[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] - Giá thức ăn chăn nuôi tăng ở mức quá cao (30 - 40 % so với cùng kỳ) là những khó khăn lớn với người chăn nuôi nói riêng. Mặt khác, thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí sản xuất, do vậy, việc tìm ra những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho vật nuôi là điều hết sức cần thiết.
Một số giải pháp trọng tâm cần được thực hiện trong thời gian để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi cần làm đó là:
Giảm chi phí chung đầu vào trong chăn nuôi
Về chi phí đầu vào trong chăn nuôi bao gồm từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, khấu hao tài sản sản, dụng cụ chuồng nuôi, nhân công lao động. Trong bối cảnh giá thức ăn đang tăng cao thì người chăn nuôi phải tính thực hiện đồng bộ tất cả các khâu nêu trên.
Giống phải chọn ở những nơi uy tín, thực hiện tốt việc quản lý giống nếu không giống kém chất lượng sẽ tăng chi phí đầu vào, hiệu quả thấp; thời điểm hiện tại có thể tính phương án loại thải những giống kém chất lượng, tăng trưởng sinh trưởng thấp.
Về thức ăn chăn nuôi cần tiết kiệm chi phí, có thể sử dụng thức ăn tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ, chăn nuôi trâu bò cần tận dụng lợi thế các vùng đồi gò, các giống cây có thời gian ngắn ngày (ngô, cỏ các loại, cây họ đậu …) để vừa tận dụng thời gian, vừa tận dụng lao động nông nhàn vùng nông thôn, góp phần làm tăng thu nhập.
Bên cạnh đó tập trung phòng chống dich cho tốt để không bị thiệt hại do dịch bệnh, nhất làm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như Dịch tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc ...); sử dụng nhân công nông nhàn ở các vùng nông thôn để trồng các loại cây (ngô, lúa, cỏ các loại, cây họ đậu ...) đồng thời tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng cho gia súc gia cầm, vệ sinh khử trung tiêu độc, giảm thuê nhân công đến mức tối đa.
Với các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi của các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt hơn việc ký kết hợp đồng, hợp tác với các đơn vị trong nước, ngoài nước cung cấp thức ăn chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thiết yếu hàng ngày.
Riêng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì lưu ý cần ký hợp đồng với các đại lý, các doanh nghiệp, mặc dù còn khó khăn nhưng mua bán (nhất là thức ăn chăn nuôi) cố gắng thanh toán tiền ngay không nợ để có sự hợp tác chặt chẽ với người bán nhằm hạ giá thành, nên hợp tác cùng nhiều hộ mua với số lượng lớn hơn để giảm giá thành. Phối hợp tốt hơn với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường hướng dẫn ký thuật tạo mối quan hệ xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Trong chăn nuôi trâu bò
Thời điểm hiện nay chăn nuôi trâu bò đang có nhiều lợi thế về tận dụng thức ăn chăn nuôi, các phế phụ phẩm sẵn có trong nông nghiệp; người nông dân nhất là vùng nông thôn, sử dùng nguồn lực này để phục vụ trồng các loại cây ngắn ngày; trồng cỏ các loại (VA06, cỏ voi, Mulato …), ngô ngắn ngày, cây họ đậu, những loại cây này rất nhanh cho thu hoạch để giành cho nuôi trâu, bò thịt, bò sữa nhằm đáp ứng nguồn thức ăn, đồng thời giảm cho ăn thức ăn tinh hiện giá trên thị trường đang tăng cao.
Trồng cỏ trong chăn nuôi bò tại Ba Vì
Thực hiện ngay việc ủ thức ăn cho trâu, bò bằng hai phương pháp đơn giản là ủ thức ăn xanh (ủ chua), ủ rơm với u rê. Bên cạnh việc tăng lượng thực ăn thô xanh, giảm thức ăn tinh hai loại thức ăn này còn cải thiện được thành phần dinh dưỡng, tăng lượng thức ăn đầu vào, tăng khả năng tiêu hoá hấp thu; khắc phục tính thời vụ của cây trồng, tăng nguồn thức ăn cho trâu bò, bò sữa.
Phương pháp ủ xanh: Nguyên liệu gồm thức ăn xanh (cỏ các loại, thân là ngô, lá sắn, ngọn lá mía..) 100kg, rỉ mật 04 kg, muối 0,5 kg; nếu không có rỉ mật thay bằng cám (bột ngô, sắn) khoảng 3 - 5 kg. Về kỹ thuật ủ có thể ủ trong hố ủ hoặc ủ bằng túi linon (hiện được nhiều người dùng vì tiện lợi); phương pháp ủ rơm với ure: Nguyên liệu cần có là rơm khô 100 kg, ure 04 kg, vôi tôi khoảng 0,5kg; dùng nước vôi tưới rơm khô làm mềm rơm và hạn chế vi khuẩn có hại, nấm mốc (nếu là rơm tươi chỉ cần khoảng 2 kg ure);
Kỹ thuật đối với cả 2 phương pháp này là trộng đều nguyên liệu và nén chặt, không để ẩm mốc, côn trùng xâm nhập. Thời gian ủ xanh cũng như ủ rơm với ure khoảng 10-14 ngày là cho ăn trâu bò ăn được. Lưu ý thức ăn ủ có chất lượng có màu vàng, mùi thơm đặc trưng, cho ăn từ từ để trâu bò làm quen dần và tăng lượng ăn hàng ngày; không được cho trâu bò ăn các loại thức ăn ủ bị hỏng, nấm mốc tránh trâu bò bị tiêu chảy, chướng bụng đầy hơn, nhiễm các bệnh đường tiêu hóa.
Chủ động phối trộn thức ăn tinh
Nếu như trước đây việc sử dụng thức ăn công nghiệp đã trở thành thói quen, phổ biến thì nay trong bối cảnh này có thể dung kết hợp vừa cho ăn thức ăn công nghiệp vừa cho ăn thức ăn truyền thống; sử dụng cám gạo, ngô, trộn thức ăn xanh để cho lợn, gia cầm ăn; nhất là trong chăn nuôi lợn bản địa, lợn rừng, gà thả vườn, gà đồi, có thể dụng các loại ngô, thóc, rau, cỏ các loại để cho con vật ăn vừa duy trì được tăng trọng vừa tận dụng được thức ăn sẵn có tại địa phương.
Giải pháp tự phối trộn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thời điểm này cũng là điều cần làm, hiện nay có nhiều công thức để thực hiện việc phối trộn cho lợn, gia cầm ở các lứa tuổi, giai đoạn sinh trường khác nhau. Phương pháp phối trộn có thể là bán công nghiệp, thủ công tùy vào điều kiện, quy mô chăn nuôi của từng hộ. Nguyên liệu vẫn là từ sản phẩm nông nghiệp sẵn có (như cám, tấm gạo, đỗ tương, bột cá, bột sò, khoáng premix …). Tuy nhiên, việc tự phối trộn phải lưu ý về kỹ thuật khi phối trộn, kỹ thuật bảo quản để đảm bảo chất lượng thức ăn, đảm bảo sức tăng trọng cho con vật sau khi sử dụng. Trên thực tế nhiều hộ cũng chủ động làm tự phối trộn nhưng kỹ thuật phối trộn không bảo đảm, bảo quản không tốt, tổng hạch toán không những không giảm lại còn cao hơn chi phí bình thường khi sử dụng thức ăn công nghiệp.
Lưu ý, thức ăn dùng để phối trộn phải đảm bảo mới, tươi, không sử dụng thức ăn đã biến chất, biến màu, biến mùi, đổi vị hay đã xuất hiện nấm mốc, không sử dụng thức ăn đã bị xuống dinh dưỡng. Cần chọn nhiều thành phần phối trộn (như cám ngô, cám gạo, tấm, bột sò, bột cá, vi tamin, premix khoáng ...) để đảm bảo cân đối trong khẩu phần. Khi trộn (dùng máy hay thủ công) sao cho đều nhất và bảo quản trong điều kiện tốt nhất tránh nấm mốc (nhất là mùa mưa, không khí ẩm thấp). Khi cho ăn, cần theo dõi mức độ tăng trọng, tính toán tổng chi phí khi tự phối trộn thức ăn với tổng chi phí khác về thuốc thú y, tốc độ tăng trưởng, nhân công lao động sao có hiệu quả mới tiếp tục thực hiện việc tự phối trộn thức ăn.
Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng
Cho ăn đúng bữa (ngày 2-3 lần), đúng giờ, đúng dụng cụ (kể cả người cho ăn) để tạo phản xạ có điều kiện cho con vật ăn tốt và ăn hết khẩu phần ăn. Việc cung cấp thức ăn cho vật đúng giờ có tác dụng tạo tính thèm ăn, tạo phản xạ để con vật tăng tiết các dịch tiêu hóa hấp thu sẽ tốt hơn nhiều lần so với bình thường. Không nên thay đổi thức ăn đột ngột, trường hợp phải thay đổi khẩu phần, nên thay đổi từ từ để con vật thích ứng với điều kiện mới; đồng thời dảm bảo cho con vật uống nước sạch và uống tự do. Tốt nhất là sử dụng hệ thống máng uống tự động để con vật uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Riêng trong chăn nuôi lợn, gia cầm sử dụng thức ăn đậm đặc trộn với tấm, ngô cho lợn ăn sống rất thuận lợi, tiết kiệm nhiều chất đốt và thời gian song cần lưu ý là thức ăn sống khi cho ăn cần cho 1 ít nước, hơi ẩm để lợn, gia cầm không bị bụi cám khi tranh nhau ăn.
Bổ sung khoáng chất, chế phẩm sinh học, tăng khả năng hấp thu, giảm hao phí thức ăn
Mặc dù còn nhiều khó khăn song trong bối cảnh này vẫn cố gắng bổ sung chế phẩm vi sinh để nâng khả năng hấp thu, tận dụng lợi thế vi sinh vật có lợi (kể cả trong các loại thức ăn ủ xanh, ủ rơm với ure). Việc bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn phải đảm bảo nguyên tắc đó là khi bổ sung chế phẩm vi sinh vào khẩu phần ăn cho con vật thì không dùng kháng sinh vì kháng sinh làm mất tác dụng của vi sinh vật và giảm hiệu quả. Nếu sử dụng chế phẩm vi sinh bằng cách rải xuống nền chuồng hoặc phun sương trong chuồng thì không phun hóa chất khử trùng trong chuồng nuôi. Cơ sở chăn nuôi có thể tự trộn chế phẩm vi sinh với thức ăn tại trại hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp đã được bổ sung chế phẩm vi sinh của cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các cơ sở chăn nuôi có thể lập khẩu phần thức ăn theo điều kiện của cơ sở và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương theo một giai đoạn hoặc nhiều giai đoạn nuôi dưỡng.
Ngoài việc bổ sung vào thức ăn, người nuôi còn có thể bổ sung chế phẩm vi sinh vào nước uống, đệm lót phân chuồng và phun trong không gian chuồng nuôi khi có dịch bệnh để tăng khả năng hấp thu cho con vật, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm.
Lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại chợ Hà Vĩ
Tập trung cao độ công tác phòng chống dịch bệnh
Một giải pháp quan trọng trong mọi trưởng hợp, mọi bối cảnh đều phải thực hiện tốt đó là chủ động phòng chống dịch bệnh. Nếu bệnh dịch xảy ra, người chăn nuôi không chỉ tốn kém kinh phí, thời gian chữa trị, mà trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sự tồn dư mầm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm trong chuồng nuôi, làm bùng phát dịch bệnh không chỉ trọng hộ mà con lây lan ngoài cộng đồng, lúc đó thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Phòng bệnh phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu, từ xây dựng chuồng trại, trang bị vật dụng chuồng nuôi đến kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh và xuất bán g vật nuôi; thực hiện tốt điều này đã làm giảm chi phí lớn trong bối cảnh chăn nuôi hiện tại. Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, đảm bảo thoáng mát, ấm áp khi mùa đông sắp tới, đảm bảo cách ly với môi trường xung quanh. Định kỳ tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi; vệ sinh và phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi.
Trước khi nuôi lứa mới, cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị đã vệ sinh sạch sẽ và vật tư cần thiết như thức ăn, nước uống, thuốc thú y thiết yếu đảm bảo chất lượng. Vật nuôi nên mua từ cơ sở giống có uy tín, chất lượng, khi mới mua về phải nhốt riêng tại khu cách ly để đảm bảo an toàn, không mắc bệnh truyền nhiễm mới đưa vào khu chăn nuôi. Thực hiện tốt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, chăn nuôi an toàn sinh học một giải pháp hữu hiệu phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng đối với các bệnh đã có vác xin phòng bệnh (Cúm gia cầm, Tai xanh, LMLM, Viêm da nổi cục trâu bò …). Trường hợp vật nuôi ốm cần được cách ly và điều trị, vật nuôi chết phải xử lý theo quy định của thú y.
Những giải pháp trên đây thực hiện đồng bộ hiệu quả chắc chắn sẽ làm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi góp phần nâng cao năng xuất chăn nuôi./.
TS Nguyễn Ngọc Sơn
Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội