lạnh để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn hiện nay, cũng như ổn định giá thịt lợn và giảm thiểu tỷ lệ lạm phát”.

 

Theo đó lệnh cắt giảm thuế nhập khẩu thịt lợn trong ba tháng đầu tiên có hiệu lực từ 30% hiện nay sẽ lần lượt giảm xuống chỉ còn 5% và 10% trong các tháng thứ 4 cho đến hết năm nay.

 

Thống kê của chính phủ cho biết, sản lượng thịt lợn của Philippines đã giảm 20% vào năm ngoái do dịch tả lợn châu Phi chủng mới dễ lây lan, khiến hơn 300.000 con lợn, tương đương khoảng 3% tổng đàn lợn bị tiêu hủy.

 

Bên cạnh việc tăng nhập khẩu thịt lợn, chính phủ đang bắt tay vào một chương trình tái đàn lợn lớn để thúc đẩy nguồn cung thịt trong nước.

 

Thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn sẽ ở mức cao

 

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quy mô chăn nuôi gia súc của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 do các nhà sản xuất mở rộng sản xuất để hưởng lợi từ giá thịt bò nội địa ở mức cao. Thương mại điện tử, logistics chuỗi lạnh và thay đổi sở thích của người tiêu dùng là các động lực quan trọng trong tăng tiêu dùng thịt lợn tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc.

 

Sản xuất thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2021 dự báo tăng 15%, sau khi ghi nhận mức thấp kỷ lục trong năm 2020 nhờ các công ty lớn mở rộng sản xuất trong 2 năm vừa qua. Lượng lợn giết mổ tại Trung Quốc trong năm 2021 ước đạt gần 600 triệu con.

 

Hoạt động sản xuất được thúc đẩy bởi các công ty lớn tập trung hóa sản xuất, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Tuy nhiên, dịch bệnh ở động vật và năng suất lợn nái thấp sẽ tạo ra các vấn đề cho đàn lợn của Trung Quốc với khả năng kìm hãm mở rộng sản xuất.

 

Vì vậy, dù mở rộng sản xuất trong năm 2021, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn so với trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến giá thịt lợn tại Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao. Nhập khẩu thịt lợn năm 2021 của Trung Quốc dự báo đạt 4,5 triệu tấn do người tiêu dùng ngày càng chấp nhận thịt lợn mát hoặc đông lạnh.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, sản lượng lợn hơi của Trung Quốc đang trên đà phục hồi ổn định, đàn lợn của nước này giữ vững ở mốc hơn 400 triệu con. Từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng lợn nái sinh sản và lượng lợn hơi xuất chuồng tăng đã góp phần làm giảm giá thịt lợn tại thị trường nước này.

 

Số lượng lợn nái sinh sản toàn Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2021 tăng lần lượt 1,1% và 1% so với tháng trước và tăng lần lượt 35% và 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cuối tháng 2/2021, tổng đàn lợn nái sinh sản tương đương 95% tổng lượng cuối năm 2017, trong khi đàn lợn hơi vẫn ở mức trên 400 triệu con.

 

Nếu tính đến các yếu tố như sản lượng lợn hơi sớm phục hồi, số lượng lợn con… dự kiến số lượng lợn hơi xuất chuồng trong nửa đầu năm 2021 của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với việc tháng 3 và tháng 4 là mùa thấp điểm của việc tiêu thụ thịt lợn tại nước này, giá thịt lợn trên thị trường dự kiến sẽ có khả năng còn giảm hơn nữa.

 

Hàn Quốc: Nâng cao quản lý kiểm dịch tại các cơ sở chế biến, đóng gói thịt

 

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) Hàn Quốc đã thiết lập các hướng dẫn chi tiết về kiểm dịch hàng ngày trong các cơ sở chế biến và đóng gói thịt và tăng cường các nỗ lực kiểm dịch để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

 

Sau khi xem xét môi trường làm việc của các cơsở chế biến và đóng gói thịt, Trung tâm Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm Trung ương của Hàn Quốc đã dự thảo các biện pháp tuân thủ cho người lao động và người điều hành doanh nghiệp với các hướng dẫn chi tiết. Nội dung hướng dẫn chi tiết xem tại phụ lục.


MFDS sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra các vấn đề liên quan đến vệ sinh và an toàn, kiểm tra xem các biện pháp kiểm dịch hàng ngày có được tuân thủ tốt hay không, đồng thờiliên tục hướng dẫn thực hiện các quy tắc kiểm dịch bằng thông qua các giám sát viên.


Nhận thức được việc áp dụng tự nguyện hệ thống kiểm dịch là rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong các cơ sở chế biến và đóng gói thịt, MFDS yêu cầu các cơ sở trên phải tuân thủ triệt để các quy tắc kiểm dịch.

 

III.TIN ĐỊA PHƯƠNG

 

Phú Yên: Hơn 300 con bò mắc bệnh lở mồm long móng

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, hiện nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đang tiếp tục phát ra trên đàn bò ở huyện Sông Hinh.

 

Địa phương này đã có 65 con bò của 18 hộ dân ở các xã Đức Bình Tây, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng bị bệnh LMLM. Trong đó, 38 con đã khỏi các triệu chứng lâm sàng, 27 con đang được điều trị. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 3 địa phương xảy ra bệnh LMLM trên đàn bò tại các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh, với 301 con bò mắc bệnh, trong đó 28 con đã chết.

 

Để nhanh chóng dập dịch bệnh, ngành Thú y và các địa phương đang khẩn trương tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng cho đàn bò. Đồng thời, tỉnh đã phân bổ 8.000 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc sát trùng môi trường.

 

Ninh Bình: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 6/8 huyện, thành phố

 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Ninh Bình, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò lần đầu tiên được phát hiện ở huyện Yên Mô vào cuối năm 2020 và khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh có chiều hướng lây lan nhanh.

 

Tính đến ngày 4/4, bệnh đã xuất hiện tại 42 xã thuộc 6/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Có tổng số 558 con trâu, bò tại 320 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh, trong đó đã buộc phải tiêu hủy 33 con, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn.

 

Nguy cơ lây lan dịch viêm da nổi cục trên trâu bò thời gian tới là rất lớn bởi người dân vẫn chăn thả trâu, bò tự do; chuồng trại nuôi nhốt của các hộ vẫn chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết đang chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh có điều kiện phát triển.

 

Do vậy, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương làm tốt công tác cách ly những con đã nhiễm, có biểu hiện nhiễm bệnh. Giám sát chặt việc người dân bán chạy trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đang khẩn trương liên hệ mua vắc xin để kịp thời tiêm phòng, bao vây, khống chế dịch.

 

 

 

Bình Định: 74 trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao

 

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Trong đó, 1 DN được công nhận DN KH&CN (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước); 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; 14 DN, cơ sở chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.

 

Năm 2021, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia súc gia cầm; triển khai quy hoạch khu chăn nuôi công nghệ cao Nhơn Tân (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) và tiếp tục xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn tại huyện Hoài Ân. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi, thu hút DN đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn, khép kín, áp dụng công nghệ cao...

 

Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương): Trang trại chăn nuôi công nghệ cao phát triển mạnh

 

Theo Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), trên địa bàn huyện hiện có 62 trang trại chăn nuôi, trong đó có 30 trang trại hoạt động theo mô hình trại lạnh, khép kín. Các mô hình chăn nuôi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút người dân đầu tư.

 

Đến nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện là 1,67 triệu con, đàn gia súc gồm 1.653 con trâu, bò và 41.861 con heo. Huyện cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tiêm phòng, các đơn vị chuyên ngành tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn năm 2021.

 

Bắc Giang: Liên kết chăn nuôi thuận đầu ra, giá ổn định

 

Được hỗ trợ đầu tư con giống, kỹ thuật chăm sóc, ứng trước thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, các hộ tham gia liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại các huyện: Yên Thế, Tân Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang) luôn yên tâm sản xuất. Hiệu quả mô hình chuỗi liên kết mở ra hướng chăn nuôi bền vững.

 

Tháng 6/2020, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học với 16 hộ tham gia, gồm 7 hộ ở huyện Yên Thế, 6 hộ ở Tân Yên, 3 hộ ở Hiệp Hòa. Quy mô liên kết 22,8 nghìn con gà thả vườn/năm; đồng thời giao Công ty TNHH Hải Thịnh chủ trì liên kết, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022. Hình thức liên kết: Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ...

 

Theo đó, năm đầu các hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua giống; 40% thức ăn chăn nuôi; 40% chi phí vắc-xin phòng dịch; 40% chế phẩm sinh học và 50% chi phí in mẫu mã bao bì sản phẩm. Năm thứ 2 và 3, các bên tự bỏ kinh phí thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt. Tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó 980 triệu đồng từ ngân sách, còn lại do các bên tham gia liên kết đối ứng. Các hộ tham gia phải thực hiện quy trình chăn nuôi theo yêu cầu của đơn vị được giao chủ trì chuỗi liên kết, bảo đảm số lượng, chất lượng trước khi xuất chuồng.

 

Tìm hiểu tại hộ ông Giáp Quang Trung, thôn Tân Vân, xã An Thượng (Yên Thế). Ông Trung nuôi gà thịt đã 20 năm với tổng đàn 3-4 nghìn con/năm, tương ứng gần 10 tấn gà. Theo ông Trung, trước đây, việc chăn nuôi không mấy thuận lợi bởi khi gà được giá thì các hộ ồ ạt vào đàn, khi giá thấp nhiều hộ bỏ nuôi hoặc tái đàn số lượng ít. Hệ quả là cung - cầu mất cân bằng khiến giá bán và thu nhập bấp bênh. Việc chăn nuôi ổn định hơn khi gia đình tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Hải Thịnh vào giữa năm 2020.

 

V. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM

 

Hội nghị Chăn nuôi Thú y toàn quốc

 

 Từ ngày 23-25/9/2021, tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (số 102, đường Phùng Hưng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ diễn ra Hội nghị khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc năm 2021. Chủ đề của Hội nghị lần này sẽ là Chăn nuôi Thú y thích ứng với bối cảnh mới: Thách thức lớn – Cơ hội lớn (Animal production resilience to emerging threats: Great challenges, Great opportunities).

 

 

Hội nghị Khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc là hoạt động định kỳ 2 năm của Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam và các Trường/Viện có đào tạo về Chăn nuôi, Thú y. Hội nghị lần thứ nhất và thứ hai đã được tổ chức tại Đại học Cần Thơ, lần thứ ba tại trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

 

Tiếp nối thành công của ba hội nghị vừa qua, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đăng cai tổ chức Hội nghị Khoa học Chăn nuôi Thú y toàn quốc lần thứ tư năm 2021 (AVS 2021). 

 

Hội nghị là diễn đàn khoa học công nghệ để nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà chăn nuôi và các hiệp hội liên quan trao đổi, chia sẻ các thành tựu công nghệ tiên tiến; kết quả nghiên cứu khoa học; đồng thời, thảo luận định hướng cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và thú y tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh, sự biến đổi khí hậu và chuyển đổi số mạnh mẽ…. 

 

Hội nghị Khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc năm 2021 được diễn ra với 2 nội dung chính, cụ thể:

 

HỘI NGHỊ: Bao gồm nhiều thông tin khoa học bổ ích được trình bày qua các hình thức báo cáo tại hội nghị bao gồm: Báo cáo tổng quan; Báo cáo trình bày (oral); Báo tường (poster).

 

Hình thức công bố báo cáo qua kỷ yếu hội nghị. Tất cả các báo cáo Ban tổ chức nhận được từ các nhà khoa học sẽ được gửi tới hai phản biện. Những bài báo được chấp thuận sẽ đăng trong kỷ yếu hội nghị. Kỷ yếu hội nghị do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản, có mã số chuẩn quốc tế ISBN. Bài báo gửi hội nghị dài tối đa 10 trang, bài viết được chuẩn bị theo quy định của Hội nghị. Thời gian nhận bài báo đến ngày 30/4/2021.

 

Chủ đề của các báo cáo xung quanh:  Khoa học công nghệ về lợn; Khoa học công nghệ về gia cầm; Khoa học công nghệ về gia súc nhai lại; Khoa học công nghệ về thú cưng; Khoa học công nghệ về môi trường và chất thải; Khoa học công nghệ về chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi; Phúc lợi động vật và đạo đức trong nghiên cứu vật nuôi; Bệnh truyền lây giữa người và động vật.

