Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Tập đoàn TH tổ chức với mục đích tham khảo kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ quốc tế, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và xây dựng cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong thời gian tới.
Sản xuất và phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ là chủ đề chính được các chuyên gia thảo luận trong ngày 15/12/2017. Diễn đàn sẽ nhìn lại toàn cảnh nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hiện nay, bao gồm tiềm năng, thách thức cũng như các giải pháp gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tại diễn đàn, các nước phát triển nông nghiệp hữu cơ như Đan Mạch, Pháp, Trung Quốc cũng sẽ chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo chuyên đề số 2: Thị trường nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đó là nhu cầu tiêu dùng rất lớn; Việt Nam cũng có tiềm năng lớn. Thứ hai, điều kiện về thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu và đất đai có dư địa để phát triển. Thứ ba, có nhiều tập đoàn lớn như TH và các doanh nghiệp khác đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với mục đích đảm bảo sức khỏe con người và môi trường. Thứ tư, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới vấn đề phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, ngày 16/12/2017, tại phiên chính thức của Hội thảo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự. Đây là động lực, cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.
Theo TS Lê Thành, Viện trưởng Viện nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp hữu cơ có vai trò đảm bảo tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái. Bảo tồn thế giới tự nhiên. Bảo vệ môi trường. Cân bằng sinh thái.Trên thế giới, thị trường nông nghiệp hữu cơ đạt xấp xỉ 76 tỷ Euro vào năm 2015, trong đó Mỹ là quốc gia có thị trường lớn nhất với giá trị đạt xấp xỉ 36 tỷ Euro.
Diện tích đất đai dành cho canh tác hữu cơ cũng tăng lên từ 11 triệu ha lên hơn 50 triệu ha, đạt tốc độ tăng trưởng kép lên tới 10%từ 199-2005. Trong đó châu Đại dương và châu Âu là 2 châu lục chiếm 70% đất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm cao nên nông nghiệp hữu cơ chủ yếu phát triển tại những nước giàu như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đức, Pháp, Ý.
Ở nước ta, diện tích nông nghiệp hữu cơ năm 2015 đạt 110.325 ngàn ha, tăng 6,5 lần so với năm 2007 và chiếm 0,4% toàn bộ diện tích nông nghiệp. Tỷ lệ đất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam chiếm 0,4% so với tổng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp là tỷ lệ không quá thấp so với tình hình chung của châu Á và tỷ lệ ngày càng tăng.
TS Lê Thành, Viện trưởng Viện nông nghiệp hữu cơ cho rằng nông nghiệp hữu cơ Việt Nam còn gặp nhiều rào cản.
Song, cũng theo TS, những hạn chế của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đó là hệ thống chứng nhận và quản lý chưa có quy định rõ ràng về nông nghiệp và sản phẩm hữu cơ; Cơ chế chính sách ưu đãi còn hạn chế cho nông nghiệp hữu cơ; Thị trường tiêu thụ trong nước không rõ ràng, ít quan tâm, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển quy mô lớn; Trình độ lao động, kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ thấp; Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế; Tài nguyên đất hạn chế về số lượng và chất lượng; Chưa hình thành chuỗi giá trị giữa các chủ thể sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ.
TRẦN NGÂN