1. LỜI MỞ ĐẦU
Năm 2009, Hoffman đã nêu rõ bảo tồn nguồn gen vật nuôi là một vấn đề cấp bách mang tính chất toàn cầu. Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường thì an toàn lương thực và thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Mặt khác, do áp lực của nền kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhanh, đáp ứng với sự tăng dân số trên thế giới nên đòi hỏi phải có những giống vật nuôi có năng suất cao, vì vậy rất nhiều giống vật nuôi bản địa quý hiếm đang có nguy cơ bị mất đi. Một khi, những giống vật nuôi bản địa quý hiếm đó sẽ làm mất đi nguồn gen đặc trưng quý báu của nó mà mãi mãi không thể tìm lại được nữa. Bàn về lĩnh vực này, năm 2003, nhóm tác giả Blott đã nêu rõ chính các giống vật nuôi bản nuôi là nguồn gen quý và đa dạng để khai thác, phát triển và lai tạo ra các giống thương phẩm trong tương lai và tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững.
Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi là một trong những giải pháp lâu dài. Sự tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi là vấn đề báo động khẩn cấp cần được quan tâm. Tuy những giống này năng suất thấp nhưng mang những đặc điểm quý: thịt thơm ngon, chịu đựng kham khổ, thích nghi với điều kiện sinh thái nơi nó sinh ra… Nguồn gen vật nuôi bản địa là tài sản quý, cần biết gìn giữ và phát triển như nhận định của ông Keith Hammond - chuyên gia của FAO đã công bố vào những năm 1990 và 2011 “Sự đa dạng vật nuôi là duy nhất và không thể được thay thế, ngành công nghệ sinh học mới mẻ có thể cố gắng để cải tiến giống đến đâu chăng nữa thì vẫn không thể thay thế được sự đa dạng đã mất. Những mất mát của sự đa dạng là vĩnh viễn. Công nghệ sinh học sẽ không thể tạo ra sự đa dạng khi nó đã bị mất đi”.
Đứng trước nguy cơ đó, từ năm 1990 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Chăn nuôi thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi. Gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong chương trình giống vật nuôi, cây trồng đã coi việc bảo tồn nguồn gen là một bộ phận quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, giúp cho việc chuyển đổi nhanh giống vật nuôi phù hợp với môi trường và góp phần đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững. Điều này càng quan trọng đối với các nước đang phát triển có nền sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất nhỏ, khả năng đầu tư thấp, chăn nuôi theo kiểu truyền thống tương tự như nền nông nghiệp ở nước ta…
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng đa dạng sinh học và là cái nôi thuần hoá gia súc, gia cầm của loài người. Những yếu tố tạo nên sự đa dạng vật nuôi ở nước ta đó là sự đa dạng về địa lý (trải dài qua nhiều vĩ tuyến, có khí hậu khác nhau), có nhiều tộc người, bao gồm 54 dân tộc với sự đa dạng về phong tục tập quán và hệ thống chăn nuôi. Các nguồn gen vật nuôi của nước ta tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh thuộc khu vực miền trung Trung bộ và khu vực Tây nguyên.
Trong những năm gần đây, việc khai thác nguồn gen bản địa khá sôi động, các giống vật nuôi hiếm hoi của các cộng đồng người dân tộc thiểu số được đầu tư để phát triển. Bởi vì trước mắt nó mang lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi cao hơn so với nuôi các giống vật nuôi bình thường. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần phải khai thác thế mạnh và nhu cầu ẩm thực, văn hóa của các giống vật nuôi bản địa đang được nâng cao. Năm 2007, một lần nữa FAO khẳng định khai thác và phát triển là giải pháp tối ưu nhất nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học các giống vật nuôi bản địa góp phần phát triển nền nông nghiệp sinh thái.
Các giống vật nuôi đã được phát triển mang lại hiệu quả nổi trội là gà H’Mông, vịt Bầu Quỳ, cừu Phan Rang và lợn Móng Cái. Chúng ta đã có một số nghiên cứu đối với các nguồn gen lợn bản địa dọc khu vực dãy Trường Sơn như lợn Vân Pa (Quảng Trị), lợn Khùa (Quảng Bình) và một số nguồn gen giống lợn bản địa tại khu vực miền núi phía Bắc như lợn Mường Khương (Lào Cai), Lửng (Phú Thọ), lợn Mường Lay (Điện Biên), lợn Hạ Lang và Táp Ná, lợn Hương (Cao Bằng); một số nguồn gen gia cầm được phát triển ở vùng đồng bằng sông Hồng như gà Mía (Hà Nội), gà Móng (Hà Nam), gà Đông Tảo (Hưng Yên),..v.v. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có rất ít giống bản địa được đưa vào danh sách nuôi giữ giống gốc như lợn Móng Cái, gà Ri, gà H’Mông. Phần lớn các giống mới chỉ được nuôi bảo tồn, lưu giữ nguồn gen.
Từ công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi bản địa, các giống có khả năng phát triển đã được đưa vào sử dụng làm nguyên liệu cho công tác lai tạo với các giống nhập nội để đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi. Năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18 quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen. Từ khi triển khai thông tư 18 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi, với mục tiêu tạo ra được đàn hạt nhân, đàn sản xuất và con thương phẩm chuyển giao cho sản xuất.
Giống lợn Ỉ
2. NHỮNG THÀNH QUẢ VỀ CÔNG TÁC BẢO TỒN NGUỒN GEN VẬT NUÔI
Công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi Việt Nam được thực hiện từ năm 1990, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt đã tìm kiếm được những giống động vật hoang dã đang còn tồn tại sống trong mọi vùng, miền của đất nước để từ đó đưa vào bảo tồn nguồn gen rất quý hiếm đó. Sau khi chúng được bảo tồn, các nguồn gen quý hiếm đó đã được giới thiệu cùng cộng đồng để mọi người biết và cùng tham gia khai thác và phát triển nhằm biến những động vật hoang dã đó trở thành những động vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Để các nguồn gen vật nuôi bản địa quý hiếm đó ngày càng mang lại hiệu quả hơn, đặc biệt cung cấp cho cộng đồng những giống vật nuôi mà chỉ từ chúng mới mang lại nguồn thực phẩm đặc sản cho chúng ta, chúng tôi xin giới thiệu những kết quả đã đạt được trong những năm qua nhằm giúp cho mọi người cùng tham gia khai thác hữu hiệu nguồn gen bản địa quý hiếm này.
2.1. Thành công nổi bật nhất là đã tổ chức và xây dựng được mạng lưới bảo tồn
Viện Chăn nuôi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ chủ trì và thực hiện nhiệm vụ quỹ gen vật nuôi từ năm 1990. Viện thành lập Ban chủ nhiệm điều hành với sự hoạt động chính là Bộ môn Động vật qúy hiếm và Đa dạng Sinh học cùng với một mạng lưới rộng lớn cả nước gồm các nhà khoa học, doanh nghiệp và cá nhân.
Nguồn gen vật nuôi nằm rải rác khắp mọi miền của tổ quốc, nên việc tiến hành xây dựng mạng lưới tham gia thực hiện gồm các cơ sở có nguồn gen, chủ trì các cơ sở đó là các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ và năng lực, các chuyên gia, cán bộ khoa học về chăn nuôi, thú y, công nghệ sinh học,.. của 38 đơn vị/cơ sở đó là các Bộ môn nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào động vật và các Trung tâm thực thuộc Viện Chăn nuôi, Trường Đại học, Sở Nông nghiệp, Sở KHCN, phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến Nông, Thú y, công ty giống, các trung tâm, trạm trại, các cơ sở chăn nuôi/hộ gia đình ở các địa phương nơi có đối tượng nguồn gen tham gia vào mạng lưới bảo tồn.
Đặc biệt, chương trình đã phối hợp với các tổ chức quốc tế FAO, UNDP, NGOs,… các quốc gia như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hungary, Ấn Độ, Đài Loan… tạo nên một sức mạnh tổng hợp.
2.2. Đã xây dựng được cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh cho công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi
Hệ thống chuồng trại của các Trung tâm, trạm trại đều được xây dựng, cải tạo nâng cấp, mở rộng khu chăn nuôi để nuôi giữ các nguồn gen có năng suất cao một cách ổn định với quy mô hợp lý trên các địa bàn khác nhau trong cả nước.
Năm 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào động vật tại Viện Chăn nuôi, với các hệ thống thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu đánh giá di truyền phân tử, tinh, phôi, ADN…
Những cơ sở vật chất này giúp cho công tác bảo tồn, lưu giữ và tạo giống được đảm bảo an toàn hơn và từng bước khai thác, phát triển hợp lý giá trị kinh tế của các đối tượng nguồn gen.
Lê Thị Bình và Phạm Công Thiếu, Viện Chăn nuôi
Võ Văn Sự và Nguyễn Văn Đức, Hội Chăn nuôi Việt Nam