Giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ đầu tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na, Niu Di-Lân và U-ru-goay. Giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu thịt của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2021.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ tăng mạnh. Ngày 08/8/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 122 UScent/lb, tăng 1,1% so với cuối tháng 7/2022 và tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thịt lợn tăng do sức mua khởi sắc. Sản lượng lợn giết mổ của Hoa Kỳ đang ở gần mức thấp nhất trong năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ cả thịt bò và thịt lợn đều tăng mạnh. Nguồn cung lợn hơi thắt chặt cũng đang hỗ trợ giá giao ngay và giá kỳ hạn. Nhu cầu thịt lợn tăng do giá thịt bò đắt hơn. Tuy nhiên, số lượng lợn giết mổ có thể sẽ bắt đầu tăng cao hơn vào giữa tháng 8/2022.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt mức 110,7 triệu tấn, hầu như không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2022 do sự điều chỉnh tăng ở Trung Quốc bù lại sự sụt giảm ở EU và Bra-xin. Sản lượng ở Trung Quốc tăng gần 2%, lên 51,8 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch tả lợn châu Phi.
Sản lượng của EU và Bra-xin được điều chỉnh giảm 2%, xuống lần lượt là 22,6 triệu tấn và 4,3 triệu tấn do cơ hội xuất khẩu chậm lại, gây áp lực lên giá. Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 được điều chỉnh giảm gần 10% so với năm 2021, xuống còn 10,6 triệu tấn, chủ yếu do việc giảm nhập khẩu của Trung Quốc bởi nguồn cung trong nước được cải thiện.
Nhập khẩu của Hồng Kông cũng được điều chỉnh giảm 21% xuống còn 275 nghìn tấn do nhập khẩu lợn sống từ Trung Quốc tăng thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhu cầu được dự báo sẽ tăng ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Mê-hi-cô, Nhật Bản và Phi-líp-pin. USDA dự báo Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Nhu cầu của Trung Quốc giảm mạnh khiến các nhà xuất khẩu lớn như EU, Bra-xin và Hoa Kỳ phải tìm kiếm thị trường mới để bù đắp lượng xuất khẩu bị giảm sút. Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 13% trong năm 2022. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh. Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, nhưng Cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn để hạ tiếp giá thịt lợn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 642,74 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 3,06 tỷ USD, giảm 24,7% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na, Niu Di-Lân và U-ru-goay.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước không có nhiều biến động, giá giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, giá giảm do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn. Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá thịt lợn; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, đồng thời không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.
Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, vào cuối năm thì giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, hơn nữa giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến chi phí chăn nuôi tăng. Để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn, kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).
Về xuất khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8,59 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 51,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với 3,44 nghìn tấn, trị giá 17,71 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm 29,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Về nhập khẩu: Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 289,37 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 648,51 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 47 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 79,7 nghìn tấn, trị giá 250,97 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 27,5% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Các chủng loại thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm: Thịt trâu tươi đông lạnh; đùi gà đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt gà tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 45,18 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 95,92 triệu USD, giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.123 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Bra-xin chiếm 35,1%; Nga chiếm 25,7% và Đức chiếm 16,6%...
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương