Theo đó, ngành chăn nuôi Đồng Nai những năm qua có tốc độ tăng trưởng rất tốt về cả quy mô lẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dù năm 2017 là năm khủng hoảng trầm trọng về ngành chăn nuôi heo, nhưng theo số liệu thống kê, đến tháng 10/2017 tổng đàn heo vẫn tăng thêm 300.000 con, nâng tổng số đàn lên 2 triệu con và hiện tại tổng đàn trên 2, 3 triệu con.
Tính đến nay, tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Nhất là từ tháng 3 trở lại đây, giá heo liên tục tăng (đầu tháng 5/2018 giá 30.000 đồng/kg, đến tháng 8/2018 giá trên 50.000 đồng/kg) tại Đồng Nai, còn các địa phương khác còn cao hơn.
Đàn heo và đàn gia cầm của Đồng Nai tăng rất mạnh
Không chỉ tổng đàn heo tăng, mà đàn gia cầm cũng tăng rất mạnh (tổng đàn 25 triệu con). Giá gà thịt, vịt thịt, trứng cũng ở giá rất tốt, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Do đó, rất nhiều người chăn nuôi đang tái đàn và tăng đàn trở lại nhưng con giống cả heo lẫn gia cầm còn khan hiếm.
Đứng trước tình hình giá cả còn khá phức tạp, chưa dự đoán được diễn biến đến cuối năm 2018 và thực trạng nhập khẩu gia súc, gia cầm như hiện nay, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan chức năng và có một số gợi ý đối với người chăn nuôi như sau:
1. Thường xuyên theo dõi thông tin trên các trang chăn nuôi để kịp thời nắm bắt tình hình, từ đó định hướng chăn nuôi thích hợp.
2. Không tăng đàn nái ồ ạt vì phải trên 12 tháng mới có sản phẩm ra thị trường sau một năm giá cả rất khó lường, không thể dự đoán được. Thay vào đó nên tập trung chăm sóc đàn nái để đạt năng suất cao nhất (cải thiện năng suất chăn nuôi từ 18 con/nái/năm) tăng lên 24 con/nái/năm;
3. Tham gia quy trình chăn nuôi VIETGAHP vừa tạo môi trường chăn nuôi tốt, an toàn dịch bệnh, vừa tạo thương hiệu về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Áp dụng quy trình tiêm phòng nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn dịch bệnh; Áp dụng quy trình chăn nuôi an toan và đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Giá heo và gia cầm đến lứa nên xuất bán, không nên giữ lại chuồng, găm hàng, chờ giá;
5. Đảm bảo an toàn môi trường, chú trọng đến quy trình xử lý nước thải; hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
6. Thành lập các tổ, nhóm… nhập trực tiếp nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở sản xuất, giảm các khâu trung gian, hạ giá thành, giảm chi phí chăn nuôi;
7. Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Thận trọng sử dụng việc sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh trên gia súc, gia cầm, thời gian cách ly đúng khuyến cáo nhà sản xuất, tránh tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt gia cầm làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng;
8. Thận trọng trong việc tăng đàn gia súc, gia cầm, chọn mua con giống nơi uy tín, chất lượng.
PV
Nguồn: Nhachannuoi.vn