Ngô Hồng Phượng1*, Trương Văn Phước2 , Nguyễn Quỳnh Thương3 , Trương Đình Nam1 và Trần Tuấn Huệ1
1 Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh 2 Trường Đại Học Tiền giang 3 Công ty cổ phần Việt Nam Food *Tác giả liên hệ: TS. Ngô Hồng Phượng, Đại học Nông Lâm TP HCM. Điện thoại: 0946721010; Email: phuong.ngohong@ hcmuaf.edu.vn
Ngày nhận bài báo: 01/07/2021 - Ngày nhận bài phản biện: 20/07/2021
Ngày bài báo được chấp nhận đăng: 23/07/2021
TÓM TẮT
Nguồn nguyên liệu cung cấp protein trong thức ăn chăn nuôi ngày càng trở nên khan hiếm và giá thành cao, việc tìm các nguồn nguyên liệu mới tại địa phương có giá trị dinh dưỡng cao để thay thế đang là giải pháp thiết thực. Protein tôm thuỷ phân có chứa nhiều peptide có khối lượng phân tử nhỏ, chủ yếu là di-tri peptides được xem là giải pháp hoàn hảo để thay thế bột cá trong thức ăn cho gà đẻ. Thí nghiệm (TN) được tiến hành trên 240 gà đẻ thương phẩm được chia làm 2 lô: lô đối chứng (ĐC) sử dụng bột cá như nguồn cung protein trong khẩu phần, lô TN thay bột cá bằng protein tôm thủy phân. Sau 9 tuần TN, kết quả cho thấy gà ăn khẩu phần có protein tôm thuỷ phân có tỷ lệ đẻ và màu sắc lòng đỏ cao hơn lô ĐC (P<0,05) , các chỉ tiêu về sức khoẻ đàn gà và chất lượng trứng cũng có khuynh hướng cải thiện hơn so với gà ăn khẩu phần có chứa bột cá. Qua đó có thể kết luận rằng, protein tôm thuỷ phân có thể thay thế hoàn toàn bột cá trong khẩu phần, đem lại kết quả tốt cho năng suất, sức khoẻ và chất lượng trứng của gà đẻ thương phẩm.
Từ khóa: Protein tôm thủy phân, bột cá, gà đẻ, tỷ lệ đẻ.
ABSTRACT
The effect of using shrimp protein hydrolysate to replace fishmeal in layer diets Protein supply, especially from animal-based, for feed industry is depleting and becoming more costly. An alternative locally produced protein supply with high nutrition value is the optimal solution to meet current needs. Shrimp protein hydrolysate rich in low molecular- weight peptides (di- and tri-peptides) can be considered a potential alternative to fishmeal in layer feed. The experiment was conducted in 9 weeks of experiment, on 240 commercial layers, from 30 to 40 weeks of age, divided into 2 groups, control group was fed with fishmeal-based diets while treatment group with shrimp protein hydrolysate replacing fishmeal diets the results showed that layers from the treatment group with Shrimp protein hydrolysate-based diets produced higher egg production rate and yolk pigmentation than those from the control group (P<0,05) Layer’s performance and egg quality from the treatment group also had tendency to improve compared to control group. In conclusion, shrimp protein hydrolysates is a promising candidate replace fishmeal in layer diets while improving the productivity, health and egg quality of commercial laying hens. Keywords: Shrimp protein, fish meal, layer, egg production rate.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành chăn nuôi gia cầm những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tổng đàn gia cầm từ 295 triệu con (năm 2017) tăng lên trên 481 triệu con (cuối năm 2019). Chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp.
Nguồn nguyên liệu cung đạm cho gia cầm chủ yếu phải nhập khẩu, giá thành cao, chi phí vận chuyển thay đổi theo làm cho giá thành tăng lên đáng kể. Trong đó, bột cá là nguồn nguyên liệu cung đạm có nguồn gốc từ động vật có sản lượng giới hạn và giá thành tăng ngày càng cao, vì thế việc tìm kiếm giải pháp nguồn cung protein thay thế là điều cần thiết. Protein tôm thủy phân được sản xuất bằng công nghệ chiết tách protein từ đầu và vỏ tôm kết hợp thủy phân bằng enzyme là nguồn nguyên liệu tiềm năng để thay thế các nguyên liệu cung cấp protein truyền thống (Gernat, 2001; Mahata và ctv, 2008). Protein tôm thuỷ phân chứa đầy đủ các thành phần acid amin cần thiết (Kurtini và ctv, 2008). Các thí nghiệm (TN) sử dụng phụ phẩm tôm để thay thế bột cá làm thức ăn cho gà đã thực hiện nhiều nơi trên thế giới (Oduguwa và ctv, 2004; Okoye và ctv, 2005; Khempaka và ctv, 2006; Ingweye và ctv, 2008; Mahata và ctv, 2008; Septinova và ctv, 2009; Djunaidi và ctv, 2009).
Các kết quả nghiên cứu cho thấy có hiệu quả tốt cho gà, giúp gà cải thiện hình thái nhung mao ruột, tỷ lệ chuyển hoá thức ăn, tăng đề kháng và cải thiện chất lượng thịt (Opheim và ctv, 2016; Frikha và ctv, 2014). Vì thế, việc thực hiện TN đánh giá hiệu quả thay thế bột cá bằng protein tôm thủy phân trong thức ăn lên năng suất gà đẻ thương phẩm được thực hiện với mong muốn tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế chăn nuôi hiện nay.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu
Thí nghiệm được thực hiện trên giống gà chuyên trứng Isa Brown với tổng số 240 gà đẻ ở 30 tuần tuổi. Thời gian TN kéo dài 10 tuần, từ tuần tuổi thứ 30 đến tuần tuổi 40. Gà được chia thành 2 lô: 120 gà ở lô đối chứng (ĐC) và 120 gà ở lô TN. Mỗi đơn vị TN là 3 ô chuồng, mỗi ô chuồng chứa 4 gà, tổng cộng 12 gà/1 đơn vị TN, số lần lặp lại 10 lần. Địa điểm thực hiện tại trại gà tại Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang, từ tháng 01/2021 đến tháng 03/2021. Các nguyên liệu cung cấp năng lượng trong khẩu phần chủ yếu là bắp hạt, cám gạo và khô dầu đậu nành.
2.2 Phương pháp
Các đơn vị TN được bố trí xen kẽ để đảm bảo đồng đều giữa 2 lô. Thức ăn được cung cấp hàng ngày đúng theo quy trình cho ăn của trại: TA được trộn mỗi tuần để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và độ tươi mới. Sản phẩm protein tôm thủy phân sử dụng trong TN được cung cấp bởi công ty CP Việt Nam Food. Gà được uống nước tự do từ núm uống tự động. Các dữ liệu căn bản về thức ăn và sức khoẻ đàn gà được thu thập hàng ngày gồm: phân tích thành phần dinh dưỡng TA, lượng TA ăn vào, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ chết, loại thải, tình hình sức khoẻ gà.
Chất lượng trứng được kiểm tra hàng tuần. Các chỉ tiêu chất lượng trứng gồm: khối lượng trứng (KLT), khối lượng lòng đỏ (KLLĐ), khối lượng lòng trắng đặc (KLLT), tỷ lệ lòng đỏ (TLLĐ), tỷ lệ lòng trắng đặc (TLLT), khối lượng vỏ trứng (KLVT), tỷ lệ vỏ trứng (TLVT), độ dày vỏ trứng (ĐDVT), chỉ số Haugh (HU). Màu sắc lòng đỏ trứng được đo bằng máy đo màu lòng đỏ DigitalYolkFanTM. Thiết bị này là một dạng máy đo màu có cảm biến phát hiện màu và kết nối với điện thoại thông minh, được thiết kế dựa trên thang màu của quạt so màu từng được sử dụng trước đây để đo màu lòng đỏ trứng. Các số liệu được ghi nhận bằng phần mềm Microsoft Excel và được xử lý thống kê bằng phần mềm Minitab. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi giá trị P<0,05).
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khẩu phần thức ăn
Khẩu phần thức ăn được thiết kế dựa trên khẩu phần thức ăn cơ bản tại trại (được xem là thức ăn ĐC). Với tiêu chí thay thế tỷ lệ bột cá ngang bằng tỷ lệ protein tôm thuỷ phân nên khẩu phần thức ăn TN có thành phần nguyên liệu tương tự như thành phần nguyên liệu của khẩu phần thức ăn cơ bản, chỉ có khác biệt duy nhất là sử dụng 2% protein tôm thủy phân thay thế 2% bột cá trong khẩu phần ĐC. Vì tỷ lệ protein trong sản phẩm protein tôm khoảng 20%, thấp hơn so với bột cá (khoảng 60%), nên tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn TN có thấp hơn so với hàm lượng protein trong khẩu phần thức ăn cơ bản.
3.2 Tỷ lệ đẻ
Trứng được thu mỗi ngày để tính tỷ lệ đẻ (TLĐ) hàng ngày trong suốt thời gian TN. Thời điểm bắt đầu TN, TLĐ ở 2 lô gần tương đương nhau: ĐC là 92,5% và TN là 94,17%. Sau khi TN khoảng 2 tuần, toàn đàn gà có dấu hiệu của bệnh cúm (ủ rủ, sưng đầu, bỏ ăn, tỷ lệ đẻ giảm), đến ngày thứ 26 của TN, TLĐ của lô ĐC và TN đều giảm chỉ còn 60%. Tình hình bệnh kéo dài không lâu, sau 2 tuần bệnh và tiêm vaccin, TLĐ có dấu hiệu phục hồi. Đến thời điểm sau 4 tuần TN, TLĐ của gà ở lô TN có khuynh hướng phục hồi nhanh hơn và đạt đỉnh đẻ ngắn hơn so với lô ĐC. Đến tuần cuối TN, vào ngày thứ 63, TLĐ của 2 lô khác biệt đáng kể: lô TN đạt 92,31%, trong khi lô ĐC chỉ đạt 82,1% (P<0,05).
Theo nghiên cứu của Wu (1998), protein từ protein tôm thuỷ phân gồm các peptide có KL phân tử thấp, dễ dàng hấp thu vào thành ruột, không tiêu tốn năng lượng hấp thu đồng thời tăng cường miễn dịch đàn gà. Trong TN này, điều đó thể hiện rõ qua mức độ phục hồi sức khoẻ đàn gà nhanh chóng và TLĐ phục hồi trở lại như trước khi bắt đầu TN. Trong khi đó, lô ĐC sử dụng bột cá trong khẩu phần, hàm lượng protein thô trong bột cá chưa được thuỷ phân, KL phân tử lớn, gây khó khăn cho việc hấp thu, nhất là giai đoạn sức khoẻ gà giảm sút, tỷ lệ hấp thu kém, TLĐ phục hồi chậm hơn. Theo báo cáo của Xiao và ctv (2017), khẩu phần thức ăn có chứa các loại peptide thủy phân từ các phụ phẩm nguồn gốc động vật có thể làm kích hoạt miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Điều đó lý giải cho sự phục hồi sức khoẻ đàn gà sau khi bệnh và tiêm phòng vaccin, khả năng đáp ứng miễn dịch của gà tăng cao, giúp gà ở lô TN phục hồi sức khoẻ nhanh và tăng TLĐ nhanh hơn lô ĐC. Mirzah (1990) và Mirzah (1997) cũng cho biết protein tôm đã thuỷ phân có thể là nguồn cung protein có giá trị cho khẩu phần thức ăn của gà.
Khi thực hiện TN, do thay thế 2% bột cá trong khẩu phần TN bằng 2% protein tôm thuỷ phân đã làm cho thành phần dinh dưỡng của TA TN có thay đổi so với TA ĐC, cụ thể hàm lượng protein thô trong khẩu phần giảm từ 20,51% ở lô ĐC xuống còn 18,74% ở lô TN, tuy nhiên, TLĐ lô TN cao hơn so với lô ĐC. Điều này có thể do tỷ lệ tiêu hoá thức ăn tăng lên, khẩu phần TA TN có chứa các thành phần protein đã được thuỷ phân thành các peptide có cấu trúc ngắn nên dễ tiêu hoá và hấp thu hơn đồng thời lượng protein hấp thu triệt để hơn, phù hợp cho gà trong giai đoạn sức khoẻ giảm, tỷ lệ tiêu hoá hấp thu cao, giúp gà vượt qua giai đoạn bệnh dễ dàng hơn so với gà ăn khẩu phần thức ăn ĐC.
Nguồn dinh dưỡng tối ưu sẽ hỗ trợ chức năng tiêu hoá của ruột non giúp hấp thu tối đa dưỡng chất từ TA. Một số nghiên cứu cũng cho rằng protein tôm thuỷ phân có thể cải thiện sức khoẻ đường tiêu hoá, tăng chiều dài vi nhung mao, cải thiện diện tích bề mặt niêm mạc ruột để hấp thu dưỡng chất giúp tăng trưởng nhanh và tăng năng suất trên gà (Frikha và ctv, 2014; Opheim và ctv, 2016).
3.3. Hệ số chuyển hoá thức ăn
Hệ số chuyển hoá thức ăn (HSCHTA) được tính theo số kg TA tiêu tốn cho 1kg trứng gà thu được. Sau toàn thời gian TN, HSCHTA của gà ở lô TN có khuynh hướng giảm so với lô ĐC, cụ thể lô TN là 2,16kg TA/ kg trứng và lô ĐC là 2,23kg TA/kg trứng. Tuy nhiên, sự khác biệt không đáng kể giữa hai lô và không đạt mức có ý nghĩa về mặt thống kê với P>0,05. Trong những nghiên cứu trước đây của Wagner và Bregendahl (2007) cũng cho thấy rằng có những tác động tích cực khi sử dụng khẩu phần TA có chứa nguồn protein thuỷ phân từ thuỷ sản vì có chứa một lượng protein có KL phân tử nhỏ và các peptide chức năng, thúc đẩy quá trình hấp thu và chuyển hoá chất dinh dưỡng.
Nếu tính chung về năng suất chăn nuôi, TLĐ và HSCHTA thì lô TN thay thế 2% bột cá bằng 2% protein tôm thuỷ phân có năng suất chăn nuôi vượt trội hơn so với lô ĐC.
3.4. Năng suất trứng
Tổng số trứng thu được sau 70 ngày TN cũng khác biệt đáng kể giữa 2 lô, sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê với P<0,05. Cụ thể, số trứng thu được từ lô TN là 5.955 quả, còn lô TN là 5.580 quả trứng. Điều đó thể hiện sức khoẻ đàn gà tốt, TLĐ cao và ổn định sẽ làm tăng lượng trứng thu được, có tác dụng đáng kể đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi (Hình 3).
3.5. Chất lượng trứng
Khảo sát chất lượng trứng được thực hiện mỗi tuần, sau 8 tuần khảo sát trứng, các kết quả thu được thể hiện qua Hình 4 cho thấy màu lòng đỏ tăng đáng kể ở lô TN so với lô ĐC. Cụ thể, ở lô ĐC, màu lòng đỏ trứng đạt mức trung bình là 8,69, trong khi ở lô TN đạt mức 9,64. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P<0,05.
Nghiên cứu của Gernat (2001) cũng đã cho kết quả tương tự, khi sử dụng bột tôm cho gà đẻ trứng đã làm tăng đáng kể màu sắc lòng đỏ. Điều này có thể giải thích rằng do trong bản chất sản phẩm protein tôm thuỷ phân vẫn có chứa một hàm lượng đáng kể astaxanthin, một chất có giá trị cao về tính chống oxy hoá, có nhiều trong phụ phẩm đầu tôm. Tác dụng của astaxanthin là giúp tăng cường miễn dịch và tăng màu sắc lòng đỏ, qua TN này cho thấy astaxanthin có thể đóng vai trò đáng kể trong việc tăng màu sắc lòng đỏ trứng ở lô TN.
Các chỉ tiêu khác về chất lượng trứng như TLLĐ, TLLT đặc, chỉ số Haugh đều được khảo sát và ghi nhận kết quả trong toàn TN và được thể hiện trong hình 4 cho thấy các chỉ tiêu về chất lượng trứng đạt mức tối ưu trên lô TN so với lô ĐC, tuy nhiên không có sự khác biệt về mặt thống kê với P<0,05. Điều này thể hiện rõ tình trạng sức khoẻ đàn gà. Gà tiêu hoá, hấp thu dinh dưỡng tốt, khả năng miễn dịch tăng, gà đáp ứng tốt với quy trình vaccin, sức khoẻ cải thiện nên năng suất trứng và chất lượng trứng tăng. Các kết quả này cũng tương đồng với các nghiên cứu trước đây về sử dụng phụ phẩm đầu tôm làm TA cho gà trong giai đoạn đẻ trứng (Gernat, 2001).
3.6. Hiệu quả kinh tế
Nếu tính giá bột cá (protein 60%) tại thời điểm TN là 25.000 vnđ/kg và giá protein tôm thủy phân là 20.000 vnđ/kg thì chi phí TA lô TN có giá thành là 7.915 vnđ/kg, giảm 100 đồng so với thức ăn ĐC (8.015 vnđ/kg). Ngoài ra, tính trên chi phí TA để sản xuất ra 1kg trứng thành phẩm, lô TN là 17,097 vnđ, giảm được 777 vnđ/kg so với lô ĐC là 17,874 vnđ (Hình 5). Vì thế, nếu xét trên chi phí để sản xuất ra 1kg trứng thì sử dụng đạm tôm thuỷ phân đem lại hiệu quả kinh tế hơn cho người chăn nuôi gà đẻ.
Ngoài ra, lợi thế về sản phẩm nội địa được sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, không mất thời gian tồn trữ và vận chuyển đường dài, đã cung cấp cho vật nuôi nguồn nguyên liệu cung đạm luôn tươi mới, có lợi cho sức khoẻ vật nuôi. Hơn nữa, việc tận dụng phụ phẩm địa phương, cụ thể là đầu và vỏ tôm từ nhà máy chế biến thuỷ sản để sản xuất ra thành nguyên liệu cho TA chăn nuôi là một ý tưởng mới, vừa tạo ra giá trị hữu ích, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
KẾT LUẬN
TN thay thế 2% bột cá trong khẩu phần TA gà đẻ bằng 2% protein tôm thuỷ phân đã mang lại kết quả khả quan: chỉ tiêu TLĐ và màu lòng đỏ tăng cao, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô ĐC và các chỉ tiêu về NST, HSCHTA, chất lượng trứng đều có khuynh hướng cải thiện. Có thể sử dụng protein tôm thuỷ phân để thay thế hoàn toàn bột cá trong công thức TA cho gà đẻ, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, cải thiện sức khoẻ đàn gà. Ngoài ra, chi phí TA cũng giảm đáng kể, đem lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Djunaedi I.H., Yuwanta T., Supadmo and Nurcahyo (2009). Growth performance and digestive organ weight of broiler fed different levels of shrimp waste meal fermented with Bacillus sp. Media Peternakan, 32(3): 155-28.
- Frikha M., Mohiti-Asli M., Chetrit C. and Mateos G.G. (2014). Hydrolyzed porcine mucosa in broiler diets: Effects on growth performance, nutrient retention, and histomorphology of the small intestine. Poult. Sci., 93(2): 400-11.
- Gernat A.G. (2001). The effect of using different level of shrimp meal in laying hen diet. Res. Notes Poult. Sci., 80: 633-36.
- Ingweye J.N., Okon B.I., Ubua J.A. and Essien A.I. (2008). Performance of broiler chicken fed fish and shrimp waste. Asian J. Anim. Sci., 2(2): 58-63.
- Khempaka S., Koh K. and Karasawa Y. (2006). Effect of shrimp meal on growth performance and digestibility in growing broilers. J. Poult. Sci., 43: 250-54.
- Mahata M.E., Dharma A., Ryanto I. and Rizal Y. (2008). Effect of substituting shrimp waste hydrolysate of Peneus merguensisfor fish meal in Broiler. Pakistan J. Nut., 7(6): 806-10. 7. Mirzah (1990). Influence of shrimp waste meal processing and non-processing level in ration for broiler performance. Thesis, Pajajaran University, Bandung, Indonesia.
- Mirzah (1997). The Influence of shrimp waste meal processing with steam pressure at quality and its utilization in broiler ration. Dissertation, Padjadjaran, University, Bandung, Indonesia.
- Oduguwa O.O., Fanimo A.O., Olayemi V.O. and Noteri (2004). The feeding value of sun dried shrimp waste meal based diets starter and finisher broilers. Arch. Zootec., 53: 87-90.
- Okoye F.C., Ojewola G.S. and Njoku-Onu K. (2005). Evaluation of shrimp waste meal as a probable animal protein source for broiler chicken. Int. J. Poult. Sci., 4(7): 458-61.
- Opheim M.H., Sterten M., Overland and N.P. Kjos (2016). Atlantic salmon (Salmo salar) protein hydrolysate – Effect on growth performance and intestinal morphometry in broiler chickens. Liv. Sci., 187: 138-45.
- Septinova D., Kurtini T., Purwaningsih N. and Riyanti (2009). Usage of treated shrimp waste in ration and its effects on broiler live weight, carcass, giblet and abdominal fat. J. Indonesian Tro. Anim. Agr., 34(2): 122-26.
- Septinova D., Kurtini T. and Tantalo S. (2010). Evaluation the usage of treated shrimp waste as protein source in broiler diet. J. Anim. Pro., 12: 1-5. 14. Wagner C. and Bregendahl K. (2007). Effect of Dietary Salmon Protein Concentrate on Growth Performance of Broiler Chickens. Iowa State Uni. Anim. Ind. Report, 4(1): 46-51. 15. Wu G. (1998). Intestinal mucosal amino acid catabolism. J. Nut., 128: 1249-52. 16. Xiao J., Zhang L., Wang Z., Xiang W., Lu P., Zhao Y., Han M., Ma A., Qi P., Wang M., Gao G.F. and Liu W.J. (2017). Conserved peptides enhance immune efficiency of inactive vaccines against emerging avian influenza viruses in chicken. Sci. China Life Sci., 60. doi: 10.1007/ s11427-017-9153-2.
Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 9.2021