Người chăn nuôi huyện Tuy An đầu tư chất lượng con giống, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh: Sơn Ca
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đàn heo toàn huyện có khoảng 10.000 con, chủ yếu là heo thịt, được nuôi tập trung ở các xã An Ninh Tây, An Nghiệp, An Mỹ và An Cư. Ông Lê Văn Nam, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Người chăn nuôi địa phương chủ yếu nuôi heo thịt với phương pháp tự sản xuất giống, chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác giống. Chính vì vậy, chất lượng đàn heo thương phẩm của địa phương chưa cao, hiệu quả chăn nuôi còn hạn chế. Từ năm 2015, Nhà nước triển khai chương trình quản lý heo đực giống, cùng với các ngành chức năng của tỉnh, huyện Tuy An cũng tập trung triển khai chương trình này. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, người nuôi heo trên địa bàn đã được chuyển giao nhiều kiến thức, quy định đối với công tác giống; giúp người nuôi heo biết được tầm quan trọng của con giống. Từ đó người chăn nuôi dần thay đổi thói quen, chú trọng hơn đến công tác giống trong quá trình sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng ở xã An Nghiệp nói: Tính đến nay, gia đình tôi đã có hơn chục năm nuôi heo; tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, giúp heo khỏe mạnh, mau lớn... Tuy nhiên, lâu nay gia đình tôi chỉ mới quan tâm đến chất lượng đàn nái giống mà chưa có sự đầu tư phù hợp cho chất lượng con đực giống khi phối. Từ khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền về những hiệu quả, ảnh hưởng của con đực giống, gia đình tôi mới bắt đầu chú ý. Hiện nay, tôi không chọn phương pháp nhảy giống trực tiếp nữa mà tôi chọn mua tinh giống Duroc ở Trại Thực nghiệm giống gia súc Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) và thuê dẫn tinh viên phối. Đàn heo con sinh sản được lai từ hai giống heo Landrad (heo mẹ) và Duroc nên có hình thể rất đẹp, đùi bung, bụng thon, tốc độ sinh trưởng nhanh. Heo trưởng thành có tỉ lệ nạc cao, thịt đỏ... được thị trường ưa chuộng nên thương lái thu giá cao hơn so với các giống heo ngoài thị trường.
Còn theo ông Võ Thanh Sang ở xã An Mỹ, tất cả số heo giống của trại ông đều do gia đình tự sản xuất để nuôi chứ không mua giống như các hộ khác. Hiện trại nhà ông nuôi 4 con nái giống Landrad, Yorshire và ông chọn phương pháp nhảy đực trực tiếp để phối giống. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông rất quan tâm đến chất lượng con giống. Ngoài đầu tư đàn nái giống, ông cũng chú trọng đến giống đực khi cho phối. Mặc dù chọn phương pháp nhảy phối trực tiếp nhưng ông luôn chọn những con đực đã được bình tuyển, cấp mã số, có đeo thẻ tai và có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chuyên môn. Có sự đầu tư bài bản về giống nên đàn heo con sinh sản ở trại ông Sang luôn đạt chất lượng. Bình quân mỗi con nái đẻ được 2,5 lứa/năm, mỗi lứa đẻ được từ 13-16 con, trọng lượng bình quân khoảng 1,4kg/con. Ông Sang cho biết: Trong những năm qua, giá heo bấp bênh nhưng nhờ gia đình tự sản xuất con giống nên chi phí đầu tư, giá thành giảm, giúp trại ổn định chăn nuôi, vượt qua những giai đoạn khó khăn do giá hạ thấp.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An Giáp Văn Thức cho biết: Triển khai chương trình quản lý heo đực giống năm 2017, đến nay, huyện Tuy An đã hoàn thành công tác thống kê, bình tuyển, cấp mã số và đeo thẻ tai cho đàn heo đực giống của địa phương. Bên cạnh công tác bình tuyển, địa phương còn hướng dẫn các hộ nuôi, kinh doanh heo đực giống cách chăm sóc, khai thác để đảm bảo được chất lượng tinh và kéo dài thời gian khai thác. Đồng thời, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi cách phân biệt, nhận biết những con đực giống đạt tiêu chuẩn chất lượng để chọn phối, nâng cao số lượng và chất lượng đàn heo sinh sản, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi.
Sơn Ca
Nguồn: Báo Phú Yên