Đó là khẳng định của ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, khóa XVII diễn ra vào sáng nay 17/7 khi các đại biểu hỏi về Dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (Nguồn HTTV)
Dự án hoạt động thiếu hiệu quả
Theo Báo cáo trả lời chất vấn các câu hỏi của Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bò Bình Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với diện tích đất khảo sát khoảng 6.119,28ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con bò/năm, vốn đầu tư trên 4.233 tỷ đồng. Sau đó, vào năm 2016 được điều chỉnh với tổng diện tích đất thực hiện dự án 2.163,5 ha (gồm: Kỳ Anh 584,9 ha và Cẩm Xuyên 1.587,6 ha), tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư 4.582 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà đầu tư, người lao động và người dân trên địa bàn.
Dự án này cũng đem lại kỳ vọng tái cơ cấu và thúc đẩy ngành nông nghiệp của Hà Tĩnh phát triển.
Dự án từng được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp Hà Tĩnh
Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai, đến nay dự án chưa đạt mục tiêu đầu tư đề ra. Dự án mới chỉ đạt quy mô bình quân 15.000 con/năm, bằng 50% quy mô đầu tư giai đoạn 1 (30.000 con/năm) và bằng 6% so với quy mô Dự án (254.200 con/năm). Công ty chưa thực hiện được việc nhập ngoại bò giống để nuôi sinh sản, chưa thực hiện được việc liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân.
Hiện đàn bò còn lại rất ít (1.140 con) nên hệ thống chuồng trại đã xây dựng tại xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) và một phần tại Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) để trống, không sản xuất chăn nuôi. Hơn nữa, do năng suất cỏ trồng tại vùng dự án đạt thấp (chỉ 40% so với lý lịch giống), chưa đạt hiệu quả nên công ty Bình Hà đã phá bỏ toàn bộ diện tích cỏ đã trồng (767,52 ha) chuyển sang trồng chuối (212,04 ha). Điều này là chưa đúng với mục tiêu của dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.
Chính vì vậy, dự án này đã làm nóng phần chất vấn của ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp này vào sáng nay (17/7). Hầu hết các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và tương lai của dự án này. Đặc biệt, các đại biểu yêu cầu làm rõ việc công ty chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối. Ngoài ra, công ty Bình Hà đã có sử dụng bìa đất dự án để thế chấp vay vốn hay không?
Không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công ty Bình Hà đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất. Hiện công ty đang xin điều chỉnh lại dự án. Các cơ quan chức năng sẽ soát xét lại diện tích đất đai, năng lực nhà đầu tư, nếu không đảm bảo thì sẽ điều chỉnh quy mô dự án.
Trước câu hỏi liệu công ty Bình Hà đã dụng nguồn vốn dự án đem thế chấp không? Ông Việt cho biết vấn đề này ông chưa nắm rõ nên chưa dám trả lời.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng công ty Bình Hà thuê đất và trả tiền hằng năm thì không thể dùng bìa đất này đem đi thế chấp được vì nó không có giá trị thế chấp. Ông yêu cầu lãnh đạo Sở nông nghiệp làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hà, đoàn đại biểu Thị xã Kỳ Anh cho rằng, dự án bò Bình Hà khi bắt đầu đầu tư vào đã nhận được sự quan tâm của các sở, ban ngành Hà Tĩnh. Nhưng trong quá trình thực hiện có vấn đề. Hiện tại người dân muốn biết thời gian tiếp theo dự án này sẽ như thế nào?
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động dự án này đã "chết yểu"
Trước các câu hỏi của đại biểu về dự án này, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời chất vấn. Ông Sơn cho biết, việc sản xuất nông nghiệp vốn luôn rủi ro và gặp nhiều khó khăn. Dự án bò Bình Hà thời điểm đầu tư rất lớn, nên rủi ro cũng cao, vì vậy mong cử tri hiểu và chia sẻ.
Theo ông Sơn, thời điểm công ty Bình Hà vào đầu tư, Hà Tĩnh đang làm quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp nên rất đón nhận dự án. Quá trình thực hiện, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm các thông số trình bày với các sở, ban ngành. Ngoài ra, thời điểm đó tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang làm ăn tốt, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cử người vào tìm hiểu. Ông Sơn khẳng định quá trình cấp phép cho công ty Bình Hà đầu tư là đúng trình tự quy trình. Chỉ có vấn đề chậm là Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM được chấp nhận bổ sung sau, và các sở, ban, ngành cũng đã yêu cầu công ty làm đầy đủ vấn đề này.
Về việc chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối, ông Sơn cho biết là do công ty Bình Hà gặp quá nhiều khó khăn. Nếu các cơ quan chức năng xử lý cứng, đúng pháp luật thì công ty này sẽ đổ hoàn toàn.
“Trồng chuối có hợp lý không,đem vào có đúng hay không, giống chuối đó đã được nhập nội hay không? Theo thông tin đến nay là giống này do một công ty trong nước cung cấp. Anh em kiểm tra thì chưa có bệnh ngoại lai nào với cây chuối. Chúng tôi đã chấp nhận việc theo dõi số diện tích trồng chuối này để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu công ty”, ông Sơn cho biết.
Về hướng xử lý trong thời gian tới đối với dự án này, các sở, ban ngành Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ tích cực doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Đó là điều kiện khẳng định môi trường đầu tư Hà Tĩnh là tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ công ty quản lý ổn định diện tích đất còn lại. Về việc trồng chuối sẽ theo dõi sát sao, hỗ trợ công ty đánh giá khách quan hiệu quả. Nếu công ty không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án”, ông Sơn nói.
Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh chất vất thêm về thời hạn để đánh giá về dự án này thì ông Sơn chưa trả lời được.
Mai Nguyễn - Hà Vy
Nguồn: infonet.vn