Giám đốc HTX Nông sản sạch Sơn Phú với sản phẩm giăm bông được chế biến từ thịt lợn bỏng ngô giun quế
Ông chủ lò gạch đi nuôi lợn trùn quế
Dẫn chúng tôi ra thăm nông trại, anh Nguyễn Văn Hà, SN 1986, Giám đốc HTX Nông sản sạch Sơn Phú cho biết, ngay mảnh đất hơn 3 ha này, gia đình anh từng có nghề làm gạch mang lại thu nhập cao. Khi nghề làm gạch không còn, cách đây khoảng 10 năm, anh Hà khi đó còn rất trẻ đã lao đầu vào nuôi vịt siêu thịt nhưng thua lỗ nặng nề. Đi giao lưu nhiều nơi, anh quyết định gây dựng nông trại của mình với lĩnh vực chính là nuôi lợn thịt bằng giun quế.
Khu nuôi lợn của anh Hà được làm theo kiểu chuồng hở để lợn có thể thoải mái tắm nắng. Mọi người vào thăm chuồng trại thoải mái, không phải sát trùng, khử trùng giống trại nuôi lợn công nghiệp khác mà đàn lợn 300 con của gia đình anh lúc nào cũng khỏe mạnh, tràn trề sức sống.
Anh Hà tiết lộ, tất cả đều nhờ vào giun quế. Để chứng minh, anh dẫn chúng tôi ra khu vực chuồng nuôi giun quế rộng khoảng 250 m², được chia tách thành những ô vuông chằn chặn.
Lật tấm bạt được cắt ra từ những chiếc tải đã cũ, anh Hà chỉ tay và nói: “Đây là phân bò được công nhân thu mua, bỏ vào đây làm thức ăn cho giun ăn. Giun nuôi khoảng 1 tháng thì lớn và có thể thu hoạch được. Giun này anh đưa đi muối chua với cá để nấu cho lợn ăn ”, anh Hà nói.
Lợn thịt được kiểm soát chặt chẽ, quản lý dịch bệnh, được tiêm phòng vắc xin bắt buộc với một số bệnh như tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng… Lý lịch của toàn bộ đàn lợn được ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Nước thải được đưa xuống hố biogas và được xử lí qua bể thải. Chất đốt được tận dụng vào việc nấu cá, nấu men cho lợn ăn.
Giai đoạn từ 10 – 30kg, anh Hà nuôi lợn bằng cám viên, bắt đầu từ ngày thứ 75 anh nuôi bằng ngô, đậu tương, bã bia, cá ủ muối, giun quế. Những con lợn 80 – 100kg thì anh không bao giờ sử dụng đến kháng sinh mà nếu đổ bệnh thì phải loại bỏ, đưa vào ao nuôi cá trê, cá chim.
“Lợn nuôi bằng nuôi bằng giun quế có sức đề kháng rất tốt, ít bị bệnh tật nhưng cũng không thể lớn nhanh được như lợn nuôi bằng cám công nghiệp”. Anh Hà cho biết, lợn nuôi cám công nghiệp mỗi tháng có thể tăng vài chục ký, 4 tháng thì xuất bán được, còn lợn nuôi bằng giun quế mỗi tháng chỉ tăng 10 – 12 kg, 7 tháng mới được xuất chuồng”.
Cùng với đó, HTX Sơn Phú còn nổ bỏng ngô, đậu tương rất thơm ngon cho đàn lợn của mình. Thức ăn chăn nuôi tự phối trộn không sử dụng chất cấm, không tồn dư kháng sinh.
Làm chuỗi thịt lợn sạch
Cách đây 4 năm, giám đốc HTX Nông sản Sơn Phú đầu tư làm chuỗi thịt lợn. Để bảo đảm sản phẩm thịt khi giết mổ không bị nhiễm khuẩn, hệ thống giết mổ (có giấy phép) được HTX đặt ngay trong trang trại, có trang bị phòng lạnh với đầy đủ các thiết bị hiện đại. Trước khi giết mổ, đàn lợn được tắm rửa sạch sẽ ở một ô chuồng. Thịt lợn sau khi mổ được cấp đông ngay tại chỗ. Để đảm bảo sự vận hành xuyên suốt, toàn bộ trang trại được lắp camera giám sát từ khu chế biến thức ăn, chuồng trại chăn nuôi tới khu giết mổ, vận chuyển… Tất cả, đã giúp HTX Sơn Phú tạo ra sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Trước khi giao hàng cho khách, anh Hà đều tự mình kiểm tra bằng cảm quan và luộc thịt ăn thử, nếu đạt yêu cầu anh mới đưa đi vì không muốn ảnh hưởng đến thương hiệu của mình. Anh cho rằng, khi khách hàng đã đặt niềm tin vào mình, từ chất lượng sản phẩm, đến phong cách phục vụ cũng cần chuẩn chỉnh, từ giờ giấc tới quy cách đóng gói. Nhờ vậy, sản phẩm thịt lợn bỏng ngô trùn quê của HTX Sơn Phú đã được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm lựa chọn là nhà phân phối thịt lợn. Cùng với đó, 20 khách hàng lẻ ở Hà Nội cũng thường xuyên sử dụng sản phẩm của Sơn Phú. Tận dụng tất cả sản phẩm từ con lợn, anh Hà còn chế biến ra các sản phẩm liên quan đến thịt lợn như giò, chả, dăm bông… để nâng cao giá trị chăn nuôi.
Áp dụng chuỗi thành công có những thời điểm giá thịt lợn bán rẻ xuống mức 15.000 đồng/kg lợn hơi thì giá thịt lợn của Nông trại Sơn Phú vẫn không bị ảnh hưởng, mà giữ nguyên. Sơn Phú tự tin vượt qua bão giá lợn.
Kể về những ngày đầu lập nghiệp, anh Hà lo nhất là đầu ra cho sản phẩm thịt lợn của mình. Nhưng khi khi đã liên kết được với đơn vị tiêu thụ, vấn đề anh quan tâm nhất đó chính là chất lượng. Mặc dù người tiêu dùng đánh giá tốt nhưng anh thấy chỉ được 80% so với yêu cầu của mình. Anh băn khoăn: Người tiêu dùng rất ưa thịt có màu đỏ đậm và độ mỡ thấp. Nếu nuôi nhiều bằng cám viên thì thịt có màu đậm, đẹp hơn nhưng thịt lại không nạc và ngọt bằng.
Muốn khẳng định chất lượng bắt buộc phải nuôi lợn bằng giun quế trong một thời gian dài.
Một bài học mà anh Hà cho rằng phải đánh đổi bằng nhãn tiền đó là 140 con lợn giun quế của anh phải đưa ra ngoài bán với giá rẻ mạt: 1,6 triệu đồng/con, bằng giá giống khi anh nhập vào, còn công sức và tiền thức ăn coi như “công cốc”. Chuyến đó anh thua lỗ vài trăm triệu, cũng bởi vì anh vội vàng chạy theo số lượng. Khi phát hiện ra sản phẩm của mình không đạt yêu cầu, anh cho rằng, nếu cứ cố tình đưa vào chuỗi thì sẽ mất thị trường và thất bại không thể gượng dậy được.
Định hướng của giám đốc HTX Nông sản sạch Sơn Phú là có thể tự chủ được con giống, cũng như ngô, đậu tương, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế bột cá. Cùng với đó, thiết lập được kênh phân phối sản phẩm thịt lợn bỏng ngô trùn quế cho riêng mình.
Hiện nay, HTX Nông sản sạch Sơn Phú đang tạo thu nhập cho 8 nhân công. Trừ chi phí, mỗi tháng HTX thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Để làm chuỗi chăn nuôi thành công, theo giám đốc HTX Sơn Phú, cần thiết phải đặt chất lượng và sự minh bạch lên hàng đầu. Cùng với đó, tài chính phải thật vững chắc để tránh “đứt gánh giữa đường”.
Phương Hà
Nguồn: Nhachannuoi.vn