Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi
Ngày đăng bài - 10/13/2017 12:00:00 AM
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể, lâu dài.

 

Vẫn còn nhiều khó khăn

 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 8-2017, toàn tỉnh có 33.930 con trâu, 105.651 con bò, 277.954 con lợn, 3.209.303 con gia cầm. Nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, có thể thấy người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn khi phải lệ thuộc rất nhiều từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến đầu ra sản phẩm, giá cả thị trường.

 

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôiNhiều hộ dân vẫn quen với chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát

 

Nhu cầu con giống cho phát triển chăn nuôi của tỉnh hiện nay rất lớn, tuy nhiên, các công ty giống vật nuôi trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu về giống. Do đó, đa phần nguồn giống vật nuôi vẫn phải phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất giống của Trung ương và các tỉnh khác. Cũng vì thế, người chăn nuôi phải chịu thêm chi phí vận chuyển, việc quản lý chất lượng con giống và dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng còn những bất cập, hạn chế, như: hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ vẫn chiếm số đông; vấn đề liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm chưa có cơ chế rõ ràng và ổn định; việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất lượng sản phẩm thiếu chặt chẽ...

 

Chính những bất cập này đã khiến người chăn nuôi gặp phải nhiều khó khăn. Dẫn chứng cụ thể nhất là giá thịt lợn liên tiếp giảm trong thời gian qua, có lúc thịt lợn bán ra chỉ còn 20.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao.

 

Ông Nguyễn Chí Phúc (thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch) cho biết: “Gia đình tôi nuôi khoảng 200 con lợn thịt, duy trì 50 con lợn nái. Là người tham gia nuôi lợn nhiều năm, chưa bao giờ tôi thấy giá lợn thấp như thời gian qua. Để duy trì trang trại, tôi đã phải bán hết số lợn thịt, cố gắng duy trì đàn lợn nái. Nhưng, nếu giá thịt lợn vẫn cứ bấp bênh, như hiện nay thì chúng tôi rất khó trụ vững”.

 

Trước thực trạng đó, hơn lúc nào hết, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là đòi hỏi tất yếu của ngành chăn nuôi. Dẫu vậy, việc tự tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp dường như quá khó đối với mô hình chăn nuôi nông hộ. Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại đang là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng.

 

Liên kết để phát triển

 

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Qua thực tế, liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay đã khẳng định, doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết.

 

Nhận thức được hiệu quả, lợi ích của liên kết trong sản xuất, kinh doanh, một số chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các hoạt động liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp, trang trại với trang trại, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác...

 

Hiện, toàn tỉnh có 35 tổ chức sản xuất của trang trại đã được thành lập, thu hút 118 chủ trang trại tham gia. Một số trang trại đã tổ chức sản xuất khép kín chuỗi giá trị, như: trang trại ông Trần Văn Phương (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch), ông Nguyễn Quốc Dũng (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) đã liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chăn nuôi lợn công nghệ cao, nuôi từ 1.000-2.000 con/lứa/trang trại. Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ; nông dân nhận khoán và được hỗ trợ quá trình sản xuất chăn nuôi.

 

Doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo hợp đồng ký kết. Với liên kết chăn nuôi gia công, các chủ trang trại hầu hết đều có lãi do không phải lo về đầu ra và giá cả; thông qua liên kết, các chủ trang trại chăn nuôi học hỏi và tiếp cận được với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.

 

Ông Trần Văn Phương (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: “Để việc phát triển chăn nuôi có tính ổn định và bền vững, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định. Như trang trại của chúng tôi, với sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thức ăn và bao tiêu sản phẩm từ phía Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, chúng tôi khá yên tâm về đầu ra của lợn. Cũng vì thế, chúng tôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô trang trại”.

 

Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững, người chăn nuôi vẫn rất cần những định hướng, chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, để phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng bền vững và đưa chăn nuôi chiếm 50% tổng giá trị của ngành nông nghiệp vào năm 2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh thời gian tới là tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chăn nuôi, đặc biệt không để phát triển chăn nuôi tràn lan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

 

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôiChăn nuôi trang trại cần có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để phát huy hiệu quả

 

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất trang trại với trang trại, để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến; xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng trang trại, doanh nghiệp; đào tạo năng lực trình độ về quản lý trang trại cho các chủ trang trại; tăng cường quản lý Nhà nước về vật tư đầu vào và hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt với từng loại mô hình trang trại sạch và liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm...

 

Những năm qua, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các trang trại. Đây là động lực giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất hàng hóa theo hướng chất lượng và giá trị.

 

Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách về tài chính, tín dụng, đất đai hỗ trợ các trang trại theo “Quyết định số 3119-QĐ-UBND ngày 5-9-2017 về phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi theo Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình đến năm 2020”.

 

Huyện Lệ Thủy hỗ trợ các trang trại có quy mô lớn, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương từ 10-15 triệu đồng/trang trại; huyện Quảng Ninh hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ nuôi từ 10 con bò lai và trồng từ 0,5ha cỏ trở lên; huyện Bố Trạch hỗ trợ 20 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lợn đạt quy mô từ 50 con nái ngoại sinh sản trở lên, 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi bò đạt quy mô từ 100 con bò lai trở lên...

 

Lê Mai
Nguồn: Báo Quảng Bình

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập