Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện tại vùng Tây Nguyên từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2019. Đối tượng khảo sát là các cơ sở nuôi bò thịt gồm 167 mẫu trên 5 tỉnh, 13 huyện, thành phố và 22 xã, thị trấn nhằm đánh giá được đặc điểm, năng suất và hiệu quả chăn nuôi bò thịt.
Ảnh minh họa
Các cơ sở chăn nuôi được chọn ngẫu nhiên và khảo sát bằng bộ câu hỏi bán cấu trúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy chăn nuôi bò thịt vùng Tây Nguyên phần lớn là chăn nuôi quy mô nhỏ bình quân 2,88 con/hộ chiếm nhóm hộ nuôi quy mô lớn chiếm 32,94% với số bò nuôi bình quân là 9,19 con/hộ.
Bò lai chiếm tỷ lệ lớn, 82% ở quy mô lớn và 75% ở nhóm chăn nuôi quy mô nhỏ trong cơ cấu giống đàn bò thịt. Tây Nguyên có sự đa dạng về các nhòm bò lai, trong đó nhóm bò Lai Sind và lai Brahman là chiếm ưu thế. Tỷ lệ cơ sở nuôi bò thịt thiếu thức ăn nuôi bò vào mùa khô là cao, đây là khó khăn lớn trong phát triển chăn nuôi bò thịt của vùng Tây Nguyên.
Quy mô chăn nuôi lớn có năng suất và hiệu quả chăn nuôi lớn hơn so với nhóm chăn nuôi nhỏ (P<0,001). Nhóm bò lai giữa đực BBB và cái Holstein Friesian (HF) có năng suất và hiệu quả chăn nuôi lớn hơn hai nhóm bò đực ngoại lai với cái lai Zebu và nhóm đực Lai Sind lai với bò Vàng (P<0,001).
Cần nghiên cứu lựa chọn một số tổ hợp lai phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò thịt vùng Tây Nguyên và xây dựng nguồn cung cấp thức ăn đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng thức ăn nuôi bò đặc biệt là vào mùa khô.
Mở đầu
Tây Nguyên là vùng có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sự phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng chăn nuôi hàng hoá tập trung (Phạm Thế Huệ và ctv, 2018).
Diện tích tự nhiên của vùng Tây Nguyên là 5.450,7 nghìn ha chiếm 16,45% tổng diện tích cả nước (Tổng cục thống kê, 2019) đây là lợi thế quan trọng cho phát triển chăn nuôi đặc biệt là phát triển chăn nuôi bò thịt.
Số lượng đàn bò vùng Tây Nguyên năm 2018 là 771,1 nghìn con, tăng 49,8 nghìn con (6,9%) so với năm 2008 (Tổng cục thống kê, 2019). Hiện nay, chăn nuôi bò thịt ở vùng Tây Nguyên chủ yếu phát triển ở hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Tỉnh Gia lai có đàn bò thịt lớn nhất với 381.610 con chiếm tới 51,07% đàn bò thịt của vùng.
Tiếp đến là đàn bò thịt của tỉnh Đắk Lắk có 202.448 con, chiếm 27,09% đàn bò thịt trong vùng. Tổng đàn bò của tỉnh Lâm Đồng chỉ chiếm 12,04% tổng đàn bò vùng Tây Nguyên (Tổng cục thống kê, 2019), hai tỉnh Kon Tum và Đắk Nông chăn nuôi bò kém phát triển hơn so với ba tỉnh trên của vùng.
Bên cạnh đàn bò tự sản xuất trong vùngthì Tây Nguyên cũng là vùng có số lượng bò hàng năm nhập về khá lớn và số lượng này có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2014-2016.
Năm 2014 nhập 33.609 con, năm 2016 nhập 46.037 con từ Úc, Campuchia và các tỉnh thành khác nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo của vùng (Phạm Thế Huệ và ctv, 2018).
Hầu hết số bò nhập về được nuôi vỗ béo trong một thời gian rồi xuất đi các vùng khác và đang có xu hướng hình thành ngành nuôi bò vỗ béo chuyên nghiệp, như năm 2016 số lượng bò bán đi các vùng khác được ghi nhận là 78.472 con (Phạm Thế Huệ và ctv, 2018). Nghiên cứu về thực trạng chăn nuôi bò thịt nhằm tiến tới đề ra các định hướng phát triển ngành chăn nuôi này một cách phù hợp cho vùng Tây Nguyên là rất cần thiết.
Kết luận
Chăn nuôi bò thịt ở vùng Tây Nguyên quy mô nhỏ vẫn chiếm tỉ lệ cao và hiện nay có khá nhiều giống và các tổ hợp bò lai, trong đó tổ hợp lai với bò Lai Sind, Brahman là chủ yếu ở nhóm nuôi quy mô lớn. Tổ hợp bò lai BBB chủ yếuphát triển ở tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk. Trái lại ở nhóm nuôi QM nhỏ tỷ lệ bò Vàng chiếm cao và sau đó là bò lai với bò Lai Sind và Brahman.
Tình trạng thiếu thức ăn thô xanh nuôi bò vào mùa khô là khó khăn lớn trong chăn nuôi bò thịt ở vùng Tây Nguyên. Các cơ sở nuôi bò thịt đã thực hiện chế biến thức ăn như ủ chua,làm khô rơm để dự trữ thức ăn nuôi bò. Tuy nhiên số cơ sở có chế biến, và dự trữ thức ăn đáp ứng đủ để nuôi bò là chưa nhiều. Năng suất và hiệu quả chăn nuôi ở nhóm nuôi quy mô lớn cao hơn so với nhóm nuôi QM nhỏ. Nhóm nuôi QM lớn có lãi thô cao hơn 4.365,22 nghìn đồng so với nhóm nuôi QM nhỏ. Năng suất và hiệu quả chăn nuôi ở nhóm bò đực lai BBB lai với bò cái HF là cao nhất, sau đó đến bò đực ngoại lai với bò cái lai zebu và thấp nhấp ở nhóm bò đực Lai Sind lai với bò cái Vàng.
Cần nghiên cứu lựa chọn một số tổ hợp lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng tiểu vùng tạo đầu ra đồng đều và thuận lợi cho phát triển nuôi bò thịt theo hướng hàng hoá. Cần xây dựng nguồn cung cấp thức ăn nuôi bò như mở rộng diện tích trồng cỏ, áp dụng các công nghệ bảo quản và chế biến thức ăn chất lượng cao phù hợp với các điều kiện chăn nuôi của vùng Tây Nguyên.
Nguyễn Văn Duy1, Nguyễn Đức Điện2, Nguyễn Thị Phương1, Nguyễn Đình Tiến1 và Vũ Đình Tôn1*
1 Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2. Khoa Chăn nuôi Thú Y, Đại học Tây Nguyên
* Tác giả liên hệ: GS.TS. Vũ Đình Tôn, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, Email:
vdton@vnua.edu.vn, vdton.hua@gmail.com
Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 9.2020 (http://hoichannuoi.vn/tap-chi-khkt-chan-nuoi-so-thang-92020.html).
Để đăng bài, đặt mua và quảng cáo trên Tạp chí KHKT Chăn nuôi, kính mời quý độc giả liên hệ như sau:
Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà 73, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.36290621
Fax: 024.38691511
E - mail: tapchichannuoi@hoichannuoi.vn
Tài khoản: Tên tài khoản: Hội Chăn nuôi Việt Nam; Số tài khoản: 1300 311 0000 40, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Thăng Long - Số 4, Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.