 

Các diễn giả của Hội nghị Khoa học đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Chăn nuôi Việt Nam; Cục Thú y Việt Nam; Hội Chăn nuôi Việt Nam; Hội Thú y Việt Nam; Các nhà khoa học trong và ngoài nước và các chuyên gia đến từ các Viện, Trường, Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi Thú y.

 

HỘI CHỢ TRIỂN LÃM: Giới thiệu thành tựu ngành Chăn nuôi-Thú y của Trường, Viện, Cơ quan, Hiệp hội, Doanh nghiệp; Trưng bày sách, tạp chí và công trình khoa học; Thức ăn, thuốc thú y, quy trình công nghệ, dụng cụ, thiết bị, giống vật nuôi; Hội thảo chuyên đề, tuyển dụng việc làm và các vấn đề khác có liên quan.

 

Hiện nay, Hội nghị đã nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi như Tập đoàn Tân Long, Công ty Vietswan, Công ty MSD, Công ty Đức Nguyên, Công ty Emivest, Công ty TNHH Olmix Asialand và Công ty TNHH Việt Pháp quốc tế, Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam.

 

Đặc san Chăn nuôi Việt Nam phát hành Đặc san Chăn nuôi Việt Nam số tháng 4.2021

Cụ thể các tin, bài trong Đặc san như sau: http://nhachannuoi.vn/don-doc-tap-chi-chan-nuoi-viet-nam-so-thang-4-2021/

 

 

VI. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

 

GREENFEED giới thiệu thương hiệu mới MAMACHOICE

 

Tập đoàn GREENFEED ra mắt thương hiệu MAMACHOICE nhân dịp chạm mốc 100 điểm bán tại 6 tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai, Đak Lak, Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu. Việc ra mắt thương hiệu MAMACHOICE thể hiện tâm huyết với giá trị sạch và lành và bước đi chiến lược, mạnh mẽ của tập đoàn GREENFEED hướng tới tầm nhìn trở thành thương hiệu hàng đầu, hiệu quả, đáng tin cậy trên toàn chuỗi thực phẩm, dựa trên thế mạnh 18 năm cung cấp giải pháp tích hợp hiệu quả và bền vững Feed-Farm-Food.

 

Thương hiệu MAMACHOICE cung cấp sản phẩm lành, ngon từ heo giống độc quyền GF24 (Camborough®48) được nuôi bằng cám sạch không chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000, theo quy trình bộ giải pháp chăn nuôi hiệu quả của GREENFEED. Với người tiêu dùng, MAMACHOICE mang đến giải pháp thực phẩm chất lượng và dễ tiếp cận cho đại đa số gia đình Việt Nam ở các vùng miền, đáp ứng nhu cầu bức thiết về thực phẩm an toàn. Với các nhà chăn nuôi, nhà cung cấp trong hệ sinh thái thực phẩm sạch, MAMACHOICE là bước đi hướng đến giải pháp đầu ra cho những trang trại sử dụng trọn vẹn bộ giải pháp chăn nuôi của GREENFEED, bao gồm giải pháp dinh dưỡng vật nuôi, giải pháp con giống, chuồng trại, quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học, thú y.

 

Với nhận diện thương hiệu nổi bật và thân thiện, MAMACHOICE được khách hàng và người tiêu dùng đón nhận tích cực tại 100 điểm bán đầu tiên nhờ giúp thay đổi diện mạo quầy hàng chuyên nghiệp, khang trang và giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm an toàn, có thương hiệu tại chợ truyền thống với trải nghiệm mới tốt hơn. Thịt heo MAMACHOICE có chất lượng mềm, ngọt vị, dẻo thịt nhờ heo giống GF24(Camborough®48), từ công ty giống hàng đầu của Mỹ PIC kết hợp công nghệ di truyền đánh dấu gen sàng lọc, phát triển gen trội cho phẩm chất thịt phù hợp với thị hiếu người Việt.

 

Với dư địa thị trường rộng lớn, MAMACHOICE trong thời gian tới sẽ nhanh chóng mở rộng trên toàn quốc để ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận nguồn thịt sạch, lành, ngon ở mọi miền, đồng hành cùng sự phát triển rộng khắp của hệ thống trang trại sử dụng bộ giải pháp chăn nuôi hiệu quả của GREENFEED.

 

Tập đoàn GREENFEED ra mắt thương hiệu MAMACHOICE nhân dịp chạm mốc 100 điểm bán tại 6 tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai, Đak Lak, Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu. Việc ra mắt thương hiệu MAMACHOICE thể hiện tâm huyết với giá trị sạch và lành và bước đi chiến lược, mạnh mẽ của tập đoàn GREENFEED hướng tới tầm nhìn trở thành thương hiệu hàng đầu, hiệu quả, đáng tin cậy trên toàn chuỗi thực phẩm, dựa trên thế mạnh 18 năm cung cấp giải pháp tích hợp hiệu quả và bền vững Feed-Farm-Food.

 

Thương hiệu MAMACHOICE cung cấp sản phẩm lành, ngon từ heo giống độc quyền GF24 (Camborough®48) được nuôi bằng cám sạch không chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000, theo quy trình bộ giải pháp chăn nuôi hiệu quả của GREENFEED. Với người tiêu dùng, MAMACHOICE mang đến giải pháp thực phẩm chất lượng và dễ tiếp cận cho đại đa số gia đình Việt Nam ở các vùng miền, đáp ứng nhu cầu bức thiết về thực phẩm an toàn. Với các nhà chăn nuôi, nhà cung cấp trong hệ sinh thái thực phẩm sạch, MAMACHOICE là bước đi hướng đến giải pháp đầu ra cho những trang trại sử dụng trọn vẹn bộ giải pháp chăn nuôi của GREENFEED, bao gồm giải pháp dinh dưỡng vật nuôi, giải pháp con giống, chuồng trại, quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học, thú y.

 

Mavin đặt mục tiêu số hóa hoàn toàn năm 2023

Tập đoàn Mavin giai đoạn 2019 - 2023 đặt mục tiêu tầm nhìn trở thành doanh nghiệp số sáng tạo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

 

Với tầm nhìn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng tầm doanh nghiệp trên thị trường dược thú y, Mekovet đã chính thức khởi động Dự án ERP SAP S/4HANA từ ngày 23/11/2020. Sau 133 ngày nỗ lực, tập trung, quyết liệt, Mekovet đã chính thức vận hành thành công Hệ thống từ 7h30 ngày 5/4/2021, đánh dấu bước chuyển mình của doanh nghiệp.

 

Mekovet là đơn vị thứ 3 của Tập đoàn Mavin được số hóa với việc ứng dụng Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay ERP SAP S/4HANA (trước đó là ngành thức ăn chăn nuôi Feed và Thực phẩm chế biến Foods).

 

Ứng dụng ERP SAP S/4HANA đối với ngành dược thú y của Mavin hướng đến các mục tiêu: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế; Tăng tính hợp tác, phối hợp giữa các bộ phận; Hoạt động chuẩn mực, thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chuẩn mực số hóa mang lại lợi ích cho khách hàng.

 

Trước đó, Tập đoàn Mavin và Tinhvan Consulting đã cùng khởi động dự án triển khai Hệ thống quản trị nguồn nhân lực HiStaff. Đây là một trong những bước đi quan trọng trên hành trình chuyển đổi số của Mavin.

 

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, ông David John Whitehead cho biết, triển khai hệ thống quản trị nguồn nhân lực là một trong những dự án trọng điểm trong chương trình chuyển đổi số của Tập đoàn Mavin giai đoạn 2019 - 2023 với tầm nhìn xây dựng Mavin trở thành doanh nghiệp số sáng tạo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

 

Trong chương trình chuyển đổi số, Mavin đã và đang rất quyết liệt số hóa các ngành sản xuất với việc triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý sản xuất trại heo Porcitec, các phần mềm E-learning, E-Office… để hướng tới số hóa toàn bộ hoạt động của Tập đoàn vào năm 2023.

 

Hội Chăn nuôi Việt Nam

Lưu ý: Thông tin sử dụng trong bản tin được thu thập từ những nguồn mà chúng tôi cho là đáng tin cậy. Thông tin trong bản tin chỉ mang tính tham khảo, các ước tính, dự báo có giá trị đến ngày ra báo cáo và có thể thay đổi bởi những biến động thị trường. Rất mong nhận được sự phản hồi, trao đổi thông tin và đóng góp ý kiến của độc giả để Bản tin ngày càng chất lượng hơn.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập