Hình ảnh minh họa
Nếu như vào tháng 12.2017, giá lợn hơi vào khoảng trên 40 nghìn đồng/kg, thì nay, giá chỉ còn khoảng 30 nghìn đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai - trung tâm nuôi lợn lớn nhất cả nước, với hơn 2 triệu con - giá thịt lợn thậm chí, có ngày giá xuống còn 29 nghìn đồng/kg. Bình quân người chăn nuôi lỗ từ 3-4 nghìn đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng tương tự.
Anh Nguyễn Trí Công - chủ trại lợn ở TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Để giảm lỗ, nhiều chủ trại đành... bỏ đói đàn lợn, giảm khẩu phần ăn. Thậm chí, có không ít trại chuyển dần từng chuồng sang nuôi gà, vịt...”. Một số chủ trại phó thác số mệnh theo thị trường, với hy vọng những ngày giáp tết, nhu cầu người tiêu dùng tăng, giá lợn hơi sẽ trở lại mức trên 40 nghìn đồng/kg; khi đó người chăn nuôi sẽ cắt lỗ... Các chuyên gia thì cho rằng, giá lợn sụt giảm trong những ngày đầu năm 2018 là do Trung Quốc xiết chặt nhập khẩu lợn hơi. Tuy nhiên, sắp tới, trước thềm Tết Mậu Tuất 2018, số lượng lợn hơi sẽ tăng nhập khẩu vào Trung Quốc, thì giá lợn hơi sẽ trở lại mức bình thường v.v... Trong lúc đó, thông tin từ Bộ NNPTNT cho hay, số lượng đàn lợn trên cả nước, hiện đã giảm 5,7% so với cùng kỳ của năm 2017 - thời điểm xảy ra khủng hoảng thừa lợn, buộc cả nước phải mở những đợt “giải cứu” thịt lợn.
Trước mắt, theo nhận định từ các nhà chuyên môn, thì đàn lợn vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường, không thừa cũng không thiếu, dù giá cả có giảm sâu... Tuy nhiên, thời điểm Tết Nguyên đán đang đến rất gần sẽ là cơ hội để giá lợn tăng cao, bớt lỗ cho người nuôi. Song, nói cho cùng, những cái bảo đảm ấy vẫn chỉ là... phán đoán một cách mong manh, tuỳ theo cách nói của mỗi cá nhân. Không ai chắc chắn điều gì trên cơ sở thống kê vững chắc về thị trường hay số liệu xuất khẩu chặt chẽ. Bài học nhãn tiền những năm trước đây, vẫn là ngày tết đấy, nhưng dưa hấu, hoa tươi... thừa mứa, cung nhiều hơn cầu, người bán đổ bỏ trong tức tưởi ngập ngụa nước mắt... Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngành NNPTNT phải làm nhiều hơn nữa, mới may ra giúp người chăn nuôi bền vững, để không còn phải phập phồng, lo âu, không còn nguy cơ “giải cứu.
Cao Hùng
Nguồn: Báo Lao động