Tổng quan ngành sữa New Zealand

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Tổng quan ngành sữa New Zealand
Ngày đăng bài - 4/3/2017 12:00:00 AM
Tổng quan ngành sữa New Zealand

1. Giới thiệu

Ngành sữa New Zealand có lịch sử phát triển từ năm 1814, từ đó đến nay ngành này liên tục phát triển và trở thành ngành công nghiệp toàn cầu mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Hiện nay, đàn bò sữa của New Zealand có 5,8 triệu con, sản lượng sữa 21 tỷ lít sữa, chiếm 3% sản lượng sữa thế giới, là quốc gia sản xuất sữa lớn thứ 8 trên toàn cầu. Chăn nuôi bò sữa tập trung chủ yếu ở đảo bắc: 73% tổng đàn bò sữa, 57% tổng sản lượng sữa. 95% lượng sữa sản xuất ra được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, ngược với xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới là sản xuất sữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Trong những năm gần đây, mặc dù giá sữa thế giới giảm tuy nhiên New Zealand vẫn là quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, sữa xuất khẩu của nước này chiếm 35% thị phần trên toàn cầu và đóng góp 25% ngoại tệ của kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành sữa hàng năm đạt mức trung bình 14.4 triệu USD. Giá trị xuất khẩu của ngành sữa tăng từ 15% năm 1990 lên 29% năm 2016, sau khi đạt đỉnh 35% năm 2014. Trong vòng 26 năm qua, giá trị xuất khẩu của ngành sữa tăng trưởng 7,2%/năm. Năm 2016, mặc dù ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng mạnh, tổng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đạt 10 tỷ USD vẫn thấp hơn giá trị xuất khẩu của ngành sữa. Tính đến tháng 3/2016, giá trị xuất khẩu của ngành sữa có giá trị xuất khẩu cao nhất so với tất cả các ngành hàng xuất khẩu, gấp đôi so với ngành thịt, 4 lần ngành gỗ và gần 9 lần so với rượu vang. Sản phẩm sữa xuất khẩu chủ yếu là sữa gầy, sữa bột nguyên kem và kem.

2. Vai trò của ngành sữa đối với nền kinh tế

2.1. Đóng góp đối với tổng thu nhập quốc dân (GDP) và tạo việc làm

          

New Zealand nổi tiếng thế giới về các sản phẩm sữa và là quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới. Trong hơn 15 năm qua, ngành sữa đã đóng góp đáng kể cho kinh tế của New Zealand với tốc độ tăng trưởng 3,5% năm và số lượng việc làm được tạo ra tăng 1,7%/năm. Năm 2016, ngành sữa đóng góp 7,8 tỷ USD (tương đương 3,5%) cho tổng GDP trên cả nước trong đó 5,96 tỷ từ chăn nuôi bò sữa và 1,88 tỷ từ chế biến sữa. Hiện nay, ngành này tạo ra việc làm cho 40.000 người (trong đó 27.500 việc làm tại các trang trại và hơn 13.000 việc làm tại các cơ sở chế biến sữa). Ngành sữa luôn tạo ra nhiều việc làm hơn so với các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng việc làm do ngành nông nghiệp tạo ra là 0,6%, ngành lâm nghiệp và thủy sản là 1%/năm.

2.2. Tạo thu nhập cho hộ gia đình

Năm 2016, ngành sữa đã tạo ra 2.4 tỷ tiền lương cho người chăn nuôi bò sữa và người lao động làm việc trong lĩnh vực chế biến sữa với mức lương trung bình cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người (34.000 USD/năm) cũng như các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành chế biến thực phẩm khác. Thu nhập trung bình của người chăn nuôi bò sữa 54.640 USD, chăn nuôi hươu 48,320 USD, trồng nấm gần 40.000 USD, nuôi cừu và bò thịt 42.000 USD, trồng cây ăn quả và cây lấy hạt khoảng 42.000USD. Lương trung bình của người lao động làm việc trong ngành chế biến sữa là 72.910 USD cao hơn so với các ngành chế biến thực phẩm khác 58.200 USD.

2.3. Các tác động của ngành sữa đối với tăng trưởng kinh tế


Ngành sữa không chỉ có tác động trực tiếp tới tăng trưởng xuất khẩu, việc làm và gia tăng thu nhập mà nó còn có vai trò quan trọng đối với các hoạt động hỗ trợ các thành phần kinh tế khác của New Zealand.

Năm 2016, doanh thu của người chăn nuôi bò sữa đạt 12,2 tỷ USD, trong khi đó họ chi 711 triệu USD cho phân bón và hóa chất cho nông nghiệp, 393 triệu USD cho trồng cỏ và 190 triệu USD cho máy nông nghiệp. Đồng thời, người chăn nuôi bò sữa còn đầu tư vào hệ thống xử lý môi trường với mức trung bình 90.000USD/trang trại. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào của chế biến sữa chiếm khoảng 18.8 tỷ USD (đóng gói: 288 triệu, thuê thiết bị 199 triệu) góp phần thúc đẩy ngành phụ trợ cho công nghiệp chế biến sữa.

Ngoài ra, ước tính hàng năm người chăn nuôi bò sữa chi 5,7 tỷ USD cho giải trí, quần áo, du lịch.

Mục tiêu của Chính phủ New Zealand phấn đấu giá trị xuất khẩu ròng của ngành sữa sẽ đạt 64 tỷ USD vào năm 2025.

3. Nhân tố đóng góp cho sự thành công của ngành sữa

Từ năm 1984, Chính phủ New Zealand đã loại bỏ toàn bộ chính sách hỗ trợ, bảo hộ đối với nông nghiệp và là bước đột phá góp phần tạo sự thành công phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng. Những nhân tố đóng góp cho thành công của ngành sữa bao gồm:


Việc loại bỏ chính sách hỗ trợ và hàng rào thuế quan đã thúc đẩy nhà sản xuất sữa tự nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng triệt để các lợi thế sẵn có: điều kiện tự nhiên thuận lợi (khí hậu ôn hòa, đồng cỏ tốt) kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến quản lý sản xuất. Nhờ đó, ngành sữa đạt được thành công đáng kể.


Phương thức liên kết phát triển sản xuất giữa chủ sở hữu trang trại, quản lý trang trại góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của ngành sữa. Việc chia sẻ chi phí sản xuất và lợi nhuận thu được giữa chủ trang trại và người quản lý trang trại của họ góp phần phát triển nguồn nhân lực làm việc tại các trang trại chăn nuôi bò sữa một cách bền vững. Hiện nay, phương thức sản xuất này chiếm 40% trong hệ thống chăn nuôi bò sữa. 


Công nghiệp chế biến sữa phát triển hỗ trợ tích cực cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Fonterra – công ty chế biến sữa lớn nhất New Zealand được thành lập theo quy định tại Luật tái cơ cấu ngành sữa năm 2001. Sự hình thành công ty này đã tạo ra sự độc quyền của Fonterra trong ngành sữa, tuy nhiên chính sách này hỗ trợ để tạo ra năng lực cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường quốc tế thông qua sản xuất sản phẩm sữa có chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm ở quy mô lớn bởi tăng trưởng xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với ngành sữa.


Mặt khác, Chính phủ New Zealand đã đàm phán thành công về tự do hóa thương mại mở ra thị trường xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa tới 100 nước trên thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu là nhân tố quan trọng đối với phát triển bền vững ngành sữa.

Nguồn: www.nzier.org.nz (Feb 2017) và www.dairynz.com
Thạc sĩ Hoàng Thiên Hương – Phòng Gia Súc Lớn – Cục Chăn nuôi

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập