Giá thịt lợn: Hãy để theo quy luật của thị trường

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Giá thịt lợn: Hãy để theo quy luật của thị trường
Ngày đăng bài - 6/30/2020 12:00:00 AM
Giá thịt lợn: Hãy để theo quy luật của thị trường

“Không nên coi thịt lợn là mặt hàng thiết yếu, không thể thay thế được, thuộc diện bình ổn giá, mà chỉ coi thịt lợn là mặt hàng bình thường và hãy  để cho các quy luật của thị trường chi phối”.

 

Đó là khẳng định của TS Đoàn Xuân Trúc (ảnh) – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam trong cuộc với PV Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam về chủ đề ngành chăn nuôi lợn.

 

Thưa TS Đoàn Xuân Trúc, thời gian vừa qua, giá lợn mức cao, duy trì trong thời gian dài chưa từng thấy, theo ông điều này phản ánh điều gì?

 

Có thể nói suốt từ tháng 8/2019 đến nay, chúng ta đang chứng kiến đợt khủng hoảng giá thịt lợn kéo dài và gay gắt chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển ngành chăn nuôi. Do ảnh hưởng của ASF, nguồn cung thịt lợn giảm gây mất cân đối cung cầu nghiêm trọng đã làm cho giá lợn thịt tăng liên tục, từ 42.000 đ/kg hơi vào thời điểm tháng 8/2019 đã lên tới 90.000 đ/kg vào cuối năm 2019.

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ tháng 1 đến tháng 3/2020, giá giảm từ 90.000đ/kg xuống 73.000 đ/kg. Thực hiện chỉ đạo và kêu gọi của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1 tháng 4/2020, nhóm 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn đã cam kết giảm giá lợn hơi xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg, nhưng nhóm các “ông lớn” này cũng chỉ chiếm 35% thị phần heo thịt cả nước. Còn lại 65% thị phần do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, nông hộ thì lại không đồng bộ xuống giá, nên tác động kéo giá xuống không khả thi và đến giữa tháng 4/2020 giá lợn  hơi tiếp tục xu hướng tăng trở lại, lên trên 80.000 đ/kg. Thậm chí nhiều nơi đã đạt mức cao kỷ lục trên 90.000 đ/kg và hiện nay, tới cuối tháng 5/2020 đã lên tới trên 100.000 đồng/kg lợn hơi.

 

Giá lợn xuất chuồng đã tăng cao, thậm chí giá bán có lúc gấp đôi giá thành sản xuất. Một số doanh nghiệp ngay trong quý I/2020 đã công bố lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỷ đồng. Nắm được nguồn cung có hạn nên một số doanh ngiệp quy mô lớn còn có biểu hiện găm hàng, bán nhỏ giọt tạo tâm lý khan nguồn cung, làm tăng giá heo. Lâu nay, ngành lợn đều qua hệ thống 2-3 khâu trung gian. Lợn thịt khan hiếm càng là cơ hội để họ làm giá lên thêm 40-43%.

 

Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, làm giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm 8-10%. Do bắt buộc phải đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để không tái phát Bệnh Dịch tả lợn châu Phi chi phí thuốc sát trùng và chi phí phòng chống dịch bệnh cũng tăng thêm.

 

Cũng không loại trừ khả năng lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn vẫn lén lút thẩm lậu qua các lối mòn, lối mở ở biên giới sang Trung Quốc do giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao.

 

Các cơ quan quản lý còn khá lúng túng và bị động trong việc điều hành giá thịt lợn. Nguyên nhân do chưa có số liệu thống kê chính xác và kịp thời về số lượng đàn lợn sau ảnh hưởng của ASF, chưa gắn với công tác dự báo cân đối khả năng cung-cầu thịt lợn ở từng thời điểm và thiếu quyết liệt trong giải pháp bù đắp sự mất cân dối cung-cầu. Một số giải pháp đưa ra còn nặng tính chất hành chính như vận động, hô hào, kêu gọi, chưa theo cơ chế thị trường, tác dụng hạn chế.

