Phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất thịt lợn

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất thịt lợn
Ngày đăng bài - 8/6/2020 12:00:00 AM
Phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất thịt lợn

[Hội Chăn nuôi Việt Nam] – Đó là tên hội thảo do Hội Chăn nuôi Việt Nam và Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp tổ chức vào sáng ngày 8/4/2020 tại Hà Nội.

 

Tham dự hội nghị có đại diện: Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế; Khoa Chăn nuôi, Khoa Thú y các trường Đại học; các chuyên gia trong lĩnh vực Chăn nuôi, sơ chế, chế biến, an toàn thực phẩm; Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh và một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, thú y…

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Hội thảo với nội dung tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm về an toàn thực phẩm trong sản xuất thịt lợn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các báo cáo trong hội thảo xoay quanh các vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm thịt lợn ở Việt Nam; Hiện trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi lợn bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đổi mới quản lý chuỗi thịt lợn theo định hướng quốc tế; Chuỗi liên kết giá trị, một số mô hình sản xuất thịt an toàn, những khó khăn và thách thức; Tăng cường giải pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống….

 

PGS TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay, thịt lợn chiếm 70% cơ cấu các loại thịt trong  bữa ăn hàng ngày của người Việt, đứng thứ 7 trên thế giới về lượng tiêu thụ thịt lợn. Trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm báo sức khỏe của người tiêu dùng, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được các chuyên gia đánh giá là giải pháp quan trọng cho phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam.

 

“ Đây cũng là giải pháp đã được nhiều nước áp dụng để thúc đẩy kết nối sản xuất với thị trường, tăng tính dự báo, đảm bảo chất lượng an toàn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, điều tiết cung cầu, đồng thời đảm bảo cho sự phân bố lợi nhuận hợp lý” – PGS TS Nguyễn Đăng Vang khẳng định.

 

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

 

Còn ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Năm 2020 là năm có dấu mốc cực kỳ quan trọng đối với ngành khi Luật chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực. Dưới Luật là các Nghị định, Thông tư đã được Quốc hội thông qua. Từ đây, chăn nuôi sẽ có những thay đổi cơ bản, sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ vào khuôn  khổ  giúp tăng tính bền vững với ngành chăn nuôi”.

 

Cũng theo ông Trọng, ở Việt Nam hiện nay có rất ít các chuỗi liên kết. Việc liên kết giữa các khâu còn rất lỏng lẻo, rời rạc, khâu trung gian đã tăng giá lên rất cao (ước tính khoảng 41%). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ các khâu trung gian. Việc liên kết giữa các chuỗi trong chăn nuôi sẽ giúp giảm bớt các khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

 

“Định hướng chăn nuôi tới đây sẽ hướng tới quy mô công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song song với đó, vẫn phải tiếp tục phát huy và duy trì chăn nuôi truyền thống, nhưng những mô hình này cần phải thực hiện chuỗi liên kết để đảm bảo an toàn thực phẩm thì mới có thể thu hút được các doanh nghiệp”, ông Trọng khẳng định.

 

Cùng với đó, ông Trọng cũng đánh giá cao hội thảo hôm nay có vai trò quan trọng, kịp thời giúp phổ biến kiến thức, quy định về mặt an toàn thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra, từ giống, quy trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ.. hướng tới chuỗi giá trị ngành chăn nuôi lợn bền vững.

 

Ông Nguyễn Văn Chữ, Tổng giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Organic Green

 

Ông Nguyễn Văn Chữ, Tổng giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Organic Green đã có chia sẻ: “Khi được tham gia vào chuỗi chăn nuôi, tôi nhận thấy tất cả những gì chúng ta đang làm suốt trong thời gian vừa qua đều chưa đúng so với quy chuẩn khoa học về giết mổ. Hiện tại, miếng thịt mang đến cho người tiêu dùng chỉ dừng lại ở mức an toàn trong khâu giết mổ, còn từ khâu giết mổ cho đến bàn ăn thực sự vẫn chưa được đảm bảo, bởi chúng ta chưa thực hiện đúng theo các quy trình về bảo quản thịt sau giết mổ. Vậy nên, việc đầu tư theo một chuỗi để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một điều thực sự cần thiết đối với những người kinh doanh sản phẩm sạch”.

 

TS Võ Trọng Thành – Cục Chăn nuôi với đề xuất xây dựng sàn giao dịch nông sản, thực phẩm

 

Còn TS Võ Trọng Thành – Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện nay Việt Nam có một số chuỗi thịt lợn nổi bật như Visan (Hồ Chí Minh), VietGAP An Hạ (TP Hồ Chí Minh), Anh Hào Phát (Đồng Nai), Hải Thịnh (Bắc Giang), Vinh Anh (Hà Nội). Doanh nghiệp giết mổ thu mua một phần hoặc toàn bộ lợn thịt của nông dân để giết mổ và phân phối ra thị trường (bán lẻ qua các cửa hàng thực phẩm – siêu thị, bán cho các khu công nghiệp, trường học…

 

Cùng với đó TS Võ Trọng Thành cũng đề xuất xây dựng sàn giao dịch nông sản, thực phẩm với 2 chức năng chính: 1.Nơi tham chiếu về giá, bởi hiện hiện nay, để đưa ra giá bán, nhiều nhà chăn nuôi, doanh nghiệp phải nghe ngóng từ những đơn vị lớn, thì sàn giao dịch là nơi minh bạch, quy tụ các chuỗi sản xuất và đưa ra mức giá cho các doanh nghiệp tham khảo; 2. Nơi  tham chiếu về chất lượng để định giá sản phẩm. Cụ thể, tại sàn giao dịch đó, nhà buôn và người tiêu dùng căn cứ vào chất lượng để định giá. Ví dụ một con lợn đã nuôi dưỡng kháng sinh thì chắc chắn giá sẽ giảm 5% so với con không sử dụng kháng sinh.

 

“Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai nơi có đủ điều kiện để để làm sàn đấu giá thịt lợn. Hôm nay, khái niệm này còn mới nhưng thời gian tới sẽ rất thiết thực, hữu ích. Sàn giao dịch là “sân chơi” để các chuỗi như Organic Green, Vinh Anh, Hoàng Long…có thể  đưa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và chính họ là hưởng lợi từ sự minh bạch, công bằng trên sàn”, TS Võ Trọng Thành khẳng định.

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó khoảng 60% từ chăn nuôi của Thành phố, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Hiện  nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng… Những năm qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Thú y từ thành phố đến các quận huyện công tác quản lý động vật và sản phẩm động vật đã có chuyển biến tích cực. Trong đó việc quản lý và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ và các cơ sở giết mổ được các cấp chính quyền cho phép. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được đẩy mạnh.

 

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Với việc tăng cường công tác quản lý, Hà Nội đã từng bước thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng sang sử dụng thịt tươi mát, được bảo quản trong các hệ thống làm mát, cấp đông được bảo quản ngay từ khi giết mổ. Lựa chọn và chỉ sử dụng các sản phẩm rõ nguồn gốc đã được các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan Thú y) kiểm tra, giám sát về chất lượng, vệ sinh thú y.

 

Đồng thời thực hiện tốt các quy định của địa phương xây dựng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ đến chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi phát triển bền vững.

 

Một số hình ảnh khác trong Hội thảo:

 

PGS TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế với trình bày báo cáo ” Quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm thịt lợn ở Việt Nam”.

 

“Đối mới quản lý chuỗi thịt lợn theo định hướng quốc tế/truyền thông và tập huấn trong tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Việt Nam” là tên bài trình bày của TS Nguyễn Đình Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thú y Chăn nuôi (Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam).

 

Ông Đào Quang Vinh – Công ty Cổ phần Thực phẩm Vinh Anh trình bày ý kiến tại Hội thảo.

 

Công ty Cổ phần phân phối Hoàng Nam trưng bày một số  sản phẩm tiêu diệt côn trùng trong chăn nuôi.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Bài: Phạm Huệ, Lan Anh

Ảnh: Trần Ngân

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập