Những thích ứng và thay đổi của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sau ASF

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Những thích ứng và thay đổi của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sau ASF
Ngày đăng bài - 5/15/2021 12:00:00 AM
Những thích ứng và thay đổi của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sau ASF

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI LỢN VÀ TÁI ĐÀN LỢN SAU NHỮNG BIẾN CỐ LỚN DO ASF

 

1. Đầu con giảm do ảnh hưởng của ASF

 

Dich tả lợn Châu Phi (ASF)  xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019. Đến cuối tháng 12/2019 nước ta đã phải tiêu hủy 5,95 triệu con lợn, tổng trọng lương trên 340 ngàn tấn, tương đương 9% tổng lượng lợn hơi năm 2019. Tổng đàn lợn nái sụt giảm mạnh từ gần 4 triệu con xuống chỉ còn 2,7 triệu con. Tương đương giảm tới 33% đàn lợn nái.

 

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam (Ảnh: NGUYỄN NGỌC SƠN)

 

Cả năm 2020, Bộ NN&PTNT tích cực chỉ đạo các đia phương tái đàn lợn; nhiêu tỉnh thành đã có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích tái đàn lợn (hỗ trợ sớ thiệt hại do ASF, cho vay vốn không lãi suất để tái đàn, hỗ trợ thuốc để phòng bệnh, để đảm bảo an toàn sinh học..). Kết quả tuy chưa thể khôi phuc tổng số đầu con như trước khi xảy ra ASF nhưng đủ để sản xuất khối lương thịt hơi nhiều hơn so với năm 2019.

 

Theo báo cáo của các địa phương, tình hình tái đàn lợn như sau:

 

Nhóm 1: có 18 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 119,28% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 1/2019). Gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Phước, Khánh Hòa,  Bà Rịa Vũng Tàu,  Bình Định, Kon Tum, Hưng Yên, Tây Ninh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Ninh Thuận,  Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Bình Thuận và Phú Yên.

 

Nhóm 2: tỷ lệ tái đàn từ 90- dưới 100%,  gồm 4 tỉnh : Bắc Cạn, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Giang. Mức tăng trung bình đạt 93.83 %

 

Nhóm 3: với tỷ lệ tái đàn tử 70- dưới 90%, so với thời điểm 1/1/2019, gồm 25 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên,  Nghệ An, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Cà Mau, Trà Vinh, Hà Nam, An Giang, Lâm Đồng, Đắc Nông, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Bến Tre, Quảng Trị, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Long,  Sơn La, Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Nội và Bạc Liêu. Mức tăng đàn trung bình đạt 80,01%.

 

Nhóm 4: gồm 16 tỉnh, thành phố với tỷ lệ tái đàn dưới  70%, gồm: Kiên Giang, Hải Dương, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Quảng Nam, Ninh Bình, Hậu Giang, Lai Châu, Long An, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh và Tp Đà Nẵng. Mức tăng đàn trung bình đạt 54,14 %.

 

So với lúc trước dịch, riêng khối doanh nghiệp chăn nuôi lớn (16 doanh nghiệp) tăng trưởng tới 160% và so với ngày 1/1/2020 tăng 155%.

 

Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi: Tại thời điểm cuối tháng 12/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27,3  triệu con, tương đương 88,7 % so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (trên 31 triệu con vào 1/1/2019). tổng số lợn của cả nước trong Quý I/2021 tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.018,8 ngàn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, tại 16 doanh nghiệp là các đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt đạt 5,5 triệu con, tăng 73,6% so với 01/01/2019 (trước khi xảy ra DTLCP), tăng 65% so với 01/01/2020 và tăng 1,8% so với cuối tháng 12/2020). Quý I/2021 tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,95 triệu con, tăng hơn 18,8% so với 01/01/2020; hiện nay cả nước có hơn 56 ngàn con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái phục vụ giống cho sản xuất.

 

Chăn nuôi lợn tại trang trại thuộc hệ thống trang trại Vĩnh Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (Ảnh: NGUYỄN TRUNG NGHĨA)

 

2. Giá lợn tăng cao chưa từng có và thiết lập mặt bằng giá mới

 

Từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 ngàn đồng/kg, lý do: nguồn cung giảm (đàn lợn nái, lợn con chết và tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch cả nước từ tháng 5-7/2019, những lợn nái không chết, cũng rất hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này).Có những thời điểm giá lợn hơi và giá thịt lợn nóng từ nông thôn đến thành thị, từ nghị trường Quốc hội tới các cuộc họp thường kỳ, cuộc họp điều hành giá của Chính phủ.

 

Nguồn số liệu: Cục Chăn nuôi

 

Trong năm 2020, giá lợn hơi (giá công ty) tại miền Bắc bình quân là 74.900 đồng/kg, tăng 56% (cao hơn 26.900 đồng/kg) so với năm 2019. Tại miền Nam, giá lợn hơi bình quân 76.100 đồng/kg, tăng 58,2% so với năm 2019 (cao hơn 28.000 đồng/kg).

 

3. Nhiều hộ chăn nuôi và trang trại bỏ trống chuồng hoặc chuyển nghề khác

 

Theo Tổng cục Thống kê: nông hô nuôi lợn giảm từ gần 3 triệu hộ năm 2019 (01/4/2019) xuống còn trên 2 triệu hộ năm 2021 (01/01/2021). Giảm 911.629 hộ (tương đương 30,77%).

 

Trang trại chăn nuôi lợn cũng giảm nhiều. Theo só liêu diều tra của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN & PTNT), đến 31/3/2020, cả nước còn 911 HTX và 9924 trang trại chăn nuôi lợn. So với thời điêm trước khi xảy ra ASF, đã giảm 193 HTX (13,7%) và 4557 trang trai chăn nuôi lợn (30,8%).

 

Bù lại, các công ty lớn đều tăng quy mô đàn lợn nái và đàn lợn nuôi thịt. Nếu chỉ tính riêng 16 Công ty có quy mơ lớn, tai thời điểm tháng đầu năm 2021 đã có đàn nái tăng trên 30% và đàn lợn thịt tăng 71% so với thời điểm trước khi xảy ra dich ASF (01/01/2019).

 

Một phần nông hộ và trang trai chuyển sang nuôi gia cầm, bò thịt.

 

Rất nhiều nông hộ và trang trai bỏ nghề chăn nuôi, chủ yếu do cạn vốn vì lỗ do ASF, do không  đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học hoặc trang trai không đảm bảo cách ly theo quy dinh của Luật Chăn nuôi…

 

4. Sản lượng thức ăn chăn nuôi lợn lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn so với thức ăn gia cầm

 

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2017, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho lợn luôn chiếm trên 60% (63,6-67,3%), cho gia cầm ở mức trên 30% (30,6-33,5%) so với tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi các loại.

 

Đến giai đoạn 2018-2020, cơ cấu có sự thay đổi theo hướng giảm thức ăn cho lợn, tăng thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, cụ thể như sau:

 

Sản lượng Thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2015-2020 theo nhóm vật nuôi (triệu tấn). Nguồn số liệu: Cục Chăn nuôi

 

+ Năm 2018: Thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 56,6%, Thức ăn chăn nuôi cho gia cầm chiếm 40,7%;

 

+ Năm 2019: Thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 49,7%, Thức ăn chăn nuôi cho gia cầm chiếm 47,2%;

 

+ Năm 2020: Thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 43,8%, Thức ăn chăn nuôi cho gia cầm chiếm 52,7%.

 

Đáng chú ý, năm 2020 cũng là năm đầu tiên ghi nhận sản lượng Thức ăn chăn nuôi cho lợn thấp hơn sản lượng Thức ăn chăn nuôi cho gia cầm trong cơ cấu sản lượng Thức ăn chăn nuôi tổng số.

 

Rõ ràng là chăn nuôi gia cầm sau ASF đã tăng trưởng khá nhanh để bù đắp môt phần nhu cầu thịt bi suy gảm do ảnh hưởng của ASF. Năm 2020, số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy Chăn nuôi gia cầm năm 2020 so với năm 2019 đã tăng 6,2% về đầu con (riêng gà tăng 8,5%), thịt gia cầm hơi tăng 9,2%; trứng gia cầm tăng 9,5%.

 

Ngoài ra, năm 2020, chăn nuôi bò thịt tăng trên 4%; chăn nuôi dê tăng gần 20% so với năm 2019.

 

5. Lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu lợn thịt sống về giết mổ và kỷ lục về nhập khẩu thịt lợn đông lạnh

 

Kỷ lục nhập khẩu thịt lợn đông lạnh

 

 

Bày bán thịt lợn đông lạnh tại một siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: SGGP)

 

Lượng thịt nhập khẩu bắt đầu tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2019, đặc biệt tăng mạnh trong 3 tháng 8-9-10 năm 2020. Tính chung trong năm 2020, tổng lượng thịt lợn đã qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam đạt gần 139,3 nghìn tấn, cao gấp 4,8 lần so với lượng nhập của năm 2019 và gấp 2 lần lượng nhập của cả 4 năm từ 2016-2019 cộng lại. Về kim ngạch nhập khẩu thịt lợn, lũy kế cả năm 2020 đạt 330,2 triệu USD, cao gấp 6 lần so với kim ngạch nhập khẩu của năm 2019. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga.

 

Ngoài thịt lợn, thì lượng chân và phụ phẩm từ lợn nhập về Việt Nam trong năm 2020 cũng tăng 4,2% so với năm 2019, đạt gần 92,6 nghìn tấn. Như vậy, tổng lượng thịt và phụ phẩm từ lợn nhập khẩu trong năm ước đạt gần 232 nghìn tấn, cao gấp gần 2 lần so với năm 2019. Về chủng loại thịt: thịt ba chỉ, thịt vai, thịt đùi và sườn là những chủng loại thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam trong năm 2020.

 

Tổng lượng thit lợn và sản phẩm từ thịt lơn nhập khẩu chiếm khoảng 6% tổng lượng thit lợn sản xuất trong nước.

 

Nhưng nhờ ASF mà nhiều người tiêu dùng Việt ở vùng thành thị đã bước đầu quen dần với việc tiêu dùng thit lợn đông lạnh.

 

Nhập khẩu lợn sống

 

Từ tháng 6/2020, lần đầu tiên Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để làm giống và nuôi/giết mổ làm thực phẩm. Năm 2020, số lượng lợn sống nhập về Việt Nam đạt 491.457 con, trong đó lợn giống là 43.806  con (1.219 con đực), lợn giống nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan là 34.641 con, chiếm 79,1%. Nhập khẩu lợn giống chủ yếu từ Thái Lan, Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Pháp và Đài Loan.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam chính thức nhập khẩu lợn sống Thái Lan về giết mổ (Ảnh: VĂN GIANG)

 

Ngoài ra, trong năm 2020 cả nước đã nhập khẩu 554,9 ngàn con trâu, bò sống,tương đương 194,2 ngàn tấn thịt (tính bình quân 350 kg/con) và khoảng 161,8 ngàn tấn thịt mát gia súc/thịt gia súc đông lạnh. Tổng số lượng thịt gia súc nhập khẩu khoảng 356 ngàn tấn (tương đương 71,9% tổng sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước năm 2020) , thấp hơn một chút so với năm 2019 (do ảnh hưởng giá bán tại Úc tăng cao).

 

Năm 2020, tổng số lượng thịt gà nhập khẩu khoảng 215 ngàn tấn, tương đương 20,4% sản lượng thịt gà sản xuất trong nước (thịt gà chiếm khoảng 74% trong tổng sản lượng thịt gia cầm), tăng 50,95% so với 2919.

 

6.Xuất hiện nhiều dự án chăn nuôi lớn và siêu lớn do các công ty trong nước và FDI đầu tư

 

Theo Cục Chăn nuôi, 2019 – 2020 là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với ngành chăn nuôi nước ta, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa với ngành chăn nuôi ở lĩnh vực thu hút đầu tư.

 

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng điểm qua một số dự án đang đầu tư và đã khánh thành, 2020 chính là năm có làn sóng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi sôi nổi nhất, đặc biệt đầu tư vào chăn nuôi lợn.

 

Điểm đáng mừng là hầu hết các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đều là những dự án quy mô lớn, công nghệ  cao, chăn nuôi quy trình khép kín, là nền tảng, tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam từng bước hiện đại hóa, phát triển bền vững.

 

New Hope: Ba siêu dự án tại Bình Phước, Bình Định và Thanh Hóa

 

Trang trại heo của NewHope tại Bình Phước nhìn từ trên cao (ảnh: RICONS)

 

Theo nguồn tin từ New Hope, ba dự án trang trại nuôi lợn với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam và có tổng công suất lên tới 27 000 heo nái. Cụ thể, Công ty chăn nuôi New Hope Bình Phước tại huyện Hớn Quảng có diện tích 75ha, sản lượng 13 500 con heo nái, hiện là trang trại lớn nhất Việt Nam, cũng như Đông Nam Á. Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa đặt trụ sở chính tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trên diện tích 113ha, xây dựng trại ông bà, cụ kị 1200 con, trại nái quy mô 7.500 con, trại heo thịt quy mô 72 000 con. Dự án tại Bình Định, huyện Tây Sơn với diện tích 23ha, sau khi hoàn thành có thể đạt sản lượng 6000 heo nái. Ba dự án đều áp dụng mô hình sản xuất cân đối trọn gói nhịp độ theo tuần, sử dụng các thiết bị hàng đầu thế giới, thực hiện sản xuất tự động hóa.

 

DEHEUS & HÙNG NHƠN: Khởi công Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk

 

Ngày 27/9/2020, tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã tổ chức lễ khởi công dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk”. 

 

Dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk” là sự liên doanh hợp tác nằm trong chuỗi chiến lược phát triển của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn có quy mô khoảng 200 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án: Từ quý III/2020 đến quý IV/2025. Theo đó, các hạng mục của dự án bao gồm: Khu trang trại chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan có diện tích 80 ha; khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30 ha; nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15 ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20 ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30 ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25 ha. 

 

Dự án có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25 nghìn con heo bố mẹ và heo hậu bị.

 

 XUÂN THIỆN: Đầu tư 1,5 tỷ USD Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa I

 

Tháng 12/2020, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Tập đoàn Xuân Thiện và UBND huyện Ngọc Lặc đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa I.

 

Dự án khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1 có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ. Sau khi hoàn thành, hàng năm dự án tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt heo; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 heo nái và cung cấp 1,5 triệu heo thịt/năm; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

 

KDI HOLDINGS: Chi 2.000 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao

 

 Tập đoàn KDI Holdings đầu tư vốn vào dự án liên hợp nông nghiệp công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk thông qua Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An. Quy mô dự án gồm trại heo giống bố mẹ với 10.000 con, trại heo giống ông bà cụ kị 2.000 con, trại heo thịt thương phẩm 144.000 con, khu sản xuất ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 30.000 tấn mỗi năm, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phế thải trang trại.

 

Tháng 9/2020, dự án được Tập đoàn KDI Holdings bắt đầu triển khai và dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản trong 18 tháng với tổng diện tích đất cho trang trại khoảng 750ha. Theo quy hoạch mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao với tổng giá trị dự trù đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Mô hình khép kín từ khu quy hoạch, trồng ngô, xây dựng nhà máy và cung cấp thức ăn trong khu. Hệ thống cấp thức ăn cho lợn hoàn toàn tự động. Từ vùng trồng ngô sẽ tiến vào nhà máy sản xuất thức ăn, xe bồn vận chuyển tới silo chứa cám trung tâm trang trại, phân phối tới các silo đầu chuồng và từ đó tự động cấp tới máng ăn từng con theo tiêu chuẩn.

 

Việc xây dựng chuồng trại cũng được chia theo từng phân khu. Trong đó, quy mô trại nái đủ nuôi 12.000 con nái, 200 con đực giống được lập thành 4 phân khu riêng tương đương 40ha khuôn viên xây dựng chuồng trại. Giai đoạn 1 năm 2020, công ty đầu tư chuồng trại nuôi 3000 heo nái và 50 heo đực giống, năm 2021 thả nuôi 9000 heo nái và 150 heo đực. Quy mô trại heo thương phẩm 144.000 con cũng được đầu tư trong hai giai đoạn 2020 và 2021. Dự kiến, cuối năm 2021 dự án hoàn thành toàn bộ đầu tư và đưa vào hoạt động 100% công suất chuồng trại.

 

JAPFA:  Đầu tư 500 tỷ đồng xây trại lợn 48.000 con tại Bình Phước

 

Japfa khánh thành trại lợn tại tỉnh Bình Phước, tháng 5/2021 (Ảnh: Báo Bình Phước Online)

 

Năm 2020, công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam vừa khởi công dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 40 ha, dự án sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn thịt heo mỗi năm. Mục tiêu của dự án nhằm cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường đồng thời ổn định nguồn cung trước các loại dịch bệnh. Sau khi đưa vào hoạt động trang trại còn tạo ra cơ hội việc làm và đào tạo nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi cao, có kinh nghiệm vận hành hệ thống theo công nghệ hiện đại.

 

Dự án chăn nuôi nuôi heo giống tại Đắk Nông

 

Cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 1518/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao tại xã Quảng Phú (Krông Nô) của Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai tại Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 14/01/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông.

 

Theo đó, tên dự án mới là Trại heo giống-Trang trại chăn nuôi Quảng Phú có mục tiêu, quy mô phát triển đàn chăn nuôi heo giống, heo thịt thương phẩm xuất trại 110.000 con/năm; trong đó có 4.800 heo nái.Diện tích dự án mới này có tổng cộng gần 71 ha đất. Tổng vốn cho dự án Trại heo giống-Trang trại chăn nuôi Quảng Phú là 254 tỷ đồng.

 

Theo quyết định, đến quý III/2022 Dự án Trại heo giống-Trang trại chăn nuôi Quảng Phú sẽ hoàn thiện, tiến hành nhập heo vào chăn nuôi giai đoạn 1; đến quý III/2024, nhập heo và chăn nuôi tăng đàn giai đoạn 2; đến quý III/2026, nhập heo và chăn nuôi tăng đàn giai đoạn 3. Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Tập đoàn C.P-Thái Lan) để triển khai Dự án Trại heo giống-Trang trại chăn nuôi Quảng Phú.

 

Trước đó, ngày 3/10/2021, Công ty Cổ phần Masan MEATLife trực thuộc Tập đoàn Masan chính thức đưa Tổ hợp chế biến thịt MEAT Deli Sài Gòn tại tỉnh Long An trị giá 1.800 tỷ đi vào hoạt động với công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm, tương đương với 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát.

 

Như vậy, cùng với Nhà máy MEAT Hà Nam khánh thành tháng 12/2018, Masan hoàn toàn đủ khả năng cung ứng được cơ bản nhu cầu tiêu thụ thịt mát cho hai thành phố lớn nhất của cả nước là TP.HCM và Hà Nội và tương lai là cho hàng chục triệu dân của Việt Nam.

 

II. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHĂN NUÔI LỢN NĂM 2021

 

Cần có nhiều chính sách phục hồi và thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành lợn (Ảnh: NGUYỄN NGHĨA)

 

1. Các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 1152/CT-BNN-TY ngày 17/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; các văn bản chỉ đạo tái đàn, tăng đàn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

 

2. Có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi ATSH theo chu kỳ sản xuất.

 

3. Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của Doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

4. Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

 

5. Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép. Có các giải pháp thiết thực để hạ giá thành con giống và thịt lơn hơi lấy thịt; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thit lợn so với các sản phẩm thịt khác sản xuất trong nước và so với thịt lợn nhâp khẩu.

 

6. Chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, khép kín từ sản xuất đến giết mổ, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 15 chuỗi sản xuất liên kết lớn. Xây dựng các vùng ATDB quy mô lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./

 

TS Đoàn Xuân Trúc

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập