Hiện đàn heo nái trong mô hình đã đẻ lứa đầu và đang phát triển tốt, không bị bệnh.
Sự cần thiết của dự án
Trong những năm qua, tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đạt được những tiến bộ đáng kể, nhiều phương thức và công nghệ tiên tiến được áp dụng. Tuy chăn nuôi trang trại và gia trại đã có bước phát triển, nhưng hình thức chăn nuôi heo truyền thống, phân tán nhỏ lẻ trong các nông hộ vẫn là chủ yếu. Như trong năm 2017, do ảnh hưởng của giá cả thị trường tiêu thụ và giá heo xuống thấp nên đàn heo duy trì còn khoảng 278.000 con. Theo đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến phát triển chăn nuôi, cũng như tìm giải pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Theo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, với mục tiêu cải tạo, nâng cao chất lượng con heo giống và kiểm soát dịch bệnh, ngành chuyên môn cần mở rộng đối tượng vật nuôi, đưa các giống heo có năng suất, tỷ lệ nạc cao và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo VietGAP để tạo ra sản phẩm, thực phẩm an toàn nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người chăn nuôi… Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn (heo) sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ” được triển khai là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh heo đực giống ngoại hoặc lai có chất lượng cao (giống Duroc, Landrace, Yorkshire) thay thế heo đực giống không đảm bảo chất lượng trong nông hộ; đồng thời, tăng tỷ lệ sống của heo con cho các đàn heo nái, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Ông Ngô Hiền Triết - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ tháng 3-2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án tại huyện Châu Thành và TP. Sóc Trăng với quy mô, gồm: 4 heo đực giống, 20 heo nái giống. Theo đó, mỗi heo đực giống phải được nuôi dưỡng tốt và khai thác tinh để thụ tinh nhân tạo miễn phí 25 heo nái trong vùng dự án”.
Hiệu quả bước đầu từ dự án
Là một trong những hộ đủ điều kiện được chọn tham gia thực hiện mô hình thí điểm nuôi heo sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, bà Nguyễn Tố Quyên ở Khóm 4, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) cho biết: “Tôi được hỗ trợ cho 5 con heo nái, đến nay heo nái đã phối giống bằng phương thức thụ tinh nhân tạo, đã có chửa và đẻ lứa đầu được 12 con/ổ. Hiện heo sơ sinh đang phát triển rất tốt và không bị bệnh”.
Còn ông Mạch Trung Sơn ở Khóm 5, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 2 con heo đực đang phát triển rất tốt và hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Sơn bộc bạch: “Do mình cũng đã có kinh nghiệm nuôi heo cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật khuyến nông nên heo đực giống được chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật, bây giờ, có thể khai thác tinh được thường xuyên khoảng 2 tuần/lần”.
Theo đánh giá kết quả sản xuất của đàn heo trong mô hình của Trung tâm Khuyến nông, đàn heo đực tuy mới được đưa vào khai thác nhưng chất lượng tinh tốt, số liều tinh đảm bảo và đã được phối giống cho heo nái trong vùng bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, với tổng số 432 liều tinh, phối được 74 heo nái. Số con sơ sinh từ heo mẹ được thụ tinh nhân tạo luôn ổn định, dao động từ 11 con - 14 con/ổ; heo con do heo mẹ được thụ tinh nhân tạo từ heo đực giống của mô hình sinh ra có trọng lượng sơ sinh lớn, tỷ lệ sống cao và tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh. Đây sẽ là nguồn con giống nuôi thương phẩm tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Nói về kỹ thuật áp dụng vào mô hình, ông Ngô Hiền Triết cho biết: “Các hộ tham gia mô hình đều được hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (thực hiện cách ly, có hố sát trùng ở cửa ra vào chuồng nuôi và khu chăn nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại khu chăn nuôi, con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas...) và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi heo đực giống, khai thác và pha chế tinh cũng như kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho heo nái; kỹ thuật chăn nuôi heo nái, phát hiện động dục, chăm sóc heo con sau cai sữa... Ngoài ra, hướng dẫn hộ ghi chép sổ nhật ký theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, khả năng sản xuất, dịch bệnh, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng... của đàn heo”.
Cũng theo ông Ngô Hiền Triết, để tham gia mô hình, hộ phải có kinh nghiệm nuôi heo đực giống, đã nuôi nhiều heo nái, có chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có vốn đối ứng… Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư, gồm: thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng… và được tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi.
Tuyết Xuân
Nguồn: Báo Sóc Trăng