Đưa giải pháp mới về an toàn sinh học vào chăn nuôi

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Đưa giải pháp mới về an toàn sinh học vào chăn nuôi
Ngày đăng bài - 3/25/2019 12:00:00 AM
Đưa giải pháp mới về an toàn sinh học vào chăn nuôi

Dự án “Các giải pháp mới về an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm” (Dự án) do Viện Chăn nuôi phối hợp với đại học Ghent – Bỉ thực hiện, đi đến kết thúc vào ngày 25/3/2019. Trong khuôn khổ Dự án này, ngày 22/3 vừa qua, đã diễn ra Hội nghị “Thúc đẩy hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các giải pháp mới về an toàn sinh học trong chăn nuôi”.

 

Toàn cảnh Hội nghị “Thúc đẩy hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các giải pháp mới về an toàn sinh học trong chăn nuôi”.

                                                                    

Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Dự án “Các giải pháp mới về an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm” cho biết, Dự án này do Quỹ Nghiên cứu và tư vấn Việt Bỉ (SCF) tài trợ, triển khai từ tháng 11/2018 – 3/2019.

 

Theo bà Cúc, ước tính hàng năm, ngành chăn nuôi nước ta sử dụng khoảng 980 tấn kháng sinh cho chăn nuôi lợn và 42 tấn kháng sinh cho chăn nuôi gia cầm. Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục về các loại kháng sinh được sử dụng, bị hạn chế hay cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc mua bán thuốc kháng sinh ở nước ta quá tự do, chưa kiểm soát được người chăn nuôi, nên kháng sinh đang được sử dụng tràn lan. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, thì có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ. Do đó, có tình trạng nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do. Hậu quả là, gây ra tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo ra thể vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn trong công tác điều trị nhiễm khuẩn. Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.

 

 Bởi vậy, muốn hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thì vấn đề tiên quyết là khâu phòng bệnh, giải pháp tốt nhất là áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thế nhưng, hiện cả nước ta, mới chỉ có khoảng 10% số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học ở mức tối thiểu, tỷ lệ số cơ sở chăn nuôi áp dụng chuẩn mọi quy trình chăn nuôi an toàn sinh học còn thấp hơn nhiều. “Dự án đã triển khai nhiều hoạt động: đào tạo đội ngũ giảng viên (TOT) và đào tạo cán bộ địa phương, nông dân những kiến thức chuyên sâu về các biện pháp an toàn sinh học và giảm sử dụng kháng sinh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn sinh học tại một số địa phương. Từ đó, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các khuyến cáo trong việc thực hiện các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và gia cầm, kiến nghị tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam”, TS Cúc nói.

 

Elise Bernaerdt, Chuyên gia Bỉ chia sẻ, có rất nhiều con đường lây lan mầm bệnh cho vật nuôi: thức ăn, thú cưng, chuột bọ, vật dụng, người, quần áo, động vật sống, xe vận chuyển vật nuôi… Dự án đã hỗ trợ, tư vấn cho nhiều trang trại chăn nuôi tại Việt Nam các biện pháp giảm thiểu nguy cơ xuất hiện và lây lan mầm bệnh, gồm an toàn sinh học bên ngoài và an toàn sinh học bên trong chuồng trại. Như: kiểm soát thức ăn, nước uống, thay kim tiêm, côn nhân nuôi từng nhóm vật nuôi phải dùng quần áo và ủng riêng, con giống mới đưa về phải được cách ly… Nhờ phòng bệnh tốt, hầu hết các trang trại rất ít xảy ra dịch bệnh, nên không cần dùng đến kháng sinh để điều trị bệnh cho vật nuôi.

 

Alexandra Christine, một chuyên gia khác tham gia Dự án nêu những kinh nghiệm để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi (ASF) –bệnh đang bùng phát tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ASF chỉ lây truyền trong họ lợn (gồm lợn nhà, lợn rừng, lợn lòi), không truyền sang loài khác và sang người. Vi rút này lây truyền qua: tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các chất tiết (máu, phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch); thức ăn, dịch tiết từ xác lợn bệnh chết, ve ruồi. Vi rút này có khả năng tồn tại rất lâu và vẫn chưa có vắc xin phòng chống. Cách phòng ASF thời điểm này, trước hết, cần tránh mua vật nuôi từ nơi khác, trang trại khác đưa về. Cần hạn chế khách đến tham quan, đảm bảo trang trại được rào cẩn thận, tránh tiếp xúc với lợn rừng, không cho phép thú cưng vào chuồng nuôi. Không bao giờ cho lợn ăn các loại thức ăn thừa. Phải thông báo bất kỳ triệu chứng lâm sàng khả nghi cho nhà chức trách.

 

Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm nêu lên nhiều bất cập trong quản lý kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta. Hiện vẫn chưa có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng kháng sinh cho các mục đích điều trị, phòng chống bệnh, kiểm soát lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong chăn nuôi tại Việt Nam. Chưa thiết lập được hệ thống giám sát kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chưa có kết nối giữa hệ thống giám sát thuốc kháng sinh trong y tế và nông nghiệp. Việt Nam thiếu các cơ sở xét nghiệm có đủ năng lực để phát hiện các vi sinh vật đề kháng mới nổi.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

 

Ông Sơn cho rằng, mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn quốc gia về điều kiện trại lợn và gia cầm chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho trong nông hộ. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có bộ công cụ để kiểm tra đánh giá cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tham khảo các quy định quốc tế, trong đó có bộ công cụ Biocheck của Bỉ để sớm ban hành văn bản mới về công cụ đánh giá mức độ an toàn sinh học ở các cơ sở chăn nuôi.

 

 Theo ông Sơn, một trong những chính sách quan trọng liên quan đến chăn nuôi an toàn sinh học là “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020” được quy định tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng ký. Trong đó đề ra nhiều hỗ trợ cho các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, như: hỗ trợ kinh phí mua tinh để phối giống cho lợn nái; hỗ trợ tiền mua lợn, trầu, bò đực giống; hỗ trợ mua gà vịt giống bố mẹ hậu bị; xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí đầu tư đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi…

 

Ông Sơn kiến nghị: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát sang chăn nuôi gia trại và trang trại. Cần tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg đến năm 2030.  Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư một số dự án bằng nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA để xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trước mắt, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch đầu tư ủng hộ Viện Chăn nuôi phối hợp với các đối tác Bỉ xây dựng Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu tại tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Bình Định và TP Hà Nội” bằng nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Bỉ.

 

Chu Khôi
Nguồn: Nhachannuoi.vn

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập