Bảo tồn giống bò vàng vùng cao nguyên đá

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Bảo tồn giống bò vàng vùng cao nguyên đá
Ngày đăng bài - 9/28/2018 12:00:00 AM
Bảo tồn giống bò vàng vùng cao nguyên đá

Tính đến cuối năm 2014, số lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt gần 106.000 con. Trong đó, riêng tại 4 huyện vùng cao nguyên đá (gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) nuôi khoảng 80.000 con.


Nguồn gen quý bị thoái hóa

 

Giống bò vàng vùng cao được đồng bào Mông tại 4 huyện cao nguyên đá nuôi dưỡng từ lâu đời, vì vậy còn được gọi là bò Mông, bò Mèo. Giống bò này có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Bò có màu lông vàng nhạt, vàng sẫm hoặc cánh gián, một số ít có màu đen nhánh hoặc loang trắng, tai to, lưng hơi võng, mông dài, ngực sâu, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng. Nhìn chung, đây là giống bò có thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon.

 

Giống bò vàng vùng cao có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt vùng cao nguyên đá.

 

Những năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập lớn, nhiều gia đình đã tập trung phát triển chăn nuôi và vỗ béo bò thịt. Một số mô hình chăn nuôi bò hàng hóa theo hướng trang trại kết hợp với mở rộng diện tích trồng cỏ đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Tuy nhiên, nghề chăn nuôi bò trên vùng cao nguyên đá Hà Giang cũng đang gặp nhiều thách thức. TS.Trịnh Quang Phong, Bộ môn Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo (Viện Chăn nuôi), cho biết: “Hiện nay, việc khai thác đàn bò vàng vùng cao của Hà Giang vẫn còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên đã nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị của giống bò vàng này. Số bò mang bán thường là những con đực có thể trạng to lớn, cho sản lượng thịt cao. Số còn lại kém hơn thì lại được để làm giống và tiêu thụ nội bộ. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên sản lượng thịt hàng hóa chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao.

 

Bảo tồn nguồn gen giống bò vàng

 

Đứng trước nguy cơ giống bò vàng của địa phương bị thoái hóa nguồn gen, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ưu tiên nguồn kinh phí giúp Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng (huyện Đồng Văn) thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao Hà Giang”.

 

Bước đầu, đề tài đã đạt một số kết quả khả quan, như: Nghiên cứu, tuyển chọn những con bò đực và bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại 4 huyện vùng cao nguyên đá để ghép đôi giao phối. Ngoài ra, đề tài đã sử dụng bò đực giống đạt tiêu chuẩn cấp I, có tuổi đời từ 24 – 48 tháng tuổi để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ cho công tác bảo tồn và phối giống. Bên cạnh đó, đề tài đã tổ chức đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, chế biến thức ăn, sản xuất tinh bò đông lạnh, phương pháp truyền tinh nhân tạo, kỹ thuật phát hiện bò có chửa…

 

Tính đến cuối năm 2014, Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng đã cung cấp cho 4 huyện cao nguyên đá gần 2.000 liều tinh đông lạnh của giống bò vàng vùng cao. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ thụ thai bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo cho đàn bò đạt trên 75% và những con bê sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng trung bình từ 24 – 26kg, cao hơn so với bê con được sinh sản tự nhiên 5 – 6kg, cá biệt có bê con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đạt trọng lượng tới 32kg.

 

Ông Giang Lộc Thăng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng, cho biết: “Thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen giống bò vàng đã góp phần khắc phục hiện tượng suy thoái chất lượng giống, nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, từ đó cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương”.

 

Phạm Văn Phú
Nguồn: Báo Kinh Tế Nông Thôn

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập