Ở thời điểm đó, đã có nhiều “ông lớn” lao vào “cuộc chơi” như Vinh Anh Food, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà thất bại. Nhờ sự nỗ lực, kiên trì của doanh nhân Đào Quang Vinh và tập thể công ty, mà sau nhiều năm, Vinh Anh Food đã khiến cho bản đồ giết mổ, chế biến thịt của thủ đô có nhiều thay đổi tích cực, người dân được sử dụng những miếng thịt lợn tươi, sạch.
Tư tưởng đi trước thời đại
Doanh nhân Đào Quang Vinh, một người hoạt ngôn, nhanh nhẹn, giọng hơi khàn, bồi hồi kể cho chúng tôi về 37 năm duyên nợ với nghề giết mổ lợn. Hồi đó, khi mới đi bộ đội về, chàng thanh niên trẻ Quang Vinh được bố xin vào lò giết mổ của Công ty thực phẩm Hà Nội. Dù đây là một ngành “hot” của Hà Nội ngày bấy giờ, nhưng làm xong ngày đầu tiên, tới ngày thứ hai thì Đào Quang Vinh muốn xin nghỉ việc ngay. Bởi, anh là người học rất tốt các môn tự nhiên, chẳng thạo mấy việc chân tay như trong lò giết mổ, nhưng bỏ việc thì chẳng biết làm gì. Thế là vẫn cứ phải theo.
Sau thời kỳ bao cấp, đã định bỏ, nhưng nghề giết mổ vẫn còn quấn lấy ông như duyên nợ kiếp trước, và ông mở lò giết mổ thủ công ở Phùng Khoang, Trung Văn. Công việc này gắn bó với ông Vinh hơn 10 năm.
Dẫu vậy, trong tâm trí ông Vinh, hình ảnh dây chuyền giết gia súc hiện đại của các nước phương Tây, mà ông từng biết qua phim ảnh cứ hiện lên mồn một. Họ dùng điện làm ngất con lợn trước khi lấy huyết, nên chúng ra đi thanh thản, không biết cảm giác đau đớn vật vã. Chúng được hưởng quyền súc vật. Rồi khâu làm lông lợn cũng bằng máy, mổ treo, chẳng chạm đất tí nào, rất sạch sẽ.
Còn ở ta, việc giết mổ gia súc vẫn còn lạc hậu mãi. Những con lợn kêu eng éc từ lúc bắt khỏi chuồng, rồi bị chọc tiết, tất cả các công đoạn giết mổ vẫn làm trên nền đất bẩn. Nhân công trong lò mổ lại thật vất vả, nóng bức nên họ chỉ mặc quần đùi, áo may ô, máu me có lúc bắn cả lên người. Điều ấy, khác hẳn với những người công nhân mặc bộ quần áo trắng, đeo găng tay, khẩu trang, đi ủng, nhàn nhã, mát mẻ trong nhà xưởng của dây chuyền giết mổ công nghiệp.
Rồi ông Vinh chứng kiến một người đàn ông lái chiếc xe cà tàng, cũ mèm và phía sau là người phụ nữ ngồi vắt vẻo trên lưng con lợn vừa giết thịt. Trên đường vận chuyển, khói xe, bụi cát đã tẩm vào thứ thực phẩm ấy một màu đen trộn lẫn với màu đất. Ông rùng mình sợ hãi: Tại sao không đưa dây chuyền giết mổ, chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho việc sản xuất thịt sạch vào thị trường Việt Nam?
Liều lĩnh “nướng” cả cơ nghiệp vào nhà máy chế biến
Thế là, năm 2012, sau khi thành lập công ty Cổ phần thực phẩm Vinh Anh, nhà máy chế biến thịt tươi sạch đã ra đời với quy mô lớn bậc nhất tại khu vực miền Bắc. Doanh nhân họ Đào cho rằng, đó là cả cơ nghiệp, số tiền đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc, phục vụ cho công tác giết mổ, chế biến thịt lợn được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc với công suất từ 600 - 1.000 con lợn/ ca, đảm bảo khoa học, hiện đại hơn hẳn so với cơ sở nhỏ lẻ, manh mún ban đầu.
Một sản phẩm của Vinh Anh Food
Hệ thống kho lạnh được thiết kế chuyên nghiệp, nhập khẩu từ CHLB Đức, công suất 500 tấn. Tại phía Bắc, Vinh Anh tự hào là nhà máy duy nhất đồng bộ hóa các khâu trong dây chuyền giết mổ từ châm tê đến làm mát thịt. Khác với các lò giết mổ thủ công, quy trình của Công ty được thực hiện một cách khoa học, bài bản. Lợn được đưa vào máy châm tê tự động ba điểm năng (làm theo cách này thịt không bị biến đổi lý hóa, ảnh hưởng đến chất lượng thịt như cách gây tê thủ công), sau đó đưa vào rửa trụng nước nóng và đánh lông tự động. Việc áp dụng máy móc và thiết bị hiện đại đã giúp thực phẩm đảm bảo vệ sinh hơn, đạt công suất cao hơn so với những lò giết mổ thông thường.
Ngoài việc đầu tư công nghệ tiên tiến và dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty còn rất coi trọng đến nguồn nguyên liệu sạch. Ông Đào Quang Vinh cho biết thêm, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn, Vinh Anh Food liên kết chuỗi với trang trại chăn nuôi lợn có chất lượng cao.
Vận chuyển cũng là một trong những khâu được Vinh Anh đặc biệt chú trọng. Để đảm bảo thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh, 100% số thịt sạch của Công ty sẽ được phân phối đến các siêu thị, đại lý bằng ô tô chuyên dùng có hệ thống lạnh.
Sau những hào nhoáng, ông Vinh hơi chút ngậm ngùi: “Thực ra, xây dựng nhà máy để kiếm tiền không phải mục đích chính, bởi làm lò mổ thủ công kiếm tiền dễ hơn nhiều. Mấy năm trước, khi nhà máy mới hoạt động, chi phí thì nhiều mà thu lại thì ít, nếu không có tài trợ thì đã “sập tiệm” như mấy lò mổ công nghiệp khác rồi”.
Ông Vinh tính ra từng khoản: “Ban đầu, mới đi vào hoạt động, nhà máy chỉ giết được 50 con/ngày mà công rửa 2.500m² nhà xưởng, làm sao mà không lỗ được. Biết là lỗ nhưng công ty vẫn kiên trì, vẫn không nghỉ ngày nào, 30 con vẫn làm, lỗ vẫn phải duy trì”.
Từ năm 2017, khi ATTP được Hà Nội thắt chặt hơn, nhiều siêu thị, bếp ăn, cơ sở chế biến thực phẩm bị thanh kiểm tra ngặt nghèo, Vinh Anh Food là đơn vị giết mổ hiện đại, có kiểm dịch, giấy tờ đầy đủ, đã trở thành sự lựa chọn của nhiều công ty hơn. Hiện tại, lò mổ của Vinh Anh đã nâng được công suất giết mổ lên 200 con/ngày. Mong muốn của ông Vinh là có thể giết mổ được 400-500 con/ngày (bằng 50% công suất); cùng với đó, bán thịt lợn và các sản phẩm bằng giá thị trường, nhưng vẫn có lời. Ông cho rằng “bán thực phẩm không chỉ bằng quan hệ mà phải bằng chất lượng”.
Đã có nhiều ý kiến tranh luận với ông Vinh giết mổ công nghiệp tốn kém hơn giết mổ thủ công. Đưa những dẫn chứng xác thực, ông Vinh khẳng định giết mổ công nghiệp rẻ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn rất nhiều. Với 500 con lợn cho lò công nghiệp chỉ cần 15 người, còn giết mổ thủ công dùng không dưới 100 người. Dây chuyền 20 tỷ cho khấu hao 10 năm, mỗi năm là 2 tỷ, mỗi tháng gần 200 triệu, số tiền đó chia cho tiền lương của công nhân chắc chắn rẻ hơn so với lò mổ thủ công. Còn phần xử lí nước thải tốn 100 triệu/tháng, nhưng đó là phần cộng đồng được lợi.
“Mặt khác, nếu như chi phí có bằng nhau hoặc cao hơn một chút, thì thực phẩm nhiễm bẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và chi phí cho bệnh viện tăng lên, thì cái nào có lợi cho xã hội hơn”?, ông Vinh đặt vấn đề.
Ông chủ Vinh Anh Food cho rằng, cái khó nhất là vốn đầu tư ban đầu lớn và chưa nhiều người tiêu dùng biết đến lợi ích của thịt mát. Ông lí giải, thịt sau khi giết mổ, thịt trải qua giai đoạn làm mát để biến đổi enzym, thịt sẽ mềm, nhiều chất dinh dưỡng và thơm ngon hơn. Thịt mát chỉ làm được ở những nhà máy giết mổ công nghiệp. Thịt nóng, nếu ở nhiệt độ 350C cứ 15 phút vi sinh vật có hại tự nhân đôi theo cấp số nhân, còn nếu với nhiệt độ 50C thì sau 600 phút mới tự phân đôi.
Quyết tâm làm chuỗi, mang lại thực phẩm sạch cho người tiêu dùng
Bắt đầu từ năm 2014, Vinh Anh đã bắt tay vào làm chuỗi để có chất lượng ổn định. Trong khi chưa tìm được các trại tham gia ông đã mạnh dạn thuê trại nuôi gần 4.000 con để tìm hiểu nắm bắt quy trình chăn nuôi và những thuận lợi, khó khăn của ngành chăn nuôi heo.
Ông Vinh chia sẻ, nhà máy giết mổ chỉ là bề nổi, thương hiệu Vinh Anh Food chỉ thực sự vững chắc khi kiểm soát được đầu vào, chất lượng ổn định nếu không công ty sẽ phá sản ngay. Bề sâu của thương hiệu thực phẩm chính là khâu chăn nuôi, để ra được sản phẩm tốt thì: giống phải đảm bảo, thức ăn tự trộn có kiểm soát hoặc mua ở những công ty uy tín; quy trình sử dụng vắc xin, kháng sinh, thuốc thú y cần có quy định nghiêm ngặt…
Dây chuyền giết mổ hiện đại của Vinh Anh
Không chỉ tự mình làm chuỗi, đầu năm 2017, Vinh Anh, Deheus, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội và 20 trang trại chăn nuôi tổ chức lễ ký kết hợp tác liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối thịt heo sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc. Đến nay, chuỗi đi vào hoạt động, Vinh Anh mong muốn với chất lượng tốt và thị trường ổn định, có thể mua cho người chăn nuôi tham gia chuỗi cao hơn từ 1 đến 2 giá so với thị trường.
Doanh nhân họ Đào có niềm tin mãnh liệt vào chuỗi, ông cho rằng vì đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội. “Châu Âu họ làm thành công thì mình cũng phải đi theo mà thôi”. Làm theo chuỗi giúp ổn định kế hoạch sản xuất, truy xuất nguồn gốc, dễ dàng quy trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra trong quá trình từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối. Tạo niềm tin được cho người tiêu dùng.
Một lần đi học tập ở Hà Lan, ông Vinh nhận ra tại đây, người nông dân của họ, khi thả heo vào chuồng là biết bán cho ai và số lượng chăn nuôi trong cả năm là bao nhiêu. Việc chăn nuôi heo có hợp đồng theo số lượng, phía bao tiêu sản phẩm dự báo được thị trường tăng giảm sẽ giảm, bớt được rủi do cho người chăn nuôi.
Để chăn nuôi phát triển, cần thay đổi tư duy của người nuôi, đó là tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng trong nước. Nếu các nước khác không mở cửa thị trường, chúng ta cứ phục vụ tốt cho hơn 90 triệu dân Việt Nam. Chăn nuôi nên theo chuỗi, lãi 300.000 - 400.000 đồng/con nhưng ổn định, còn hơn lãi 1 triệu đồng nhưng bấp bênh như hai năm vừa qua.
Trăn trở về an toàn thực phẩm, vị doanh nhân này đưa ra ý kiến, tại sao chính quyền đưa an toàn giao thông vào trong trường học để giảng dạy cho học sinh, mà không đưa an toàn thực phẩm, vấn đề này quan trọng chẳng kém. Giới trẻ sẽ có những tư duy mới về thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng. Cơ quan nhà nước nên có quy định chặt chẽ hơn nữa về an toàn thực phẩm, thế nào là một quầy thịt sống, quầy thịt chín đạt chuẩn, nên áp dụng ngay tại chợ truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Năm 2018, Công ty sẽ mở phòng pha lóc tự động và tiến hành pha lóc trên băng chuyền. Cùng với đó, Vinh Anh với Deheus sẽ đưa chương trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn ra thị trường. Song song, công ty tiếp tục xây dựng, lắp đặt dây chuyền giết mổ gà. Ông Đào Quang Vinh đùa “Chẳng biết có lợi nhuận không, nhưng thích thì làm”.
HÀ NGÂN
Nguồn: Nhachannuoi.vn