Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: NNVN
Thưa ông, bà con nông dân cho biết hiện nay giá lợn hơi có nơi đã tăng lên tới 55.000 đồng/kg. Nhiều người đang tỏ ra bất an trước hiện tượng tăng giá bất thường này, vậy ông có thể lí giải nguyên nhân vì sao giá lợn hơi tại tăng cao như vậy?
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi phổ biến hiện nay đang ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, mức giá trên 50.000 đồng/kg chỉ xảy ra ở phạm vi cá biệt, ở những hộ giết mổ nhỏ lẻ. Do những hộ này không thể vào các công ty lớn thu mua heo nên phải lùng mua heo ở trong dân, ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để tiêu thụ tại chợ địa phương, chợ cóc. Trong khi hộ chăn nuôi bây giờ còn rất ít lợn nên khi thấy thương lái hỏi mua là nâng giá lên cao.
Thời gian gần đây chúng ta đưa mức giá này lên thành “hiện tượng” cả nước là không đúng bản chất.
Thực tế cho thấy, giá bán ở các công ty lớn như Cargill, Dabaco, C.P Việt Nam vẫn đang ở mức bình quân từ 46.000-48.000 đồng/kg tại khu vực miền Nam và 48.000 – 50.000 đồng/kg ở miền Bắc.
Nếu so với cùng kì năm ngoái, giá heo hơi hiện đã tăng tới hơn 20.000 đồng/kg, đặc biệt là giá heo hơi nước ta đang cao hơn nhiều so với các nước lân cận. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?
Trước tình trạng giá heo hơi tăng cao như hiện nay, Cục Chăn nuôi cũng đã rà soát và ghi nhận thông tin đầy đủ. Giá heo hơi trong nước hiện nay đang ở mức cao hơn so với giá thế giới, với giá này người nông dân đang có lãi cao. Chúng ta không nên để giá heo tăng cao hơn nữa bởi mức giá hiện nay đang thể hiện những bất ổn về thị trường vĩ mô. Chúng ta cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ, làm giá, có thể dẫn đến các hệ lụy xấu.
Một là phá vỡ trật tự thị trường chăn nuôi, hai là với tình trạng giá cao như hiện nay, thịt lợn của các nước xung quanh sẽ thẩm lậu vào Việt Nam, nhất là lợn đông lạnh giá rẻ từ các nước Mỹ, Canada, Brazil sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ.
Ba là, thấy giá liên tục tăng cao, có lãi nhiều có thể người chăn nuôi sẽ ồ ạt tăng đàn trở lại, tạo nguy cơ rất lớn trong năm 2019 khi giá heo hơi sẽ quay trở lại tình trạng giảm sâu như cuối năm 2016 và năm 2017.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay vẫn đang ở mức cao, dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg. Mức giá này đã duy trì trong nhiều tuần nay làm dấy lên lo ngại nông dân sẽ ồ ạt tái đàn.
Vậy Cục Chăn nuôi đã có biện pháp gì để góp phần kiểm soát vấn đề này, thưa ông?
Cục Chăn nuôi đã có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý chức năng phối hợp kiểm soát, tuyên truyền kịp thời tới người chăn nuôi. Vì thực tế hiện nay chúng ta không thiếu lợn, giá cao chỉ xảy ra khi khan hiếm nguồn cung tức thì, cục bộ ở một thời điểm. Theo tính toán của chúng tôi, khoảng tháng 9 nguồn lợn thịt sẽ bình thường trở lại, và thị trường chăn nuôi sẽ dần ổn định.
Chính vì thế, chúng tôi đã khuyến cáo cần tăng cường kiểm soát để tránh tình trạng đầu cơ, làm giá, gây hệ lụy xấu tới thị trường. Giá hiện nay người chăn nuôi đã có lời cao nên bà con nên xuất bán ngay khi lợn đủ trọng lượng, vừa để tận dụng thời điểm giá cao thu lợi nhuận, hai là để tránh tình trạng khan hiếm giả, gây tăng giá ảo.
Bên cạnh đó, lợn hơi đạt trọng lượng 100-110kg thì nên bán để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Sau đợt bão giá, các chuyên gia đánh giá ngành chăn nuôi đang trong thời kì “quá độ”, chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ tới chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Người nông dân nuôi nhỏ lẻ đang tỏ ra rất lúng túng, lo sẽ bị "xóa sổ", vậy Bộ NN&PTNT có định hướng như thế nào?
Hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Chúng ta đang tổ chức lại ngành với việc hình thành các chuỗi chăn nuôi có sự liên kết, khép kín, trong đó gắn các nông hộ với HTX, gắn các HTX với doanh nghiệp (DN) cung ứng vật tư đầu vào, DN giết mổ, chế biến…
Khi làm được điều đó chúng ta sẽ đảm bảo được việc chia sẻ lợi ích giữa người chăn nuôi với nhau, kiểm soát và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đồng thời cân đối được cung cầu. Nếu hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cứ đứng tách biệt thì rõ ràng chúng ta không thể nắm chính xác được thừa thiếu thế nào; bản thân người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rất ít có cơ hội cạnh tranh được với người chăn nuôi lớn hay DN vì giá thành cao hơn.
Giải pháp sống còn phải là liên kết với nhau, trong đó DN sẽ đầu tư vào những khâu người nông dân không làm được như giết mổ, chế biến, kết nối thị trường, dịch vụ đầu vào như thức ăn, con giống… Còn người dân sẽ đảm nhận vai trò chăn nuôi, gia công, cung cấp sản phẩm cho HTX, DN giết mổ. Người chăn nuôi nông hộ sẽ không bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Với trường hợp chăn nuôi heo nhỏ lẻ quá, không có hiệu quả trong thời gian qua, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho bà con.
Hiện nay đúng là ngành chăn nuôi đang trong thời kỳ “quá độ”, hình thành trật tự chăn nuôi mới, đó là các DN, các trang trại lớn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, còn hộ nuôi nhỏ lẻ manh mún sẽ rất khó tồn tại lâu dài trong cuộc cạnh tranh này.
Hiện nay không ít người dân bày tỏ sự nghi ngờ về con số thống kê đàn heo, Cục Chăn nuôi đã có cách nào để thống kê chính xác, sát với thực tế hơn?
Về thống kê, hiện nay chúng ta vẫn phải dựa vào con số điều tra của Tổng cục Thống kê, Cục Chăn nuôi hay Bộ NN&PTNT cũng phối hợp thực hiện trong quá trình thống kê. Theo đó con số thống kê sẽ được dựa trên nguồn đầu vào của thức ăn chăn nuôi, con giống đưa vào sản xuất, báo cáo của các Sở NN&PTNT.
Theo thống kê mới đây nhất, những con số đầu vào này không giảm, hoặc giảm không đáng kể, chứng tỏ một điều là sản lượng thịt heo của chúng ta không giảm nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ (thực hiện)
Nguồn: Báo Dân Việt