Ông Trần Văn Nam (thứ hai từ phải sang), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, thăm mô hình nuôi gà thịt công nghệ cao tại Tập đoàn Hùng Nhơn, sáng ngày 11-12 - Ảnh: Bùi Liêm
Đây là nội dung của buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khu vực Đông Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức tại Bình Phước vào chiều 11-12.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp tại khu vực Miền Đông Nam Bộ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, thậm chí số hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, tại các trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn đều đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất để hạn chế nhân công và nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu qua các thị trường khó tính.
Mô hình chuỗi liên kết gồm: công ty Bel Gà của Bỉ cung cấp con giống, DeHeus của Hà Lan, cung cấp thức chăn nuôi; Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn và Koyu & Unitek đảm nhận vai trò chế biến, giết mổ.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết công ty này đã và đang nghiên cứu để ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất chăn nuôi.
Đó chính là qui trình khép kín từ giống đầu vào, thức ăn, nước uống được điều phối tự động với hàm lượng chính xác cao, giảm hụt hao giống, giảm khí thải nhà kính, tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến.
Tất cả qui trình đều áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Lô thịt gà đầu tiên từ trang trại này đã được xuất thành công đến thị trường khó tính là Nhật Bản hồi tháng 9-2017.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho rằng tình trạng sản xuất chăn nuôi ở địa phương còn nhiều hạn chế về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu sử dụng ở dạng tươi sống, tỉ lệ chế biến còn thấp và hầu như chưa xuất khẩu được.
Để ngành chăn nuôi phát triển, ông Lợi đề xuất cần tổ chức lại ngành hàng theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ, trong đó qui mô sản xuất lớn của doanh nghiệp, hợp tác xã phải tập trung cao để xuất khẩu.
Kế đến qui mô vừa và nhỏ sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước và phát triển chăn nuôi với các loại vật nuôi đặc sản gắn với chăn nuôi hữu cơ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao tại Tập đoàn Hùng Nhơn - Ảnh: Bùi Liêm
Bà Nguyễn Thi Kim Dung, Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia, Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn ra con số, hàng năm ngành chăn nuôi ở Việt Nam thải ra khoảng 87 triệu tấn phân bón gia súc, gia cầm, 58 triệu tấn nước tiểu gia súc, trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả, còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng quên và phần lớn thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường phân bón cả nước tính đến cuối tháng 9-2017 có 14.174 sản phẩm phân bón vô cơ, hữu cơ và phân bón khác, trong đó phân bón vô cơ có 13.423 sản phẩm, tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2017.
Tính đến tháng 6-2017 có 457 sản phẩm phân bón hữu cơ công nghiệp đã được công bố hợp qui.
Ước tính tổng lượng cung phân bón mỗi năm tại Việt Nam đạt khoảng 33 triệu tấn, gấp 3 lần nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 90% là phân bón hóa học, 10% phân bón hữu cơ.
Khi sử dụng phân bón hóa học, từ 30-50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng để tạo sinh khối, còn lại sẽ bị bốc hơi và rửa trôi xuống nguồn nước gây ô nhiễm môi trường.
Bùi Liêm
Nguồn: Báo Tuổi trẻ