Hiện nay, giá heo hơi vẫn đứng mức dưới 30.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn thì vẫn không giảm, nên việc người chăn nuôi ngại tái đàn đón tết như mọi năm là điều có thể hiểu được. Với tình hình trên, về lý thuyết, thì nguồn cung heo hơi dịp cuối năm sẽ không thể dồi dào và giá heo hơi sẽ tăng, nhưng vì sao các chuyên gia lại đưa ra dự báo nguồn cung heo hơi dịp cuối năm 2017 đầu năm 2018 vẫn không có sự biến động lớn?
Việc “gác chuồng”, không tái đàn đón tết một cách ồ ạt như mọi năm ảnh hưởng trước tiên đến các cơ sở, trang trại chuyên sản xuất, kinh doanh con giống. Kịch bản này đã được dự báo ngay từ những tháng giữa năm 2017, nên phần lớn các cơ sở, trang trại sản xuất, kinh doanh con giống đều có phương án ứng phó. Một trong những phương án được xem là khả thi nhất chính là “kế hoạch hóa” cho đàn nái sinh sản, hạn chế phát triển đàn nái hậu bị và phương án xấu nhất là giảm cả đàn nái sinh sản lẫn hậu bị.
Tổng đàn heo tại các trang trại, doanh nghiệp lớn vẫn khá ổn định, nên giá heo hơi cuối năm khó có khả năng tăng như mong đợi của người chăn nuôi.
Một chủ trang trại từng nói: “Muốn biết tổng đàn heo sắp tới tăng hay giảm, chỉ cần khảo sát tổng đàn nái sinh sản thì sẽ biết ngay”. Kết quả khảo sát của ngành chuyên môn sau đợt giải cứu heo hơi vừa qua cho thấy, tổng đàn heo chung có sự sụt giảm đáng kể, nhưng tổng đàn nái sinh sản cả nước gần như không có sự biến động lớn, đồng nghĩa với việc tổng đàn heo hơi cung cấp ra thị trường dịp tết tới đây cũng không sụt giảm đến mức lệch pha cán cân cung – cầu.
Hơn nữa, sau gần như trọn một năm thua lỗ vì giá heo hơi xuống thấp, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều muốn tận dụng thị trường cuối năm để lấy lại phần nào thua lỗ. Ngoài lý do thị trường, còn có 2 lý do khác để các trang trại, doanh nghiệp tiếp tục tái đàn là họ chủ động giảm được giá thành chăn nuôi nhờ tự chủ được con giống và chủ động trong khâu chế biến thức ăn. Mặt khác, nếu duy trì đàn nái sinh sản bằng “kế hoạch hóa” vẫn phải tốn một chi phí đáng kể về thức ăn, công chăm sóc… Như vậy, sự sụt giảm nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình sẽ không tác động lớn đến nguồn cung trên thị trường do đã được bù đắp nguồn cung từ các trang trại và doanh nghiệp lớn.
Một vấn đề lớn mà người chăn nuôi quan tâm là liệu giá heo hơi dịp cuối năm có đủ sức mang đến cho họ niềm vui hay không? Theo các nhà chuyên môn thì giá heo hơi cuối năm sẽ tăng trở lại, nhưng khả năng đạt mức kỳ vọng của người chăn nuôi là rất khó xảy ra. Điều này là khá rõ ràng, bởi đến giờ này, khi cái Tết Nguyên đán chỉ còn 2 tháng nữa, nhưng giá heo hơi khu vực phía Nam vẫn cứ quanh quẩn mức dưới 30.000 đồng/kg, còn khu vực miền Trung và miền Bắc, dù bị thiệt hại nặng do các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhưng giá heo hơi cao nhất được ghi nhận vào ngày 15-12 cũng chỉ ở mức 34.000 đồng/kg.
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ heo hơi dịp cuối năm là không nhỏ, nhưng với việc các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn không giảm đàn và cùng với đó là nguồn thịt heo nhập khẩu giá rẻ từ các nước sẽ làm cho cán cân cung – cầu thịt heo dịp cuối năm vẫn giữ được ổn định, khiến cho việc tăng giá heo hơi vốn đã khó, càng thêm khó. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở mức dự báo và người chăn nuôi vẫn tiếp tục nghe ngóng, hy vọng từ tín hiệu tốt lành của thị trường mang đến.
Mong cho giá heo được cải thiện tốt hơn đang là điều người chăn nuôi chờ đợi nhất để trong bảng tổng kết cuối năm của họ giảm bớt đi được phần nào con số thua lỗ và cũng để tiếp thêm động lực, niềm tin để họ có thể đưa ra những hoạch định cho tương lai của nghề chăn nuôi heo.
Tích Chu
Nguồn: Báo Sóc Trăng