Hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp nên sức khỏe đàn gia súc, gia cầm bị suy giảm. Trong khi đó, công tác quản lý, kinh doanh động vật trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Để chủ động phòng, chống và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy gần 1.000 mẫu để làm xét nghiệm. Các địa phương cũng ra quân thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, hỗ trợ khoảng 294 tấn vôi bột phục vụ việc xử lý môi trường ở những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm bảo đảm tỷ lệ đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên...
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như các bệnh lây sang người có chiều hướng phức tạp. Cụ thể, cúm gia cầm đã có nhiều biến chủng nguy hiểm, trong đó phải kể đến chủng cúm A/H7N9. Bệnh lở mồm, long móng có nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Đối với chăn nuôi lợn, bệnh tai xanh rất dễ mắc trong giai đoạn này và có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ tại địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước với gần 29 triệu con và có 2 chợ đầu mối gia cầm gồm chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) và chợ Hải Bối (huyện Đông Anh). Chợ đầu mối Hà Vĩ có số lượng vận chuyển trung bình từ 40 đến 60 tấn gia cầm/ngày đêm, còn chợ Hải Bối khoảng 3.000 con/ngày đêm… Đàn lợn, trâu, bò cũng có tổng đàn khá lớn, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đang gặp không ít khó khăn, bất cập. Cụ thể, một số nơi sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ. Tại địa bàn giáp ranh giữa một số huyện với các quận như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông… vẫn còn tình trạng chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm sống, hoạt động không đúng quy định...
Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sóc Sơn Vương Xuân Thạch cho hay: Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung và sau khi Luật Thú y có hiệu lực (từ ngày 1-7-2016) bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh càng gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào lưu thông, buôn bán, giết mổ. Huyện Sóc Sơn lại giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh cũng không thuận lợi.
Với tốc độ phát triển đàn vật nuôi và mức lưu thông gia súc, gia cầm lớn như hiện nay, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp trong quý I-2018. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi phát triển theo hướng khép kín, an toàn sinh học và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...
Sơn Tùng
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)