Tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng và tăng quy mô đàn bò cái sinh sản của địa phương để tạo ra đàn bò cái nền có năng suất, chất lượng cao thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi, thời tiết, khí hậu tại đại phương.
Đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao.
Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2018 có 31.275 con bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao; trong đó ở khu dân cư có gần 29.500 con, trong khu quy hoạch là 1.780 con; số bê cái sinh ra là gần 7.000 con; tổng lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 2.500 tấn với doanh thu trên 200 tỷ đồng.
Theo ông Trương Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nam xây dựng quy hoạch khoảng 20 khu chăn nuôi tập trung bò sinh sản, bò thịt với tổng diện tích khoảng 150 -200 ha; mỗi khu quy hoạch có diện tích từ 5 - 10 ha. Trước mắt, đến hết năm 2018, tỉnh hoàn thành 7 khu chăn nuôi tập trung đảm bảo hạ tầng đồng bộ với quy mô 1.780 con bò sinh sản, bò thịt; quy hoạch vùng trồng cỏ khoảng trên 1.500 ha đất trồng cây thức ăn cho bò để đảm bảo chủ động cung cấp nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò. Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh bò và vật tư phối giống nhân tạo; hỗ trợ kinh phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt; đào tạo kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò tại các cụm xã có phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản. Tại các khu chăn nuôi tập trung, tỉnh hỗ trợ cứng hóa đường giao thông; hỗ trợ đường nước sạch, mua máy thái cỏ, xử lý môi trường... Tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể làng, bể biogas, hố ủ phân… đảm bảo dung tích khoảng 1 m3/con bò nhằm xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp đã thực hiện tiêm phòng bệnh lở mồm long móng định kỳ 2 lần/năm; tuyên truyền vận động các hộ dân tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng định kỳ 2 lần/năm và tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần/con; tăng cường kiểm dịch động vật đối với bò nhập về để phòng ngừa dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào trong tỉnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tập trung.
Địa phương đã lựa chọn 7.500 lượt con bò vàng, bò lai Sind có máu lai thấp dưới 70% để áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao tỷ lệ máu ngoại cũng như tầm vóc đàn bò; đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt trên địa bàn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung và cơ sở chế biến để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và tạo ra thương hiệu thịt bò của địa phương; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh lân cận.
Thanh Tuấn
(Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết)