Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, từng là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: Cơ cấu lại nông nghiệp phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp lớn - những "đại bàng". Tuy nhiên, trong tự nhiên có "đại bàng" và "chim sẻ".
Thứ trưởng Bộ NN&PNT Lê Minh Hoan
Trao đổi với báo chí chuyện phát triển nông nghiệp và nông thôn, bên lề Đại hội XIII của Đảng sáng 29-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng ta muốn có nhiều 'đại bàng' để dẫn dắt nhưng cũng không được quên 'chim sẻ' - các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang đầu tư ở các địa phương. Giá trị có thể không cao nhưng hợp lực các 'chim sẻ' sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa".
Giữ chân thanh niên nông thôn
* Nghĩa là theo ông, cần có cơ chế tạo "đất sống" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp?
- Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương, tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn.
Các cơ quan truyền thông hãy trân quý, tôn vinh và phát hiện các doanh nghiệp này. Như vậy mới có điều kiện thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm. Nhất là các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Các doanh nghiệp, các bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại, trở về khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp, từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng không kém các "đại bàng".
* Đây sẽ còn là một kênh níu thanh niên nông thôn ở lại quê nhà, bớt đi xa mưu sinh?
- Nếu đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về nơi các em, các cháu sinh ra. Chúng ta sẽ không còn phải ca cẩm thanh niên bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi Bình Dương, Đồng Nai...
Vậy phải có chính sách kích hoạt, càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, càng có nhiều nhà đầu tư đến, sẽ có hệ sinh thái nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết. Hệ sinh thái khởi nghiệp đó cũng là điều kiện để kéo các "đại bàng" về hoạt động, vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, vừa tạo ra giá trị cho nông dân.
Muốn nông dân nghe thì phải có đầu ra cho nông sản
* Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn. Đến thời điểm nào sẽ chấm dứt được cảnh "rau hai luống"?
- Thời gian vừa rồi một bộ phận nông dân đã nhận thức về việc này, về rủi ro thị trường. Tuy nhiên, quán tính của người nông dân và cách sản xuất lạm dụng yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định, vẫn tồn tại. Ngành nông nghiệp phải xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái hay mất đi đa dạng sinh học, thậm chí là uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Phải làm sao để chất lượng nông sản không phải là do yêu cầu thị trường mà của người sản xuất, xã hội hiểu rằng không thể đánh đổi tăng trưởng bằng ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng.
Mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn, cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp "thuận thiên". Ban đầu năng suất có thể giảm xuống, nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập. Vì chất lượng nông sản, thương hiệu được nâng lên thì giá bán cũng cao lên.
Nếu chúng ta quyết tâm, cơ quan truyền thông kiên nhẫn, hóa giải được thói quen của người nông dân, thì đúng văn kiện đại hội nêu: Chúng ta sẽ chuyển đổi được sang nông nghiệp sinh thái, tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
* Chúng ta có học hỏi mô hình của quốc gia hiện đại nào trong việc phát triển nông nghiệp không?
- Chúng ta cũng giao lưu, chắt lọc các kinh nghiệm, giá trị trong phát triển nông nghiệp của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Thái Lan... Khi giao lưu thì phải tìm ra được "từ khóa" vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia có lịch sử, văn hóa và xuất phát điểm khác nhau.
* Trong mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo ông, nông nghiệp sẽ đóng vị trí, vai trò như thế nào trong nền kinh tế?
- Thay đổi nhận thức chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao lên, tiến tới phải kích hoạt để tạo được đầu ra ổn định. Khi đó đầu vào sẽ tự động điều chỉnh, co giãn theo thị trường. Lúc đó chúng ta có thể trở thành không chỉ một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở top đầu thế giới, mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản của mình. Đó mới là hình ảnh nông nghiệp của chúng ta trong tương lai.
Để có được điều đó phải có sự tham gia của các viện, trường, chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, rất nhiều bộ, ngành khác nhau... Liên kết giữa các vùng nguyên liệu, thông tin thị trường cần được cập nhật thường xuyên đến người sản xuất...
VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
Nguồn: Báo Tuổi trẻ