1. LỊCH SỬ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VÀ CẤY PHÔI BÒ TẠI VIỆT NAM
Công nghệ sản xuất phôi đang là một trong những giải pháp hiệu quả trong ngành chăn nuôi gia súc hiện nay. Sau lần cấy truyền phôi đầu tiên thành công trên thỏ năm 1890, công nghệ phôi phát triển và hỗ trợ thành lập các chương trình sản xuất phôi ở nhiều quốc gia Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản... Đến nay, các kỹ thuật tiến bộ về đông lạnh phôi, cấy truyền phôi và sản xuất phôi trong phòng thí nghiệm (IVF) đã đẩy mạnh phát triển việc thương mại hóa phôi trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, năm 1978, Viện Khoa học Việt Nam khởi đầu nghiên cứu công nghệ phôi trên thỏ và công bố kết quả cấy phôi thành công đầu tiên ở Việt Nam. Đến năm 1984, TS. Bùi Xuân Nguyên cùng GS. J.P. Renard (INRAPháp) nghiên cứu thành công công nghệ bảo quản phôi bằng đông lạnh nhanh và triển khai ứng dụng thành công trên bò.
Năm 1980, đề tài nhà nước thuộc Chương trình Công nghệ Sinh học (4801-0107-1980- 1985) và chương trình hợp tác quốc tế với Viện INRA-Pháp đã được triển khai, đặt nền móng công nghệ phôi bò ở Việt Nam. Các nghiên cứu về công nghệ nhân bản vô tính và thụ tinh trong ống nghiệm, bê giới tính năm 2000,2002, 2003 đã xây dựng nền tảng cơ sở cho công nghệ sản xuất phôi tại Việt Nam.
Ngày 11/7/2016, công trình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành công bò BBB đầu tiên ra đời bằng công nghệ mang thai hộ, khẳng định bước tiến mới của Học viện. Tuy nhiên, đây là phôi nhập từ Vương Quốc Bỉ theo chương trình của trung tâm giống gia súc Hà Nội.
Không dừng lại ở thành công trên cấy truyền phôi nhập từ nước ngoài, Học viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất phôi bò theo các công nghệ của Bỉ, Anh Quốc và Nhật Bản do các Dự án tài trợ. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài học về công nghệ sản xuất phôi bò, đúc rút kinh nghiệm tạo phôi bò trong ống nghiệm và ngoài trang trại để phù hợp với các điều kiện Việt Nam.
Trong suốt hai năm qua, trong lĩnh vực công nghệ phôi, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã làm việc ngày đêm để cho ra đời phôi bò thịt và phôi bò sữa thụ tinh thành công trong ống nghiệm và bước đầu đưa ra cấy trên đàn bò sữa và bò thịt (bò mang thai hộ). Công nghệ phôi không chỉ dừng lại ở nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà còn ứng dụng thành công khi cho ra đời hàng loạt bê mang tính chất công nghiệp nhằm góp phần tạo nhanh đàn bò sữa và bò thịt tại nước ta.
Từ những thành quả trên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định với các chuyên gia trong nước và thế giới về bước tiến của Học viện phối hợp cùng các cơ quan hữu quan trong 64 năm qua. Với việc làm chủ công nghệ cao và thành công trong sản xuất phôi quy mô công nghiệp, Việt Nam hoàn toàn chủ động và nhanh chóng trong công cuộc tạo ra các đàn bò sữa và bò thịt chất lượng cao.
Hình 5. Gây tê trước khi cấy phôi
Hình 6. Chuẩn bị thực hiện cấy truyền phôi trên đàn bò sữa tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
Ngày 13/08/2019, tại thôn Khách Nhi Xuôi, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, bê con đầu tiên đã ra đời bằng công nghệ sản xuất phôi in vivo của của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Đến ngày 15/8/2019, cặp bê song sinh đã chào đời từ công nghệ phôi thụ tinh trong ống nghiệm in vitro với tinh trùng bò Đen Nhật Bản và trứng bò Vàng Việt Nam, trên bò mang thai hộ tại Trung tâmNghiên cứu và sản xuất tinh bò đông lạnh Moncada.
2. SÁU BÀI HỌC QUÝ BÁU ĐƯỢC RÚT RA TỪ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU CẤY PHÔI BÒ TẠI HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Sau những kết quả thành công về cấy phôi bò tại một số trang trại tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, chúng tôi rút ra sáu bài học thú vị và quý báu sau.
Bài học thứ nhất: Không nhất thiết chỉ cấy phôi trên bò tơ và bò đẻ lứa thứ nhất
Qua kết quả cấy phôi bò thành công, chúng tôi nhận thấy không nhất thiết phải cấy vào bò tơ hay bò lứa thứ nhất vì nhiều bò ở lứa đẻ thứ 3, thứ 4 và thứ 5 đều chẩn đoán có chửa sau khi cấy phôi. Vì trong nghiên cứu này, quan trọng là định lượng nồng độ progesterone vào ngày thứ 6 sau thụ tinh nhân tạo với lượng progesterone trong máu đạt lớn hơn hoặc bằng 3 ng/ml sẽ tiến hành cấy và cho kết quả có chửa ở các lứa đẻ khác nhau mà không có sự sai lệch.
Bài học thứ hai: Không nhất thiết phải cấy phôi vào bên sừng tử cung có thể vàng
Theo lý thuyết, trước đây cấy phôi cần cấy bên sừng tử cung có thể vàng vì phía đó trứng đã rụng và sẽ mang thai. Tuy nhiên, các kết quả cấy phôi bê BBB trên đàn bò sữa ở Phù Đổng (2016) đã phát hiện thai nằm ở sừng tử cung bên phải mặc dù cấy phôi vào sừng bên trái có thể vàng trên buồng trứng. Năm 2018, tiến hành cấy phôi đôi (hai phôi) vào một bên sừng tử cung nhưng kết quả khám bò mang thai đôi (mỗi bê nằm một bên sừng tử cung).
Điều đó chứng tỏ việc đưa phôi vào trong tử cung không nhất thiết phải đưa vào bên tử cung nơi có trứng rụng mà thai làm tổ do có sự lựa chọn giữa phôi và vị trí tử cung nơi có ái lực tốt và điều kiện tốt.
Bài học thứ ba: Không nhất thiết chỉ cấy một phôi duy nhất.
Nhiều tác giả cho rằng, bò là động vật đơn thai nên khó có chửa khi cấy hai phôi, tuy nhiên năm 2018 tiến hành cây hai phôi trên bò vẫn có nhiều bò chửa và sinh ra hai bê khỏe mạnh bình thường. Thậm chí lúc đẻ, hai bê có khối lượng vừa phải nên việc đẻ dễ dàng hơn khi mang thai một bê to trong tử cung.
Bài học thứ tư: Có thể cấy phôi trên bò đã thụ tinh nhân tạo nhiều lần vẫn không có chửa
Nhiều trường hợp bò động dục và thụ tinh nhiều lần không có chửa, thậm chí cho nhảy trực tiếp bởi bò đực giống nhưng cứ sau một chu kỳ bò lại xuất hiện động dục trở lại, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến hiện tượng này, trong đó tắc ống dẫn trứng là chủ yếu, làm cho tế bào trứng và tế bào tinh trùng không gặp nhau ở 1/3 ống dẫn trứng, dẫn đến sự thất bại khi thu tinh.
Nhưng khi bò động dục, nếu thực hiện cấy phôi vào ngày thứ 7 sau động dục (đồng pha với tuổi phôi) sẽ làm tăng khả năng có chửa trên những bò này.
Bài học thứ năm: Không nhất thiết phải cấy đồng pha tuyệt đối
Khi tiến hành sản xuất phôi bò, thường sẽ cấy phôi tươi 7 ngày tuổi hoặc phôi đông lạnh loại tốt (loại A) 7 ngày tuổi. Về lý thuyết phôi sẽ tiến hành cấy vào bò tại ngày thứ 7 sau động dục nhưng việc cấy tại ngày thứ 8 sau động dục vẫn thành công. Thậm chí tiến hành cấy phôi 6 ngày tuổi vào bò động dục sau 7 ngày vẫn cho kết quả tốt. Điều đó chứng tỏ tuổi phôi thích ứng với tử cung sau động dục cần đồng pha nhưng có thể linh hoạt tối đa 24 giờ.
Bài học thứ sáu: Chìa khóa để cấy phôi thành công
Hầu hết các bò được cấy phôi đều được định lượng progesterone vào ngày thứ 6 sau thụ tinh nhân tạo. Trước đây, khi quyết định cấy phôi bò chỉ khám buồng trứng qua trực tràng để xác định thể vàng trên buồng trứng hoặc dùng phương pháp siêu âm để kiểm tra thể vàng và kích thước thể vàng trước khi đưa ra quyết định cấy phôi.
Tuy nhiên, một số bài báo đã công bố rằng kích thước thể vàng tỷ lệ thuận với nồng độ progesterone an thai, nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng đối với bò gầy thì mối quan hệ giữa thể vàng và nồng độ progesterone ít có ý nghĩa. Nhiều tác giả sử dụng siêu âm để đánh giá hoạt động của thể vàng thông qua trao đổi chất (trao đổi máu giữa động mạch và tĩnh mạch trong th vàng), điều đó cho thấy mặc dù kích thước thể vàng lớn nhưng chức năng hoạt động chưa mạnh thì việc tiết progesterone chưa chắc đã đủ để an thai. Chính vì vậy nên định lượng nồng độ progesterone huyết thanh trước khi cấy phôi, nếu nồng độ lớn hơn hoặc bằng 3ng/ ml thì là một trong những điều kiện đủ để cấy phôi.
LỜI CẢM ƠN!
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quỹ Newton Fund đã tài trợ và xây dựng thành công dự án “ứng dụng liệu pháp hormone nhằm nâng cao năng suất sinh sản ở bò sữa Việt Nam”. Cám ơn Quỹ nghiên cứu tư vấn Việt Bỉ đã tài trợ giúp đỡ cho chúng tôi mời chuyên gia Nhật tại trường đại học Hokkaido sang chuyển giao công nghệ sản xuất và cấy phôi bò in vivo và in vitro. Cám ơn dự án FIRST đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp nhận công nghệ sản xuất phôi bò in vivo từ Nhật Bản do các chuyên gia đến từ trường Đại học Miyazaki.
Cám ơn các trại bò sữa thuộc xã vĩnh Thịnh Vĩnh Phúc, các trại bò thuộc Hưng Yên, các trại bò thuộc Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì và trại bò thịt của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Moncada đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện các ca cấy phôi bò.
PGS.TS. Sử Thanh Long, ThS. Nguyễn Công Toản, TS. Đỗ Thị Kim Lành, Nguyễn Trọng Đạt, Hồ Viết Nam, Nguyễn Hữu Minh, Trịnh Thị Linh Chi: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nguyễn Thị Sương và Phan Thị Hằng: Viện NC Bảo tồn Đa dạng sinh học và Bệnh nhiệt đới
TS. Phùng Thế Hải: Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương, Viện Chăn nuôi
TS. Tăng Xuân Lưu: Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, Viện Chăn nuôi
Bác sỹ Thú y Đỗ Quốc Thuận: tỉnh Vĩnh Phúc