Trong tháng 7/2018, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng; mức tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá lợn tăng cao không đồng đều tại các địa phương và tùy thuộc chất lượng lợn: tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, có trọng lượng trên 100kg /con; tại Ninh Bình tăng 5.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi trong tháng 7/2018 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương
Tại khu vực miền Trung (tại Hà Tĩnh) dao động ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi thấp hơn và mức tăng không nhiều: tại tỉnh Bạc Liêu giá 46.000 đồng/kg; tại Tiền Giang, giá từ 47.000 – 48.000 đồng/kg; tại Đồng Nai giá khoảng 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trong tháng 7/2018 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương (hiện ngành Chăn nuôi đang phối hợp từng địa phương để khắc phục việc này);
Riêng giá tăng cao kỷ lục ở miền Bắc còn do thời tiết mưa lũ đã ảnh hưởng tới việc giết mổ cũng như hoạt động vận chuyển thịt lợn đến nơi tiêu thụ.
Giá trứng gia cầm có xu hướng tăng so với tháng trước. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, giá thu mua trứng gà tại trại tăng 50 đồng/quả lên 2.150 – 2.250 đồng/quả. Giá thu mua trứng vịt tại trại tăng 150 – 200 đồng/quả lên 2.400 – 2.650 đồng/quả. Giá trứng tăng do nguồn cung giảm trong bối cảnh mùa Trung Thu đang cận kề nên nhiều đơn vị đã bắt đầu gom hàng để chế biến bánh Trung Thu.
Giá thu mua gà thịt tại khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL tăng 4.000 – 6.000 đồng/kg lên mức 34.000 đồng/kg. Giá thu mua gà trắng tại hai khu vực này tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg. Dự báo tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia cầm từ nay tới cuối năm vẫn phát triển tốt.
Trong tháng 7/2018, thị trường thịt toàn cầu có nhiều biến động khi chính sách áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thịt nhập từ Hoa Kỳ của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 6/7. Nguồn cung thịt lợn Hoa Kỳ đang tăng mạnh vượt nhu cầu nội địa trong khi hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn buộc ngành thịt lợn Hoa Kỳ phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác.
Trong khi đó, xuất khẩu thịt lợn của EU, Canada và Brazil có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn bởi Trung Quốc phải tìm nguồn cung thịt lợn thay thế để đáp ứng nhu cầu trong nước. Không chỉ thịt lợn, động thái tăng thuế của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thịt bò của Hoa Kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững sang Trung Quốc.
Trong Báo cáo Triển vọng Thực phẩm vừa mới công bố vào tháng 7/2018, FAO dự báo mức tăng trưởng tất cả các loại thịt trên thế giới năm 2018 chỉ đạt 1,8%, thấp hơn nhiều so với 4,3% năm 2016 và 2,7% năm 2017 do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trunglàm gián đoạn các luồng thương mại sản phẩm thịt toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 7 năm 2018 ước đạt 44 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 305 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Sáu tháng đầu năm 2018 giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm chiếm đạt 19,4 triệu USD, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 5,3% thị phần; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt 1,7 triệu USD và 21,3 triêu USD, giảm 63,9% và giảm 56,4% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu phụ phẩm sau giết mổ và sữa và các sản phẩm từ sữa tăng lần lượt là 2,4% và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2017 và thị phần chiếm lần lượt là 54,3% và 23.2%
Đối với thịt lợn, việc mất cân đối cung cầu trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2018 sẽ dần được khắc phục do từ tháng 3 giá bán tăng theo hướng có lợi cho người chăn nuôi, họ đã đầu tư trở lại cho tái đàn và nuôi thâm canh.
Giá thịt lợn trong nước còn cao một vài tháng tới có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu
Tuy nhiên, giá thịt lợn trong nước còn cao một vài tháng tới có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến nguồn cung thịt lợn của Mỹ tăng cao. Đối với trứng gia cầm dự báo sẽ tiếp tục tăng ổn định do nhu cầu thị trường đang tăng để phục vụ các ngành bánh ngọt, bánh Trung thu… Ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, cần tiếp tục cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướngđến xuất khẩu.
Giá thịt lợn đang ở mức khá cao do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường do một số nguyên nhân sau:
Khủng hoảng thừa, cung vượt cầu trong những tháng đầu năm 2017 người chăn nuôi thua lỗ nặng, thời gian kéo dài dẫn đến người nuôi bỏ chuồng không tiếp tục chăn nuôi nữa, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (số lượng lợn dưới 20-30 con) bỏ chuyển đổi sang ngành nghề khác, tỷ lệ này chiếm tỷ trọng khá cao trong toàn ngành chăn nuôi.
Giá lợn giống rất cao từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/con loại 6-7kg tùy theo chất lượng lợn (thời điểm ổn định từ 0,5 triệu đồng đến 0,7 triệu đồng/con loại 6-7kg), với mức giá này rủi ro cho người nuôi là rất cao nếu đến thời điểm xuất chuồng không đạt mức giá cao như hiện nay.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
Nguồn: Nhachannuoi.vn