Ảnh hưởng của hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống đến năng suất lợn nái đẻ

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Ảnh hưởng của hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống đến năng suất lợn nái đẻ
Ngày đăng bài - 9/5/2018 12:00:00 AM
Ảnh hưởng của hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống đến năng suất lợn nái đẻ

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của chế độ cho ăn tự do bằng hệ thống cấp và trộn thức ăn nước uống tự động đến năng suất sinh sản của lợn nái cơ bản trong thời kỳ nuôi con. Thức ăn và nước uống được cấp cho lợn nái bằng 2 hệ thống: tự động cho ăn ướt/khô (SFWD) và cho ăn bằng tay (HF). Trong hệ thống SFWD, thức ăn và nước uống được tự động đưa xuống máng ăn của lợn nhờ tác động của chính con lợn. Tự bản thân chúng sẽ xác định khi nào và bao nhiêu lượng thức ăn sẽ rơi xuống máng. Thức ăn rơi xuống máng thức ăn bên dưới của hệ thống SFWD còn nước uống chảy vào một máng nông khác, 2 máng này được nối thông với nhau nhờ đó lợn cũng sẽ tự quyết định độ ướt của thức ăn. Đối với hệ thống HF, người nuôi cho lợn ăn thức ăn khô 2 lần một ngày trong một hệ thống cấp thức ăn hình chữ J. Nước được cấp riêng.


Trong thí nghiệm này các lợn nái được chọn (n = 114) dựa trên độ tương đồng về lứa đẻ và kiểu gen. Tổng lượng thức ăn tiêu thụ trên một con lợn nái trong thời gian nuôi con (20 ± 0.2 ngày) khi sử dụng hệ thống SFWD lớn hơn (P < 0.01) so với tổng lượng thức ăn tiêu thụ của nái sử dụng hệ thống HF (tương ứng là 120 và 110 ± 4.1 kg ). Những lợn nái được cho ăn bằng hệ thống SFWD tăng trọng nhiều hơn (P < 0.01) trong thời kỳ nuôi con so với lợn nái được cho ăn bằng hệ thống HF (lần lượt là 6.2 so với 0.6 ± 1.85 kg). Độ dày mỡ lưng thay đổi trong thời kỳ nuôi con không khác nhau giữa 2 hệ thống cho ăn (P = 0.37).

 

Tương tự như vậy, tỷ lệ lợn nái động dục đến ngày 11 sau khi cai sữa cũng không có khác biệt (P = 0.51). Khối lượng cơ thể của lợn con sau khi cai sữa ở hệ thống SFWD lớn hơn (P < 0.01) so với hệ thống HF (lần lượt là 6.63 so với 6.12 ± 0.22 kg). Lượng nước uống trung bình hàng ngày và tổng lượng thức ăn thừa giữa 2 phương pháp không có sự khác biệt (P > 0.66). Tuy nhiên, lợn được cho ăn bằng hệ thống SFWD lãng phí ít nước hơn (P < 0.01) so với lợn được cho ăn theo hệ thống HF (lần lượt là 15 so với 232 ± 12 lít). Xét về mặt kinh tế, sự khác biệt về lượng nước thải như vậy sẽ dẫn đến một sự thay đổi đáng kể các chi phí liên quan đến kho chứa và vận chuyển.

 

Như vậy, sử dụng hệ thống cho ăn SFWD cho phép lợn nái có thể lựa chọn thời gian ăn và lượng thức ăn, ngoài ra do thức ăn có thể được trộn với nước trong khi ăn nên kích thích lợn ăn nhiều hơn, nâng cao khả năng tăng trưởng của lợn con, tiết kiệm nước hơn so với hệ thống cho ăn HF.

 

Mở đầu

 

Khuyến khích lợn nái đang trong thời kỳ nuôi con ăn uống thật nhiều là điều cực kỳ quan trọng để giúp lợn có một nguồn sữa dồi dào, bảo đảm lượng chất dinh dưỡng trong cơ thể cũng như chuyển tiếp hiệu quả sang chu kỳ sinh sản tiếp theo. Lượng thức ăn và nước uống mà lợn nái tiêu thụ trong thời kỳ cho sữa phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm nhiệt độ xung quanh, giống, lứa đẻ, sức khỏe con lợn, thời gian nuôi con và số lượng lợn con (O’Grady và cộng sự, 1985; Matzat, 1990; Farmer và cộng sự, 2001). Độ ướt của thức ăn và phương pháp cấp thức ăn (tự động hoặc cho ăn bằng tay) cũng có thể làm ảnh hưởng đến lượng thức ăn và nước uống lợn tiêu thụ hàng ngày. Lợn nái được cho ăn thức ăn ướt thường ăn nhiều hơn so với lợn được cho ăn thức ăn khô (O’Graday và Lynch, 1978; Koketsu, 1994; Lynch, 2001). Peterson và cộng sự (2004) cho biết lợn nái ăn nhiều hơn khi sử dụng hệ thống tự lấy thức ăn (trong đó lợn tự động điều chỉnh lượng thức ăn nhờ một phễu định lượng ) hơn là khi sử dụng hệ thống cho ăn bởi người chăn nuôi. Pettigrew và cộng sự, 1985 cũng chỉ ra rằng lợn nái được cho ăn thức ăn ướt từ hệ thống cho ăn tự động ăn nhiều hơn và đẻ lợn con có khối lượng cao hơn trong mùa hè so với lợn nái cho ăn từ hệ thống cho ăn thức ăn khô. Tuy vậy các nghiên cứu trên chưa đề cập đến lượng nước uống của lợn.

 

Các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp đang đứng trước một thách thức làm sao thiết kế được các hệ thống và thiết bị phù hợp cho các trại chăn nuôi, đem lại nhiều lợi nhuận, thân thiện với môi trường, đặc biệt chúng phải có khả năng hoạt động tại các trại chăn nuôi với một số lượng lớn lợn. Vấn đề cung cấp tự động thức ăn cho lợn nái, cho phép chúng ăn khi nào muốn ăn, ăn bao nhiêu tùy thích và có thể trộn thêm nước khi ăn đã được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.

 

Mục đích của nghiên cứu này là xác đinh năng suất của lợn nái nuôi con, lượng thức ăn và nước uống tiêu thụ khi sử dụng hệ thống cho ăn tự động ướt/khô (SFWD) và hệ thống cho ăn thức ăn khô thông thường (HF).