 

Nhiều người tiêu dùng ít quan tâm với việc thay đổi thói quen sử dụng nhiều thịt lợn, ít sử dụng thực phẩm khác thay thế như thịt gia súc khác, thịt trứng gia cầm, thủy sản vốn dang rất sẵn nguồn cung, chất lượng ngang bằng hoặc an toàn hơn thịt lợn và giá lại khá rẻ.

 

 

Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm giá thịt lợn như tăng cường tái đàn, nhập khẩu thịt lợn và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi. Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp này?

 

Giá lợn cao và kéo dài đã tạo lãi lớn cho người chăn nuôi nhưng tập trung vào các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, có đầu tư và ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng của ASF. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi khép kín thu lợi nhuận càng cao. Ảnh hưởng của ASF là rất nặng nề với hầu hết các trang trại vừa và nhỏ và nông hộ. Họ đều không còn lợn bán khi giá rất cao, thậm chí khoản hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cũng chưa nhận được, nên rất không có vốn để tái đàn, khôi phục sản xuất dù địa phương đã công bố hết dịch.

 

Hệ thống trung gian tiêu thụ và chế biến, bán lẻ, bán buôn đều có lãi khá. Nhưng, người tiêu dùng thì quá thiệt thòi do phải ăn thịt heo giá quá cao kéo dài.

 

Giá lợn cao đã ảnh hưởng tới đời sóng và an sinh xã hội; làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Giá bán thịt lợn cao sẽ có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam trong hội nhập và nguy cơ đánh mất thị trường ngành chăn nuôi lợn nước ta.

 

Chưa bao giờ vấn đề giá lợn đã buộc cả hệ thống chính trị phải quan tâm. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã chủ trì các phiên họp với các bộ ngành và địa phương, họp với các doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn để chỉ đạo các giải pháp nhằm đưa giá thịt lợn xuống. Bộ NN&PTNT đã có nhiều chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tốc độ tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học; từng bước kéo giá lợn xuống, tăng nhập khẩu thịt lợn để bù đắp một phần sự thiếu hụt nguồn cung trong nước. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành liên quan các địa phương để hỗ trợ hoàn thành hồ sơ giải ngân kinh phí hỗ trợ thiệt hại do ASF cho người chăn nuôi  và  có các chính sách về tín dụng, ưu đãi về tài chính.chính sách về đất đai…để đẩy nhanh tái đàn lợn; Các chính sách và thủ tục thuận lợi hơn để nhập lợn giống, nhập khẩu thịt lợn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

 

Các biện pháp trên đều cần thiết nhưng có tính lâu dài, tác động để giải quyết khủng hoảng giá thịt lợn hiện tại chưa nhiều. Một số còn mang tính chỉ đạo hành chính, vận động nhưng chưa kiểm tra cụ thể việc thực hiện.

 

Cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong kiểm tra chi phí sản xuất, áp dụng chính sách thuế thu nhập khoản chênh lệch giữa giá thành và giá bán đối với thịt lợn. Kiểm soát tốt hơn các khâu trung gian để hài hòa lợi giữa người chăn nuôi, hệ thống trung gian, người tiêu dùng và cũng tránh thất thoát khoản thuế thu nhập theo chính sách hiện hành.Việc tăng cường kiểm soát sẽ đảm bảo tính minh bạch và hạn chế lợi ích nhóm trong sản xuất và tiêu thụ thịt lợn.

 

Nắm chắc số liệu thống kê sản xuất thịt lợn từng thời điểm; làm tốt hơn công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong nước; dự báo khả năng cân đối cung-cầu từng tháng, quý, chủ động sớm hơn việc nhập khẩu thịt lợn đảm bảo có dự trữ cho trước mắt để có nguồn đưa ra thị trường khi cung không đủ cầu, hạn chế tình trạng tăng giá, tạo hiệu ứng xấu. Kinh nghiệm từ các nước là chủ động khâu nhập khẩu thịt lợn trên cơ sở dự báo cung-cầu chứ không phải khi nào thấy thiếu mới làm thủ tục nhập.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa thịt lợn vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá và xây dựng các kho dự trữ, cấp đông để bình ổn thị trường, ông có những đánh giá ra sao?

 

Tôi nghĩ không nên áp dụng giải pháp bình ổn giá thịt lợn bởi nhiều lý do:

 

– Chăn nuôi nói chung và nhất là chăn nuôi lợn hay gặp rủi ro do dịch bệnh, do biến đổi khí hậu, do các nguồn cung nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (vì nước ta phải nhập khẩu khá nhiều).

 

– Chăn nuôi lợn đa phần là nhỏ lẻ, phân tán, sản xuất chưa theo chuỗi khép kín. Rất khó thực hiện việc kê khai chi phí, kê khai giá, đăng ký giá bán. Công tác thống kê còn nhiều sơ hở, chậm cập nhật.

 

– Để bình ổn được giá thịt lợn cần có nguồn kinh phí rất lớn để hình thành các  vùng chăn nuôi lớn và an toàn dịch bệnh, xây dựng hệ thống lò giết mổ lớn. Quan trọng là phải có hệ thống bảo quản trữ đông, đủ sức thu mua dự trữ khi lợn dư thừa, khi giá lợn xuống quá thấp để người nuôi không bị thua lỗ và khi khan hiếm thịt lợn cung thấp hơn cầu (thường do hậu quả của dịch bệnh hoặc vào dịp lễ Tết) thì đưa ra bán, tránh tăng giá, gây nhiều hậu quả như thời gian từ quý 3/2019 đến nay. Nguồn vốn để thu mua lợn, giết mổ rồi cấp đông, chi phí bảo quản, dự trữ là quá lớn, không doanh nghiệp nào chịu làm. Giá thành thịt lợn hơi ở nước ta vẫn còn cao, cộng với các chi phí để dự trữ thịt lợn là khá lớn. Khi bán thịt đông lạnh ra thị trường phải có khoản bù lỗ không nhỏ.

 

– Thói quen tiêu dùng thịt tươi nóng chuyển sang thịt đông lạnh trong thời gian dài chưa thể thay đổi nhiều cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính khả thi của chủ trương bình ổn giá thịt lợn.

 

Như vậy, không nên coi thịt lợn là mặt hàng thiết yếu, không thể thay thế được, cần là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá mà chỉ coi thịt lợn là mặt hàng bình thường và hãy để để cho các quy luật của thị trường chi phối. Mặc dù thịt lợn hiện đang chiếm 65-70% cơ cấu thịt tiêu thụ thịt hiện nay nhưng người tiêu dùng sẽ ngày càng linh hoạt hơn để lựa chọn loại thực phẩm khác thay thế đang sẵn có với chất lượng không thua kém thịt lợn, thậm chí có một số chỉ tiêu dinh dưỡng còn cao hơn, giá cả cũng hợp lý hơn. Người nào vẫn muốn ăn thịt lợn dù giá quá cao là quyền của họ.

 

Nhiều nước quanh ta đã và đang khống chế sản xuất lợn thịt ở mức hợp lý do chăn nuôi lợn có mức độ ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính cao hơn các đối tượng vật nuôi khác và nguồn nước ngọt sử dụng cũng nhiều hơn. Chiến lược phát triển chăn nuôi của nước ta giai đoạn 2020-2030 cũng đã nêu cụ thể mục tiêu giảm dần mức tiêu thụ trên đầu người đối với thịt lợn, sẽ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 60% và tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt gia cầm chiếm 25-27%.

 

Tuy không đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá, nhưng cả nước vẫn cần có một số kho dự trữ thịt lợn đông lạnh ở quy mô cần thiết, để giúp người chăn nuôi tiêu thụ một phần thịt lợn khi quá dư thừa, tránh xuống giá quá thấp, người chăn nuôi thua thiệt lớn không dám tiếp tục chăn nuôi nữa. Đồng thời đưa thịt lợn từ kho dự trữ bán ra để bù đắp một phần thiếu hụt trầm trọng nguồn cung thịt lợn do tính chất thời vụ hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh, của biến đổi khí hậu, hạn chế hiện tượng tùy tiện tăng giá bán, bảo vệ quyền lợi của người  tiêu dùng.

 

Đây là chủ trương lớn, cần có cơ chế chính sách hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp  đầu tư và có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, phải có lộ trình cụ thể mới thực hiện được.

 

Nhiều nước đã và đang thực hiện như vậy, kể cả những nước xuất khẩu thịt lợn. Mặc dù là nước tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới, trên 50 triệu tấn/năm Trung Quốc cũng không đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá. Trung Quốc hiện có hệ thống kho dự trữ thịt lợn 200.000 tấn, trong đó nhà nước quản lý hơn chục kho dự trữ, công suất trên 100.000 tấn còn lại do các tập đoàn thực phẩm lớn quản lý. Vào dịp Tết hoặc khi quá khan hiếm thịt lợn như ảnh hưởng của ASF năm qua, Trung Quốc cũng đã mở kho dự trữ để bán, mỗi lần cũng chỉ 20.000 -30.000 tấn.

 

Ngành lợn Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có thể nói là rất bấp bênh. Theo ông, để hướng đến một ngành chăn nuôi lợn ổn định, bền vững, các cơ quan quản lí ngành cần có những chính sách đồng bộ ra sao và nhà chăn nuôi cần có tâm thế như thế nào?

 

 

Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng như các Hội/Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, thú y, kinh doanh thực phẩm hiện đang chờ đợi các bộ ngành  báo cáo Chính phủ để có các chính sách cần thiết trước hết nhằm tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn ở nước ta đảm bảo phát triển bền vững. Chăn nuôi lợn vẫn luôn là ngành chăn nuôi lớn nhất, quan trọng nhất để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và tham gia xuất khẩu.

 

 Theo tôi nên xác định ngành chăn nuôi lợn là ngành sản xuất truyền thống, phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và thói quen của người dân Việt Nam. Sản phẩm thịt lợn có nhu cầu phát triển rất lớn để phục vụ tiêu dùng trong nước ở một quốc gia có truyền thống tiêu thụ nhiều thịt lợn, dân số tăng và mức tiêu thụ/người cũng tăng do mức sống tăng. Thịt lợn có nhiều tiềm năng xuất khẩu khi mà một số nước vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là nhóm nước nhập nhiều thịt lợn nhất thế giới.

 

Nhưng chăn nuôi lợn cũng có nhiều rủi ro nhất là dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Cần quy hoạch theo hướng phất triển ổn định, tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả. Cần hình thành các vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bênh, đảm bảo an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh nhất là ASF vẫn đe dọa thường xuyên,  rất cần sớm có “Kế hoạch quốc gia phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025” do Chính phủ ban hành.

 

Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín do doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực gắn với chăn nuôi trang trại và  nông hộ. Khuyến khích các mô hình sản xuất lớn, đầu tư công nghệ cao. Hệ thống giết mổ, chế biến, kho bảo quản sản phẩm đối với ngành lợn đang còn rất nhiều manh mún, lạc hậu, cần có cơ chế, chính sách phù hợp mới tạo được đột phá. Hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ thịt lợn cũng cần tổ chức lại và có sự kiểm soát. Hệ thống trung gian hiện nay cũng cần được kiểm soát và tổ chức lại gắn với các chuỗi của doanh nghiệp. Ngành lợn muốn phát triển bển vững cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữu người chăn nuôi, người giết mổ chế biến, người cung ứng và người tiêu dùng, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

 

Ngành lợn phải phát triển theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi. Trước mắt cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các văn bản chỉ đạo tái đàn, tăng đàn và chung tay, đồng lòng xuông giá lợn và lợn thịt (kể cả thịt lợn nhập khẩu).  

 

Chân thành cảm ơn TS Đoàn Xuân Trúc về cuộc trò chuyện này.

Trần Ngân thực hiện

Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng như các Hội/Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, thú y, kinh doanh thực phẩm hiện đang chờ đợi các bộ ngành  báo cáo Chính phủ để có các chính sách cần thiết trước hết nhằm tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn ở nước ta đảm bảo phát triển bền vững. Chăn nuôi lợn vẫn luôn là ngành chăn nuôi lớn nhất, quan trọng nhất để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập