Phạm Văn Quyến1 *, Nguyễn Văn Tiến1 , Giang Vi Sal1 , Hoàng Thị Ngân1 , Bùi Ngọc Hùng1 , Nguyễn Thị Thủy1 , Huỳnh Văn Thảo2 , Nguyễn Thị Ngọc Hiếu2 , Trần Văn Nhứt2 và Thạch Thị Hòn2
1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn. 2 Phòng NN&PTNT Trà Cú, Trà Vinh. * Tác giả liên hệ: TS. Phạm Văn Quyến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn - Ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Điện thoại: 0913951554; Email: phamvanquyen52018 @gmail.com
Ngày nhận bài báo: 30/03/2021
Ngày nhận bài phản biện: 30/04/2021
Ngày bài báo được chấp nhận đăng: 04/05/2021
TÓM TẮT
Điều tra được tiến hành tại các nông hộ, trang trại ở 11 xã của 3 huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trong thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2020 theo phương pháp thẩm định nông thôn có sự tham gia của người dân PRA (Participatory Rural Apraisal). Thông tin sơ cấp được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp người chăn nuôi bò tại các nông hộ, trang trại. Thông tin phỏng vấn theo mẫu phiếu điều tra in sẵn. Kết quả cho thấy: đàn bò của tỉnh Trà Vinh dao động trong khoảng 210.000-230.000 con trong giai đoạn 2017-2019. Bò lai chiếm tỷ lệ 95,78% tổng đàn với 5 nhóm bò lai của Zebu, Charolais, Red Angus, Droughtmaster và BBB, trong đó lai Zebu chiếm cao nhất (40,76%) và bò sinh sản chiếm 44,89%. Khối lượng trung bình của bò cái sinh sản đạt 367,66kg. Bò cái có thời gian động dục lại sau đẻ là 78,58 ngày và số lần phối giống đậu thai là 1,71 lần/thai. Khối lượng bò tơ trung bình đạt 308,20kg. Tuổi động dục lần đầu của bò tơ là 17,06 tháng tuổi, tuổi phối giống lần đầu của bò tơ là 18,13 tháng tuổi và số lần phối giống đậu thai là 1,58 lần/thai.
Từ khóa: Chăn nuôi bò lai hướng thịt, bò lai.
ABSTRACT
Situation of beef crossbred on production and reproduction in Tra Vinh province
The survey was carried out at farmer households and farms in 11 communes of Tra Cu, Chau Thanh and Cau Ngang, Tra Vinh province from Jun 2020 to July 2020 using PRA (Participatory Rural Appraisal) tools. Primary information is collected through direct interviews of farmers using a prepared questionaires. The results showed that cattle of Tra Vinh province were around 210,000- 230,000 heads in 2017-2019 period. Crossbreeding accounts for a high proportion of the population (95.78%) which 5 groups: Crossbred of Zebu, Charolais, Red Angus, Droughtmaster and BBB. Crossbred of Zebu was the highest with 40.76%. The herd of productive cows accounted for 44.89% total cattle population. For the reproductive cow: The average body weight was 367.66kg; the interval from calving to heating was 78.58 days; and number of insemination per conception was 1.71 times. For the heifers: The average weight was 308.20kg; the age of first heating, first insemination were 17.06 and 18.13 months, respectively; the number of insemination per conception was 1.58 times. Key words: Beef cattle production, crossbred beef cattle.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trà Vinh là tỉnh có số lượng bò nhiều đứng thứ 13 trong số 63 tỉnh thành trong cả nước và đứng thứ 2 trong số 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng bò của tỉnh năm 2017 là 208.723 con (Số liệu thống kê của Cục thống kê Trà Vinh ngày 1/10/2017).
Kết quả nghiên cứu của Phạm văn Quyến và ctv (2018) về chăn nuôi bò tại các nông hộ cho thấy chăn nuôi bò tập trung chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ: Số hộ nuôi 1-5 con chiếm 40%; số hộ nuôi 6-10 con chiếm 46,67% và số hộ nuôi trên 10 con chiếm 13,33%. Về cơ cấu giống bò, bò lai chiếm tỷ lệ cao trong đàn 95,75%, trong đó lai Zebu chiếm 65,96% và lai khác chiếm 29,79%. Bò Vàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong đàn (4,26%).
Trong thời gian qua, phong trào nuôi bò thịt ở Trà Vinh phát triển mạnh, đặc biệt là phát triển gieo tinh nhân tạo, sử dụng tinh một số giống bò hướng thịt như Charolais (Cha), Red Angus (RA), Droughtmaster (DrM), BBB và Brahman (Br) gieo tinh với bò cái nền Lai Sind (LS) để tạo ra bò lai F1 hướng thịt (1/2 bò ngoại). Đã có một số nghiên cứu về khả năng sản xuất của một số nhóm bò lai hướng thịt tại Trà Vinh như bò lai (RAxLS), (DrMxLS) và (BrxLS), tuy nhiên mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu về sinh trưởng của một số bò lai hướng thịt giai đoạn sơ sinh đến 12 tháng tuổi, chưa nghiên cứu về sinh trưởng của các nhóm bò lai hướng thịt trong giai đoạn 12 tháng tuổi đến trưởng thành, vỗ béo, xác định khả năng sản xuất thịt và đặc biệt về khả năng sinh sản của các nhóm bò lai F1 hướng thịt và khả năng sinh trưởng, phát triển của các nhóm bò lai F2 hướng thịt với 3/4 nguồn gen bò ngoại.
Mặt khác, vấn đề sinh sản của đàn bò lai hướng thịt chưa được quan tâm. Mặc dù chưa có nghiên cứu điều tra đánh giá chính xác tình hình sinh sản của đàn bò lai hướng thịt của tỉnh nhưng qua khảo sát sơ bộ tại một số nông hộ, trang trại thì hiện có một số lượng không nhỏ bò cái sinh sản và bò cái tơ chậm động dục, gieo tinh nhiều lần không đậu thai, thành tích sinh sản kém, khoảng cách lứa đẻ (KCLĐ) dài, số bê sinh ra trên đời bò mẹ thấp.
Để xác định hiện trạng chăn nuôi bò lai hướng thịt và sinh sản của đàn bò lai hướng thịt tại tỉnh Trà Vinh, chúng tôi đã điều tra khảo sát tình hình chăn nuôi và những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sinh sản của bò lai hướng thịt tại tỉnh Trà Vinh.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA
2.1. Địa điểm và thời gian
Điều tra ở nông hộ, trang trại tại 11 xã của 3 huyện: Phước Hưng, Tân Sơn, Tập Sơn, Tân Hiệp, An Quảng Hữu (Trà Cú), Thanh Mỹ, Lương Hòa A, Phước Hảo (Châu Thành), Trường Thọ, Long Sơn, Nhị Trường (Châu Thành), từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2020.
2.2. Phương pháp
Số liệu thứ cấp liên quan đến tổng đàn gia súc của tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn 2017-2019 được thu thập từ các phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trạm Khuyến nông- Khuyến ngư, trạm Chăn nuôi-Thú y của 9 huyện, thị, thành phố. Sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên và chọn 120 hộ chăn nuôi bò thịt, trong đó chọn 40 hộ có quy mô dưới 5 con, 49 hộ có qui mô từ trên 5 đến dưới 10 con và 31 hộ có qui mô trên 10 con. Số liệu sơ cấp của nghiên cứu được thu thập bằng theo phương pháp thẩm định nông thôn có sự tham gia của người dân PRA (Participatory Rural Apraisal) thông qua các cuộc phỏng vấn chính thức và phỏng vấn không chính thức người trực tiếp chăn nuôi bò tại các nông hộ nuôi bò theo nội dung phiếu phỏng vấn đã thiết kế sẵn như: tình hình chăn nuôi; cơ cấu đàn bò và cơ cấu giống bò; phương thức chăn nuôi; thức ăn và khẩu phần; công tác phòng bệnh cho bò, bệnh tật, loại thải; tình trạng sinh sản của đàn bò.
Thu thập thông tin cá thể 732 bò cái sinh sản và bò cái tơ về các chỉ tiêu: Giống, tuổi, khối lượng, số lứa đẻ, tuổi động dục lần đầu, tuổi gieo tinh lần đầu, thời gian động dục sau khi đẻ, số lần phối giống đậu thai. Khảo sát các cá thể bò cái liên quan đến chậm động dục và gieo tinh nhiều lần không đậu thai. Chậm động dục ở bò cái sinh sản là chưa có dấu hiệu động dục lại sau 90 ngày sau khi đẻ hoặc trên 24 tháng tuổi đối với bò tơ. Kiểm tra lâm sàng đường sinh dục (tử cung, buồng trứng, trạng thái sinh lý buồng trứng thông qua sự hiện diện thể vàng hoặc nang trứng). Gieo tinh nhiều lần không đậu thai là trên 3 lần và thu thập thông tin từ chủ gia súc. Ngoài việc phỏng vấn để thu thập thông tin, một số chỉ tiêu kỹ thuật sẽ được cân đo tại hiện trường điều tra. Khối lượng cơ thể: Sử dụng thước dây chuyên dùng đo khối lượng bò thịt của viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
2.3. Xử lý số liệu
Số liệu điều tra được xử lý theo phương pháp thống kê mô tả.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Biến động số lượng bò và sản lượng thịt bò giai đoạn 2017-2019
Theo số liệu điều tra thứ cấp tại 9 huyện thị, thành phố của tỉnh Trà Vinh được thể hiện qua bảng 1. Tổng số đàn bò trong toàn tỉnh trong 3 năm 2017; 2018 và 2019 dao động trong khoảng 210 đến 230 ngàn con, lần lượt là: 211.449; 229.111 và 224.972 con. Số lượng bò xuất chuồng tăng dần qua các năm: Năm 2017 là 51.217 con, năm 2018 là 61.744 con và năm 2019 là 62.276 con.
Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cũng tăng dần qua các năm: Năm 2017 là 8.411,1 tấn, năm 2018 đạt 9.529,4 tấn và năm 2019 là 9.567,9 tấn. Khối lượng xuất chuồng bình quân qua 3 năm lần lượt là 168,7; 161,9 và 161,7 kg/con. Khối lượng xuất chuồng bình quân năm 2018 và 2019 giảm so với năm 2017 có thể do nhu cầu về con giống trên địa bàn tỉnh tăng. Vì vậy, các hộ chăn nuôi thấy được giá nên chuyển sang bán giống khi gia súc con nhỏ. 3.2. Tình hình chăn nuôi tại các nông hộ Kết quả điều tra về tình hình chăn nuôi tại các nông hộ cho thấy, số hộ chăn nuôi bò là người đồng bào Khơmer chiếm 49,17% số hộ chăn nuôi (Biểu đồ 1). Trình độ của chủ hộ chăn nuôi bò còn thấp với 35% số chủ hộ có trình độ cấp I; 46,67 % chủ hộ có trình độ cấp II (Biểu đồ 2).
Đây là một vấn đề khó khăn trong việc ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò lai hướng thịt. Số nhân khẩu/hộ chăn nuôi bò tại các huyện điều tra dao động từ 3,93- 4,80 người/hộ và trung bình tại các huyện là 4,36 người/hộ. Tuy nhiên tỷ lệ lao động chính trong gia đình trung bình chiếm 59,70%, phù hợp cho việc phát triển kinh tế gia đình (Biểu đồ 3).
Kết quả điều tra về diện tích đất nông nghiệp ở biểu đồ 4 cho thấy, diện tích đất nông nghiệp tại các hộ điều tra tương đối cao, dao động từ 0,55 đến 1,48 ha/hộ, bình quân 1,07 ha/ hộ. Chủ yếu diện tích đất trồng lúa (68,54%) và trồng cỏ nuôi bò (18,07%), điều này thuận lợi cho việc chăn nuôi bò theo hướng chủ động được nguồn thức ăn và tận dụng nguồn phế phẩm phẩm nông nghiệp tại địa phương. Kết quả điều tra về qui mô và cơ cấu giống bò trong các nông hộ điều tra được trình bày ở biểu đồ 5. Về cơ cấu giống bò, bò lai chiếm tỷ lệ cao trong đàn 95,78%, trong đó lai Zebu chiếm 40,76%, lai Cha 23,12%, lai RA 10,04%, lai DrM 9,70% và lai BBB 12,15%. Bò Vàng chỉ chiếm 4,22%. Từ cơ cấu giống bò cho thấy người dân chăn nuôi đang giảm và bỏ dần giống bò Vàng vì hiệu quả thấp. Từ đàn bò cái nền Zebu người chăn nuôi đang lai tạo dần những nhóm bò lai hướng thịt chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò thịt. Kết quả điều tra về cơ cấu đàn bò theo độ tuổi trong các nông hộ điều tra qua biểu đồ 6 cho thấy tỷ lệ bò cái sinh sản cao (44,89%) vì mục đích chăn nuôi bò sinh sản là chủ yếu. Nuôi bò sinh sản để sản xuất, cung cấp con giống cho các địa phương khác, một phần con giống dùng thay thế đàn và bò thịt cung cấp cho các lò mổ. Tỷ lệ bò cái tơ 13-36 tháng tuổi chiếm 18,39% trong tổng đàn và chiếm 40,98% so với đàn cái sinh sản. Đây là nguồn bò cái hậu bị đảm bảo được việc thay đàn, loại thải và chọn lọc đàn bò cái sinh sản. Riêng đối với nhóm bò đực giống, bò đực thiến và bò kéo xe không có trong chăn nuôi hộ gia đình đối với các hộ điều tra.
Kết quả điều tra về phương thức và mục đích chăn nuôi bò cho thấy, tại các hộ điều tra tỷ lệ số hộ trồng cỏ cho chăn nuôi bò cao, từ 93,54 đến 100%, bình quân là 95,83%; diện tích trồng cỏ 0,18 đến 0,20 ha/hộ, trung bình 0,19 ha/hộ. Điều này cho thấy trình độ nuôi bò của người dân đã được cải thiện đáng kể, đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ hoặc tận dụng các bờ mương để trồng cỏ nuôi bò. Từ việc trồng cỏ thâm canh người dân cũng đã chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc.
Phương thức chăn nuôi, 100% số hộ nuôi nhốt hoàn toàn, bổ sung thức ăn tại chuồng do quỹ đất chăn thả không còn. Số hộ chăn nuôi bò có chuồng kiên cố 27,5%, bán kiên cố 69,2% và chuồng tạm 3,33%. Về máng nước để bổ sung nước uống tại chuồng cho bò có 37,5% hộ sử dụng máng uống xây gạch xi măng và 62,5% hộ sử dụng các vật dụng khác làm máng uống cho bò. Từ kết quả trên cho thấy, người dân có xu hướng đầu tư cho chăn nuôi bò thịt, từ phương thức nuôi chăn thả và bán chăn thả sang nuôi nhốt hoàn toàn nên cần có chuồng chắc chắn để tiện cho việc chăm sóc nuôi dưỡng và có điều kiện để quản lý phối giống, kiểm soát dịch bệnh và ứng dụng các khoa học kỹ thuật khác trên đàn bò. Bổ sung thức ăn tại chuồng: Có 100% số hộ nuôi bò bổ sung thức ăn tại chuồng như cỏ trồng, cỏ tự nhiên, rơm tươi, rơm khô và phụ phẩm khác như thân cây bắp, ngọn mía, dây đậu phộng.
Thức ăn tinh bổ sung tại chuồng 100% số hộ chăn nuôi bổ sung cám gạo, 23% bổ sung cám hỗn hợp và 7,5 % bổ sung cám ngô cho bò. Ngoài ra còn hộ chăn nuôi bò thịt trên địa bàn điều tra đã chủ động bổ sung muối và đá liếm cho bò. Song song với việc bổ sung thức ăn tinh và thô xanh hàng ngày cho gia súc, một số hộ chăn nuôi đã chủ động dự trữ thức ăn thô xanh cho mùa khô bằng các hình thức như: Dự trữ rơm khô, dây đậu phộng, cây bắp, ủ rơm ure để nâng cao chất lượng thức ăn từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò thịt trên địa bàn.
Mục đích chăn nuôi bò sinh sản là chính chiếm 100% số hộ điều tra, ngoài ra một số hộ nuôi vỗ béo chiếm 37,5%. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò ở các nông hộ điều tra thực hiện tốt, số hộ tham gia tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, đạt 96,67%, tập trung chủ yếu là 2 loại vaccine Lở mồm long móng và Tụ huyết trùng. Ngoài ra một số hộ chăn nuôi cũng đã chủ động trong việc phòng bệnh các bệnh về nội ngoại ký sinh trùng trong chăn nuôi. Với kết quả trên cho thấy người dân đã có đầu tư, cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò, ngoài nguyên nhân được đào tạo tập huấn từ các chương trình đề tài, dự án được triển khai trên địa bàn cũng có nguyên nhân thu nhập từ chăn nuôi bò đóng góp phần quan trọng trong tổng thu nhập của gia đình.
Kết quả điều tra về tình hình chăn nuôi ở nông hộ cho thấy số hộ chăn nuôi bò thịt tham gia tập huấn thường xuyên còn thấp (3,33 %), số hộ tham gia tập huấn không thường xuyên 85,84 % và số hộ không tham gia tập huấn là 10,83%. Từ kết quả này cần tăng cường tuyên truyền các hộ chăn nuôi bò thịt tham gia tập huấn, tiếp tục mở các lớp tập huấn và thay đổi phương thức tập huấn để gia tăng sự tham gia của người chăn nuôi để phổ biến các kiến thức mới đến với người chăn nuôi. Trình độ chuyên môn của kỹ thuật trại phổ biến là không có chuyên môn (94,17% số hộ), tiếp đến là trung cấp (5,0% số hộ), kỹ sư (0,83% số hộ) và không có trình độ sơ cấp.
Công tác phối giống cho bò thịt tại các huyện điều tra cho thấy: Bò được gieo tinh nhân tạo 100%. Các hộ chăn nuôi thuê kỹ thuật viên để gieo tinh nhân tạo cho đàn bò (chiếm 98,34% số hộ) và có rất ít số hộ chăn nuôi tự gieo tinh nhân tạo cho đàn của gia đình (1,66%). Các kỹ thuật viên thường đến kịp thời để gieo tinh cho đàn bò (95,83%) do kỹ năng phát hiện bò động dục của người chăn nuôi tốt, khoảng cách địa lý không quá xa, số lượng kỹ thuật viên nhiều. Quyết định thời điểm gieo tinh cho bò thường do kỹ thuật viên quyết định (97,5%) và chủ hộ 2,5%. Về tình hình điều trị thú y cho bò: 86,67% số hộ chăn nuôi thuê kỹ thuật viên điều trị bệnh cho bò và chỉ có 13,33% số hộ tự điều trị bệnh cho đàn bò.
Tình hình vệ sinh của các trại điều tra đạt tốt với tỷ lệ 48,33% số hộ, đạt khá vởi 35,84% số hộ và đạt trung bình với 15,83% số hộ, không có hộ yếu kém. Về sổ sách theo dõi, quản lý đàn gia súc tỷ lệ còn thấp, có 45,83% số hộ có sổ quản lý đàn gia súc; 54,17% số hộ có sổ quản lý phối giống, sinh sản; 23,33% số hộ có sổ ghi chép thức ăn, khẩu phần và 26,67 số hộ có sổ ghi chép bệnh tật, thú y. Đây cũng là một vấn đề hạn chế trong chăn nuôi của các hộ điều tra.
Về tình trạng vệ sinh trại tại các hộ điều tra: Vệ sinh tốt 48,33%; khá 35,84% và trung bình 15,83%. Kết quả cho thấy các hộ chăn nuôi đã quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò.
3.3. Năng suất sinh sản của bò cái tại Trà Vinh
Tổng số bò cái sinh sản được điều tra là 532 con với 5 nhóm giống: bò Vàng 12 con (2,26%); LS 315 con (59,21%); lai Cha 75 con (14,10%); lai RA 70 con (13,16%); lai DrM 44 con (8,27%) và lai BBB 16 con (3,01%).
Xét về nguồn gốc, đàn bò cái sinh sản có 417 con do bò nhà đẻ ra (chiếm 78,38%) và do mua về là 115 con (21,62%). Đàn bò cái sinh sản hiện có 297 con đang mang thai (58,83%), đã động dục và phối giống có 83 con (15,60%), chưa động dục lại sau đẻ dưới 90 ngày có 96 con (18,05%), số bò trục trặc về sinh sản gồm chưa động dục lại sau đẻ trên 90 ngày là 35 con (6,58%) và số bò phối trên 3 lần chưa đậu thai là 21 con (3,95%). Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi tương tự như kết quả nghiên cứu của Trương Văn Hiểu và Nguyễn Thị Kim Quyên, 2021 về cơ cấu giống bò cái sinh sản tại Trà Vinh đối với nhóm bò cái LS (56,4%), tuy nhiên khác đối với với các nhóm bò lai F1 (Cha x LS) là 30,6% và các con lai F1 BBB, Br và DrM.
Theo chúng tôi kết quả có sự khác nhau là do khác nhau về địa điểm, số lượng mẫu và cơ cấu quy mô hộ điều tra. Số bò chưa động dục lại sau đẻ trên 90 ngày có ở các nhóm bò lai Zebu, Cha, RA và BBB (nhóm bò Vàng và bò lai DrM chưa ghi nhận được chỉ tiêu này). Số bò phối giống trên 3 lần chưa đậu thai chỉ có ở nhóm bò lai Zebu và Cha, các nhóm bò khác chưa ghi nhận được. Kết quả điều tra đã ghi nhận có 15 con đã sảy thai (2,82%), 27 con từng đẻ khó (5,08%), 47 con từng bị viêm nhiễm sau đẻ (8,83%). Những trục trặc này đều ghi nhận trên hầu hết các nhóm bò, riêng nhóm bò vàng chưa ghi nhận được. Tỷ lệ sinh sản không bình thường của bò lai BBB cao nhất (43,75%), bò lai Zebu là 20,63%, bò lai DrM là15,91%, bò lai Cha là 10,67% và bò lai RA là 2,86%. Tỷ lệ sinh sản không bình thường chung của đàn bò là 16,73%.
Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn bò cái sinh sản được thể hiện qua bảng 3 cho thấy khối lượng bò cái sinh sản trung bình đạt 367,66kg, thấp nhất là nhóm bò Vàng (216,32kg), tiếp theo là nhòm bò lai Zebu (338,37kg), nhóm bò lai DrM (387,14kg), nhóm bò lai Cha (402,39kg), nhóm bò lai Angus (435,71kg) và cao nhất là nhóm bò lai BBB (452,14kg). Số lứa đẻ của bò cái sinh sản là 3,63 lứa. Kết quả nghiên cứu của Phí Như Liễu và ctv (2017) tại An Giang cho thấy, khối lượng bò cái sinh sản ở 3 huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên là 308,3kg (304,5-395,1kg). Bò cái sinh sản có số lứa đẻ trung bình là 2,6 lứa.
So với kết quả nghiên cứu của các tác giả này thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở đây bò cái sinh sản có khối lượng lớn hơn nhưng số lứa đẻ lớn hơn. Kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Quyến và ctv (2019) tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh về một số chỉ tiêu kỹ thuật của đàn bò cái sinh sản cho thấy, khối lượng bò cái sinh sản bình quân là 313,52kg. Bò cái sinh sản có tuổi bình quân 5,33 và số lứa đẻ bình quân là 3,13. Tuổi động dục lần đầu (TĐDLĐ) trung bình của đàn bò cái sinh sản là 17,30 tháng tuổi: ở nhóm bò lai RA thấp nhất (16,04 tháng tuổi) và nhóm bò lai DrM cao nhất (17,86 tháng tuổi). Tuổi phối giống lần đầu (TPGLĐ) trung bình của các nhóm bò là 18,21 tháng tuổi. Tương tự, nhóm bò lai RA thấp nhất (17,00 tháng tuổi) và nhóm bò lai DrM cao nhất (18,43 tháng tuổi). Thời gian động dục lại sau đẻ (TGĐDSĐ) trung bình của đàn bò là 78,58 ngày. Chỉ tiêu này thấp nhất ở nhóm bò lai RA (71,75 ngày) và cao nhất ở nhóm bò lai DrM (83,47 ngày). Số lần phối giống đậu thai lứa đầu (SLPGĐT) trung bình của các nhóm bò là 1,60 lần. Chỉ tiêu này thấp nhất ở nhóm bò Vàng (1,12 lần) và cao nhất ở nhóm bò lai DrM (1,85 lần). Số lần phối giống đậu thai ở lứa trước (SLPGĐT) trung bình của đàn bò là 1,71 lần. Nhóm bò Vàng thấp nhất (1,52 lần) và nhóm bò lai RA cao nhất (1,85 lần). Kết quả nghiên cứu của Trương Văn Hiểu và Nguyễn Thị Kim Quyên (2021) tại Trà Vinh cho biết TĐDLĐ và TPGLĐ của bò LS lần lượt là 18,8 và 20,4 tháng và bò lai Cha lần lượt là 20,1 và 23,6 tháng. Các chỉ tiêu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi.
Kết quả điều tra về đàn bò tơ ở Trà Vinh được trình bày qua bảng 4 cho thấy tổng số cá thể là 218 con với 5 nhóm giống: bò Vàng 02 con (0,92%), bò lai DrM có 9 con (4,13%), bò lai BBB có 20 con (9,17%), bò lai RA có 24 con (11,01%), bò lai Zebu 63 con (28,90%) và cao nhất là nhóm bò lai Cha có 100 con (45,87%). Bò nhà đẻ ra 171 con (78,44%), bò mua về 47 con (21,56%).
Các nhóm bò lai đa số có nguồn gốc do bò nhà đẻ ra, như vậy, người chăn nuôi đã chú ý nhiều đến việc tạo con lai hướng thịt trong chăn nuôi bò thịt. Đàn bò tơ có hiện trạng đang mang thai 123 con (56,42%), số bò tơ trên 24 tháng tuổi chưa động dục 40 con (18,35%). Số bò cái tơ trục trặc về sinh sản là số bò cái tơ phối giống trên 3 lần chưa đậu thai 9 con (4,13%). Số trường hợp sảy thai, xử lý sinh sản trên đàn bò tơ hiện chưa ghi nhận được.
Khối lượng trung bình của đàn bò tơ điều tra là 308,20kg, khối lượng thấp nhất ở nhóm bò Vàng (176,65kg), tiếp theo là nhóm bò lai Zebu (287,63kg), nhóm bò lai DrM đạt 306,67kg, nhóm bò lai Cha đạt 316,25kg, nhóm bò lai RA 322kg và cao nhất là nhóm bò lai BBB đạt 330kg. Tuổi động dục lần đầu của bò tơ đạt 17,06 tháng tuổi, chỉ tiêu này thấp nhất ở nhóm bò lai BBB là 14,35 tháng tuổi và cao nhất ở nhóm bò lai Cha 17,70 tháng tuổi.
Tuổi phối giống lần đầu trung bình của đàn bò tơ là 18,13 tháng tuổi, tuổi phối giống lần đầu thấp nhất ở nhóm bò lai BBB (15,17 tháng tuổi) và cao nhất ở nhóm bò lai Cha (18,88 tháng tuổi). Số lần phối giống đậu thai ở lứa đầu của bò tơ trung bình đạt 1,58 lần/thai. Kết quả này tương đương với kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Quyến và ctv (2021) tại TP. Hồ Chí Minh về các chỉ tiêu: Khối lượng trung bình của đàn bò cái tơ (305,08kg); tuổi động dục lần đầu của bò tơ (16,97 tháng tuổi); tuổi phối giống lần đầu trung bình của đàn bò cái tơ (18,20 tháng tuổi) nhưng cao hơn đối với chỉ tiêu số lần phối giống đậu thai ở lứa đầu của bò cái tơ (1,20 lần/thai).
4. KẾT LUẬN
Đàn bò của tỉnh Trà Vinh trong 3 năm 2017-2019 dao động trong khoảng 210-230 ngàn con. Bò lai chiếm tỷ lệ cao, trong đó lai Zebu là 40,76%, các nhóm bò lai hướng thịt là 55,02%. Đối tượng nuôi chủ yếu là bò sinh sản. Người dân đã có đầu tư, cũng như ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi bò như đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, phối giống dùng phương pháp gieo tinh nhân tạo, tiêm phòng bệnh tật. Tuy nhiên, sổ sách theo dõi, quản lý đàn gia súc, ghi chép thức ăn, khẩu phần và ghi chép bệnh tật, thú y còn hạn chế.
Bò cái sinh sản có KL 367,66kg; TGĐDLSĐ 78,58 ngày; SLPGĐT là 1,71 lần. Bò cái tơ có KL là 308,20kg; TĐDLĐ là 17,06 tháng tuổi; TPGLĐ là 18,13 tháng tuổi và SLPGĐT là 1,58 lần/thai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chi cục thống kê các huyện Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, TX. Duyên Hải, Càng Long và TP. Trà Vinh (2017-2019). Báo cáo kết quả điều tra chăn nuôi 2017-2019.
- Cục thống kê tỉnh Trà Vinh (2017-2019). Niên giám thống kê 2017-2019.
3. Cục Chăn nuôi (2017-2019). Số liệu thống kê số lượng bò phân theo địa phương năm 2017-2019.
4. Trương Văn Hiểu và Nguyễn Thị Kim Quyên (2021). Hiện trạng nuôi bò sinh sản tại tỉnh Trà Vinh. Tạp chí KHKT Chăn nuôi, 265(5.21): 52-58.
5. Phí Như Liễu, Nguyễn Văn Tiến và Hoàng Thị Ngân (2017). Kết quả lai tạo và nuôi dưỡng bê lai hướng thịt tại An Giang. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 76(6.17): 91-99.
6. Phạm Văn Quyến, Giang Vi Sal, Huỳnh Văn Thảo, Trầm Thanh Hải, Trần Văn Nhứt, Thạch Thị Hòn và Trần Văn Trước (2019). Kết quả điều tra, khảo sát tình hình phát triển chăn nuôi bò và thị trường tiêu thụ thịt bò tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 101(7.19): 78-88. 7. Phạm Văn Quyến, Hoàng Thị Ngân, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Văn Tiến, Giang Vi Sal, Bùi Ngọc Hùng, Lê Việt Bảo, Nguyễn Minh Trí và Phạm Văn Tiềm (2021). Hiện trạng chăn nuôi bò lai hướng thịt tại TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí KHKT Chăn nuôi, 266(6.21): 34-40.