Phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại ở xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy)
Người chăn nuôi vẫn khó khăn
Vào thời điểm này, các trang trại, gia trại, người chăn nuôi nhỏ, lẻ đang khẩn trương vào lứa lợn mới để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường cuối năm và Tết nguyên đán Mậu Tuất. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vừa sản xuất vừa lo lắng. Ông Vũ Văn Ngọc ở thôn Thái Lai, xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy) hiện đang nuôi 300 con lợn thịt và lợn nái chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Ông cho biết, thời điểm này giá lợn tăng nhúc nhích lên 30 nghìn đồng/kg, nhưng trừ chi phí, mỗi con lợn thịt vẫn lỗ 400 – 500 nghìn đồng. Các hộ chăn nuôi lợn nái càng khó hơn bởi giá bán lợn con giảm mạnh từ hơn 1 triệu đồng/con xuống còn hơn 500 nghìn đồng. Ước tính trung bình mỗi hộ nuôi lợn nái hiện phải bù lỗ chi phí 2 - 3 triệu đồng/lứa. Ông Nguyễn Văn Dụng ở xã Lê Lợi (huyện An Dương) thông tin, chi phí thức ăn cho mỗi con lợn từ khi mới nhập chuồng cho đến khi xuất bán khoảng 4 – 4,5 triệu đồng, với giá bán như hiện tại, người chăn nuôi vẫn tiếp tục phải bù lỗ. Bên cạnh đó, sản phẩm khó lưu thông, chủ yếu bán cho thương lái địa phương, thậm chí một số hộ tự giết mổ lợn nuôi tại trang trại, gia trại bán lẻ ở địa phương để thu hồi vốn.
Trưởng Phòng Chăn nuôi Chi cục Thú y – Chăn nuôi Hải Phòng Phạm Văn Hoãn đánh giá, giá lợn hơi dự báo đến cuối năm tăng lên nhưng nếu không có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất, sẽ khó đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Bởi thực tế từ nay đến cuối năm là thời gian có nhiều đợt rét đậm, rét hại dễ gây rủi ro, đồng thời chi phí tăng cao do phải sử dụng các thiết bị sưởi ấm, khiến người chăn nuôi dè dặt không tái đàn sớm mà thường đề trống chuồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi còn tâm lý e ngại sau thời điểm giá lợn xuống thấp tới đáy hồi đầu năm, đầu ra vẫn bấp bênh vì phải cạnh tranh nguồn thịt lợn từ các tỉnh bạn như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam. Trong khi số doanh nghiệp thu mua sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hải Phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm chi phí đầu vào
Trước khó khăn của người chăn nuôi trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN- PTNT) chủ trì tổ chức hội nghị liên ngành bàn giải pháp tháo gỡ, ổn định tình hình chăn nuôi lợn, đề xuất thành phố hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, Sở phối hợp các tổ chức, đoàn thể tiếp tục tổ chức các điểm bán thịt lợn an toàn, bình ổn giá trên địa bàn các quận, huyện nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn; phối hợp các huyện thực hiện đề án “Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng nâng cao sức cạnh tranh tăng giá trị và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo Giám đốc Sở NN – PTNT Phạm Văn Lập, giải pháp trên là cấp bách, kịp thời huy động sức mạnh của toàn dân góp phần giúp các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn, giữ ổn định chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Về lâu dài, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm phát triển chăn nuôi bền vững cần thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm chi phí đầu vào.
Về phía người chăn nuôi, vào thời điểm này không nên quá lo lắng, nản lòng bỏ nghề, phát triển chăn nuôi cầm cự hoặc chậm tái đàn, mà cần ổn định sản xuất, có kế hoạch chăn nuôi trước mắt phục vụ thị trường cuối năm và lâu dài. Để thuận lợi phát triển sản xuất và lưu thông sản phẩm các hộ chăn nuôi cần liên kết thành các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi để giúp đỡ nhau giảm chi phí chăn nuôi, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Tuyển lựa tốt đầu vào (con giống) và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học, hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi…
Từ nay đến cuối năm 2017, các địa phương, đơn vị chức năng hỗ trợ người chăn nuôi bằng các giải pháp thiết thực. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi kỹ thuật tự phối trộn thức ăn, tự cung nguồn giống để tiết kiệm chi phí đầu vào. Chi cục Thú y – Chăn nuôi phổ biến cách thức phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi mới nhằm nâng cao hiệu quả, giảm bớt rủi ro. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi mở rộng quy mô hoạt động, hướng đến xuất khẩu để tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố; tiếp tục có chính sách hỗ trợ chăn nuôi thông qua các nghị quyết của HĐND thành phố …
Hương An
Nguồn: Báo Hải Phòng