TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) TỚI NGÀNH CHĂN NUÔ

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) TỚI NGÀNH CHĂN NUÔI VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP
Ngày đăng bài - 6/1/2018 12:00:00 AM
TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) TỚI NGÀNH CHĂN NUÔI VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP

[Hội Chăn nuôi Việt Nam] - Khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ là ngành chịu nhiều sức ép cạnh tranh lớn, nhất là  chăn nuôi lợn, là tiểu ngành sản xuất truyền thống lớn nhất của Chăn nuôi Việt Nam .

 

TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) TỚI NGÀNH CHĂN NUÔI VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬPHình ảnh minh họa

 

I. Cơ hội và thách thức

 

Tương tự như các ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tham gia Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, ngành chăn nuôi có được những cơ hội quý giá như: 

 

(1). Tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật mới, khoa học công nghệ mới và cách tổ chức sản xuất tiên tiến nhiều nước thành viên có nền chăn nuôi công nghiệp, hiện đại, tiên tiến hơn hẳn nước ta. 

 

(2). Cùng các ngành sản xuất khác, ngành chăn nuôi sẽ được thừa hưởng các thuận lợi to lớn từ việc cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính… theo xu thế hội nhập sâu, rộng. 

 

(3). Ngành chăn nuôi sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới, phát triển chăn nuôi theo công nghệ cao với cùng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững và theo hướng xuất khẩu, hiệu quả. 

 

(4). Trước mắt, cơ hội lại đến từ chính nội tại, đó là áp lực buộc ngành chăn nuôi phải kiên quyết tổ chức lại sản xuất, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Bản thân những người trong ngành cần  đổi mới tư duy, tiếp cận tư duy của hội nhập và chấp nhận cạnh tranh, tư duy sản xuất theo chuỗi, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội nội tại này rất quan trọng và cũng lại là thách thức mà trong thời gian vàng khoảng 5-10 năm tới đây chúng ta phải vượt qua để không bị thua trên sân nhà.

 

(5). Trong quá trình củng cố và phát triển, ngành chăn nuôi cần tận dụng trước mọi lợi thế do các cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm, công nghệ mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các nước tham gia các FTA  như con giống lợn, gà, vịt, bò sữa, bò thịt; một số nguyên liệu và thức ăn bổ sung, nhiều loại vacxin và thuốc thú y; các trang thiết bị chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, ấp trứng, máy móc, dây chuyền sản xuất thuốc thú y, chế biến thức ăn,  giết mổ và chế biến thịt, sữa… qua đó, góp phần tiếp cận công nghệ cao và giảm chi phí đầu vào. 

 

Tham gia CPTPP cũng tạo cơ hội để Việt Nam nhập các sản phẩm chăn nuôi đa dạng, sản phẩm qua chế biến với chất lượng tốt, gia cả hợp lý và cũng tạo cơ hội để tiếp  cận và mở rộng thị trường để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà nước ta có lợi thế….

 

Tuy nhiên, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu chúng ta không biết tận dụng để biến thành lợi ích. Bên cạnh đó thách thức thì rất gay gắt và gây áp lực ngay từ khi các FTA nói chung và CPTPP nói riêng có hiệu lực do khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam rất thấp. 

 

Có thể nêu ra đây những thách thức lớn nhất, đó là:

 

(1). Giá thành sản phẩm chăn nuôi của ta đang cao: cao hơn khoảng 25-30% so với nhiều nước thành viên CPTPP. Nguyên nhân chủ yếu do: sản xuất nhỏ, manh mún, giống vật nuôi cho sản xuất chưa đảm bảo, năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động rất thấp, chi phí đầu vào cao do phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu (dù xóa bỏ thuế nhưng vẫn phải chịu chi phí vận chuyển, kiểm dịch). Chi phí phòng chống dịch bênh khá cao trong khi các khoản phí và lệ phí tuy đã bỏ nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo. Sản xuất - tiêu thụ chưa theo chuỗi nên phí trung gian nhiều. Cơ chế tín dụng đối với ngành chăn nuôi chưa hợp lý như khó tiếp cận vốn vay, lãi suất ngân hàng cao hơn khá nhiều so với nhóm các nước phát triển trong AEC, trong EVFTA, trong CPTPP…

 

(2). Chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm còn kém. Nguyên nhân do môi trường chăn nuôi đang bị ô nhiễm, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở khu vực chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ, lò mổ thủ công không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y vẫn còn quá nhiều, còn nhiều nông hộ, trang trại chưa thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và đảm bảo an toàn sinh học. Hoạt động kiểm soát sản phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch còn quá sơ hở, chưa tận dụng các quy định về phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật (SPS, TBT) đối với sản phẩm nhập khẩu đông lạnh. Nhưng nguy hại hơn là tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi tuy đã giảm nhưng ở nhiều nơi vẫn lén lút sử dụng. Đó là tội ác đối với sức khỏe cộng đồng và đang đẩy người tiêu dùng trong nước xa dần với sản phẩm vốn là tươi, ngon, đậm đà hương vị được sản xuất tại chỗ và buộc họ tiếp cận nhanh hơn với việc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.

 

Hai thách thức này đang làm cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nước ta khá thấp so với nhiều nước tham gia CPTPP. 

 

(3). Xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn, thịt gà, thịt bò  đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa …ồ ạt nhập vào nước ta. Trong đó thịt lợn và thịt bò từ Canada, Chi lê; sữa bò và thịt bò từ Úc, New Zealand, thịt gà từ Mêxico…Tạo sức ép cạnh tranh không cân sức với sản phẩm tương tự sản xuất trong nước.

 

(4). Chúng ta có quá ít trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi quá thấp nên thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt trong quá trình hội nhập. Tổ chức sản xuất - tiêu thụ lại chưa theo chuỗi liên kết giá trị, việc xây dựng  thương hiệu và công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm.

 

(5). Nhiều doanh nghiệp trang trại chăn nuôi vẫn thờ ơ, chưa chủ động tìm hiểu về hội nhập kinh tế. Tỷ lệ doanh nghiệp còn mơ hồ về CPTPP và về các FTA khác còn khá cao, nên rất thiếu chủ động khi tham gia hội nhập. 

 

(6). Cơ chế chính sách đối với ngành chăn nuôi khi tham gia hội nhập còn thiếu và khó tiếp cận. Ngành chăn nuôi không thể tổ chức lại để chủ động hội nhập nếu không có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị thông qua các chính sách liên quan tới đất đai, với cơ chế tín dụng hợp lý, ưu đãi về thuế; tới khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi, tới việc hình thành các HTX chăn nuôi kiểu mới, chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ cao và ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, chính sách hỗ trợ nông hộ, trang trại ứng dụng VietGAHP, hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ, hệ thống xử lý chất thải; xây dựng thương hiệu và hoạt động xúc tiến thương mại…

 

II. Giải pháp để ngành Chăn nuôi chủ động hội nhập 

 

Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, 100% biểu thuế của các thành viên CPTPP sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Với các nước phát triển, lộ trình này là 5-7 năm; nhưng Việt Nam được ưu tiên kéo dài hơn, bình quân khoảng 10 năm, để phù hợp với điều kiện phát triển. Cụ thể Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó 65,8% số dòng thuế sẽ về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực; 85,5% về 0% vào năm thứ 4; 97,8% về 0% vào năm thứ 11; các mặt hàng còn lại (được xem là nhạy cảm) cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lịch trình tối đa vào năm thứ 16, hoặc theo hạn ngạch thuế quan. 

 

Ở nhóm các mặt hàng nông nghiệp và thủy sản, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 đối với thịt gà; với thịt heo tươi vào năm thứ 10 và thịt đông lạnh vào năm thứ 8; gạo xóa bỏ ngay khi CPTPP có hiệu lực; bắp xóa bỏ vào năm thứ 5; thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ từ năm thứ 8 đến năm thứ 11; chế biến thủy sản vào năm thứ 5…

 

Đây được coi như thời gian “vàng” để ngành chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành và năng cao chất lượng. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm thịt “nóng”, thịt “mát” của người Việt cũng là “rào cản tự nhiên” để hạn chế thịt đông lạnh nhập khẩu.

 

Do quá nhiều thách thức gay gắt nên ngành Chăn nuôi cũng cần nhiều giải pháp để vượt qua và giải pháp nào cũng cần thiết và cấp bách. Trong đó, những giải pháp chính bao gồm:

 

1. Nhóm giải pháp về kỹ thuật:

 

(1). Công tác giống vật nuôi: Chọn tạo một số giống vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng và phục vụ cho phương thức chăn nuôi bán chăn thả. Đối với các giống phù hợp chăn nuôi tập trung, công nghiệp cần khuyến khích nhập giống cụ kỵ, ông bà để sản xuất giống bố mẹ trong nước phục vụ chăn nuôi thương phẩm. Các địa phương cần quan tâm lưu giữ, chon tạo và sản xuất giống bản địa, giống đặc sản. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống nhằm góp phần tăng năng suất vật nuôi 12-15% trong những năm tới.

 

(2). Tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, không sử dụng chất cấm và lạm dụng chất kháng sinh. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Có giải pháp khống chế giá bán thức ăn chăn nuôi không cao hơn so với các nước trong khu vực có điều kiện tương tự (thông qua việc kiểm soát một số chi phí để đảm bảo hợp lý trong cơ cấu giá thành, tránh đội giá bán như tỷ lệ khấu hao tài sản mới đầu tư, tỷ lệ chi cho hệ thống đại lý…).

 

(3). Chủ động khống chế dịch bệnh và hình thành một  số vùng an toàn dịch bệnh, tiếp tục rà soát giảm bớt các khoản phí, lệ phí, tránh chồng chéo. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, các sản phẩm nhập khẩu tiểu ngạch và chính ngạch; tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc thú y và đảm bảo giá bán hợp lý. 

 

Xây dựng các hàng rào ký thuật (SPS, TBT) phù hợp với các cam kết trong các FTA, khuyến khích đầu tư xử lý môi trường trong Chăn nuôi.

 

(4). Xây dựng và phát triển các mô hình, các chuỗi, các vùng sản xuất theo hướng xuất khẩu các sản phẩm có điều kiện, gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia, đảm bảo truy suất nguồn gốc; đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu về thịt gà, thịt lợn (và các sản phẩm chế biến từ thịt), trứng vịt muối, mật ong, các sản phẩm từ sữa bò, thức ăn chăn nuôi… 

 

2. Nhóm các giải pháp về tổ chức sản xuất:

 

(1). Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Chăn nuôi ở các địa phương theo hướng Phát triển các sản phẩm có lợi thế từng vùng, tập trung nâng cao năng suất, hạ giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững. Tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng và theo nhóm vật nuôi cần gắn với giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường chăn nuôi và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Các địa phương cần cân nhắc lựa chọn phát triển hàng hóa các sản phẩm có lợi thế của địa phương mình. Khuyến khích các phân khúc tạo ra sản phẩm ít bị cạnh tranh để chăn nuôi hướng tới xuất khẩu. Phát triển mạnh các giống vật nuôi quý hiếm, đặc sản của từng vùng kết hợp phương thức chăn nuôi hữu cơ để tạo sản phẩm đặc sản cho phân khúc thị trường tiêu thụ riêng, tham gia phục vụ Chương trình du lịch ẩm thực sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới đây. 

 

Trung ương và địa phương cùng doanh nghiệp cần có chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế. 

 

(2). Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi: các doanh nghiệp lớn giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại và các hợp tác xã, nông hộ chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại phải nâng dần quy mô và chịu sự kiểm soát an toàn dịch bệnh, phải tham gia vào các hợp tác xã chăn nuôi,  các chuỗi liên kết giá trị. Sản xuất theo chuỗi sẽ góp phần giảm 12-15% giá thành sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và dễ tiếp cận vốn tín dụng và thị trường xuất khẩu sản phẩm có lợi thế.

 

(3). Thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành Chăn nuôi, khuyến khích đầu tư công nghệ cao, đầu tư vào các khâu: chọn tạo giống, giết mổ - chế biến, xử lý môi trường. Kinh nghiêm ở một số mô hình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai …đã cho thấy: Đầu tư công nghệ cao gắn với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới sẽ góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi 15-20%.

 

(4). Đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền các nội dung liên quan tới hội nhập kinh tế: các cam kết của Việt Nam tại các FTA, cơ hội và thách thức, xác định các giải pháp để từng doanh nghiệp, từng địa phương và cả ngành Chăn nuôi có thể chủ động hội nhập.

 

(5). Nhanh chóng củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ngành Chăn nuôi từ Trung ương tới địa phương, bổ sung nhân sự có chất lượng cao, các chuyên gia về xúc tiến thương mại, bổ sung trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp và cơ chế, chính sách để tăng cường hiệu quả công tác quản lý ngành trong bổi cảnh hội nhập.

 

3. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách:

 

Ngoài các giải pháp liên quan tới cải cách thể chế, tới nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương cùng với  sự nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động của doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi. Ngành chăn nuôi rất cần các cơ chế chính sách có tính chất đặc thù trong giai đoạn 10 năm trước mắt, đó là:

 

(1). Cần có cơ chế tín dụng hợp lý cho ngành Chăn nuôi trong vòng ít nhất 10 năm tới: lãi suất vay ưu đãi, cơ chế tiếp cận vốn vay thuận lợi, miễn giảm thuế thu nhập trong thời gian đầu của hội nhập đối với các hoạt động như: chọn lọc, sản xuất con giống; giết mổ, chế biến sản phẩm, xử lý môi trường, đầu tư công nghệ cao; cần xóa bỏ ngay các khoản phí lệ phí chồng chéo...

 

(3). Các chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi gía trị, chăn nuôi theo ViệtGAHP, an toàn sinh học; hình thành các Hợp tác xã và Tổ hợp tác chăn nuôi kiểu mới. Các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng tin học trong chăn nuôi.

 

(4). Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong đó có Hợp tác xã chăn nuôi; ban hành bổ sung các quy định về phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống tự cấp, tự vệ …) theo đúng các cam kết trong CPTPP và các FTA khác để bảo vệ sản xuất trong nước.

 

(5). Có chương trình đào tạo nhân lực cho ngành Chăn nuôi trong quá trình hội nhập. Chú trọng chất lượng đào tạo công nhân chuyên nghiệp, đội ngũ trại trưởng, cán bộ thị trường…cho ngành Chăn nuôi.

 

(6). Có chương trình phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, dầy đủ về Nội dung của Hiệp định CPTPP cho toàn dân, dặc biệt là các cam kết của chúng ta. Chú trọng phổ biến tới khối doanh nghiệp, khuyến cáo cho họ về cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, các giải pháp để tận dụng cơ hội, các chủ trương cải cách thể chế và chính sách của chính phủ để doanh nhiệp tham gia hội nhập…

 

(7). Có các cơ chế, quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ như Hội, Hiệp hội ngành nghề tham gia vào các dịch vụ công như các Hội, Hiệp hội khác trong các nước thành viên của AEC, EVFTA, của CPTTP và của các  FTA khác đang thực hiện. Hội và Hiệp hội cần thực hiện chức năng là cầu nối trong mối quan hệ Công - Tư (PPP) trong suốt quá trình chủ động hội nhập của ngành Chăn nuôi.

 

4. Một số khuyến nghị cho Doanh nghiệp

 

(1). Hơn ai hết, doanh nghiệp cần chủ động hiểu đầy đủ về Hiệp định CPTPP và có kế hoach, lộ trình để tham gia hội nhập; biết tận dụng tối đa các cơ hội do CPTPP mang lại và biết hạn chế rủi không đáng có. 

 

(2). Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy để sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi trong CPTPP, trước hết là tư duy chấp nhận cạnh tranh để vươn lên, để không bị thua trên sân nhà và biết chọn giải pháp hợp tác phát triển đối với những mặt hàng cạnh tranh thấp để tồn tại và hướng tới xuất khẩu.

 

(3). Doanh nghiệp phải giữ vị trí chủ lực, then chốt trong các chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

(4). Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu lại và ưu tiên đầu tư để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học… nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm của mình.

 

(5). Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của CPTPP và yêu cầu chung của Hội nhập kinh tế./. 

 

TS. Đoàn Xuân Trúc
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập