Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 (Dự thảo ngày 15/9/2020)

chiến lược chăn nuôi, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà,

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 (Công bố ngày 15/9/2020)
Ngày đăng bài - 9/18/2020 12:00:00 AM
Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 (Công bố ngày 15/9/2020)

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2020

 

 Theo QĐ 10/2008/QĐ-TTg NGÀY 16/01/200 Ngày 16/01/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: chăn nuôi Việt Nam luôn phát triển với tốc độ cao[1], tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp[2], đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

 

 Giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).

 

 Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu, như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa… khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.

 

 Triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng với Quốc tế (Luật Thú y năm 2015, Luật Chăn nuôi năm 2018 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng…).

 

Nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á… Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp[3]góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn.

 

Thông qua đổi mới và phát triển các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi, đời sống người dân và hạ tầng khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế đầu tư lớn trong phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

 

Bên cạnh những thành tựu to lớn nêu trên, ngành chăn nuôi đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập:

 

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, công tác quản trị kém làm giảm năng suất và tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi; Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường vẫn còn nhiều bất cập nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ, nhiều dịch bệnh nguy hiểm chưa được thanh toán, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi, nhiều cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cho cây trồng;

 

 Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học chăn nuôi chưa có nhiều đột phá; Công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển;

Công tác dự báo, dự tính về thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế; hoạt động giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp, nhất là chế biến sâu còn nhiều hạn chế; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi so với các loại nông sản khác thấp; Tổ chức quản lý ngành chăn nuôi, thú y còn nhiều bất cập, nhất là ở các địa phương đang phổ biến tình trạng hoạt động kiêm nhiệm, lồng ghép thiếu chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tiễn và hội nhập quốc tế.

 

Nhu cầu thực phẩm về các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao trong thời kỳ tới. Dự kiến đến năm 2030 dân số nước ta gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế đến thì Việt Nam sẽ là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi Việt Nam cũng cần phải thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh và thay đổi ngày càng lớn của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.

 

Từ những lý do trên, việc ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 là phù hợp và rất cần thiết.

 

II. NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2020-2030, TẦM NHÌN 2040

 

 Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 gồm 07 phần và 01 Phụ lục, nội dung cụ thể như sau:

 

  1. Quan điểm phát triển

 

 – Phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi.

 

 

 – Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới. Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi.

 

 

  1. Mục tiêu

 

a) Mục tiêu chung

 

Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

 

b) Một số mục tiêu cụ thể

 

– Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm.

 

 – Sản lượng thịt xẻ các loại: đến năm 2025 đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6,0 đến 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.

 

– Sản lượng trứng, sữa: đến năm 2025 đạt từ 18 đến 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.

 

– Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 25 đến 30% vào năm 2025, từ 40 đến 50% vào năm 2030.

 

  1. Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2040

 

a) Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030

 

– Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống bản địa.

 

– Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 đến 45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30 đến 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số. Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi.

 

 – Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

 

– Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh công nghiệp chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi.

 

b) Tầm nhìn đến năm 2040

 

Đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó:

 

– Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á.

 

 – Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người.

 

– Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

 

– 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

 

Giải pháp Dự thảo chiến lược đưa ra 10 nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới.

 

a) Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi: Bao gồm chính sách đất đai; chính sách tài chính và tín dụng; chính sách thương mại… Dự thảo Chiến lược nêu ra những nội dung, lĩnh vực mà Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ đầu tư phát triển nhằm đạt mục tiêu chung của Chiến lược. Trong từng thời kỳ và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước sẽ có chính sách cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực và đối tượng thụ hưởng.

 

b) Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh: Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, thuốc, chế phẩm thú y; Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật, trong đó chú trọng kiểm dịch biên giới, cửa khẩu; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.

 

c) Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành chăn nuôi, thú y phù hợp thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế…; Nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

 

d) Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi: Công nghiệp hóa khâu sản xuất và cung ứng giống vật nuôi; cùng với việc nhập nội bổ sung các nguồn giống cao sản, giống chất lượng, cần tập trung phục tráng, nhân thuần các giống bản địa có nguồn gen tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống phù hợp với nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

đ) Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi: Rà soát, điều chỉnh mạng lưới cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp phù hợp với quá trình chuyển dịch vùng và cơ cấu chăn nuôi; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; Chuyển một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cỏ cây thức ăn chăn nuôi; Khuyến khích đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; Khuyến khích phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã.

 

e) Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hoá, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

 

g) Đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở; Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi; Đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu một số lĩnh vực quan trọng như giống, dinh dưỡng, thú y, công nghệ chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi; Chuẩn hóa các chương trình đào tạo và tăng cường các nguồn lực, phương thức đào tạo theo hướng xã hội hoá phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 

h) Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi: Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến; Khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi.

 

i) Đổi mới tổ chức sản xuất: Tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường.

 

k) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y: Kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y; Hoạt động chăn nuôi, thú y là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.

 

Đề án ưu tiên Để huy động nguồn lực xã hội đầu tư triển khai đạt các mục tiêu của Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất 05 đề án là những nhóm vấn đề quan trọng cần đổi mới và hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển bền vững đối với ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới, bao gồm:

 

(1) Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.

 

(2) Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

 

 (3) Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

 

(4) Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

 

(5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

 

  1. Nguồn vốn thực hiện

 

– Nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định.

 

 – Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, chương trình, kế hoạch, dự án khác.

 

– Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có).

 

– Tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.

 

Tổ chức thực hiện Phần này nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ có liên quan, bao gồm Bộ KHĐT, Bộ TC, Bộ CT, Bộ KHCN, Bộ TNMT, Bộ LĐTBXH, Ngân hàng Nhà nước cùng với UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW phối hợp tổ chức triển khai Chiến lược trên phạm vi cả nước./.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

 

[1] Năm 2018, giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 5,0% GDP.

 

[2]Trước 2010, tăng trưởng của ngành chăn nuôi 6,0-7,0%/năm, tỷ trọng đạt 27-28%; giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng đạt 4,5-5,0%/năm, tỷ trọng đạt 30,5%; năm 2018, tăng trưởng 6,0%, tỷ trọng đạt 32%.

 

[3] Số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 của Tổng cục Thống kê.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập