Thẳng thắn, cởi mở, nhiệt tình và rất tâm huyết với ngành chăn nuôi, thúy là những nét tính cách rất riêng của KS Phạm Huy Thụy – Ủy viên BTV Hội Chăn nuôi Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, mà ai một lần gặp ông cũng ấn tượng sâu sắc.
Chân dung KS Phạm Huy Thụy
Ồng Phạm Huy Thụy từng là Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Vĩnh Phúc trong 4 nhiệm kỳ và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh. Hiện nay Hội đã có trên 900 hội viên và hầu hết cán bộ thú y xã đều tham gia Hội Chăn nuôi Thú y.
Trong các nhiệm kỳ qua, dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Huy Thụy, Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Phát hiện và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng và UBND tỉnh. Hỗ trợ tài liệu kỹ thuật cho nhân dân các xã bị dịch bệnh, đề xuất một số giải pháp để kịp thời bao vây khống chế xử lý môi trường ở một số xã.
Ông đã viết trên 100 bài báo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh, một số tạp chí của trung ương và địa phương trực tiếp tham gia góp ý vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc dự thảo.
Cùng với lãnh đạo Hội ông đã tranh thủ sự giúp đỡ của UBND tỉnh, một số hội chuyên ngành ở trung ương để tổ chức các lớp tập huấn chuyên ngành. Tổng số lớp đã triển khai là 29 cho trên 1400 người tham gia tại địa bàn 25 xã, phường trong tỉnh.
Ông đã đề xuất và chỉ đạo tham gia phối hợp tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học về ứng dụng chế phẩm sinh học chăn nuôi thú y, xử lí môi trường chăn nuôi, phòng trừ các dịch bệnh gia súc, gia cầm, củng cố hệ thống tổ chức chăn nuôi thú y các cấp. Phối hợp với một số cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương triển khai 2 dự án chuyên ngành.
Cùng với đó, khi còn là Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh, ông đã trực tiếp chỉ đạo thành lập 5 câu lạc bộ chăn nuôi gia cầm. Cùng với đó, ông đã đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai chương trình cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và một số công ty thức ăn gia súc, gia cầm mở hội nghị tuyên truyền với hơn 700 chủ trang trại và hội viên tham gia, đồng thời triển khai tập huấn ở 20 xã. Qua đó có gần 5.300 chủ trang trại và hộ chăn nuôi đăng ký không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trong các nhiệm kỳ qua, dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Huy Thụy, Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch.
Qua chỉ đạo triển khai nghiên cứu khoa học trong ngành chăn nuôi thú y, kỹ sư Phạm Huy Thụy đã có một số sáng kiến đóng góp vào thực tế như: Sáng kiến cải tiến quy trình pha chế, bảo quản chế phẩm sinh học (EM) phù họp với điều kiện thực tế ở cơ sở; sáng kiến chế phẩm vi sinh và nguyên liệu làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm; sáng kiến cải tiến phương thức tổ chức nhằm đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên cơ sở tạo lập mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên…
Dựa trên kinh nghiệm hoạt động của Hội Chăn nuôi thú y, ông Thụy đã tham mưu đề xuất với Lãnh đạo tỉnh thành lập Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Vĩnh Phúc
Khi là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc ông đã chỉ đạo cho sự ra đời của Hội Lâm nghiệp, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Thủy lợi, Hội Sinh vật cảnh, Hội Sử học, Hội làm vườn, Trung tâm tư vấn đào tạo và chuyển giao kỹ thuật Vĩnh Phúc, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật sinh học. Trụ sở làm việc của 2 Hội và 2 Trung tâm ông đều dùng tiền của bản thân trang bị đầy đủ cơ sở vật chất bàn ghế, thiết bị… đồng thời các chi phí về điện nước hành chính đều hỗ trợ hoàn toàn trong thời gian hoạt động. Bản thân ông Phạm Huy Thụy đã chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học, 3 dự án và hơn 20 cuộc hội thảo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả tốt.
Ông Phạm Huy Thụy tham gia Đại hội Thi đua yêu nước Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam lần thứ IV
Ngoài ra, ông Phạm Huy Thụy cũng đã để xuất và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học như: Biến đổi khí hậu – giải pháp và thích ứng; Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn gen; ứng dụng chế phẩm sinh học góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững; ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường; Công tác bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Những vấn đề pháp lý và thực tiễn trong chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và củng cố hệ thống chăn nuôi thú y các cấp… Sau các cuộc hội thảo, ông đã cùng các cộng sự soạn thảo ý kiến đề xuất gửi các tổ chức, cơ quan liên quan ở Trung ương và tỉnh.
Với kinh nghiệm và những sáng kiến của mình, ông đã viết nhiều bài báo đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương, của tỉnh để tuyên truyền về thành tựu khoa học kỹ thuật. Đồng thời, ông cũng đã vận dụng những thành tựu đó để triển khai nhiều chuơng trình, dự án trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, được nhiều địa phương khác đến thăm quan, học tập. Ông cũng đã xuất bản 4 cuốn sách và tác phẩm văn học: Vì một nền nông nghiệp sinh thái bền vững; Khoa học công nghệ, môi trường và con người Vĩnh Phúc; Bài ca sinh học; Tuyển chọn những bài báo, thơ văn…được các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nhà thơ, hội viên ở Trung ương và địa phương có nhận xét tốt. Các cuốn sách trên ông đều biếu, hỗ trợ cho các hội viên và tổ chức Hội, không thu tiền.
Trên các cương vị công tác, ông luôn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động và gắn kết các tổ chức Hội để triển khai nhiệm vụ, phong trào trên địa bàn tỉnh. Các Hội, Trung tâm mà ông tham gia chỉ đạo đều được nhận Bằng khen của các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và UBND tỉnh.
Với 5 khóa liên tục là Ủy viên BCH, Ủy viên BVT Hội Chăn nuôi Việt Nam kết hợp với những nỗ lực, tận tụy và sự cống hiến không biết mệt mỏi cho sự phát triển của Hội, KS Phạm Huy Thụy đã được nhận 28 Bằng khen của Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam, Liên hiệp hội Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Một phần tư thế kỷ hoạt động vì Hội trưởng thành do Hội ngày 23/6/2020 đã được Chủ tịch nước ký quyết định về việc tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Ba.
Tâm An