 

Nội dung và phương pháp

 

Sử dụng và chăm sóc lợn

 

Các bước tiến hành thí nghiệm trên lợn trong nghiên cứu được chấp thuận bởi Ủy ban bảo vệ và chăm sóc động vật tại trường đại học bang Michigan.

 

Lợn và khẩu phần ăn

 

114 con lợn nái cơ bản thuộc 2 giống Yorkshire (n = 28) và Yorkshire x Landrace (n = 86) được lựa chọn một cách ngẫu nhiên dựa trên tính tương đồng về lứa đẻ và giống để thử nghiệm một trong 2 hệ thống cho ăn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2002 và từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 1 năm 2004. Thí nghiệm bao gồm 7 lần lặp lại trong mùa thu và mùa đông. Lợn nái được sắp xếp theo lứa đẻ từ 1 đến 9. Lợn nái thí nghiệm được chuyển đến chuồng đẻ và nhốt trong chuồng cũi 7 ngày hoặc ít hơn trước khi đẻ và được cho ăn khẩu phần ăn có ngô-đậu tương (dành cho lợn nái đẻ) cho đến thời điểm lợn con được cai sữa. Tất cả số lợn nái này được chăm sóc như nhau sau khi cai sữa; chúng được chuyển đến các chuồng chờ phối gần chuồng lợn đực để kích thích rụng trứng và chuẩn bị cho lần sinh đẻ tiếp theo. Khẩu phần ăn trong thời kỳ này có ngô-đậu tương (dành cho lợn chửa). Cả 2 khẩu phần ăn ở trên đều được phối trộn và đạt các tiêu chuẩn của NRC (1998) như trong bảng 1 dưới đây.

 

Bảng 1. Thành phần thức ăn cho lợn trong thời kỳ cho sữa và thai nghén

Khẩu phần ăn
Thành phần, % Nái nuôi con Nái chửa
Ngô 63,53 67,91
Đậu tương, 48% CP 29,01 14,63
Cám lúa mì - 10,00
Canxi photphat (đơn canxi ), 21% P 2,06 1,90
Đá vôi 0,50 0,66
Vitamin trộn trước2 0,60 0,60
Khoáng chất trộn trước3 0,50 0,50
Sow pac4 0,30 0,30
Muối 0,50 0,50
Mỡ trắng 3,00 3,00
Kết quả phân tích
Lysin, % 1,00 0,65
Canxi % 0,90 0,90
Photpho, % 0,80 0,80
1Khẩu phần ăn đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn của NRC về thức ăn cho lợn(1998).
2Cấp theo kilogram thức ăn: 5.511 IU vitamin A; 551 IU vitamin D; 60 IU vitamin E; 4,4 mg vitamin K; 4,4 mg vitamin B2; 17,6 mg vitamin B5; 26,4 mg of vitamin B3; 33 µg of B12; 33 µg vitamin B1; và 990 µg B6.
3Cấp theo kilogram thức ăn: 11,0 mg Mn (MnSO4), 11,0 mg Fe (FeSO4·H2O), 11,0 mg Cu (CuSO4·5H2O), 150 µg I (etylen-diamin dihydroiodide), 100 mg Zn (ZnO), and 300 µg Se (Na2-SeO3).
4Cấp theo kilogram thức ăn: 2.756 IU vitamin A; 386 mg colin; 220 mg D-biotin; and 1,65 mg axit folic.

 

Hệ thống cấp thức ăn – nước uống

 

Nghiên cứu được thực hiện trên 2 hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống cho lợn nái. Thuật ngữ hệ thống được sử dụng ở đây nhằm mô tả sự kết hợp giữa các thiết bị cho ăn và cho uống. Hệ thống thứ nhất là hệ thống SFWD có ống nối cấp nước uống bên trong máy cấp thức ăn. Hệ thống HF còn lại có thiết bị cấp nước dạng vòi phun độc lập với bộ phận cấp thức ăn.

 

Hai chuồng nuôi nái đẻ ở cạnh nhau. 12 chuồng cũi ở chuồng nuôi 1được lắp đặt hệ thống cho ăn SFWD và tương tự như vậy với các chuồng cũi ở chuồng nuôi thứ 2 được lắp đặt với hệ thống HF. Trong mỗi chuồng nuôi các cũi được đặt trên mặt sàn được lát gỗ TriBar (Nooyen Inc., Chicago, IL) thành một hàng đơn và được đánh số từ 1 đến 12. Hai chuồng nuôi có cấu trúc và các thiết bị bên trong giống nhau, ngoại trừ hệ thống cấp thức ăn và nước uống trong mỗi chuồng. Lý do của việc sử dụng các phòng riêng biệt sẽ được trình bày trong phần chăm sóc dưới đây.

 

Đáy của hệ thống SFWD (Berry Feeding System, Greencastle, IN; sản xuất bởi Lou Mfg., Inc, Austin, MN) có bề mặt phẳng đặt dưới một phễu nhựa, có cấu trúc phù hợp giúp lợn tự điều chỉnh lượng thức ăn và một bát nông đặt dưới một ống dẫn nước. Bộ phận này giúp lợn có thể ăn thức ăn khô hay ướt tùy thích. Ống định lượng thức ăn của hệ thống SFWD gồm một viên bi xoay đóng vai trò khuấy trộn do lợn điều khiển, một núm điều khiển ngoài tầm với của lợn được các nhà nghiên cứu sử dụng để thay đổi lượng thức ăn đưa vào với mỗi lần trộn của lợn. Thức ăn đi qua phễu vào máng thức ăn khi lợn di chuyển viên bi xoay của cơ cấu định lượng.

 

Hệ thống SFWD được cấu tạo từ 3 loại vật liệu chính: máng được làm từ thép không gỉ, cơ cấu định lượng làm từ nhựa PVC, phễu làm từ nhựa poly etylen PE. Các kích thước của hệ thống SFWD bao gồm: chiều cao 54.6 cm chưa kể phễu và 102.9 cm có kể phễu; chiều rộng 41.6 cm, sâu 29.2 cm; khoảng cách từ thành máng đến sàn là 20.3 cm; khoảng cách từ đáy của máng thức ăn đến sàn là 6.4 cm. Phần dưới của hệ thống HF (Circle B Mfg. Inc, Three Rivers, MI) có hình chữ J và không có các góc để thức ăn tích tụ và hỏng tại đó. Tất cả các bộ phận của hệ thống HF có tiếp xúc với thức ăn và lợn đều được làm từ thép không gỉ. Các kích thước của hệ thống HF bao gồm: chiều cao 69.2 cm; chiều rộng 36.2 cm; sâu 34.3 cm; khoảng cách từ thành máng đến sàn là 26.7 cm; khoảng cách từ đáy của máng thức ăn đến sàn là 4.0 cm.

 

Trong cả 2 hệ thống, máng thức ăn đều được đặt tại đầu của mỗi cũi của lợn đẻ. Bộ phân cấp nước uống được bố trí thuận tiện cho lợn ở cả hai hệ thống. Ống cấp nước uống (Jalmarson, mẫu 1720-180A, Eskilstuna, Thụy Điển) cách bát đựng nước khoảng 8 cm, bát này được dập vào đáy của máy cấp thức ăn hệ thống SFWD. Nước uống trong hệ thống HF được cấp cho lợn sử dụng bộ phân vòi phun-cốc kết hợp, trong đó vòi phun được gắn vào bờ miệng của cốc. Ống cấp nước (Edstrom, mẫu 1000-0743, Waterford, WI) của hệ thống HF đặt cao hơn sàn gỗ TriBar 10.0 cm về phía trước bên trái của mỗi con lợn (10.0 cm từ bộ phận cấp thức ăn). Các thiết bị cấp nước của hệ thống HF được gắn vào một bảng phía bên trái của mỗi chuồng chứa lợn.

 

Chăm sóc lợn

 

Các hệ thống cấp thức ăn và nước uống được đặt ở hai chuồng nuôi riêng biệt nhằm xác định một cách chính xác nhất phản ứng của lợn đối với các hệ thống trên. Trong một nghiên cứu được thực hiện trước đó (chưa công bố), 2 hệ thống SFWD và HF được đặt một cách ngẫu nhiên giữa 12 cũi trong cùng 1 chuồng đẻ. Kết quả cho thấy rằng lợn nái ở tất cả các chuồng đều đứng lên và ăn khi các con lợn ở hệ thống HF được người nuôi cho ăn vào các buổi sáng và buổi chiều. Thói quen ăn uống của lợn nái sử dụng hệ thống SFWD bị ảnh hưởng bởi quá trình con người cho lợn ăn ở hệ thống HF. Nhóm nghiên cứu cho rằng điều này sẽ làm sai lệch các kết quả đánh giá hệ thống SFWD nên trong nghiên cứu này đã sử dụng 2 chuồng nuôi giống hệt nhau cho mỗi hệ thống. Tất cả các thiết bị, cách chăm sóc, mọi thứ khác ngoài 2 hệ thống cấp thức ăn nước uống đều như nhau. Các con lợn nái cũng chưa được làm quen với các hệ thống cho ăn-uống trước khi tiến hành thí nghiệm.

 

Nhiệt độ tại 2 chuồng được ổn định nhờ hệ thống kiểm soát nhiệt độ và thông gió. Nhiệt độ được điều chỉnh trong khoảng 18 đến 22 oC trong thời gian nghiên cứu và được giám sát hàng ngày. Một thiết bị điều nhiệt được đặt tại 22 oC khi nái bắt đầu đẻ và giảm dần dần đến 18 oC, cho đến hết tuần đầu tiên sau đẻ. Nhiệt độ sau đó được đặt ở 18 oC cho đến lúc cai sữa. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất được kiểm soát hàng ngày tại vị trí cách sàn 30 cm. Trong mỗi lứa đẻ, nhiệt độ tại 2 chuồng là như nhau (21.2 ± 0.1 oC). Để giữ ấm cho lợn con trong thời kỳ bú sữa, người ta sử dụng một bộ đệm nhiệt (Standfield, mẫu RS2B40, 50 x 90 cm, Osborne Industries Inc., Osborne, KS) đặt trên sàn bên cạnh lợn mẹ trong mỗi chuồng. Đèn chiếu sáng 24 giờ cũng được sử dụng trong suốt thời gian nghiên cứu tại cả 2 chuồng, ban ngày dùng đèn huỳnh quang và ban đêm dùng đén nóng sáng.

 

Cho ăn

 

Trong giai đoạn chờ đẻ, lợn nái được ăn cám dành cho lợn nái nuôi con với khối lượng là 2kg/ngày(ăn một lần trong ngày). Trong 3 ngày đầu tiên sau khi đẻ, lợn được cho ăn 2kg/lần và lợn được ăn 2 lần một ngày. Sau đó, chúng được cho ăn tự do cho đến khi cai sữa (20 ± 0.2 ngày). Sau 3 ngày đầu tiên sau khi đẻ, người chăn nuôi đổ thức ăn vào phễu chứa thức ăn trong hệ thống SFWD 1 hoặc 2 lần (0800 hoặc 1600, hoặc cả 2) hàng ngày để luôn có thức ăn trong phễu và thức ăn luôn mới. Thức ăn mới được thêm vào trong phễu thức ăn ở hệ thống SFWD khi lượng thức ăn còn lại bên trong rất ít để đảm bảo lượng thức ăn cho lợn tiêu thụ trong 12 giờ. Những con lợn ở hệ thống HF cũng được cho ăn tự do (lượng thức ăn hôm sau nhiều hơn một chút so với lượng thức ăn sử dụng ở ngày trước đó) 2 lần trong ngày (0800 và 1600). Lượng thức ăn thêm vào được cân và ghi lại vào sáng và chiều mỗi ngày cho từng con lợn trong suốt thời gian nuôi con. Tại các giai đoạn: từ ngày đầu tiên đến ngày 6, ngày 7 đến ngày 13, và từ ngày 14 đến ngày cai sữa , tất cả thức ăn thừa còn lại trong máng, bao gồm cả thức ăn trong phễu ở hệ thống SFWD được đem cân để xác định tổng lượng thức ăn đã sử dụng. Sau đó số lợn nái này được cho ăn thức ăn dành cho lợn chửa với khối lượng 2.3 kg một ngày một lần từ lúc cai sữa cho đến khi động dục.

 

Năng suất của lợn nái

 

Với mỗi con lợn nhóm nghiên cứu ghi lại tổng lượng thức ăn tiêu thụ trong toàn bộ thời gian nuôi con. Lợn nái được cân vào các thời điểm: trong vòng 24 giờ sau khi đẻ, vào ngày 7 và ngày 14 sau đẻ và cuối cùng vào ngày cai sữa. Độ dày mỡ lưng của lợn được đo nhờ một máy đo mỡ lưng điện tử (Lean Meater, Renco Corp., Minneapolis, MN) vào ngày thứ 10 và ngày cai sữa tại 2 vị trí ở xương sườn thứ 10 cách đường sống lưng 5cm về phía bên phải và bên trái. Người ta sử dụng lợn đực để xác định xem lợn nái sau khi cai sữa đã động dục và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản tiếp theo hay chưa. Một vài con lợn đực khác nhau được sử dụng quay vòng, đưa vào chuồng lợn nái 2 lần 1 ngày.

 

Năng suất sinh trưởng của lợn con

 

Đến ngày thứ 3 sau khi đẻ, các ổ đẻ đạt tiêu chuẩn phải có ít nhất 10 lợn con trên 1 ổ đẻ nhờ phương pháp ghép đàn (ghép lợn con từ lợn nái đẻ nhiều sang lợn nái đẻ ít). Số lượng lợn con trong một cũi và khối lượng cơ thể của lợn con được ghi lại vào lúc sinh, lúc ghép sang đàn khác, vào ngày 7, ngày 14 và thời điểm cai sữa. CV (hệ số biến động-coefficient variance) cho khối lượng cơ thể của mỗi lợn con trong ổ đẻ được tính toán cho từng ngày cân để đánh giá ảnh hưởng của từng hệ thống cho ăn đến sự biến động sinh trưởng của lợn con trong mỗi ổ đẻ. Lợn con thí nghiệm không được ăn thức ăn tập ăn cho tới khi chúng cai sữa.

 

Lượng thức ăn và nước uống tiêu thụ

 

Để ghi lại lượng thức ăn và nước uống tiêu thụ của lợn nái, người ta sử dụng các bình chứa nước được chế tạo riêng và hệ thống thu thập thức ăn nước uống thừa để ghi lại lượng nước đã tiêu thụ và thu lại phần nước thức ăn nước uống còn lại. Trong mỗi đợt thí nghiệm (tổng số có 5 đợt) từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 1 năm 2004, 5 hoặc 6 con lợn nái ở lô thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên vào cũi số 7 đến 12 của từng chuồng nuôi với mục đích xác định một cách chính xác hơn lượng thức ăn và nước uống tiêu thụ thực tế. Nước được cấp cho cũi số 1 đến 6 trong cả 2 chuồng nuôi thông qua hệ thống bơm tiêu chuẩn của trại (41 đến 48 kPa). Số còn lại từ cũi số 7 đến 12 ở cả 2 chuồng nhận nước từ các bình chứa nước riêng biệt với áp lực bơm nước là 41 đến 48 kPa, các bình chứa này có dung tích 42 đến 43 lít và có thiết bị xác định lượng nước đã sử dụng.

 

Trong vòi uống của lợn , tốc độ dòng nước được điều chỉnh từ 1.0 đến 1.4 lít/phút dưới áp suất 41 đến 48 kPa. Lượng nước sử dụng hàng ngày được ghi lại vào lúc 8h00 và 16h00 hàng ngày. Các bình chứa nước được bơm đầy sau mỗi lần đo lượng nước sử dụng. Hệ thống thu gom thức ăn nước uống thừa tự động được lắp đặt dưới lớp sàn gỗ TriBar của các chuồng cũi 7 đến chuồng cũi 12 ở cả 2 chuồng nái đẻ. Mỗi chuồng có một thiết bị thu gom độc lập, bao gồm một tấm chắn, một chậu và một bình đựng. Tấm chắn được lắp vào bên trong chậu, bình đựng nằm phía dưới. Thiết bị này sẽ chia nước thừa ra khỏi thức ăn thừa của lợn. Nước chảy qua tấm chắn vào đĩa sau đó theo đĩa dốc xuống bình đựng. Các thiết bị thu gom được gắn vào đường ray đặt dưới phần máng cho ăn của lợn nái dưới các chuồng.

 

Thức ăn thừa được gom lại theo chu kỳ từ 1 đến 3 ngày (08h00) trong suốt thời kỳ nuôi con , nước thừa được thu lại 2 ngày một lần (08h00 và 16h00). Bình đựng nước thừa được cân tại trang trại ngay sau khi thu hồi rồi được đổ đi. Thức ăn thừa sau khi thu lại được cho vào các đĩa nhôm có ghi nhãn. Số đĩa này được bọc lại rồi chuyển đến phòng thí nghiệm, tại đó vật chất khô (DM) của thức ăn thừa được xác định bằng phương pháp sấy trong lò 24 tiếng tại nhiệt độ 1000C, sau đó được ngoại suy để xác định độ ẩm của thức ăn (độ ẩm 12%). Sự khác nhau giữa khối lượng ban đầu của thức ăn thừa và khối lượng của thức ăn ngoại suy cho ta biết khối lượng nước thừa. Trong quá trình thực hiện nhóm nghiên cứu đã cẩn thận để không làm lọt phân của lợn con và chuột vào máng đựng thức ăn thừa, mặc dù sự xuất hiện của một lượng tạp chất nhỏ là không thể tránh khỏi.

 

Sau khi thu, các thiết bị sử dụng để thu gom được nạo và đánh sạch các chất còn dư, tập hợp lại và quay trở lại để sử dụng dưới các chuồng nuôi. Lượng thức ăn tiêu thụ trung bình hàng ngày được tính bằng tổng lượng thức ăn đã cung cấp cho một con lợn trừ đi tổng lượng thức ăn thừa của từng con rồi chia cho thời gian nuôi con . Người ta cũng tính luôn tỷ lệ thức ăn thừa trên tổng lượng thức ăn đã sử dụng cho từng con. Lượng nước sử dụng hàng ngày được tính bằng tổng lượng nước đã cấp cho từng con lợn trừ đi lượng nước thừa của từng con rồi chia cho thời gian nuôi con .

 

Phân tích số liệu

 

Tất cả 114 con lợn tham gia thí nghiệm đều được thu thập các số liệu về lượng thức ăn đã cung cấp cũng như các chỉ số sinh trưởng phát triển của từng con. Lượng thức ăn nước uống tiêu thụ thực tế và lượng dư thừa bỏ đi được ghi lại trên 58 con. Sự sinh trưởng của lợn con được đánh giá nhờ các số liệu về khối lượng cơ thể cân được vào ngày 7, ngày 14 và ngày cai sữa. Ở đây bỏ qua khối lượng cơ thể vào ngày sinh và ngày ghép đàn do các số liệu chính xác không được ghi lại ở một số chuồng.

 

Số liệu về lượng nước dư thừa và lượng nước tiêu thụ hàng ngày của 13 con lợn ở hệ thống HF không được phân tích do lượng nước thừa quá lớn vượt quá dung tích dự đoán của bình chứa. Đối với lợn ở hệ thống SFWD hiện tượng trên không xảy ra. Có 2 giá trị quá chênh lệch so với các số liệu khác trong bảng số liệu thu thập được khi sử dụng phép kiểm tra ngoại lai Studentized đối với các số liệu thức ăn dư thừa, tuy nhiên chúng vẫn được sử dụng trong kết quả phân tích cuối cùng do không có một lý do mang tính sinh học nào để loại bỏ 2 số liệu đó.

 

Các số liệu được phân tích bởi ANOVA sử dụng PROC MIXED (SAS Inst. Inc., Cary, NC), lợn nái và lợn con được coi như các đơn vị thí nghiệm để đánh giá các thông số thí nghiệm trên chúng. Mô hình phân tích các thông số trên lợn nái và lợn con đánh giá ảnh hưởng của phương pháp cho ăn, lứa đẻ cũng như tác động qua lại giữa hai thông số này. Kết quả cho thấy trong mô hình phân tích cuối cùng, không có sự tương tác đáng kể giữa hai thông số (P > 0.25).

 

Thời gian nuôi con cũng được sử dụng như một yếu tố để xem xét (covariate) trong mô hình phân tích lượng thức ăn đã sử dụng, lượng thức ăn từ ngày 14 đến ngày cai sữa, lượng nước đã sử dụng, lượng thức ăn thừa, nước uống thừa. Khối lượng (BW) của lợn nái vào ngày cai sữa, thay đổi của BW của lợn nái từ ngày 0 đến ngày cai sữa, độ dày mỡ lưng lúc cai sữa, độ dày mỡ lưng thay đổi trong thời gian nuôi con , thời gian từ ngày cai sữa đến ngày động dục , sự biến động về khối lượng cơ thể của lợn con trong ổ đẻ tại thời điểm cai sữa, khối lượng cơ thể (BW) của lợn con lúc cai sữa, và tăng trọng lợn con từ ngày 14 đến khi cai sữa. Kích thước chuồng nuôi cũng được coi như là một yếu tố để xem xét trong phép phân tích tổng lượng thức ăn đã sử dụng; lượng thức ăn sử dụng theo tuần; lượng nước đã sử dụng; thức ăn thừa; nước thừa; lượng thức ăn lợn tiêu thụ; lượng nước tiêu thụ; BW của lợn nái tại thời điểm 7, 13 và cai sữa; thay đổi BW của lợn nái trong thời kỳ cho sữa; độ dày mỡ lưng lúc cai sữa; độ dày mỡ lưng thay đổi trong thời kỳ cho sữa; thời gian giữa thời điểm cai sữa và động đực; tỷ lệ sống của lợn con; biến động về khối lượng lợn con trong ổ đẻ ; BW của lợn con tại ngày 7, 14 và cai sữa; lượng BW tăng lên của lợn con từ ngày 7 đến ngày 13 và từ ngày 14 đến cai sữa. Khối lượng của lợn mẹ tại ngày 0 cũng được sử dụng như một yếu tố xem xét trong mẫu phân tích lượng thức ăn và nước uống đã sử dụng, thức ăn và nước thừa, lượng thức ăn và nước uống lợn tiêu thụ cũng như BW của lợn mẹ. Đối với những yếu tố trên, nếu có hơn một yếu tố được đề cập đến cho một thông số thí nghiệm thì tất cả đều có mặt trong mô hình phân tích nhân tố đơn.
Những ảnh hưởng ngẫu nhiên trong PROC MIXED đối với các thông số của lợn nái bao gồm sự lặp thí nghiệm, tương tác giữa sự lặp và yếu tố thí nghiệm ,và tương tác giữa sự lặp x yếu tố thí nghiệm x lứa đẻ . Các ảnh hưởng ngẫu nhiên đến các thông số của lợn con bao gồm sự lặp thí nghiệm, tương tác giữa sự lặp và yếu tố thí nghiệm ,và tương tác giữa sự lặp x yếu tố thí nghiệm x lứa đẻ và lợn mẹ (sự lặp x yếu tố thí nghiệm x lứa đẻ).

 

Phân tích khi bình phương (χ2) được sử dụng để đánh giá các ảnh hưởng của hệ thống lên thời gian động dục ở lợn nái trước ngày 11 sau khi cai sữa.

 

Tất cả các phương pháp được trình bày ở đây đều là phương pháp bình phương nhỏ nhất. Sai số được coi là đáng kể tại mức P < 0.05.

 

Kết quả và thảo luận

 

Lượng thức ăn trung bình đã cấp cho lợn nái ở hệ thống SFWD lớn hơn (P<0.01) so với ở hệ thống HF (Bảng 2). Chênh lệch giữa 2 hệ thống là trên 10kg cho 2 nhóm lợn tương đồng về lứa đẻ và thời gian nuôi con. Khi thời kỳ nuôi con được chia ra làm những giai đoạn riêng biệt, lượng thức ăn sử dụng hàng ngày cho lợn nái ở hệ thống SFWD nhiều hơn (P < 0.01) hơn so với lượng sử dụng ở hệ thống HF trong thời kỳ từ ngày 14 đến lúc cai sữa. Trong các gian đoạn khác của thời kỳ nuôi con , từ ngày 0 đến ngày 6 và từ ngày 7 đến ngày 13, lượng thức ăn sử dụng hàng ngày ở hệ thống SFWD cũng lớn hơn nhưng không đáng kể. Các kết quả này phù hợp với các kết quả từ các số liệu nghiên cứu của trường đại học Minnesota (Pettigrew và cộng sự, 1985), trong nghiên cứu này tác giả đã chỉ ra rằng lượng thức ăn sử dụng ở hệ thống SFWD nhiều hơn so với khi cho ăn bằng hệ thống HF thông thường. Tương tự như nghiên cứu đang được trình bày, lượng thức ăn sử dụng đối với hệ thống SFWD tăng lên ở cuối thời kỳ cho sữa. Trong nghiên cứu năm 1985, các tác giả ở trường đại học Minnesota cho biết sự khác biệt về lượng thức ăn sử dụng chỉ xảy ra trong thời gian có thời tiết nóng, còn các mùa khác thì không có sự sai khác đáng kể. Tuy nhiên ở nghiên cứu này lại cho thấy hiện tượng này lại xảy ra vào mùa thu và mùa đông mặc dù cả hai thí nghiệm đều được thực hiện ở cùng một bang ở phía Bắc nước Mỹ. Vì vậy các kết quả của nghiên cứu này không thực sự thống nhất với các kết quả nghiên cứu của trường đại học Minnesota. Hiện tại vẫn chưa có lời giải thích nào về sự không thống nhất này.

 

Bảng 2. Ảnh hưởng của hệ thống cho ăn đến năng suất của lợn1,2

Hệ thống cho ăn-uống
Các yếu tố HF3 SFWD4 SEM P-value
Số lượng lợn trong chuồng nái đẻ 57 57 - -
Lứa đẻ  trung bình 2,70 2,77 0,26 0,83
Thời gian nuôi con 19,8 20,0 0,41 0,58
Lượng thức ăn sử dụng, kg
 Trung bình hàng ngày từ d 0 đến 65 3,85 3,95 0,14 0,62
Trung bình hàng ngày từ d 7 đến 135 6,23 6,64 0,37 0,18
Trung bình hàng ngày từ d 14 đến cai sữa5 6,83 7,45 0,38 0,01
Tổng từ d 0 đến ngày cai sữa 110 120 4,1 0,01
Khối lượng cơ thể (BW), kg
d 0 206 198 3,1 0,06
d 7 211 205 3,5 0,11
 d 14 210 206 4,3 0,23
Ngày cai sữa 207 204 4,2 0,32
Thay đổi từ ngày d 0 đến cai sữa 0,6 6,2 1,85 0,01
Độ dày lớp mỡ lưng, mm
d 0 16.3 15.5 0,95 0,33
Ngày cai sữa 14.4 14.1 0,58 0,76
Thay đổi từ d 0 đến ngày cai sữa –1.7 –1.2 0,58 0,37
Thời gian từ cai sữa đến động dục,6 ngày 5.7 6.0 0,41 0,35
Tỷ lệ lợn động dục,7 % 93.0 89.5 - 0,51
1Các giá trị bình phương nhỏ nhất.
2Ngày 0 được xác định là ngày bắt đầu sinh sản.
3HF là hệ thống cho ăn có sự tham gia của người nuôi.
4SFWD là hệ thống tự động cho ăn.
5Số lượng lợn nái ở hai hệ thống HF và SFWD lần lượt là 46 và 46, do số liệu ở lần thử nghiệm 1 bị mất.
6Đối với những con lợn nái động đực trước ngày 30 sau khi cai sữa.
7Đối với những con lợn nái động đực trước ngày 11 sau khi cai sữa.

 

Nguyên nhân của việc lượng thức ăn sử dụng ở hệ thống SFWD nhiều hơn bình thường có thể là do lợn được lựa chọn khi nào ăn và độ ướt của thức ăn. Một số nghiên cứu khác tách 2 yếu tố trên độc lập với nhau. Peterson và cộng sự (2004) cho biết lượng thức ăn sử dụng tăng lên 7% khi lợn nái trong thời kỳ nuôi con được cho ăn tự do thức ăn khô từ các máy tự cấp thức ăn. Trong nghiên cứu đó nước uống được cấp riêng (để đảm bảo thức ăn hoàn toàn khô). O’Grady và cộng sự (1978), Koketsu (1994) và Lynch (2001) cũng chỉ ra rằng lợn nái ăn nhiều thức ăn hơn hàng ngày lần lượt là 12, 11 và 7% khi sử dụng thức ăn ướt (cho ăn bằng tay và cấp nước thủ công).

 

Khối lượng của lợn tại ngày 0, 7, 4 và ngày cai sữa không khác biệt giữa 2 phương pháp (Bảng 2). Cả 2 nhóm lợn tham gia thử nghiệm đều tăng khối lượng trong thời kỳ nuôi con , lượng tăng ở hệ thống SFWD nhiều hơn từ ngày 0 đến ngày cai sữa (P < 0.01). Lợn nái ở cả 2 nhóm đều giảm khối lượng trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến ngày cai sữa. Điều này cho thấy có sự chuyển hóa trong các mô của cơ thể và sự hạn chế ở cả 2 hệ thống cho ăn khi không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho lợn sản xuất sữa và tăng trưởng của lợn con vào cuối thời kỳ cho sữa. Peterson và cộng sự (2004) cho biết không có sự chênh lệch nào của giá trị BW giữa 2 hệ thống trong suốt thời kỳ cho sữa. Các nghiên cứu của Whittemore và cộng sự (1988),Mahan (1998) và Spencer và cộng sự (2003), mặc dù không có mục đích so sánh 2 phương pháp cho ăn, nhưng tương tự như vậy quan sát được lợn nái có tăng khối lượng trong thời kỳ nuôi con, với lượng thay đổi khối lượng được tính bằng lượng khối lượng cơ thể lợn nái được cân ngay sau khi sinh và cân vào ngày cai sữa. Mặc dù khối lượng thay đổi trong nghiên cứu này cho thấy có một số lượng khác nhau các mô cơ thể được huy động trong thời gian nuôi con, lượng mỡ lưng dưới da tại thời điểm cai sữa và lượng mỡ lưng thay đổi từ ngày 0 đến ngày cai sữa là không khác nhau giữa 2 hệ thống. Tuy nhiên, Peterson và cộng sự (2004) lại cho biết lượng mỡ lưng giảm đi ít hơn trong quá trình nuôi con và lượng thức ăn tiêu thụ nhiều hơn khi sử dụng hệ thống cho ăn tự động. Sự bảo toàn khối lượng (BW) hay mô của lợn nái trong thời kỳ cho sữa được cho là quan trọng bởi nó có liên quan đến việc loại bỏ các con lợn nái đang có năng suất cao nhưng sau khi cai sữa chúng mất khả năng động dục và có thai. Tuy nhiên, mặc dù lượng tăng khối lượng cơ thể của lợn nái cao hơn khi sử dụng hệ thống SFWD, nhóm nghiên cứu thấy rằng hệ thống này không làm thay đổi thời gian giữa thời điểm cai sữa và thời điểm động dục hay tỷ lệ lợn nái động dục sau khi cai sữa. Nghiên cứu này chỉ bao gồm thời kỳ nuôi con, và các ảnh hưởng của hệ thống cung cấp thức ăn cho lợn nái đến khả năng sinh sản của lợn nái cơ bản (nái có trên 3 lứa đẻ). Kết quả của nghiên cứu này có giá trị cho các nghiên cứu tiếp theo.

 

Sự sinh trưởng của lợn con

 

Số lượng lợn con trên một ổ đẻ tại thời điểm ghép đàn, ngày 7, ngày 14 và ngày cai sữa là không khác biệt giữa 2 hệ thống HF và SFWD (Bảng 3). Tương tự như vậy, chúng không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của lợn con từ lúc ghép đàn cho đến khi cai sữa cũng như sự biến động về khối lượng của lợn con trong lứa đẻ tại bất kỳ thời điểm nào từ lúc ghép đàn cho đến lúc cai sữa. Khối lượng của lợn con tại ngày 7 và ngày14 không khác nhau, nhưng vào ngày cai sữa, khối lượng của lợn con ở hệ thống SFWD cao hơn ở hệ thống HF là 0.51 kg (P < 0.01). Lợn con của lợn nái được cho ăn bằng hệ thống SFWD có tăng trọng trung bình ngày (ADG) từ ngày 7 đến ngày 13 và từ ngày 14 đến ngày cai sữa cao hơn so với những con lợn con của lợn nái cho ăn ở hệ thống HF (lần lượt P < 0.01 và P < 0.01). Khi so sánh ADG giữa các thời kỳ có thể thấy rằng ADG của lợn con ở hệ thống SFWD tăng lên ở thời điểm giữa và cuối thời kỳ cho sữa. Tuy nhiên, ADG của lợn con ở hệ thống HF là 254 và 254 g/ngày trong cả 2 thời kỳ, cho thấy rằng lượng sữa ra của lợn nái ở hệ thống này không tăng đủ để nâng cao lượng ADG của lợn con trong cuối thời kỳ cho sữa. Như vậy từ các số liệu về sự sinh trưởng của lợn con có thể thấy các con lợn nái ở hệ thống SFWD cho nhiều sữa. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của O’Grady và Lynch (1978) và Koketsu (1994) các tác giả không đề cập đến sự sinh trưởng của lợn con khi hệ thống cho ăn ướt được sử dụng, mặc dù họ đã quan sát thấy lượng thức ăn mà lợn nái tiêu thụ đã tăng lên.

 

Bảng 3. Ảnh hưởng của các hệ thống cho ăn-uống đến sự sinh trưởng của lợn con1

Hệ thống cho ăn-uống
Các yếu tố HF2 SFWD3 SEM giá trị P
Số lượng đàn 57 57 - -
Số con/đàn
Ngày ghép đàn 10,2 10,0 0,12 0,40
d 7 10,2 10,0 0,13 0,24
d 14 10,1 10,0 0,13 0,50
Cai sữa 10,1 9,9 0,13 0,34
Tỷ lệ sống sót từ ngày ghép đàn đến cai sữa, % 99,1 98,7 0,48 0,52
Khối lượng cơ thể lợn con,4 kg
d 7 2,88 2,88 0,09 0,99
 d 14 4,66 4,85 0,14 0,16
Cai sữa 6,12 6,63 0,22 0,01
Thay đổi khối lượng cơ thể lợn con trong đàn
Ngày trao đổi chéo 18,6 17,8 1,22 0,48
 d 7 20,3 20,4 1,15 0,88
d 14 21,5 21,1 1,17 0,73
Cai sữa 20,4 18,6 1,16 0,09
ADG lợn con,5 g
d 7 tới 13 254 280 9,4 0,01
d 14 tới ngày cai sữa 254 296 13,6 0,01
1Các giá trị là giá trị bình phương nhỏ nhất.
2 HF là hệ thống cho ăn có sự tham gia của người nuôi..
3 SFWD là hệ thống tự động cho ăn.
4Lợn con là đối tượng nghiên cứu hoặc quan sát. Vào d 7, 14, và ngày cai sữa, số lượng lợn con là 579 và 571, 573 và 569, và 573 và 564 lần lượt cho hệ thống HF và SFWD.
5 Lợn con là đối tượng nghiên cứu hoặc quan sát. Đối với gian đoạn từ d 7 đến 13 và d 14 đến ngày cai sữa, số lượng lợn con là 573 và 569, và 573 và 564 lần lượt đối với hệ thống HF và SFWD.

 

Lượng thức ăn tiêu thụ và thức ăn thừa

 

Tổng lượng thức ăn thừa trên một con lợn trong thời kỳ nuôi con ở cả 2 hệ thống là không khác nhau (Bảng 4). Với lượng thức ăn thừa là không khác nhau và lượng thức ăn sử dụng là khác nhau một cách đáng kể, có thể thấy rằng lượng thức ăn tiêu tốn trung bình ngày (ADFI) là lớn hơn (P = 0.03) đối với lợn nái ở hệ thống SFWD so với lợn ở hệ thống HF. Các con lợn nái ở hệ thống HF có lượng thức ăn thừa biến động lớn hơn so với ở hệ thống SFWD. Lượng thức ăn thừa lớn nhất (25 kg) ở hệ thống HF gần tương đương với 21% tổng lượng thức ăn đã cấp cho lợn trong giai đọan 20 ngày cho sữa. Lượng thức ăn thừa trung bình trên một con lợn là như nhau ở cả 2 hệ thống và bằng 2% tổng lượng thức ăn sử dụng hàng ngày. Số liệu này gần với kết quả nhỏ nhất trong nghiên cứu của Taylor (1990). Nghiên cứu của Taylor cho biết lượng thức ăn thừa thay đổi từ 0.1 đến 38% khi sử dụng các hệ thống cho ăn khác nhau. Tuy nhiên, nếu lượng thức ăn thừa trong 1 ngày là 2% thì trong 1 năm sẽ là 12 tấn nếu nuôi 2400 con lợn nái, một con số đáng kể.

 

Bảng 4. Ảnh hưởng của các hệ thống cấp thức ăn-nước uống đến tổng lượng thức ăn sử dụng, lượng dư thừa và lượng tiêu thụ thực tế1

Hệ thống cho ăn-uống
Các yếu tố HF2 SFWD3 SEM Giá trị P
Số lượng lợn nái sinh sản 29 29 - -
Thức ăn
Tổng lượng thức ăn đã sử dụng, kg 110 123 6,3 0,02
 Tổng lượng thức ăn thừa,4 kg 2,1 2,6 0,77 0,67
Khoảng biến động, kg (0,1 đến 25,0) (1,0 đến 8,1) - -
ADFI, kg 5,4 5.9 0,30 0,03
Nước uống
Tổng nước uống đã sử dụng, L 679 370 32 0,01
Khoảng, L (410 - 1.080) (148 - 545) - -
Tổng lượng nước dư thừa,5 L 232 15 12 0,01
Khoảng biến động, L (137 - 577) (2 - 44) - -
Lượng nước tiêu thụ thực tế trung bình,6 L 17,4 17,2 0,83 0,88
1Các giá trị trên đều là giá trị bình phương nhỏ nhất.
2Hệ thống cho ăn bằng tay HF.
3Hệ thống cung cấp thức ăn tự động SFWD.
4Các giá trị là tổng lượng thức ăn thừa trong toàn bộ thời gian cho sữa trên một con lơn.
5Các giá trị là tổng lượng nước thừa trong toàn bộ thời gian cho sữa trên một con lơn; số lượng lợn ở hệ thống  HF và SFWD lần lượt là 16 và 29.
6Số lượng lợn nái ở 2 hệ thống HF và SFWD lần lượt là 16 và 29 con.

 

1Các giá trị trên đều là giá trị bình phương nhỏ nhất.2Hệ thống cho ăn bằng tay HF.3Hệ thống cung cấp thức ăn tự động SFWD.4Các giá trị là tổng lượng thức ăn thừa trong toàn bộ thời gian cho sữa trên một con lơn.5Các giá trị là tổng lượng nước thừa trong toàn bộ thời gian cho sữa trên một con lơn; số lượng lợn ở hệ thống  HF và SFWD lần lượt là 16 và 29.6Số lượng lợn nái ở 2 hệ thống HF và SFWD lần lượt là 16 và 29 con.

 

Lượng nước tiêu thụ thực tế và dư thừa

 

Tổng lượng nước tiêu thụ thực tế và dư thừa ở hệ thống HF là nhiều hơn (P < 0.01) so với ở hệ thống SFWD (Bảng 4). Tuy nhiên lượng nước tiêu thụ trung bình hàng ngày ở cả 2 hệ thống là không khác nhau, lần lượt là 17.4 và 17.2 lít nước trên ngày đối với hệ thống HF và SFWD. Leibbrandt và cộng sự (2001) cho biết cho lợn uống nước thoải mái có thể làm tăng lượng thức ăn tiêu thụ và giảm lượng BW mất đi so với khi hạn chế lợn uống nước. Tuy nhiên ở nghiên cứu đang được trình bày, phương pháp cấp nước cho lợn có thể ảnh hưởng đến lượng nước sử dụng và nước thừa chứ không làm thay đổi lượng nước tiêu thụ.

 

Lượng nước yêu cầu hàng ngày trong thời kỳ nuôi con là 15 đến 35 lít (Thacker, 2001). Các kết quả trong nghiên cứu này nằm trong khoảng trên nhưng gần với cận dưới hơn. Khoảng giá trị rộng như vậy ở nghiên cứu của Thacker (2001) nguyên nhân 1 phần có thể là do phương pháp đo lượng nước sử dụng chứ không phải là lượng nước tiêu thụ thực tế của lợn. Ví dụ, Seynaeve và cộng sự (1996) và Farmer và cộng sự (2001) cho biết lượng nước sử dụng nhưng không thông báo lượng nước thừa.

 

Trong nghiên cứu này, lượng nước thừa ở hệ thống HF thay đổi nhiều hơn so với ở hệ thống SFWD. Ống cấp nước nằm bên trong hệ thống SFWD cho lượng nước thừa trung bình khoảng 15 lít trên 1 con lợn trong thời kỳ 20 ngày nuôi con. Trong khi đó lượng nước thừa tương ứng ở hệ thống HF là nhiều hơn 15 lần. Với lượng nước thải lớn như vậy không thể làm giảm lượng chất thải và phân lợn. Ví dụ, một trại chăn nuôi 2400 con lợn sẽ lãng phí 1,362 tấn nước một năm khi sử dụng hệ thống HF.

 

Kết luận

 

Hệ thống cho ăn tự động với các ưu điểm như cho lợn ăn thoài mái vào bất kỳ thời gian nào và ăn thức ăn ướt theo sở thích có thể nâng cao năng suất và lợi nhuận thông qua việc nâng cao lượng thức ăn tiêu thụ và sinh trưởng của lợn con. Thêm vào đó, nó còn có thể giúp nâng cao thể trạng của lợn nái thông qua việc làm giảm lượng khối lượng cơ thể bị mất đi và góp phần bảo vệ môi trường xung quanh trang trại lợn nhờ làm giảm lượng nước thải, chất thải, giảm thiểu nguy cơ tràn trong kho chứa, khi vận chuyển và quá trình rải phân.

 

Tác giả: J. J. Peng, S. A. Somes và D. W. Rozeboom
Khoa nghiên cứu động vật, đại học bang Michigan, East Lansing48824
(Effect of system of feeding and watering on performance of lactating sows)

 

Nguồn: Viện Chăn Nuôi

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập