Ngân hàng Rabobank nhận định giá sữa thế giới sẽ được giữ ổn định trong năm nay do sản lượng sữa ở New Zealand đang có dấu hiệu chững lại.
Cùng lúc đó, nhu cầu sữa ở thị trường Trung Quốc tăng mạnh sẽ góp phần giữ thị trường cân bằng trong khi mối căng thẳng giữa Mexico và Mỹ đe dọa tới việc sản xuất và xuất khẩu sữa của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Rabobank dự báo giá sữa bột nguyên kem tại khu vực Châu Đại Dương giảm còn 2.900 USD/tấn trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, sau đó tăng trở lại mức 3.200 USD/tấn trong giai đoạn từ tháng Mười đến tháng Mười Một.
Giá sữa bột gầy Châu Đại Dương vẫn đang giữ ở mức trung bình 2.000 USD/tấn.
Hôm 5/4, giá tham chiếu của sữa bột nguyên kem tăng 2,4% ở mức 2.924 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng thứ hai của mặt hàng sữa này. Tuy nhiên, giá sữa bột gầy ở New Zealand giảm 0,8% xuống còn 1.913 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016 do các nhà sản xuất sữa nước này kéo giá sữa ngang bằng với giá của khu vực châu Âu. Chỉ số Global Dairy Trade tăng 1,6% dẫn đầu bởi sữa bột nguyên kem.
Chỉ số Global Dairy Trade do tập đoàn sữa New Zealand, Fonterra sáng lập nhằm theo dõi giá sữa trong các cuộc đấu giá sữa.
Dự báo giá sữa giữ ở mức ổn định xuất phát từ thực tế sản lượng sữa gần đây đang có dấu hiệu giảm.
Rabobank cho biết tại New Zealand - quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất đang rất tự tin vào mùa sữa năm nay.
Fonterra- tập đoàn sữa lớn nhất New Zealand dự báo giá sữa giai đoạn 2016-2017 đạt mức 6 đô la New Zealand/kg (tương đương khoảng 4,18 USD/kg), tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Rabobank cho biết lượng sữa vắt của New Zealand năm nay mặc dù giảm nhưng chỉ giảm nhẹ 3% so với năm ngoái. Ngân hàng còn cho biết thêm do nguồn cung thức ăn chăn nuôi năm nay dồi dào với giá thành phải chăng nên các hộ chăn bò năm nay sẽ đẩy mạnh sản lượng để bù mức giảm với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa dự báo tích cực của Rabobank về giá sữa sẽ bị phá vỡ.
Còn tại thị trường EU, triển vọng giá sữa khu vực này được dự báo sẽ tăng do giá thu mua sữa tại trại đang giữ ở mức 33,7 euro/100kg. Theo Rabobank thì đây là mức giá chưa từng có kể từ tháng 11/2014.
Trước đó, giá sữa New Zealand bị coi là cao "ngất ngưởng" so với các thị trường EU và Mỹ. Hồi giữa tháng Ba, giá sữa bột gầy New Zealand giảm tới 1/4 khiến mặt hàng sữa giá cao ở khu vực châu Đại Dương này ngang bằng với giá sữa ở các thị trường khác. Đầu tháng 3, mức chênh lệch giữa giá sữa bột gầy của New Zealand so với sữa tại thị trường Châu Âu và Mỹ lần lượt là 502 USD/tấn và 768 USD/tấn. Việc giá sữa bột gầy New Zealand giảm mạnh đã thu hẹp khoảng cách giữa giá sữa của nước này so với giá tại thị trường Châu Âu và thị trường Mỹ.
Tại thị trường Mỹ, quốc gia này cũng đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống sản lượng so với năm ngoái qua từng tháng. Ngành công nghiệp sữa của Mỹ vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt 12 tháng qua do phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có một số biến động về chính trị thời gian gần đây. Rabobank cho biết một số yếu tố về kinh tế, chính trị đã khiến Mexico tìm cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Điều này dẫn đến lượng xuất khẩu hàng hóa từ EU sang Mexico tăng 10% trong vòng 3 tháng.
Rủi ro từ việc thị phần của Mỹ tại Mexico cũng như các nước thành viên thuộc hiệp định TPP có thể giảm hơn nữa khiến ngành sữa của quốc gia này càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, với nhu cầu sữa ở Trung Quốc đang tăng mạnh như hiện nay thị trường sữa sẽ được cân bằng. Hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Nguồn: Đức Quỳnh/Ndh.vn