Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà giảm sâu khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị lỗ 4.000-5.000 đồng/kg. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cung vượt cầu; đồng thời hàng ngàn tấn gà nhập khẩu giá rẻ tiếp tục tràn vào thị trường nội địa, cạnh tranh khốc liệt với gà nuôi trong nước. Bên cạnh đó, thông tin cúm gia cầm xảy ra tại một số địa phương cũng khiến người tiêu dùng e dè hơn khi tiêu thụ loại gia cầm này.
Giá gà giảm sâu, vẫn khó bán
Theo các hộ nuôi gà trên địa bàn tỉnh, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà lao dốc không phanh. Có nhiều thời điểm, giá gà công nghiệp xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 20.000-21.000 đồng/kg. Hiện nay, giá gà tam hoàng lông màu được bán tại các trang trại ở mức 27.000-28.000 đồng/kg, còn gà lông trắng giá 31.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Lánh, hiện đang nuôi 38.000 con gà công nghiệp tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa) cho biết, với chi phí công chăm sóc, thức ăn, thuốc, vắc xin như hiện nay, giá gà phải từ 34.000 đồng/kg trở lên, người nuôi mới có lãi. Do vậy, hiện người nuôi gà đang lỗ 4.000- 5.000 đồng/kg.
Không chỉ gà công nghiệp rớt giá, gà ta thả vườn, vốn là mặt hàng được thị trường trong nước ưa chuộng, cũng đang gặp tình trạng tương tự. Nếu như dịp Tết Nguyên đán 2017, giá gà ta thả vườn bán ra ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn khoảng 45.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Minh Lý (ngụ tại ấp 1, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) cho biết, hiện anh đang nuôi 4.000 con gà ta thả vườn. Tuần qua, anh đã xuất bán được hơn 2.000 con (khoảng 4 tấn). Với giá gà thấp như hiện nay, trung bình mỗi tấn, anh Lý lỗ 1-2 triệu đồng. “Mặc dù giá gà xuống rất thấp nhưng người nuôi vẫn khó bán vì thương lái chỉ thu mua nhỏ giọt. Hiện tôi còn khoảng 4 tấn gà đang chờ xuất bán nhưng chưa có ai hỏi mua. Để giảm thua lỗ, tôi phải giảm khẩu phần ăn hàng ngày của gà, nuôi cầm chừng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp nhất thời, hy vọng thị trường gà sẽ sớm ổn định trở lại để người chăn nuôi giải phóng đàn, tiến hành nuôi lứa mới”, anh Lý nói.
Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, giá gà trong nhiều năm qua luôn trong tình trạng lên xuống thất thường. Tuy nhiên, việc giá giảm sâu và nhanh trong vài tháng qua là chưa từng có (giảm từ 30 đến 50%). Với mức giá như hiện nay, người nuôi đang chịu lỗ 3.000-5.000 đồng/kg. Nếu tình hình này kéo dài thì phần lớn người chăn nuôi khó có thể trụ vững.
Cung vượt cầu
Tính đến tháng 3-2017, ước tính tổng đàn gà của cả nước khoảng 277 triệu con, tăng 4,3-4,8% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trên địa bàn tỉnh, theo số liệu của ngành NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt gần 3,8 triệu con, tăng khoảng 100 ngàn con so với thời điểm cuối năm 2016. Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, cung vượt cầu là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá gà giảm sâu trong thời gian qua. Gia cầm trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Những tháng cuối năm 2016, giá gà phục hồi nên người nuôi đã đẩy mạnh tăng đàn. Số lượng gà ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại không tăng nên việc gà rớt giá là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, giá gà giảm sâu một phần là do lượng thịt nhập khẩu tăng cao. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 1-2017, nước ta đã nhập khẩu 7.000 tấn thịt gà. Giá gà nhập khẩu ở mức trung bình 0,8 USD/kg (khoảng 20.000 đồng/kg), rẻ hơn gà trong nước từ 7.000-10.000 đồng/kg, khiến gà nội rất khó cạnh tranh. “Theo quy luật thị trường, người tiêu dùng sẽ tìm đến các sản phẩm rẻ hơn, việc này gây khó khăn trực tiếp cho người chăn nuôi gà trong nước”, ông Sỹ nói.
Thời gian qua, thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương trong nước khiến một bộ phận người tiêu dùng lo lắng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng gà giảm. “Đối với các trang trại gà quy mô lớn như chúng tôi, quy trình phòng trừ dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi có thông tin dịch cúm, người tiêu dùng vẫn cứ dè dặt với sản phẩm gia cầm, khiến giá gà đã thấp lại còn khó bán”, ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trang trại gà công nghiệp 30.000 con tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) cho biết.
Theo Sở NN-PTNT, tới đây, Sở sẽ tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh để đánh giá thực trạng và tìm giải pháp hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tạo liên kết để ổn định giá thành, bảo đảm đầu ra cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, Sở cũng rà soát lại quy hoạch chăn nuôi để định hướng người dân triển khai chăn nuôi theo đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, tránh việc chăn nuôi tự phát, thiếu liên kết, không theo nhu cầu thị trường, dẫn đến việc cung vượt cầu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn