Sự cấp thiết trong việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Sự cấp thiết trong việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật
Ngày đăng bài - 5/14/2025 12:00:00 AM
Sự cấp thiết trong việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật

 Sự bất cập trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSP) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (TCQC) đã tồn tại nhiều năm, tạo ra không ít khó khăn và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Đây là vấn đề quan trọng được bàn luận tại Tọa đàm “Một số tồn tại bất cập của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, nhất là vấn đề công bố hợp quy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải pháp tháo gỡ”, tổ chức vào sáng 13/5/2025. Tọa đàm đã được Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với các hiệp hội ngành hàng và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thành công tại Hội trường nhà Đa Năng, Bộ Tư pháp, Hà Nội, cùng sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và doanh nghiệp, nhằm thảo luận và tìm giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại trong các quy định pháp lý liên quan đến chất lượng sản phẩm và công bố hợp quy.

 

Sự bất cập trong quy định hiện hành

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ rằng công bố hợp quy hiện nay là hình thức, không đảm bảo chất lượng sản phẩm thực tế. Dù các doanh nghiệp có chứng nhận quốc tế như ISO, GMP, HACCP, họ vẫn phải chịu chi phí lớn để công bố hợp quy cho từng sản phẩm, gây khó khăn cho quá trình sản xuất và thương mại. “Công bố hợp quy chỉ là một hình thức, không giúp chúng ta quản lý chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm được kiểm nghiệm qua hồ sơ không có nghĩa là chúng đạt chất lượng thực tế,” ông Dương nhấn mạnh.

 

Một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua là kiểm tra chất lượng sản phẩm. Việc chỉ để các cơ quan nhà nước thực hiện kiểm tra là không thực tế, vì các cơ sở kiểm nghiệm tư nhân có năng lực tốt hơn rất nhiều. “Nên cho phép các phòng thí nghiệm tư nhân tham gia kiểm tra chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan nhà nước và tận dụng được nguồn lực có sẵn trong xã hội,” TS. Nguyễn Xuân Dương nói.

 

TS. Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Chất lượng và Thị trường Nông, Lâm, Thủy sản, Bộ NN&PTNT

 

Ngoài ra, quy định phân loại sản phẩm thành nhóm 1 và nhóm 2, với nhóm 1 được coi là không có rủi ro và nhóm 2 có rủi ro, đã tạo ra những bất cập lớn. TS. Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Chất lượng và Thị trường Nông, Lâm, Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho rằng việc phân loại này không chính xác và không giúp quản lý chất lượng hiệu quả. “Không có sản phẩm nào là không có rủi ro. Vì vậy, chúng ta cần phân loại sản phẩm theo ba nhóm rõ ràng: rủi ro thấp, trung bình và cao. Chỉ những sản phẩm có rủi ro cao mới cần kiểm tra chặt chẽ và công bố hợp quy,” ông Tiệp cho biết.

TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, đã chia sẻ trong cuộc họp với Bộ Khoa học và Công nghệ rằng việc bỏ công bố hợp quy không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, mặc dù Bộ đã bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Theo bà, không có quốc gia nào yêu cầu sản phẩm phải có công bố hợp quy để đảm bảo chất lượng. Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất vắc-xin thú y tại Việt Nam, mặc dù trước đây 70-80% thuốc thú y phải nhập khẩu, nhưng hiện nay, Việt Nam đã có 11 nhà máy sản xuất vắc-xin nội địa và xuất khẩu sang nhiều quốc gia mà không gặp phải vấn đề gì liên quan đến công bố hợp quy.

 

Giải pháp cần thiết cho sự thay đổi

 

Để giải quyết những vấn đề tồn tại trong các quy định hiện hành, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp quan trọng. Trước tiên, cần phải bỏ công bố hợp quy và chuyển sang hậu kiểm. Việc này sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.

TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam

 

TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên rủi ro sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay. “Nếu áp dụng phương pháp quản lý dựa trên rủi ro, chúng ta sẽ có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả hơn, thay vì chỉ yêu cầu công bố hợp quy,” ông Ngọc nói. Các sản phẩm có rủi ro thấp có thể tự công bố, trong khi sản phẩm rủi ro cao sẽ cần kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

 

Bên cạnh đó, việc phân loại sản phẩm theo ba nhóm rủi ro sẽ tạo ra một hệ thống quản lý chất lượng thực sự hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo ra một bộ quy chuẩn để doanh nghiệp tự tuân thủ, thay vì tiếp tục yêu cầu công bố hợp quy.

 

Việc sửa đổi Luật CLSP và TCQC là vô cùng cần thiết để giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Cần phải bỏ công bố hợp quy, chuyển sang hậu kiểm và phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để tạo ra một hệ thống quản lý chất lượng hợp lý hơn. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế.

 

Trần My

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
Video
Thống kê truy cập