Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩu

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩu
Ngày đăng bài - 5/3/2018 12:00:00 AM
Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩu

Ngành chăn nuôi đã và đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nhằm hướng tới một nền chăn nuôi phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.

 

Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩuQuy trình chăn nuôi khép kín của công ty Ba Huân. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

 

Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần cho tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. 

 

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2018, ngành đề ra nhiều mục tiêu gắn với tái cơ cấu ngành; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,8 - 4% so với năm 2017. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng trứng các loại khoảng 11,58 tỷ quả tăng 8,8%; sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn tăng 14,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn tăng 7,8%... 

 

Để đạt được mục tiêu trên, ông Vân cho rằng, ngành chăn nuôi sẽ rà soát, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu chăn nuôi tại 63 tỉnh/thành phố; chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm đặc hữu của từng vùng, từng địa phương; tổ chức hợp tác, liên kết để xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm đầu ra; phát huy lợi thế giống bản địa (như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà Mía, gà Đông Tảo, gà Hồ, bò H’Mông…). 

 

Bên cạnh đó, ngành xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi theo VietGAHP… Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh dự báo, thông tin thị trường; chủ động và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số giải pháp khơi thông thị trường nhằm vào một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như: thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, sữa và các sản phẩm từ sữa… 

 

Ngành cũng chủ động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước gắn với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt nhằm hướng tới xuất, nhập khẩu giống, sản phẩm chăn nuôi... 

 

Đáng chú ý, sự kiện, lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Công ty TNHH Koyu & Unitek thực hiện trong năm 2017 là bước ngoặt quan trọng của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung. 

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, lô sản phẩm thịt gà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản là tín hiệu rất tốt. Tới đây, Việt Nam sẽ chú trọng đến mặt hàng thịt lợn và trứng để tiến tới xuất khẩu. 

 

"Nếu có một quy trình kiểm soát chuỗi khâu giống, khâu thức ăn, tổ chức quản trị chăn nuôi, giết mổ và tổ chức thị trường tốt thì sẽ khẳng định nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đủ sức hội nhập với thị trường quốc tế kể cả những thị trường cao cấp nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, không chỉ riêng Công ty TNHH Koyu & Unitek, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hiện cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có mức giá bán cao hơn so với giá trong nước. 

 

Về xuất khẩu trứng gia cầm, hiện tại cả nước có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang các thị trường: Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản... 

 

Với thịt gà, thịt lợn chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc có Công ty CP Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Công ty CJ Cầu Tre; Công ty Bel gà xuất khẩu trứng gà giống, gà giống sang Myanmar, Lào, Campuchia… Còn đối với thịt mảnh và thịt lợn nói chung đang xây dựng các chuỗi gắn với vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh thí điểm ở 2 tỉnh là Thái Bình và Nam Định. 

 

"Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để tăng trưởng xuất khẩu trong ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của các doanh nghiệp cũng như ngành nông nghiệp" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ. 

 

Theo Cục Thú y, hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh. Ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất khép kín đối với thịt gà, trứng gà bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. 

 

Bên cạnh đó, nhiều trang trại tư nhân chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…. Trong khi đó, tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. 

Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩuTrang trại chăn nuôi gia cầm tại bình Dương. Ảnh: TTXVN 

 

Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, về lâu dài, ngành chăn nuôi cần tập trung đầu tư vùng chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi các nước. 

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, để phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cần khống chế thành công dịch lở mồm long móng trên gia súc. Theo đó, ngành thú y cần tiếp tục chủ động trong giám sát dịch tễ các dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản để tham mưu các địa phương trong xây dựng và nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn. 

 

"Chủ động lấy mẫu giám sát dịch tễ để giám sát sự lưu hành của vi rút đối với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản, nhất là đối với bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm. Qua đó, khuyến nghị các địa phương và người nuôi chủ động mua vắc-xin tiêm phòng chống dịch để tiết kiệm chi phí, dập dịch ngay. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Thú y nhất là vai trò của chính quyền cơ sở trong phát hiện dịch và ngăn chặn kịp thời" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh. 

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, trong Quý I năm 2018, việc kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được thực hiện khá tốt, đồng thời tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm rõ rệt. 

 

Theo kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan trung ương và 39/63 tỉnh/thành phố thực hiện cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt. Cụ thể, cơ quan chức năng đã không phát hiện mẫu nhiễm với chất cấm Salbutamol trong 145 mẫu thịt, 678 mẫu nước tiểu. 

 

Bên cạnh đó, tỷ lệ mẫu thịt các loại vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chỉ là 1/418 mẫu, chiếm 0,24% (giảm so với 0,63% năm 2017); vi phạm chỉ tiêu vi sinh là 130/949 mẫu, chiếm 13,7% (giảm so với 26,7% năm 2017). 

 

Để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018. Theo đó, nội dung trọng tâm là tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để kịp thời ngăn chặn và xử lý ngiêm các trường hợp vi phạm./.

 

Thành Trung
Nguồn: BNEWS/TXVN

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập