[Hội Chăn nuôi Việt Nam] – Để tăng cường sự hợp tác trong thời gian tới, ngày 8/6/2023, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức đoàn đi thăm và làm việc với Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam tại tỉnh Bắc Giang.
Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam tham quan trại thỏ
Tham gia đoàn về phía Hội Chăn nuôi Việt Nam có: TS. Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực; PGS. TS Hoàng Kim Giao – Trưởng ban Tư vấn, Phản biện chính sách; ông Đoàn Trọng Lý – Trưởng ban Kinh tế, Tài chính và Thị trường; PGS. TS, TS Lê Thị Thuý – Viện trưởng Viện KHKT Chăn nuôi Việt Nam; TS.Nguyễn Tất Thắng – Tổng thư ký; Th.S Nguyễn Đình Mạnh – Phó Giám đốc Trung tâm CAAT.
Về phía Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam có ông Nguyễn Huy Long – Chủ tịch Hội; ông Thân Ngọc Sơn – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội, Trưởng ban tổ chức Hội thi “Hoa hậu thỏ” và đại diện một số chủ trang trại chăn nuôi thỏ, cơ sở sở giết mổ thỏ tại tỉnh Bắc Giang.
Sau khi đi thăm quan thực tế một số cơ sở chăn nuôi thỏ tại huyện Việt Yên, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang); các thành viên trong đoàn đã nắm bắt thông tin về tình hính chăn nuôi thỏ trên địa bàn cả nước và tại tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, những năm qua việc chăn nuôi thỏ đã được nhiều người quan tâm, do thỏ là loài động vật đã được người dân nuôi từ nhiều đời nay. Đây cũng là loài vật hiền lành, mắn đẻ, dễ nuôi. Thỏ sống sạch sẽ, phương thức chăn nuôi đơn giản, không khó tính như một số loài động vật khác.
Mặt khác thịt thỏ có chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon, có nhiều tác dụng trong bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh (như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Vì vậy, thỏ được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Từ đó, đã có nhiều mô hình nuôi thỏ phát triển, người chăn nuôi đã có thu nhập cao trong nghề nuôi thỏ.
Để động viên khuyến khích, người chăn nuôi thỏ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển chăn nuôi thỏ, nhân rộng các mô hình điển hình, Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam đã phối hợp các ngành đơn vị liên quan tổ chức 02 cuộc thi “Hoa hậu thỏ” vào năm 2017, 2019 (tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên).
Theo Trưởng ban tổ chức Hội thi Thân Ngọc Sơn cho biết, qua Hội thi đã chọn được những giống thỏ tốt để nhân giống, đồng thời tôn vinh được nhiều hộ chăn nuôi, người dân, người tiêu dùng biết và sử dụng các sản phẩm từ thỏ. Nhiều người quan tâm biết đến những thuận lợi khó khăn về nghề chăn nuôi và các sản phẩm từ thỏ, từ đó số lượng các mô hình, trang trại chăn nuôi đã được tăng lên đáng kể thời gian qua. Đặc biệt, qua Hội thi, người chăn nuôi đã có thêm kinh nghiệm về chăn nuôi, biết thêm các quy trình kỹ thuật, được các chuyên gia, người có kinh nghiệm trao đổi phổ biến để chăn nuôi có hiệu quả hơn. Hội thi có tính lan toả mạnh, được các cấp, các ngành và người tiêu dùng quan tâm hơn đến phát triển chăn nuôi thỏ trong thời gian qua.
Sôi nổi cuộc thi hoa hậu thỏ các tỉnh phía Bắc lần thứ 2
Tuy nhiên việc chăn nuôi thỏ hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức đó là Nhà nước chưa có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi thỏ.
Hiện tại các hộ chăn nuôi thỏ chủ yếu vẫn là tự phát, tự cung tự cấp về giống, thức ăn cho thỏ; chuồng trại chăn nuôi thỏ tại các hộ chăn nuôi còn tho sở, đơn giản, chưa ứng dụng công nghệ cao trong việc chọn giống, dụng cụ chăn nuôi.
Quy trình chăn nuôi thỏ có đặc thù khác với chăn nuôi gia súc gia cầm (trâu bò, lợn, gà ..) từ khâu chọn giống đến thức ăn cho thỏ, đây cũng là nguyên nhân chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển chăn nuôi thỏ.
Đặc biệt số lượng thỏ hiện nay trên địa bàn cả nước và Bắc giang còn thấp nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn, chưa hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ bấp bênh không ổn định, chưa có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đứng lên bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi, việc cung cấp giống, thức ăn, đầu ra cho sản phẩm. Khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm chưa tốt, chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm thị trường. Bên cạnh đó công tác truyền thông về hiệu quả kinh tế, lợi ích của việc sử dụng thịt thỏ cũng còn hạn chế phần nào ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chăn nuôi thỏ.
Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam đã cùng trao đổi cởi mở, chia sẻ những khó khăn thách thức và đưa ra những giải pháp trong thời gian tới. Đó là tăng cường kết nối với doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi thỏ; tăng cường phối hợp trong chuyển giao kỹ thuật giúp cho người chăn nuôi thỏ có thêm kiến thức về các quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh các hình thức truyền thống để người tiêu dùng hiểu biết thêm về chất lượng thịt thỏ, nhất là các khu đô thị, nhà hàng để từng bước nâng cao số người sử dụng các sản phẩm từ thỏ.
Hy vọng trong thời gian tới ngành chăn nuôi thỏ sẽ có bước chuyển biến tích cực góp cho ngành Chăn nuôi Việt Nam có tiếng nói chung, bước phát triển hiệu quả, bền vững./.
Nguyễn Ngọc Sơn
Hội Chăn nuôi Việt Nam